Matt Mahan

ads header

Breaking News

WHO công bố kế hoạch mới để diệt trừ bệnh lao

Ảnh chụp X quang cho thấy một cặp phổi của bệnh nhân bị nhiễm lao.
GENEVA— Ngày hôm nay, trong lúc các nước đánh dấu Ngày Bệnh Lao Thế Giới, Tổ chức Y tế Thế giới công bố một kế hoạch mới để diệt trừ bệnh lao trên toàn cầu. Tổ chức của Liên Hiệp Quốc kêu gọi sự hỗ trợ của tất cả các nước để xóa bỏ chứng bệnh có từ xa xưa này trong vòng hai mươi năm nữa. Từ Geneve, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Hai chiến lược trước đây đã dọn đường cho kế hoạch mới nhất và có nhiều tham vọng nhất. Tổ chức Y tế Thế giới tin rằng chiến lược hiện nay, được đặt tên Chấm dứt Lao, có nhiều cơ hội thành công vì sự thành công của cách chữa bệnh lao DOT và những chiến lược Chận đứng Lao được thực hiện vào đầu thế kỷ này.

Trong những năm gần đây những tiến bộ rất lớn đã đạt được trong cuộc chiến chống lao. Từ năm 2000 đến năm 2013, khoảng 37 triệu sinh mạng đã được cứu nhờ sự chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Nhưng, Y tế Thế giới nói rằng còn nhiều việc cần phải làm để chiến đấu chống lại chứng bệnh nguy hiểm này.

Giám đốc Chương trình Lao Toàn cầu, Mario Raviglione, nói rằng chiến lược Chấm dứt Lao là một cơ hội có tính chất lịch sử để xóa bỏ một chứng bệnh đã gây ra tử vong, đau ốm và khổ sở cho loài người từ mấy ngàn năm nay.

Bệnh lao, một chứng bệnh truyền nhiễm qua đường không khí, là nguyên do gây tử vong hàng thứ nhì, chỉ sau HIV.
Bệnh lao, một chứng bệnh truyền nhiễm qua đường không khí, là nguyên do gây tử vong hàng thứ nhì, chỉ sau HIV.
"Chúng ta nên nhớ là bệnh lao ảnh hưởng tới 9 triệu người trong năm 2013, giết chiết 1 triệu 500 ngàn người, trong đó có 360.000 người nhiễm HIV và có nửa triệu ca bệnh lao kháng đa thuốc đã xuất hiện trong cùng năm đó, và điều này  - dĩ nhiên, đã tạo ra tình trạng báo động và lo ngại ở mọi nơi trên thế giới vì đây là những ca bệnh khó trị và có tỉ lệ tử vong rất cao."

Bệnh lao, một chứng bệnh truyền nhiễm qua đường không khí, là nguyên do gây tử vong lớn hàng thứ nhì từ một tác nhân gây nhiễm, sau HIV. Hơn 95% ca bệnh và ca tử vong xảy ra tại các nước đang phát triển.

Bệnh lao là bệnh có thể chữa lành và Tổ chức Y tế Thế giới dựa vào thực tế này để thúc đẩy cho một chiến lược mới, nhằm giảm 95% số tử vong vì lao và 90% ca bệnh lao trước năm 2035.

Một dấu mốc chính cần đạt được trong 5 năm tới đây là xóa bỏ những phí tổn rất cao cho bệnh nhân bệnh lao và gia đình của họ. Bệnh lao có thể làm cho nhiều gia đình phá sản vì những chi phí trực tiếp để chữa bệnh và sự mất mát thu nhập trong khoảng thời gian điều trị kéo dài 6 tháng.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết chi phí y tế và sự mất mát thu nhập có thể được giải quyết dựa vào nhiều kế hoạch bảo vệ tài chánh, kể cả chương trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Giám đốc Chương trình Lao Toàn cầu, Mario Raviglione, nói rằng chiến lược Chấm dứt Lao là một cơ hội có tính chất lịch sử để xóa bỏ bệnh này.
Giám đốc Chương trình Lao Toàn cầu, Mario Raviglione, nói rằng chiến lược Chấm dứt Lao là một cơ hội có tính chất lịch sử để xóa bỏ bệnh này.
Chiến lược này kêu gọi chính phủ các nước áp dụng những chính sách năng động để hỗ trợ các chương trình chống lao và nhấn mạnh tới việc cần có những khí cụ mới, và tăng cường những hoạt động nghiên cứu và phát minh. Bác sĩ Raviglione nói với đài VOA rằng sắp sửa có những tiến bộ đáng kể theo chiều hướng này.

"Chúng ta cần có những cách xét nghiệm nhanh chóng dựa trên mô và có thể là dựa vào gien về khả năng chịu thuốc. Đó là mục tiêu chúng tôi đang nhắm tới. Chúng tôi muốn có cách xét nghiệm đơn giản và có thể được thực hiện tại những nơi hẻo lánh nhất càng nhanh càng tốt và chúng tôi sắp có được những kỹ thuật để đạt mục tiêu."

Theo các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ chữa lành bệnh lao kháng đa thuốc trên toàn cầu là 48% so với tỉ lệ 86% của bệnh lao thông thường. Bác sĩ Raviglione cho biết hai loại thuốc mới đã được chấp thuận và những loại thuốc này có thể sẽ làm gia tăng tỉ lệ chữa lành cho cả bệnh lao kháng đa thuốc lẫn bệnh lao kháng thuốc mạnh. Mặc dầu vậy, ông cũng lưu ý là các vấn đề về sự tiếp cận và sự cung ứng hai loại thuốc này vẫn chưa giải quyết xong.