Matt Mahan

ads header

Breaking News

Cách phối hợp trong-ngoài

Cảnh sát cơ động ngăn cản tang lễ và cướp quan tài cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu, Đà Nẵng hôm 4-5-2010.
Ngay lúc này nếu thế đối thế, lực đối lực thì người dân ở trong nước yếu thế và kém lực hơn chế độ. Tuy nhiên, nếu tính cả tập thể trên 4 triệu người Việt ở hải ngoại như một phần của dân tộc thì cán cân thế lực có thể nhanh chóng nghiêng về dân.

Muốn thế, chúng ta phải tạo được sự phối hợp trong-ngoài để tận dụng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của khối người Việt trong thế giới tự do nhằm tăng thế và lực của người dân ở trong nước.

Tiềm năng hải ngoại 

Sau 40 năm viễn xứ, khối người Việt ở hải ngoại đã cần cù tái lập cuộc sống, hoà nhập vào các xã hội tự do, và ngày càng thành đạt trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học, nghệ thuật… ở tầm vóc quốc tế. Một chỉ dấu dễ kiểm chứng về tiềm năng là tổng mức thu nhập. Hàng năm số người Việt ở hải ngoại, chưa đến 5% của dân số trong nước, gởi về Việt Nam mức tiền tương đương 8% tổng thu nhập quốc gia. Đây chỉ là một phần của số tiền dư thừa sau khi chi tiêu. Hơn nữa, chỉ phần nào trong tổng số người Việt ở hải ngoại gởi tiền tiếp tế cho gia đình ở Việt Nam. Tính nhẩm, chúng ta có thể ước đoán rằng tổng thu nhập của tập thể trên 4 triệu người Việt ở hải ngoại ngang bằng hay vượt quá tổng thu nhập của cả 90 triệu dân ở trong nước. Đó là về tài chính. Về chất xám, kinh nghiệm chính trường và mạng lưới quen biết trong giới quyền thế của thế giới tự do thì chắc chắn là người Việt ở hải ngoại đã vượt xa chế độ ở trong nước.

Nếu kết nối được 90 triệu dân trong nước với trên 4 triệu người Việt ở hải ngoại thì thế và lực tổng hợp có triển vọng vượt xa thế lực của chế độ. Vấn đề là tạo được sự kết nối ấy.

Mô hình kết nối

Mô hình kết nối mà chúng tôi thực hiện là cứ mỗi một nhóm hay cộng đồng ở trong nước thì lại có sự yểm trợ liên tục, tới nơi tới chốn, và dài hạn của một nhóm ở ngoài nước, gắn bó qua hình thức “kết nghĩa”. Xứ Đạo Cồn Dầu ở Đà Nẵng là trường hợp điển hình.

Tháng 5 năm 2010, chính quyền Đà Nẵng dùng bạo lực để đàn áp đẫm máu gần 2 nghìn giáo dân Cồn Dầu nhằm cướp toàn bộ xứ đạo của họ. Công an đánh đập trên trăm người, bắt đi trên 60 người để tra tấn, và xử án tù các thành phần lãnh đạo để khủng bố tinh thần toàn bộ giáo xứ. Ông Nguyễn Thành Năm bị tra tấn đến chết. Lực lượng công an chìm, nổi được tung ra để truy nã những người Cồn Dầu lẩn trốn ở trong nước hay đã đến Thái Lan. Dân hoảng sợ và hoàn toàn đuối thế trước bạo lực của chính quyền.

Ngay lập tức chúng tôi triển khai nhân sự để bảo vệ những người Cồn Dầu chạy sang Thái Lan lánh nạn và vận động quốc tế can thiệp để đẩy lùi sự bạo hành của công an nhắm vào Xứ Đạo Cồn Dầu. Nhưng đây mới chỉ là giải pháp tạm thời.

Về giải pháp lâu dài, chúng tôi yểm trợ các gia đình Cồn Dầu đã định cư lâu năm ở Hoa Kỳ thành lập Hội Giáo Dân Cồn Dầu để phối hợp chặt chẽ với Xứ Đạo Cồn Dầu ở trong nước. Hội này bám sát tình hình ở trong nước, củng cố tinh thần của giáo dân trong xứ đạo, tiếp tế vật thể để duy trì khả năng tranh đấu, và dùng thế quốc tế để liên tục đẩy lùi sức ép của chính quyền. Họ đã vận động sự can thiệp của LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Quốc Hội Hoa Kỳ và ngày càng nhiều các tổ chức nhân quyền quốc tế. Các giáo dân Cồn Dầu đã tiếp xúc với cả 2 báo cáo viên đặc biệt của LHQ khi họ thị sát Việt Nam, với 5 toà đại sứ Tây Phương và với các phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Các dân biểu và thượng nghị sĩ quyền thế của Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng. Ngay cả Ông Thom Tillis, Thượng Nghị Sĩ North Carolina vừa đắc cử, cũng đã tiếp xúc Hội Giáo Dân Cồn Dầu trong thời gian tranh cử.

Hội Giáo Dân Cồn Dầu đã khéo léo khai thác các vấn đề “nóng”: đàn áp tôn giáo, cưỡng chế tài sản của công dân Hoa Kỳ, và tra tấn để đe doạ triển vọng Việt Nam tham gia Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kết quả là chính Thủ Tướng Việt Nam đã chỉ định thành lập phái đoàn liên ngành đến Cồn Dầu điều tra và nộp báo cáo cho Thủ Tướng trực tiếp giải quyết. Hội Giáo Dân Cồn Dầu, nay được bổ sung bởi trên 80 giáo dân vừa đến Hoa Kỳ định cư tị nạn từ Thái Lan, đã báo động với các thành viên Quốc Hội để sẵn sàng phản ứng nếu Thủ Tướng Việt Nam kéo dài thời gian quyết định hay quyết định thiếu thoả đáng.

Do sự kết hợp trong-ngoài chặt chẽ mà giáo dân Cồn Dầu giảm dần nỗi kinh hoàng, ngày càng thêm tự tin khi đối phó với chính quyền địa phương, và thực hiện nhiều cuộc biểu tình ở ngay Hà Nội để tự bảo vệ quyền lợi. Số người Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan cũng góp phần bằng những buổi họp trực tiếp với giới chức của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Văn Phòng Cao Uỷ Trưởng về Nhân Quyền LHQ và Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.

Trong khi cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục, tình hình tại chỗ đã thay đổi nhiều: Năm nay Giáo Xứ Cồn Dầu cử lễ mừng Giáng Sinh trọng thể trong sự an bình; hoàn toàn không có bóng dáng của công an theo dõi hay quấy phá.

Mô hình “kết nghĩa” này được áp dụng cho nhiều cộng đồng tôn giáo, kể cả Tin Lành, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Cao Đài, ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Áp dụng mô hình

Trong thế giới mở và tự do ở ngoài này, chỉ có một cách để huy động sự hưởng ứng của quần chúng: phổ biến mô hình, chứng minh hiệu quả, hướng dẫn cách thực hiện và hỗ trợ kỹ thuật cho những ai thực hiện. Tốt nhất là khởi sự với những thành phần sẵn tâm huyết. Chẳng hạn, các gia đình Cồn Dầu ở Hoa Kỳ không cần ai thuyết phục để dốc lòng yểm trợ cho đồng hương trong xứ đạo. Với sự hướng dẫn lúc ban đầu, họ học việc rất nhanh.

Chúng tôi tạo môi trường thuận tiện, hướng dẫn, và yểm trợ bước đầu cho tất cả các nhóm nào ở trong và ngoài nước muốn thực hiện mô hình kết nghĩa trong-ngoài. Chúng tôi giữ vị thế hoàn toàn trung lập: không chọn phe, không kết nạp, không đặt điều kiện nào ngoài đòi hỏi là phải chân chính, thực tâm và quyết tâm bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích của chính họ mà không loại trừ quyền và lợi ích của những nhóm hay cộng đồng khác.

Mô hình càng phổ biến rộng ở trong nước và ở hải ngoại thì càng tăng triển vọng đổi thay cho đất nước.

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 3 tháng 1, 2015
http://machsong.org