Matt Mahan

ads header

Breaking News

Chương trình Vinh Danh và Tri Ân Ân Nhân ở TT Kennedy

35 người tị nạn Việt Nam chờ đợi để được đưa lên tàu hải quân USS Blue Ridge (LCC-19) của Hoa Kỳ. Họ được cứu thoát từ một chiếc thuyền đánh cá 350 dặm ngoài khơi Vịnh Cam Ranh, sau tám ngày lênh đênh trên biển.
Chương trình Vinh Danh và Tri Ân Ân Nhân ở Trung tâm Kennedy

(VOA) Với truyền thống ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ của văn hoá Việt, 40 năm từ khi bắt đầu định cư tại các nước tự do, những người tỵ nạn Việt Nam ở nhiều nước, như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Pháp và nhiều nước Âu Châu khác đua nhau tổ chức những buổi lễ để bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với những người đã hy sinh trong cuộc chiến, và những ân nhân đã mở vòng tay nhân ái, cứu vớt, tiếp nhận và giúp người tỵ nạn xây dựng lại cuộc sống. Tại Washington, một buổi lễ vinh danh và tri ân sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 6 và do Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tổ chức. Mục Đời sống Văn hoá của Đài VOA do Hoài Hương phụ trách, xin được dành để gửi tới quý vị câu chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, về ý nghĩa của buổi lễ và một số chi tiết của chương trình văn nghệ được lồng vào lễ tri ân.

Buổi lễ vinh danh và tri ân do Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tổ chức sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hoá quốc gia hàng đầu của Hoa Kỳ, Kennedy Center, toạ lạc ở thủ đô nước Mỹ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho biết lý do Kennedy Center đã được chọn để cử hành buổi lễ, và các đối tượng sẽ được vinh danh.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: "Đây là nơi trang trọng, xứng đáng để vinh danh. Chúng ta tri ân những người đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng tự do ở miền Nam Việt Nam trước đây. Những người tỵ nạn đã được thừa hưởng bao nhiêu ân huệ của những người này, thì chúng ta cần phải vinh danh và tri ân họ. Chúng ta cũng cần phải vinh danh và tri ân đất nước và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang bao nhiêu người tỵ nạn Việt Nam có được cuộc sống tự do có nhân phẩm có cơ hội để thành đạt và những thế hệ sau có tương lai ở một đất nước tự do và dân chủ. Đặc biệt chúng ta phải vinh danh những người đã luôn luôn tranh đấu bảo vệ cho thuyền nhân như là Dân biểu Christopher Smith, nhiều vị dân biểu khác và Thượng nghị sĩ – đặc biệt là rất nhiều người Mỹ âm thầm đã đi xây dựng và can thiệp cho những thuyền nhân được có một mái nhà che chở khi mà họ đang lánh nạn ở các nước Đông Nam Á."

Giám đốc điều hành BPSOS nói không phải bỗng dưng mà các trại tỵ nạn mọc lên ở Đông Nam Á, mà đã có rất nhiều người Mỹ xả mình, xông xáo tìm đến những nơi xa xôi ở các quốc gia Đông Nam Á để góp một bàn tay, dựng các trại hầu có thể tiếp nhận người tỵ nạn.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: "Có những người Mỹ đã lao mình vào các quốc gia, các hòn đảo xa xôi ở Malaysia, Indonesia, Phi Luật Tân để dựng lên những cái chòi đầu tiên và xây dựng những cơ sở để trở thành những trại tỵ nạn, đó là những người chúng ta cần vinh danh."

Buổi lễ vinh danh và tri ân đi kèm với một chương trình văn nghệ đặc sắc.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: "Đây là một chương trình biểu diễn nghệ thuật, chúng tôi chọn 8 thành phần để vinh danh và tri ân. Cứ mỗi một thành phần như vậy – có thể là cá nhân, hoặc một tổ chức, người Việt hoặc là người Mỹ, cá nhân thì hoặc còn sống hoặc đã qua đời, thì chúng tôi dùng họ làm cái biểu tượng cho sự chiến đấu hào hùng của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà, cũng như lòng nhân đạo của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ sau 1975. Mỗi một thành phần được vinh danh như vậy, lại có một tiết mục văn nghệ biểu diễn phù hợp với người hoặc tổ chức được vinh danh."

Chương trình tri ân sẽ do hai MC Mỹ gốc Việt điều khiển. Tiến sĩ Thắng nói hai người trẻ tuổi này được coi như một biểu tượng của sự thành công của cộng đồng người Viêt tỵ nạn sau 40 năm định cư ở Hoa Kỳ. Người đầu tiên là cô Cung Hoàng Kim, đương kim hoa hậu Mỹ ở bang Nebraska, và cũng là hoa hậu Mỹ gốc Việt đầu tiên sẽ ra tranh giải Hoa hậu Toàn quốc Hoa Kỳ. Cô Kim tốt nghiệp bằng cử nhân tại Đại Học Texas ở Austin, và đang là người dẫn chương trình tin tức cho đài truyền hình NBC ở Nebraska.

Bên cạnh cô MC đa tài này là Trung tá Hải quân Christopher Phan, quý vị có lẽ chưa quên luật sư Phan, một khách mời đặc biệt của VOA, Chris Phan nay đã rời bỏ quân ngũ và hiện là nghị viên của thành phố Garden Grove, bang California.

Trang mạng của BPSOS, tờ Mạch Sống, có phổ biến các tiêu chuẩn để chọn những nhân vật tiêu biểu cần được tri ân và vinh danh, trên danh sách những người được chọn, có một người được giới thiệu là binh nhất Trần Văn Bảy. Ông Trần Văn Bảy đã hy sinh để cứu sống một chiến binh Mỹ, do đó ông được truy tặng huân chương anh dũng bội tinh của Tổng thống Hoa Kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết ông là lính bộ binh độc nhất của Việt Nam Cộng Hoà nhận huy chương này, và trong suốt cuộc chiến chỉ có hai người Việt Nam được huy chương này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: "Chúng tôi chọn ông Trần Văn Bảy dù chỉ là một binh nhất nhưng mà là một anh hùng để mà biểu tượng cho toàn bộ quân đội Việt Nam Cộng Hoà, rất nhiều chiến sĩ vô danh, và tử sĩ vô danh."

Lời tri ân gửi tới những người từng cầm súng chiến đấu để bảo vệ tự do cho miền Nam, dù sứ mạng ấy đã không hoàn thành, liệu có quá muộn màng?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: "Chúng tôi thấy rằng 40 năm khá trễ nhưng hãy còn kịp để mà vinh danh và tri ân. Thực sự ra những sự chiến đấu ấy tuy rằng không hoàn tất được sứ mạng của mình để bảo vệ miền Nam, bảo vệ lý tưởng tự do nhưng không phải là thất bại. Hiện nay có 4 triệu người Việt ở khắp Hoa Kỳ và thế giới tự do, và cuộc vận động tranh đấu cho một lý tưởng tự do cho dân tộc Việt Nam vẫn được tiếp tục, bao nhiêu cuộc tổng vận động tại quốc hội Hoa Kỳ, bao nhiêu người tranh đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc và đất nước Việt Nam, đấy là sản phẩm của những hy sinh cách đây 40 năm."

40 năm xa xứ, 40 năm người Việt làm lại cuộc đời, đa số với 2 bàn tay trắng, thì cũng ngần ấy năm mà Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển hiện diện trong các sinh hoạt của cộng đồng. BPSOS giờ đã thay đổi về mục đích, đối tượng cũng như đường lối hoạt động, nhưng tổ chức này vẫn duy trì tên cũ, là Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển. Giám đốc điều hành BPSOS cho biết lý do:

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: "Cái tên Boat People SOS nó gắn liền với cái lai lịch, cái căn cước của người tỵ nạn Việt Nam, khi nhắc đến tên này là mọi người biết ngay là đây là một tổ chức của người Việt tỵ nạn, là biểu tượng cho một sự đeo đuổi lý tưởng tự do bằng mọi giá. Hành trình tới tự do chỉ mới đi được có nửa đoạn đường, nửa đoạn đường còn lại là những người đã có tự do cần phải giúp cho cả nước Việt Nam cũng đến tự do trong một tương lai gần."

Chương trình Vinh Danh và Tri Ân Ân Nhân “Hành trình tới Tự Do” do Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 19 tháng 6 năm 2015 tại Kennedy Center ở thủ đô Washington, vé có thể được đặt mua tại http://www.ourjourneytofreedom.org/buying-tickets/ hoặc bằng cách liên lạc cô Kim Cúc: kimcuc.le@bpsos.org, số Đ.T (703) 538-2190.