Putin đặt Liên Hiệp Châu Âu vào thế phải đoàn kết
Lập trường của ông Putin càng khiến các nước Liên hiệp châu Âu đoàn kết hơn. |
Đe dọa và áp lực của Vladimir Putin ở Ukraina đã tạo ra một hệ quả không ngờ : Thúc đẩy Liên Hiệp Châu Âu hợp lực với nhau trong một chiến lược chung đương đầu với Nga.
Trong cuộc họp báo hàng năm tại Matxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành phần lớn thời gian của ba giờ đồng hồ để lên án các thế lực bên ngoài làm suy sụp nền kinh tế Nga. Thủ phạm chính là Tây phương, là Mỹ, là Liên Hiệp Châu Âu, là Nato cư xử với Nga như « một đế quốc đối với một chư hầu ».
Cũng vào thời điểm đó, tại Bruxelles, diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu đầu tiên do tân Chủ tịch Hội Đồng Châu, Donald Tusk, chủ tọa. Trong cuộc họp này, ông Donald Tusk, nguyên là thủ tướng Ba Lan suốt 7 năm, kêu gọi thiết lập một « chiến lược lâu dài » để đối phó với tham vọng của Nga tại Ukraina.
Một chiến lược chung cần phải có một sự đồng thuận rộng rãi và vượt lên những quyền lợi cá biệt và chiến thuật chia để trị của Putin. Thế mà 28 nước thành viên không phải nước nào cũng mặn mà hy sinh quyền lợi riêng cho Ukraina. Theo như nhận định của nhà báo Mỹ John Peet của tuần báo The Economist, để vô hiệu hóa tinh thần cảnh giác của Ba Lan và ba nước Baltic, Putin dùng lá bài hữu nghị với Đức và Ý. Trong khi đó thì Hungari và Bulgari đã có truyền thống thân Nga.
Tuy nhiên, thời thế thuận lợi cũ đã hết mà nguyên nhân nguồn cội là do chính Putin gây ra tại Ukraina. Hành động xáp nhập Crimée và xâm phạm chủ quyền Ukraina không những làm nước Nga bị trừng phạt là bản than Putin bị mất hầu hết thân hữu tại Châu Âu.
Một trong những bằng chứng cụ thể là Pháp đã không giao chiến hạm đa năng Mistral cho quân đội Nga. Vào lúc chủ nhân điện Kremli họp báo, thì từ hải cảng Saint Nazaire của Pháp, đoàn hải quân Nga, tay không, lên đường về nước sau thời gian tập huấn để tiếp thu quân vận hạm tối tân nhất thế giới hiện nay.
Nhưng sự kiện quan trọng hơn nữa là thái độ của Đức, bạn hàng số một và nguồn đầu tư hàng đầu vào Nga, cũng thay đổi. Trong nhiều năm, giới doanh nhân Đức nhắm mắt làm ngơ đối với bản chất độc đoán và tham nhũng toàn diện của nhóm tài phiệt, chính trị gia lãnh đạo Nga để có thể yên ổn kinh doanh.
Thế nhưng khủng hoảng Ukraina đã xé tan « thỏa hiệp » này. Thủ tướng Merkel đã trở thành « phát ngôn viên » của phe cứng rắn nhất ở phương tây, buộc Nga phải tôn trọng « toàn vẹn lãnh thổ » của Ukraina như là « tiêu chí » để bỏ cấm vận.
Ngay một nhân vật lãnh đạo khác của Ý có tiếng thân Nga mà nay là Trưởng Ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu bà Federica Mogherini, ngày hôm qua, kêu gọi Putin phải « thay đổi chính sách tận gốc ». Trong khi Tổng thống Pháp François Hollande mở hé cánh cửa « triển vọng xuống thang xung khắc với Nga ».
Hôm qua, Liên Hiệp Châu Âu chỉ ban hành lệnh cấm đầu tư và du lịch vào vùng Crimée, đã được quyết định từ lâu chứ không phải mới, để hạn chế thêm nguồn ngoại tệ mà Nga đang thiếu một cách thê thảm.
Bruxelles phối hợp nhịp nhàng lời nói cứng rắn với biện pháp có hiệu năng vừa đủ tránh khiêu khích Tổng thống Nga một cách vô ích. Từ Washington, Tổng thống Obama cũng thông báo vừa ban hành luật mới cho phép hành pháp tăng cường trừng phạt Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraina nhưng ông chưa áp dụng.
Không rõ Matxcơva diễn dịch ra sao thái độ của Tây phương. Nhưng trong những tuần lễ vừa qua, qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Serguei Lavrov và thứ trưởng Serguei Ryabkov thì tây phương không đòi Nga thay đổi chính sách mà thật sự là muốn chế độ chính trị hiện nay phải sụp đổ.
Theo nhận định của sử gia Galia Ackerman, một chuyên gia về Nga, thì từ lâu nay, tổng thống Putin dùng chiến thuật quy trách nhiệm cho Tây phương gây khó khăn để kích động tinh thân dân tộc của người dân Nga ủng hộ ông . Nhưng tình hình thuận lợi này sẽ không kéo dài.Một khi đồng rub mất giá tác động đến túi tiền thì ngôi sao của Putin khó tránh được lu mờ.
Có lẽ thấy rõ điều này, tân chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk kêu gọi Châu Âu cần một chiến lược chung khoảng đôi ba năm. Nhà báo Mỹ John Peet, đã trích dẫn bên trên, tin rằng chính nhờ vào thái độ đe dọa của Putin, mà châu Âu sẽ đoàn kết để chống Putin.