Matt Mahan

ads header

Breaking News

Cánh tả Hy Lạp đem làn gió mới cho Châu Âu khắc khổ

Lãnh đạo đảng cực tả Syriza, Alexis Tsipras, sau thông báo thắng lợi của đảng, ngày 25/01/2015 tại Athènes. - REUTERS/Marko Djurica
Hy Lạp, một trong 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ do đảng cánh tả triệt để cầm quyền với chủ trương dẹp bỏ chính sách kinh tế khắc khổ. Ý dân Hy Lạp được thể hiện qua lá phiếu. Liệu xu hướng mới này có thể làm các biện pháp cần kiệm thất nhân tâm nhưng thuận lòng giới tài chính mà hai nước đầu tàu của Châu Âu là Pháp và Đức đang thi hành sẽ bị đình chỉ ?

Một trong những đặc tính của nền cộng hòa là « dân và chính quyền phải có cùng dự án tương lai ». Cánh tả triệt để của Hy Lạp, Syriza, do Alexis Tsipras, một kỹ sư công chánh mới 40 tuổi lãnh đạo đã được cử tri đa số là giới trẻ ủy nhiệm điều hành đất nước bị khủng hoảng tài chính từ gần 10 năm nay. Nếu không bị trở ngại bất ngờ, thứ Tư 28/01/2015 tới đây, Alexis Tsipras sẽ trở thành vị Thủ tướng trẻ nhất của Hy Lạp từ 150 năm nay và cũng là người chủ trương đi ngược với đường lối chính thống hiện nay là « tăng thu giảm chi », cân bằng ngân sách.

Đối với số đông cử tri Hy Lạp, chính sách tiết kiệm do ba định chế tài chính quốc tế và Liên Hiệp Châu Âu áp đặt như một liều "thuốc đắng" vừa thiếu hiệu quả vừa là một sự sỉ nhục cho Hy Lạp sau 9 đợt cải cách. Có lẽ trừ Giáo hội Chính thống giáo có tài sản khổng lồ và giới thương thuyền, luôn được ưu đãi về thuế vụ, đa số dân chúng trả giá rất nặng : hơn phân nửa thanh niên thất nghiệp, người già thiếu trợ cấp, lương tối thiểu của công nhân chỉ bằng phân nửa đồng nghiệp Pháp.

Thật ra không phải chỉ Hy Lạp bị chính sách khắc khổ trói buộc mà ở những nước thuộc loại đầu tàu như Pháp, tình hình cũng không sáng sủa nói chi đến những quốc gia nam Âu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Phe cực tả và cực hữu, tuy không cùng ý thức hệ, cùng nhận định là phải lật qua trang sử khắc khổ. Nắm bắt được tâm lý này thủ tướng tương lai của Hy Lạp tuyên bố : tương lai của Châu Âu không phải là thắt lưng buộc bụng . Ông Alexis Tsipras cam kết sẽ tăng lương tối thiểu, tăng trợ cấp xã hội, thương thuyết lại món nợ 300 tỷ euro của Hy Lạp.

Cử tri tin vào lời hứa của nhà lãnh đạo trẻ tuổi dấn thân hoạt động chính trị từ thời học sinh trung học qua nhiều giai đoạn từ đảng Cộng sản Hy Lạp cho đến đảng Cộng sản Châu Âu và cuối cùng phối hợp nhiều xu hướng lập ra đảng Syriza. Nhưng không phải chỉ có cử tri Hy Lạp, nhiều tổ chức cánh tả của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp xem chủ trương tranh đấu của Syriza là luồng gió cách mạng trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế chung trong vùng euro với tỷ lệ tăng trưởng là đà từ 1% đến 2%.

Theo Tổng thư ký đảng Xã hội Bồ Đào Nha Antonio Costa, chiến thắng của cảnh tả Hy Lạp là « dấu hiệu » đổi mới ở Châu Âu. Đối đầu với khó khăn, Hy lạp và Tây Ban Nha đã liên kết với nhau chống đường lối khắc khổ của Bruxelles theo mô hình Đức. Đối với Ý thì biến cố lịch sử tại Hy Lạp sẽ làm cho Châu Âu bớt cứng rắn hơn.

Thật ra thì ngay bản thân chủ tịch đảng Syriza của Hy Lạp không nhắc lại những lời tuyên bố « ngông cuồng » . Một phần để trấn an công luận lo ngại Hy Lạp rời Liên Hiệp Châu Âu gây khủng hoảng lớn, một phần để tránh những lời hứa cực đoan sau đó không thể thực hiện. Mặc khác, Syriza, do thiếu đa số tuyệt đối, không thể đơn phương hành động.

Về phần Châu Âu, một tuần trước ngày bầu cử Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương Châu Âu tung biện pháp mua bớt nợ cho các nước thành viên khoảng 1.100 tỷ euro đúng theo ước nguyện của thành phần công luận chỉ trích Bruxelles ù lì. Nói cách khác, Hy Lạp của đảng cực tả không thể bỏ Châu Âu ra khơi một mình và ngược lại châu Âu cũng cần Hy Lạp nhưng các định chế ở Bruxelles từ nay phải quan tâm đến ý dân Châu Âu. Trên thị trường tại chính Athènes sáng nay, giá công trái phiếu Hy Lạp vẫn tăng nhẹ chứng tỏ sự tin cậy của giới đầu tư.

Có lẽ phải cần một thời gian mới có thể thấy được những lời hứa của Syriza sẽ thành hiện thực hay chỉ là « ảo vọng » như giới chuyên gia Đức cảnh báo. Nhưng điều chắc chắn là kết quả bầu cử Hy Lạp đã mang lại niềm hy vọng cho cánh tả Châu Âu muốn chinh phục quyền lực từ tay các đảng truyền thống để thực hiện một chính sách kinh tế ngược với chủ trương « tăng thu giảm chi ».