Tại sao khởi tố Tổng biên tập Kim Quốc Hoa?
Tên miền nguoicaotuoi.org.vn cũng đã bị gỡ xuống |
Tờ báo dám phanh phui các cán bộ tham nhũng
Trong vài năm gần đây tờ báo Người Cao Tuổi đã nổi lên trong giới báo chí vì dám công khai khui ra những vụ sai phạm mà hầu như các tờ báo báo khác trong nam ngoài bắc đều e dè không dám đụng đến.
Vụ gần đây nhất mà tờ báo làm đã gây tiếng vang rất lớn là phanh phui tham nhũng của một cán bộ chống tham nhũng đứng đầu chính phủ, đó là Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Các căn nhà bề thế tại nhiều địa phương của ông đã được mang lên mặt báo để từ đó người dân thấy được mặt thật của một quan thanh tra đại điện cho chế độ.
Ông Trần Văn Truyền tuy có bị kiểm điểm nhưng cho tới nay người dân vẫn chưa thấy một hành động tích cực nào đối với tài sản mà ông Truyền đã chiếm dụng bất hợp pháp, cho tới sáng ngáy 9 tháng 2 khi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn họp báo cho biết các biện pháp mà bộ này áp dụng đối với tờ Người Cao Tuổi, nơi phanh phui vụ án, cũng như với Tổng biên tập tờ báo là ông Kim Quốc Hoa thì độc giả cũng như những người quen biết với cá nhân ông nổi lên một câu hỏi: Phải chăng đây là hành vi trả thù của nhà nước mà Bộ thông tin và Truyền thông chỉ là người thi hành? Chúng tôi đã liên lạc với nhà báo Kim Quốc Hoa và được biết ông đang rất bận rộn có lẽ đang làm việc với cơ quan chức năng, ông chỉ kịp nói:
-Tôi đang rất là bận để lúc khác đi anh nhé.
Trong khi chờ đợi tiếp xúc lại với ông chúng tôi hỏi chuyện đại tá Bùi Văn Bồng, một nhà báo quân đội lâu năm trong nghề, nguyên trưởng đại diện báo QĐND khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhà báo Bùi Văn Bồng chia sẻ thì dưới mắt ông, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa là một người xứng đáng với vai trò nhà báo. Ông Hoa còn một sĩ quan cao cấp, cựu chiến binh can trường và không ai nghi ngờ tính chính trực của ông khi điểu hành tờ Người Cao Tuổi. Đại tá Bùi Văn Bồng cho biết:
-Anh Kim Quốc Hoa tôi biết từ khi tôi còn làm biên tập viên ở báo Quân Đội Nhân Dân ở Hà Nội trước khi tôi vào TP-Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Khi đó anh Hoa là trưởng ban biên tập của tờ Tin Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo tôi thì anh Kim Quốc Hoa là người hiền nhưng cương trực, thẳng thắn, cởi mở chân thành với anh em bạn bè.
Và vì trung thực thẳng thắn cho nên có những cái mà ngày đó ngay như khi Tổng cục hậu cần muốn che dấu những điều không được công khai hoặc muốn tránh đi thì ảnh cũng nêu tin bài lên. Có cái Quân đội đăng cũng có cái không đăng nhưng ảnh phản ánh đúng sự thật và trung thực. Tôi đánh giá anh là người nhiệt tình năng nổ và có năng lực làm báo.
Hai nữa anh trung thực thẳng thắn và không sợ cường quyền. Khi cần nói thẳng điều gì đó thì cấp nào, chức nào nếu thấy đúng anh ấy vẫn cứ nói. Những vấn đề cần nói, cần đấu tranh đi tới sự công bằng đi tới chân lý thì chính anh Kim Quốc Hoa là người mà tôi thấy anh ấy rất cứng và sẵn sàng đưa lên những vấn đề không có lợi cho xã hội, không có lợi cho một tập thể và một cộng đồng thậm chí không có lợi cho một cá nhân nào đó mà không đúng với bản chất sống của con người trong cộng đồng với nhau thì ảnh cũng sẵn sàng đấu tranh bảo vệ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn mới nhất vào ngày 29 tháng 12, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa cho báo chí biết tờ Người Cao Tuổi của ông trong hơn 7 năm qua đã phanh phui, điều tra xác minh làm rõ khoảng 2.500 vụ việc từ cấp xã, phường đến Trung ương. Ông cũng nói rằng hầu như năm nào cũng xuất hiện 1-2 vụ điển hình gây được tiếng vang lớn, tạo dư chấn trong đời sống xã hội.
Ngoài ra ông Hoa cho biết một số cán bộ cấp cao có những việc làm sai trái bị Người Cao Tuổi phanh phui như Nguyễn Trường Tô, Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh, Hà Văn Toại, Huỳnh Đức Hòa, Trần Văn Vệ, Lê Sĩ Bảy, Nguyễn Yên Sơn…
Phản ứng của chính quyền
Việc điều tra một tờ báo có thành tích chống tham nhũng và công bố biện pháp đối phó với nó ngay sau khi vụ án Trần Văn Truyền khép lại là một hành động khó đồng tình cho dù báo Người Cao Tuổi có những vi phạm hành chánh đi chăng nữa. Nhận xét vấn để này nhà báo Bùi Văn Bồng chia sẻ:
-Cái chỗ mà báo Người Cao Tuổi nêu có ảnh, có hình có chứng liệu, cứ liệu rõ ràng như thế thì tôi cho là một sự phản ánh rất là trung thực. Không riêng trường hợp ông Truyền mà nhiều trường hợp khác báo Người Cao Tuổi nêu thì tôi cho là đã thể hiện tính chiến đấu cao của một tờ báo mà đồng thời thể hiện sự trung thực thẳng thắn, dùng phương tiện thông tin đến với công chúng. Đó là điều trong bối cảnh thông tin đang cần đối với người dân là công khai hóa minh bạch hóa nhiều vấn đề trong cuộc sống thì báo Người Cao Tuổi là một trong những tờ báo mà tôi cho rất là dũng cảm và đi đầu phản ảnh trung thực những mặt tồn tại yếu kém của xã hội.
Trong các biện pháp trừng phạt, Bộ thông tin truyền thông quyết định rút giấy phép của Người Cao Tuổi, liệu biện pháp này có phù hợp hay không? Nhà báo Phạm Thành làm việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong hàng chục năm cho biết:
- Mọi thông tin của Người Cao Tuổi thì họ công khai, nếu người nào làm sai, phóng viên làm sai thì xử lý phóng viên ấy chứ tại sao lại đình bản cả một tờ báo lá thế nào?
Từ khi Kim Quốc Hoa làm báo Người Cao Tuổi thì tinh thần chống tham nhũng tiêu cực, chống tham ô cửa quyền, hà lạm của chính quyền thì hiện nay tờ báo ấy là số một đấy. Trước đây thì Tuổi Trẻ, Thanh Niên rồi Tiền Phong nhưng mấy năm gần đây thì các báo đó không làm những việc này nữa rồi anh Người Cao Tuổi nổi lên ở vị trí số một cho nên lúc gần đây rất được bạn đọc yêu mến thế nhưng mà bộ 4 T làm việc đấy thì tôi nghĩ rằng một là nó trái luật, không đúng luật bỏi vì tất cả những thông tin Kim Quốc Hoa đểu công khai trên mặt báo và thực hiện việc ấy theo đúng luật báo chí của Việt Nam chứ còn ông Bộ thông tin và truyển thông làm cái việc đấy thì tôi nghĩ ông ấy cậy quyền cậy chức ổng làm thế thôi chứ làm sao ổng dám làm cái việc ấy?
Bộ Thông tin và Truyền thông cáo buộc báo Người Cao Tuổi đã đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật, vi phạm Khoản 4 Điều 10 Luật Báo chí, tuy nhiên giới luật sự từng cho rằng việc này thuộc phạm vi một tòa án công khai giữa tờ báo và người bị hại, Bộ Thông tin-Truyền thông đã vượt cả hiến pháp để một mình tự tiện kiêm nhiệm vai trò của tư pháp.
Bộ này cũng cáo buộc Người Cao Tuổi đăng một số bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của công dân. Nếu việc này là đúng thì người bị xúc phạm toàn quyền khởi kiện để chứng tỏ tờ báo đã xúc phạm danh dự và uy tín của mình. Mọi kỹ cương luật pháp đểu nằm tại đây, nơi tòa án chứ không phải nơi Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi đọc những cáo buộc này người ta không khỏi nhớ đến cáo buộc tương tự đối với các blogger như Basam Nguyễn Hữu Vinh, Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng như nhiều người khác.
Đề nghị cách chức và chuyển hồ sơ của Kim Quốc Hoa sang Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, để điều tra hành vi đăng 11 bài viết có dấu hiệu tội phạm đã cho thấy việc lạm quyền của Bộ thông tin và Truyển thông.
Đề nghị này khiến người dân nghĩ ngay tới điều 258, một điều luật rất nhiều tranh cãi nhưng luôn được mang ra trù dập người cầm bút khi họ chống cái sai, cái bóng tối mà cán bộ cao cấp núp vào đó thâm lạm ngân sách, hà hiếp người dân hay làm những hành vi bất chính khác.
Cá nhân của nhà báo Kim Quốc Hoa có thể đã biết trước hậu quả của việc mình làm nhưng khi chấp nhận dấn thân chắc ông đã chấp nhận hình thức có thể xem là trả thù này.
Đối với người dân không ai chia sẻ và thấu hiểu được tại sao nhà nước lại làm như vậy. Trong khi cấp cao nhất khi nói chuyện với nhân dân luôn mang vấn nạn tham nhũng ra để nói rằng cả hệ thống rất lo lắng, nhưng sau đó thì chính hệ thống ấy lại đàn áp người chống tham nhũng hiệu quả nhất thử hỏi người dân phải tin ai?