Matt Mahan

ads header

Breaking News

Chính trị và người Mỹ gốc Việt tại San Jose

Cộng đồng người Việt đến Quốc Hội CA để nhận Quyết Nghị Tháng Tư đen của TNS Janet Nguyễn ngày 23/4/2015.
Bây giờ là cuối muà xuân năm 2015.  Buổi sáng trời còn se lạnh trên Thung Lũng Hoa Vàng -Silicon Valley - một vùng kỹ nghệ điện tử nổi tiếng cuả tiểu bang California, Hoa Kỳ và cả thế giới.  Nơi đây đã sản sinh ra bao nhiêu phát minh, sáng chế làm thay đổi đời sống con người, làm cuộc sống thú vị hơn, tiện lợi hơn, hạnh phúc hơn như máy vi tính, cell phones, trò chơi điện tử, internet, xe chạy bằng điện…  Nơi đây đã cho ra đời những công ty nổi tiếng như Intel, Hewlett Packard, Apple Computer, Google, Face Book, Tesla… Và cũng chính nơi đây, vùng đất lành chim đậu này, người Việt tị nạn cộng sản đã đến sinh sống, lập nghiệp từ những ngày đầu bùng nổ cuả kỹ nghệ điện tử, vi tính, và góp phần không nhỏ vào nền kinh tế sinh động, luân chuyển không ngừng, ngày càng đầy sáng tạo, đầy sức sống.

Năm nay tuy không khí muà hè đến chậm nhưng không khí sinh hoạt chính trị, đặc biệt trong cộng đồng người Việt bắc Cali, đã và đang bắt đầu nóng.

Người đầu tiên phát động cuộc tranh cử vào chức vụ dân biểu tiểu bang California (State Assembly) vào năm 2016 là nhà đấu tranh dân chủ, kỹ sư Đỗ Thành Công.  Kỹ sư Công còn có bằng Cao Học về Quản Trị Kinh Doanh (MBA).  Kỹ sư Đỗ Thành Công đã chính thức tuyên bố ra tranh cử vào cuối năm 2014 mở đầu cho cuộc chạy đua vào chức vụ dân biểu tiểu bang Cali điạ hạt 27 bao gồm thành phố San Jose và vùng phụ cận.

Kỹ sư Đỗ Thành Công, một người trai trẻ, là mẫu người yêu nước đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm và dấn thân tranh đấu cho tự do, dân chủ cho Việt Nam cũng như sự tồn vong cuả đất nước trước hiểm hoạ xâm lăng cuả Trung cộng.  Kỹ sư Công đã hy sinh cuộc sống cá nhân và gia đình tại Hoa Kỳ cho công cuộc đấu tranh chống cộng sản độc tài bằng những hoạt động gan dạ và thiết thực.  Năm 2006 ông bí mật về Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh cùng anh em trong tổ chức mong chuyển hoá đất nước.  Cộng sản Việt Nam đã bắt giam ông vào tháng 8 năm 2006 và ghép ông vào tội “khủng bố”.  Trong tù ông tiếp tục đấu tranh qua cuộc tuyệt thực liên tục trong 38 ngày đêm để phản đối chế độ.  Vào ngày tuyệt thực thứ 38, khi sức đã cùng, lực đã kiệt thì cũng là lúc thắng lợi đã đến với ông khi nhà cầm quyền cộng sản buộc phải trả tự do cho ông vào ngày 21 tháng 9 năm 2006 do áp lực mạnh mẽ cuả quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ (thời Tổng Thống George W. Bush) và qua sự vận động quyết liệt không ngừng cuả gia đình ông, cộng đồng Việt Nam khắp nơi trên nước Mỹ cùng các tổ chức nhân quyền trên thế giới.

Công an CSVN đang áp giải ông Đỗ Thành Công ra phi trường TSN trục xuất ông về Mỹ năm 2006
Khi trở lại Hoa Kỳ, Đỗ Thành Công vẫn tiếp tục dấn thân vào đường hoạt động mạnh mẽ hơn.   Ông đi khắp nơi điều trần với các cơ quan hành pháp và lập pháp Mỹ về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.  Ông liên lạc, vận động, làm việc với nhiều nghị sĩ Mỹ như Nghị Sĩ John McCain (Arizona), Barbara Boxer (California), Chuck Hagel (Nebraska), và các dân biểu như Dân Biểu William Delahunt (Massachutsetts), Ed Royce (California), Mike Honda (California),  Loretta Sanchez (California) và đặc biệt là  Dân Biểu Zoe Lofgren (California), người đã tích cực vận động chính phủ Hoa Kỳ áp lực Hà nội phải thả ông ra khỏi tù.  Đồng thời ông cung cấp tin tức và làm việc cùng các tổ chức nhân quyền thế giới như Human Rights Watch, Amnesty International, Reporters Without Borders nhằm áp lực nhà cầm quyền Hà Nội phải thả tù nhân lương tâm và bảo vệ anh em hoạt động dân chủ trong nước.
Vào tháng 5 năm 2007, tổng thống George W. Bush đã mời kỹ sư Đỗ Thành Công cùng 3 vị lãnh đạo đảng phái và nhân quyền gốc Việt đến toà Bạch Ốc nói chuyện, tham vấn về đường lối cuả Hoa Kỳ đối với Việt Nam trước khi ông tiếp chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết sẽ sang Mỹ vào tháng 6 cùng năm.
Giờ đây kỹ sư Đỗ Thành Công quyết định tham gia vào hoạt động chính trị dòng chính tại Hoa Kỳ vì theo kinh nghiệm cuả ông, quốc hội Hoa Kỳ là nơi gây áp lực lên nhà cầm quyền cộng      sản Việt Nam rất hữu hiệu.

Sau khi kỹ sư Đỗ Thành Công tuyên bố ra tranh cử thì một người Mỹ gốc Việt thứ hai cũng ra tranh cử vào cùng chức vụ với kỹ sư Công. Đó là bà Madison Nguyễn.  Bà Madison vừa chính thức công bố tranh cử vào tháng 4 năm 2015 vừa qua.

Bà Madison Nguyễn trong tiệc tranh cử chức vụ dân biểu tiểu bang Califonrnia.
Madison là khuôn mặt chính trị nữ vừa quen thuộc vừa mang nhiều tranh cãi trong cộng đồng Việt Nam tại San Jose.  Năm 2005 với sự ủng hộ nhiệt tình cuả cộng đồng người Việt tại San Jose, bà ra tranh cử chức nghị viên thành phố trong một cuộc bầu cử đặc biệt nhằm thay thế Terry Gregory vừa từ chức vì những vụ nhận quà cáp bê bối.  Với sự ủng hộ nồng nhiệt cuả cộng đồng người Việt tại San Jose,  Madison đã đắc cử vào chức vụ nghị viên hội đồng thành phố khu vực 7, San Jose,  nơi qui tụ khá đông dân cư và các cơ sở buôn bán cuả người Việt.  Lúc bấy giờ Madison là khuôn mặt sáng giá trong chính trường điạ phương và là niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt tại San Jose.

Mọi việc tưởng chừng êm xuôi thì vào năm 2007 một biến cố xảy ra làm rung chuyển thành phố San Jose và cộng đồng người Việt tại đây.  Trong khu thương mại gồm nhiều thương hiệu   người Việt toạ lạc trên khúc đường Story Road giữa xa lộ 101và đường Senter có một khu mới đang được xây hưá hẹn nhiều phát triển cho doanh thương người Việt.  Thành phố San Jose muốn vinh danh những đóng góp cuả cộng đồng người Việt trong các lãnh vực văn hoá, kinh tế… bằng cách dành đoạn đường này cho người Việt tự đặt tên và trình bày theo màu sắc văn hoá Việt Nam.  Ban đầu, nghị viên Madison đề nghị lấy tên là Vietnam Town. Một số nhà hoạt động cộng đồng đề nghị tên Little Saigon, phản ảnh quan điểm cuả người Việt tị nạn cộng sản đến sinh sống nơi đây, phỏng theo khu Little Saigon tại Orange County và các thành phố khác có đông người Việt.  Nghị viên Madison đã bác bỏ đề nghị này và muốn thay bằng một tên khác của bà là Saigon Business District.  Khi có nhiều cư dân không đồng ý và muốn có tên là Little Saigon, hội đồng thành phố San Jose đã làm một cuộc thăm dò xem những cư dân trong vòng 1,000 feet quanh khu vực sẽ đặt tên gì cho khu thương mại này.  Kết quả cuộc thăm dò là tên Little Saigon được đa số 44 phiếu.  Tên Saigon Business District về chót với 7 phiếu.  Nghị viên Madison đã làm ngơ trước kết quả cuộc thăm dò theo ý nguyện cuả người dân, vẫn khăng khăng giữ ý kiến cuả mình và ra sức vận động thêm 5 nghị viên khác trong hội đồng thành phố ủng hộ cái tên do bà chọn.  Điều này làm bộc phát nhiều cuộc biểu tình phản đối và gây phẩn nộ trong cộng đồng Việt tại San Jose.  Cuối cùng sau nhiều cuộc đấu tranh bền bỉ cuả cư dân San Jose, nhiều nghị viên khác cuả thành phố cũng đã hiểu nguyện vọng cuả dân chúng và chấp thuận tên Little Saigon.

Sau biến động này, đa số cư dân San Jose đã không còn tín nhiệm nghị viên Madison nữa.  Vấn đề không phải chỉ là cái tên cho khu vực mà là sự mập mờ, lấp liếm trong quá trình sự việc xảy ra.  Nghị viên Madison đã đặt cái tôi cuả mình quá cao, đã xem thường cư dân mà lẽ ra bà phải lắng nghe ý nguyện cuả họ vì bà đã được họ chọn làm đại diện cho họ.

Nghị viên Madison đã làm một việc rất phản dân chủ trong một đất nước mà nền móng dân chủ được xem là lẽ sống!

Năm 2011, nghị viên Madison Nguyễn được thị trưởng Chuck Reed cất nhắc lên làm phó thị trưởng thành phố San Jose sau khi phó thị trưởng Dave Cortese rời chức vụ này.  Madison mãn nhiệm năm 2014.

Tháng 6 năm 2014 vừa qua bà Madison đã thua khi ra tranh cử chức vụ thị trưởng San Jose - dù được đương kim thị trưởng lúc bấy giờ là Chuck Reed ủng hộ hết mình - vì Madison không còn được phiếu ủng hộ cuả đa số người Mỹ gốc Việt tại đây.  Trong vòng bầu cử sơ bộ, Madison thua Sam Liccardo 3,227 phiếu.  Nếu được số phiếu cuả đa số người Việt, bà đã vào được vòng chung kết và có thể đánh bại Dave Cortese.  Đây là bài học khá đắt giá cho Madison!

Phiá các ứng cử viên không phải gốc Việt gồm có:

Nghị viên Ash Kalra gốc Ấn Độ sinh trưởng tại Canada sang Mỹ năm 7 tuổi.  Ông Ash hiện là nghị viên thành phố San Jose và sẽ mãn nhiệm vào năm 2016.  Ash được nghiệp đoàn lao động ủng hộ nên ông ta sẽ là đối thủ đáng kể tranh cử ghế dân biểu với ứng cử viên gốc Việt.

Darcie Green gốc Mỹ La Tinh (Latino).  Darcie từng được bổ nhiệm vào Ủy Ban Giáo Dục quận Santa Clara năm 2013, nhưng sau 5 tháng, Darcie phải từ chức vì rắc rối liên quan đến nơi cư ngụ thật cuả bà.  Darcie không có căn bản về hoạt động chính trị nhưng lại được khối dân Mễ ủng hộ nên cũng có một lực lượng không nhỏ.

Cuộc chạy đua vào ghế dân biểu tiểu bang California điạ hạt 27 vào tháng 6 năm 2016 hứa hẹn nhiều sôi nổi, hào hứng.

Trong khi đó thì cái nóng bắt đầu rực lửa về cuộc bầu cử cấp nghị viên đang diễn ra:  Cuộc bầu cử đặc biệt vào chức nghị viên thành phố San Jose khu vực 4 thay thế nghị viên Kansen Chu vừa rời chức vụ.

Phiá người Mỹ gốc Việt có nhà truyền thông Nguyễn Mạnh.  Ông Mạnh là cư dân trong khu vực 4, một khu vực thuộc miền bắc San Jose giáp với thành phố Milpitas, California.  Ông Mạnh cũng là chủ tờ báo Việt Nam Tự Do có tiếng lâu đời phục vụ cộng đồng Việt Nam tại đây đồng thời cũng là người thành lập chương trình phát thanh Việt Nam Tự Do.  Qua chương trình này ngoài việc chuyển tải thông tin đến cho đồng hương, ông còn tích cực tham gia, phỏng vấn nhiều nhân vật trong cộng đồng gồm các vị dân cử, các ứng cử viên, các nhà hoạt động cộng đồng v.v.  Với những nhận định và câu hỏi sắc bén, ông đã đem lại một sinh khí hào hứng cho giới truyền thông Việt ngữ tại bắc Cali.

Cùng vào vòng chung kết với ứng cử viên Nguyễn Mạnh là ôngTim Orozco, trước sống tại San Diego, California và mới về vùng San Jose năm 2012.  Tim từng làm nhân viên cho bà dân biểu tiểu bang California Toni Atskin, khu vực San Diego.  Hiện nay ông làm phụ tá cho nghị sĩ tiểu bang California,  khu vực Fremont,  Bob Wieckowski.  Tim thú nhận đã 2 lần bị phạm tội say rượu lái xe cách đây 30 năm và 17 năm.  Tim hiện sống với mẹ tại San Jose và làm việc bán thời gian để sinh sống.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày 7 tháng 4 năm 2015, nhà báo Nguyễn Mạnh đã đánh bại 8 đối thủ, trong đó có 3 đối thủ người Việt là luật sư Diệp Thế Lân, Nguyễn Khoa, và Johnny Lee.  Ông Mạnh đã thắng luật sư Lân với tỉ số khít khao là 1,947 phiếu so với 1,934 phiếu!  Người dẫn đầu là ông Tim Orozco với số phiếu 2,243 chỉ hơn ông Mạnh 296 phiếu.

Nhìn cục diện tranh cử như thế chúng ta có thể nói rằng:  Nếu không bị chia phiếu, nghiã là nếu    chỉ có một ứng cử viên gốc Việt Nguyễn Mạnh thì dẫn đầu vòng sơ bộ là ông Mạnh chứ  không phải Tim Orozco.

Việc nhiều ứng cử viên Việt ra tranh cử tạo nên sự chia phiếu là mối quan tâm lớn cuả nhiều nhà hoạt động cộng đồng Việt trong vùng hiện nay.

Dù bị chia phiếu, việc ông Mạnh vào được vòng chung kết là một thành tích đáng kể.  Và với những vận động tích cực, bền bỉ, vào ngày bầu chung kết 23 tháng 6, 2015 tới đây việc ông Mạnh đắc cử vào chức vụ nghị viên khu vực 4 là điều có thể xảy ra với xác xuất khá cao nếu cử tri người Việt đồng lòng ủng hộ và bỏ phiếu cho ứng cử viên Nguyễn Mạnh.

Về phương diện chính trị nội bộ thành phố San Jose, việc ông Mạnh trở thành nghị viên sẽ làm nghiêng cán cân lực lượng giữa 2 khối: Khối Nghiệp Đoàn Lao Động (Labor Union) ủng hộ Tim Orozco, và khối Phòng Thương Mại (San Jose Silicon Valley Chamber of Commerce) cùng 4 thị trưởng ủng hộ cho ông Nguyễn Mạnh gồm thị trưởng San Jose Sam Liccardo, cựu thị trưởng San Jose Chuck Reed, thị trưởng Milpitas Jose Esteves, và thị trưởng Campbell Jeff Christina.  Ngoài ra tờ nhật báo San Jose Mercury News cũng lên tiếng chính thức ủng hộ nhà báo Nguyễn Mạnh.  Nhưng quan trọng nhất vẫn là lá phiếu cuả khối cử tri gốc Việt.

Về phiá người Việt, nếu có thêm được một nghị viên người Mỹ gốc Việt nữa vào hội đồng thành   phố là một niềm hãnh diện lớn cho cộng đồng Việt Nam tại San Jose và miền bắc California.   Đồng thời sự kiện này sẽ tạo ra một lực lượng chính trị mới đáng kể, và đáng nể, đó là Khối Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Nguyễn Xuân Hiệp
San Jose ngày 5 tháng 6, 2015
hlllm2008@yahoo.com