Mỹ kiên quyết ngăn chận tham vọng của Trung Quốc
Không ảnh cho thấy cảnh Trung Quốc bồi đắp các đảo ở Trường Sa, 11/05/2015. |
(RFI) Sau vụ hải quân Trung Quốc nhiều lần cảnh báo máy bay do thám của Mỹ trên không phận Biển Đông ngày 20/05/2015, Washington tuyên bố vẫn tiếp tục các chuyến bay tuần tra này, tỏ quyết tâm ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua việc xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng này.
Khi tường thuật về vụ nói trên, đài truyền hình Mỹ cũng đã chiếu một số hình ảnh Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp, xây dựng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này gây lo ngại không chỉ các nước láng giềng mà cả Hoa Kỳ. Đặc biệt Lầu Năm Góc rất lo ngại khi thấy các cơ sở quân sự được xây trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có thể được dùng làm nơi phóng các vũ khi địa, hải, không, mà như vậy sẽ làm tăng chi phí mọi hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng này để đối phó. Theo hãng tin Reuters, Hoa Kỳ có thể sẽ không có đủ nguồn lực để chống lại các hoạt động nói trên của Trung Quốc.
Bên cạnh mốì quan ngại về quân sự, Hoa Kỳ còn lo ngại về quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhất là Bắc Kinh có vẻ như cũng muốn thiết lập tại đây một vùng nhận dạng phòng không tương tự như ở vùng biển Hoa Đông.
Để đối phó với hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, kể từ tháng Giêng năm nay, Hoa Kỳ đã gia tăng các chuyến bay giám sát và các chuyến tuần tra trên biển ở khu vực Biển Đông. Đặc biệt gần đây Mỹ đã cho tiến hành các chuyến bay tuần tra của máy bay giám sát hiện đại nhất P-8A Poseidon bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng. Bất chấp những cảnh báo của hải quân Trung Quốc ngày 20/05 và bất chấp phản đối của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 22/05, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục các chuyến bay tuần tra bên trên những đảo nhân tạo này, vì đối với Mỹ, đó là không phận quốc tế.
Rất có thể là máy bay giám sát P-8A Poseidon sẽ tiếp tục được sư dụng để bay tuần tra trên khu vực này, vì đây là một loại phi cơ đa năng, không chỉ có chức năng ghi các hình ảnh, thu thập các dữ liệu, mà còn có chức năng săn tàu ngầm và bắn tên lửa diệt hạm. Hải quân Mỹ đã tiếp nhận 21 chiếc P-8 vào tháng 01/2015 và có thể đặt mua tổng cộng đến 117 chiếc.
Ngoài ra Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét phương án gởi các chiến hạm đến vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, cụ thể là trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo này, vì đối Washington, đó cũng là vùng biển quốc tế, mà tất cả các nước đều có quyền tự do lưu thông.
Như vậy là sau khi các lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Obama đến Ngoại trưởng Kerry đã ra những tuyên bố quan ngại về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington nay quyết tâm dùng các phương tiện quân sự để đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông. Nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc ở khu vực này ngày càng tăng.