Biển Đông : Mỹ, Nhật, Hàn cùng tố cáo hành vi đơn phương
Đá Chữ Thập, Trường Sa, được Trung Quốc bồi đắp thành đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh |
Phát biểu sau cuộc hội đàm với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông đã được thảo luận rộng rãi, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhắc lại quan điểm của Washington theo đó tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông phải được giải quyết theo quy định của pháp luật quốc tế. Theo ông Blinken, không một quốc gia nào có quyền « hành động đơn phương ».
Tiếp lời nhân vật số hai trong Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Akitaka Saiki, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết : « Giữa chúng tôi có sự đồng thuận rằng sự phát triển hòa bình và hài hòa của Trung Quốc rất được hoan nghênh… Nhưng đồng thời, Trung Quốc, trong tư cách một cường quốc hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, phải có nghĩa vụ tôn trọng luật pháp quốc tế. » Đối với nhà ngoại giao Nhật Bản, « Trung Quốc có trách nhiệm giải tỏa các mối quan ngại chung của các nước trong khu vực, và ở châu Á ».
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Cho Tae-Yong, đã kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép « bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định » trong khu vực.Ông cũng mong muốn Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhanh chóng đúc kết các cuộc đàm phán về một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các khu vực gần bờ biển của các quốc gia châu Á khác, dựa trên một tấm bản đồ gọi là « lưỡi bò » có từ thập niên 1940.
Ảnh vệ tinh do Trung tâm nghiên cứu CSIS của Mỹ công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã và đang tiến hành những công trình bồi đắp có quy mô rất lớn, xây dựng các bến tàu, phi đạo trên các rạn san hô mà Bắc Kinh chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa, đang tranh chấp với các láng giềng Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.