Khai dụng sở trường và lợi thế
Điều trần về Cồn Dấu Tại Washington năm 2010 |
Đương đầu với cả một guồng mày độc tài, đồng bào của chúng ta ở trong nước phải đấu tranh trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về phương tiện, hạn chế về tiếp cận với thế giới bên ngoài, và ít cơ hội để học hỏi và phát triển nội lực. Nếu biết cách khai dụng lợi thế và sở trường của mình, chúng ta ở ngoài này có thể giúp đồng bào trong nước vượt qua những khó khăn, thiếu thốn và ngăn trở này để nhanh chóng tăng thế và lực tổng hợp của toàn dân.
Muốn vậy, chúng ta ở hải ngoại cần thay đổi cách làm: Hẹp, dài lâu và chuyên sâu thay vì trải rộng, đoản kỳ và hời hợt. Đó là mô hình "kết nghĩa" trình bày trong một bài trước.
Có ba lĩnh vực để người ở hải ngoại tận dụng lợi thế và sở trường của mình.
Lên tiếng ở các diễn đàn
Vì thiếu phương tiện, việc đi lại bị trắc trở, và chính sách cấm cản của nhà nước, các nhóm, các tổ chức và các cộng đồng (gọi chung là "các nhóm") ở trong nước không dễ dàng tham gia các diễn đàn khu vực hay quốc tế nhằm khẳng định vị thế và chính danh trước sự nhập nhằng tự nhận là đại diện XHDS ở trong nước của các tổ chức quốc doanh hay thân thiện với chính quyền. Chúng ta ở ngoài này có thể thay đổi tình trạng bằng cách đại diện cho nhóm được kết nghĩa để lên tiếng ở mọi diễn đàn quan trọng.
Diễn đàn "Bàn Tròn về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế" ở Hoa Kỳ là một ví dụ. "Bàn tròn" này quy tụ phần lớn các tổ chức Hoa Kỳ quan tâm đến tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới. Trong hơn 2 năm, tiếng nói duy nhất về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam lại là một tổ chức Hoa Kỳ. Tổ chức này nhận ngân khoản của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để phát triển tự do tôn giáo ở Việt Nam và chính vì vậy không thể nói lên sự thật là đàn áp tôn giáo gia tăng--nói vậy đồng nghĩa với thú nhận thất bại và bất lực trong việc sử dụng cấp khoản của chính phủ Hoa Kỳ. Vô hình chung họ trở thành tiếng nói bao che cho chế độ. Giữa năm ngoái, Ủy Ban Cố Vấn Về Tự Do Tôn Giáo Cho Việt Nam được thành lập bởi Liên Minh Cho Một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ. Ủy Ban này thường xuyên tham gia "Bàn tròn" và đã lôi kéo ngày càng đông các tổ chức Hoa Kỳ và quốc tế cùng lên tiếng trước các vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ủy Ban Cố Vấn này mở rộng cho các nhóm, tổ chức và cộng đồng tôn giáo Việt Nam tham gia để qua đó có tiếng nói ở các diễn đàn quốc tế và khu vực. Tổ chức Hoa Kỳ kể trên mất dần tiếng nói và ảnh hưởng.
Vận động quốc tế can thiệp
Sự can thiệp chỉ hiệu quả nếu thực hiện kịp thời và đúng thủ tục. Không một tổ chức nào có thể thường xuyên theo dõi mọi trường hợp vi phạm ở khắp Việt Nam để kịp thời báo cáo và vận động sự can thiệp của quốc tế. Tuy nhiên, điều này có thể thực hiện nếu mỗi nhóm ở trong nước lại có một nhóm kết nghĩa ở ngoài, luôn luôn sẵn sàng như một thiên thần hộ mệnh.
Một ví dụ là Khối Nhơn Sanh Cao Đài ở trong nước, qua sự "kết nghĩa" của nhóm Liên Hiệp Cao Đài Tây Ninh Hội Thánh Em ở bên ngoài, đã nhận được sự quan tâm và can thiệp mau chóng và ở những cấp rất cao. Đầu năm 2014, khi có dấu hiệu công an chĩa mũi nhọn vào nữ Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng thì lập tức DB Hoa Kỳ Frank Wolf lên tiếng, rồi Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đến tận nhà thămm viếng, và sau đó ít lâu TNS Hoa Kỳ Robert Corker và đại sứ Hoa Kỳ đương nhiệm mời đến họp ở Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội. Sự can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ ấy đẩy lùi các ý định trấn áp, nếu có, từ phía chính quyền.
Tăng nội lực
Về lâu dài, mỗi nhóm, tổ chức hay cộng đồng ở trong nước phải phát triển nội lực đủ để tự bảo vệ quyền lợi. Muốn vậy thành viên cần được huấn luyện về kiến thức và kỹ năng tổ chức, truyền thông, vận động và kết hợp. Người ở trong nước không có phương tiện để trau luyện những kiến thức và kỹ năng này. Nhóm kết nghĩa ở ngoài có thể chính mình hoặc tìm người hướng dẫn và huấn luyện cho nhóm ở trong.
Hội Thánh Đấng Christ là một ví dụ. Vì toàn bộ tín đồ thuộc dân tộc thiểu số Tây Nguyên,trong một thời gian dài hội thánh này đã bị đàn áp nặng nề. Đầu năm 2014 tình thế bắt đầu thay đổi khi số tín đồ lánh nạn sang Thái Lan nối kết được với một số tổ chức nhân quyền quốc tế để giúp huấn luyện cho ngày càng đông các đồng đạo ở trong nước về báo cáo vi phạm tự do tôn giáo. Nhờ vậy, hội thánh này đã có nhiều bản báo cáo gửi đến các cơ quan LHQ và các chính quyền. Mức đàn áp giảm dần đi.
Kết luận
Để có hiệu quả, chúng ta ở bên ngoài cần thay đổi cách làm, nhằm phát huy sở trường và lợi thế sẵn có để bù đắp những khiếm khuyết và hạn chế của đồng bào ở trong nước. Chẳng hạn, thay vì gây quỹ yểm trợ cho nhiều nhóm, tốt hơn chúng ta nên tài trợ dài lâu và tập trung cho một nhóm, kèm với sự lên tiếng cho họ ở các diễn đàn quốc tế, cấp thời can thiệp cho họ mỗi khi cần thiết, và tìm phương tiện để giúp họ phát triển nội lực.
Đây chính là mô hình mà chúng tôi đã trình bày trong một bài trước, dùng Xứ Đạo Cồn Dầu làm ví dụ. Chúng tôi tập trung để yểm trợ cho xứ đạo này trong 4.5 năm qua và sẽ tiếp tục cho đến tận cùng. Nếu mỗi nhóm, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng ở trong nước đều có một nhóm ở hải ngoại đi với họ đến tận cùng thì cán cân thế và lực sẽ ngày càng nghiêng nhanh về phía dân.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 5 tháng 1, 2015
http://machsong.org
Bài liên quan:
Cách phối hợp trong-ngoài
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2992