Matt Mahan

ads header

Breaking News

Trong vòng 3 ngày có 2 vụ động đất chính trị xảy ra ở Mỹ và Đức


Lá Thư từ Đức Quốc

Trong vòng 3 ngày có 2 vụ động đất chính trị xảy ra ở Mỹ và Đức 

* Lê Ngọc Châu

Chúng ta ai cũng biết rằng chính trị rất phức tạp ở các quốc gia dân chủ. Đơn cử ở Pháp, Anh, Úc … . Trong khuôn khổ bài viết này người viết chỉ đề cập đến Mỹ và Đức liên quan đến hai biến động chính trị trong ba ngày qua, từ 04.02 đến 06.02.2020. Sự phức tạp trên lãnh vực chính trị ở Mỹ và Đức cũng dễ hiểu thôi vì lý do đơn giản trên bình diện quốc gia thì có lưỡng viện - Hạ viện và Thượng viện - đóng vai trò quan trọng trong nhiều quyết định chính phủ. Ngoài ra tham chính guồng máy chính phủ hay tại nghị viện tiểu bang thường có nhiều đảng phái tham chính. Đảng nào cầm quyền thì các đảng khác đắc cử còn lại tự động trở thành đối lập và dĩ nhiên trong thời gian nhiệm kỳ do luật pháp ấn định, khối đối lập luôn luôn tìm cách chống lại những "dự án hay dự luật" do "liên minh" chính phủ cầm quyền đưa ra.

Trước hết tôi xin đề cập tổng quát về tình hình chính trị của Mỹ từ một người sống ở Europe. Vì không gian cách trở, không sống ở Mỹ nên chuyện gì xảy ra ở USA nói cho cùng chẳng ảnh hưởng gì đến người ngoài nước Mỹ nên người viết chỉ đưa ra vài nhận định khách quan dựa theo những tin tức phổ biến qua truyền thông, báo chí.

Ngược dòng thời gian, ai cũng biết và rất ngạc nhiên khi ông Donald Trump,- một nhà kinh doanh, một tỷ phú  không phải là chính trị gia -, đã bất ngờ đánh bại tất cả các đối thủ của ông gồm nhiều chính trị gia tên tuổi trong nội đảng trở thành ứng cử viên (ỨCV) của đảng Cộng Hoà và cuối cùng tranh cử Tổng Thống với bà Hillary, một nữ chính trị gia tên tuổi với nhiều kinh nghiệm chiến trường. Không những chỉ ở Mỹ mà ngay cả các quốc gia khác trên thế giới mọi người đều nghĩ Hillary - con ngựa chiến của đảng Dân Chủ sẽ giành chiến thắng dễ dàng trước một đối thủ vô danh (trên lãnh vực chính trị) là ông Trump. Chính đảng Dân Chủ Mỹ cũng đã chuẩn bị trước tiệc mừng chiến thắng. Tuy nhiên bất ngờ xảy ra. Ngựa về ngược và ông Donald Trump đã đánh bại Hillary trở thành Tổng Thống cường quốc Hoa Kỳ.

Chuyện gì xảy ra sau đó những vị ở Mỹ rành hơn nên tôi chỉ ngắn gọn là kể từ khi nhậm chức, TT Trump luôn gặp khó khăn trong suốt hơn ba năm cầm quyền. Đảng Dân Chủ hầu như luôn tìm cách ngăn cản hầu hết các việc làm của TT Trump và TT Trump lại càng gặp khó khăn nhiều hơn sau khi đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ Viện Mỹ với đa số phiếu.

Có quyền lực ở Hạ Viện Mỹ nên chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi (Dân chủ) và các nghị sĩ biểu quyết luận tội TT Trump liên qua đến các sự kiện chính trị với Ulkraine mà TT Trump bị cáo buộc, kèm thêm tội lạm quyền mục đích nếu thành công sẽ truất phế được TT Trump trước cuộc bầu cử lại Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020.

Sau nhiều ngày tranh cãi, ngày 04.02.2020 TT Trump đọc bài diễn văn Thông Điệp Đầu Năm 2020 trước khi Thượng viện biểu quyết để định đoạt số phận của TT Trump ngày hôm sau. Vị chi cho đến nay Trump là vị tổng thống thứ ba của Mỹ bị luận tội.

Có hai điểm chính cần được đề cập đến sau khi người viết xem đài truyền hình Đức chiếu lại.
Thứ nhất: TT Trump đưa tập bản sao bài diễn văn Thông Điệp Đầu Năm 2020 cho bà Nancy Pelosi ngồi phía sau cùng hàng ghế với Phó Tổng Thống Pence nhưng KHÔNG bắt tay với bà chủ tịch hạ viện dù bà ta đã chìa tay ra sau khi Trump đưa xong tập hồ sơ.
Thứ hai: Sau khi TT Trump tường trình xong thì cảnh bà cầm xé tập hồ sơ (xé đến 2, ba lần!) trước cử toạ và giới truyền thông được phổ biến. Hành động này bị kết án là coi thường hiến pháp Mỹ và công dân hoa Kỳ vì TT Trump gởi Thông Điệp Đầu Năm của chính phủ cũng như tường trình việc làm trong ba năm qua để cho dân chúng Mỹ nắm rõ dữ kiện. Một vài chính trị gia đã yêu cầu bà chủ tịch hạ viện hãy từ chức vì việc làm "thiếu tư cách" này (sic).

Và ngày hôm sau, 05.02.2020 là ngày định mệnh đối với TT Trump vì đó là ngày "biểu quyết luận tội" ông ta theo luật định. Kết quả như chờ đợi, với tỉ số 52-48, Thượng viện Mỹ công nhận TT Trump vô tội về vụ lạm quyền, không như Hạ viện do đảng dân chủ kiểm soát lên án. Như vậy có một nghị sĩ của đảng Cộng hoà bỏ phiếu buộc tội TT Trump. Truyền thông Mỹ cho biết, đó là Thượng nghị sĩ Mitt Romney từ Utah, tuy thuộc đảng Cộng Hoà nhưng lại là người đến nay luôn chống đối TT Trump. Hành động của Mitt Romney bị các chuyên gia cho rằng là "1 hành động tự vẫn chính trị (politischer Selbstmord / political suicide (sic)). Còn cáo buộc ngăn cản điều tra của Quốc Hội thì bị bác bỏ với số phiếu là 53-47. Tóm lại TT Trump trắng án.
   
* Nhận định tổng quát của người viết về việc luận tội:

Như đã nói, sự kiện chính trị ở Mỹ kết quả thế nào chỉ ảnh hưởng đến công dân Mỹ nói riêng, chẳng ăn nhậu gì đến người ngoài cho nên thật ngớ ngẫn và buồn cười có kẻ tự cho là "rành chính trị, ai cũng chê" và nói người này người kia không ở Mỹ là cuồng Trump. Chuyện người Mỹ ủng hộ hay chống ỨCV nào đó dù là ứng cử dân biểu hay Tổng Thống là chuyện thường tình, ngay ở Đức cũng thế thôi. Nếu được ủng hộ nhiều thì ỨCV Tổng thống đó được thắng cử.

Còn nếu bị luận tội, kết án và truất phế thì cũng Mỹ gánh chịu. Tuy nhiên khi Pelosi (đảng Dân chủ) chủ động luận tội TT Trump với mục đích rõ ràng muốn bạ bệ mà dân chủ dù muốn dù không thực hiện 10 tháng trước bầu cử NHƯNG theo thiển ý là một hành động chính trị thiếu cân nhắc. Vì sao thiếu suy nghĩ chính chắn?. Vì khả năng 2/3 Thượng Nghị Sĩ (TNS) bỏ phiếu thuận tại Thượng viện Mỹ khó đạt được một khi Cộng Hòa chiếm đến 53 phiếu trong tổng số 100 Thượng nghị sĩ. Tìm đâu ra được 67 phiếu chống?. Muốn được như vậy thì phải có 20 chục TNS thuộc đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống TT Trump. Điều này ai cũng đoán là khó có thể xảy ra. Làm một việc mà kết quả thất bại có thể đoán biết trước được thì đó là việc làm "thiếu khôn ngoan". TT Trump đã được "cơ quan có thẩm quyền tối cao" tuyên bố trắng án thì TT Trump thở phào nhẹ nhõm, trong khi đảng Dân chủ Mỹ có lẽ còn phải đối diện với những phê phán và tranh cãi nội bộ trong thời gian tới. TT Trump - với cương vị là người vô tội - sẽ ung dung chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020 và ngồi chờ xem ai là đối thủ ?!.

Trên đây là một động đất chính trị xảy ra ở xứ Mỹ xa xôi mà tôi sống ngoài nước Mỹ ghi nhận.

* Bây giờ tôi quay trở lại ngắn gọn như có thể với Đức đang là mùa Đông, thời tiết lạnh lẽo.

Để độc giả tiện theo dõi, tôi ghi lại kết quả bầu cử tiểu bang Thueringen (Thuringia) 2019: Khoảng 1,73 triệu người Thueringer đã được kêu gọi để bầu một nghị viện mới vào Chủ nhật 27.10. Có 18 đảng đề cử tổng cộng 399 ứng cử viên.

Đảng Tả Khuynh (die Linke) đã thắng rõ ràng ở Thueringen. Linke chiếm 31,0%, đầu tiên trong lịch sử trở thành lực lượng mạnh nhất trong cuộc bầu cử tiểu bang. Trong năm 2014, Linke vẫn còn đứng ở mức 28,2%, như vậy cao hơn 2,8%. AfD đạt 23,4%, tăng gấp đôi kết quả bầu cử năm 2014. CDU giảm mạnh từ 33,5% xuống 21,8%, SPD giảm từ 12,4% xuống mức thấp nhất mọi thời đại ở Thueringen là 8,2%, Xanh yếu đáng ngạc nhiên ở mức 5,2%, FDP với đúng 5,0% (2014: 2,5 phần trăm, cộng 2,5%) được lọt vào trong quốc hội tiểu bang. Đối với FDP, Thueringen hiện là tiểu bang duy nhất trong số các tiểu bang mới mà FDP được tham chính. Tuy nhiên, FDP thực tế không có một lựa chọn tham gia chính phủ. Từ quan điểm toán học thuần túy, nó có thể đủ cho một liên minh với Linke, Xanh và SPD - nhưng điều này đã bị ứng cử viên hàng đầu Thomas Kemmerich từ chối.
Phân phối ghế trong nghị viện Erfurt: Die Linke có 29 ghế trong nghị viện tiểu bang mới, AfD: 22, CDU: 21, SPD:8, Xanh và FDP mỗi đảng 5 ghế. Với 90 đại biểu, đa số tuyệt đối là 46 ghế.
Các đại biểu của Thueringen được bầu cứ năm năm một lần.

Theo kết quả trên, thành lập một liên minh chính phủ ở Thueringen khó vô cùng. Với AfD chẳng đảng nào muốn. CDU thì chẳng mặn mà gì với Linke (hậu thân đảng cộng sản DDR). Sau vài tháng, Linke muốn ông Ramelow vẫn giữ chức Thống đốc nên cùng với SPD và Xanh thành lập "chính phủ thiểu số Đỏ-Đỏ-Xanh với 42 nghị sĩ, vị chi chưa đủ đa số phiếu 46". Ngày thứ Tư 05.02.2020 các đảng thuộc nghị viện Thueringen nhóm họp bầu Thống đốc tiểu bang. Trong vòng bầu cử 1, 2 ứng cử viên Thống đốc phải chiếm đa số phiếu mới đắc cử. Hai lần đầu Ramelow thất bại. Lần thứ ba chỉ cần nhiều phiếu là thắng cử thì Thomas Kemmerich (FDP) và Kindervater (AfD) cũng ra tranh cử. Kết quả bất ngở, Kemmerich (FDP) giành chiến thắng với 45 phiếu. Bodo Ramelow (Linke) thảm bại với 44 phiếu. Có 1 phiếu trắng và Kindervater 0 phiếu. Với kết quả bất ngờ có một không hai vì FDP chỉ với vỏn vẹn 5 nghị sĩ chiếm được chức vụ quan trọng là Thống đốc, cẩm đầu chính quyền tiểu bang Thueringen. Ngay sau đó chuyện bầu cử này đã đưa đến "sự động đất chính trị ở Đức".

Dễ hiểu vì rõ ràng Kemmerich đã giành được chiến thắng là nhờ sự ủng hộ của CDU và AfD, một đảng hữu khuynh. Có tin cho là được giàn xếp để loại trừ đảng Linke nhưng người viết không đi sâu vào chi tiết về điểm này. Bà Merkel (CDU), đảng SPD, Xanh và nhất là Linke lên án FDP nhờ AfD mà thắng cử, điều không thể chấp nhận được vì CDU, FDP trước bầu cử nói không "liên minh với AfD" và như vậy là thất hứa. Khách quan mà nói, FDP trên nguyên tắc không nói gì về liên minh với AfD. Người của FDP thắng cử nhờ sự ủng hộ của AfD và CDU thì không chối cãi được. Tân Thống đốc của Thueringen là Kemmerich từ ngày 05.02.2020 qua cuộc bỏ phiếu kín, đúng luật. Nhưng CDU, FDP sau đó bị chỉ trích từ nhiều phía. Giới lãnh đạo CDU ở Berlin và các đảng tham chính yêu cầu giải quyết vấn đề. Cuối cùng Kemmerich bỏ cuộc, tuyên bố sẽ giải tán nghị viện. FDP đề nghị bầu cử lại. Ngay cả đảng trưởng FDP, Lindner cũng muốn kiểm tra lại sự tín nhiệm của FDP đối với ông là người lãnh đạo đảng qua 1 cuộc họp ban lãnh đạo khẩn cấp trong tuần này. Động đất chính trị ở Đức vì vậy đang bùng nổ.


Song song đó, tỉnh bộ đảng CDU-Thueringen cũng đã họp và thành viên bỏ phiếu tín nhiệm đứng sau lưng ủng hộ ông Mohring, tỉnh bộ trưởng CDU. Còn ông Kemmerich được tỉnh bộ FDP ở đây tín nhiệm ủng hộ 100% sau cuộc bầu cử có một không hai để ông trở thành Thống đốc Thueringen. Cũng nói thêm, Mohring cho biết tối hôm 06.02.2020, ngược với ý của giới lãnh đạo CDU là không muốn và không tán thành việc ông Kemmerich đề xướng bầu cử lại (sic).

Việc bầu cử chức Thống đốc ở Thueringen cũng bị bà Thủ tướng Merkel chỉ trích: "Cuộc bầu cử của chính trị gia FDP Thomas Kemmerich làm Thống đốc Thueringen với số phiếu từ AfD và CDU không thể tha thứ được (sic)". Kết quả của quá trình này cần phải đảo ngược, Merkel yêu cầu từ Nam Phi trong một chuyến thăm vào thứ năm 06.02.2020 và như vậy gián tiếp đứng sau yêu cầu cho một cuộc bầu cử mới. Merkel còn nhấn mạnh ở Pretoria: "Đó là một ngày tồi tệ cho nền dân chủ. Đó là một ngày đã phá vỡ các giá trị và niềm tin của CDU". Hiện tại mọi thứ phải được thực hiện để làm rõ rằng điều này không thể hòa hợp với những gì CDU nghĩ và làm. "Điều này sẽ được thực hiện trong vài ngày tới," bà Merkel nói.

Cho tôi mở ngoặc ở đây, được đề cập sơ đến việc bầu cử lại với kiến thức về nền chính tri Đức nói riêng với khả năng hạn hẹp của mình (mong các bậc thức giả hoan hỷ & chỉ giáo thêm!).

Dù bị chỉ trích từ nhiều phía nhưng công tâm mà nói dựa trên căn bản pháp lý theo luật Đức hiện hành, vốn là xứ Dân Chủ pháp trị thì chính trị gia FDP, Thomas Kemmerich đã được chính thức bầu (kín) bởi các nghị sĩ dân cử của tiểu bang, chính danh trở thành người đứng đầu chính phủ ở Thueringen và gây ngạc nhiên lớn ở Đức vào thứ Tư ngày 05,02.2020 với phiếu bầu từ CDU, FDP và AfD - mặc dù điều này đã gây ra trận động đất chính trị sau đó.

Tỉnh bộ FDP ở Thueringen và lãnh đạo đảng FDP liên bang đã và đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị này. Một giải pháp của nghị viện bây giờ có thể làm là Kemmerich tuyên bố từ chức và từ đó dọn đường cho cuộc bầu cử lại Thống đốc tiểu bang. Một khả năng khác là Kemmerich tự đặt câu hỏi về sự tín nhiệm tại nghị viện. Riêng CDU Thueringen sẽ làm cả hai vì lo ngại thua lỗ nếu nghị viện tiểu bang sẽ phải bầu lại, có lẽ trên bình diện chính trị, đảng AfD và Đảng cánh tả hy vọng số phiếu cử tri tăng. Ngược lại CDU có thể mất phiếu thêm.

FDP Thueringen muốn nộp đơn xin giải tán nghị viện tiểu bang để mang lại một cuộc bầu cử mới. Mohring (CDU) thì muốn tránh cuộc bầu cử mới. Mohring nói: Chúng tôi đã chọn ứng cử viên "trung lập", chúng tôi không chịu trách nhiệm về cách thức bỏ phiếu của AfD. Thực tế là Thống đốc đương nhiệm Thomas Kemmerich muốn rời khỏi chức vụ của mình một ngày sau đó và muốn đặt câu hỏi về "tín nhiệm" hạn chế thiệt hại cho CDU chỉ ở mức tối thiểu. Nếu Kemmerich bị bất tín nhiệm mới có thể cho phép nghị viện tổ chức bầu cử lại người kế nhiệm.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như chúng ta nghĩ vì sự giải tán nghị viện không phải là quá dễ dàng. Theo hiến pháp tiểu bang, cuộc bỏ phiếu về các bầu cử mới phải được yêu cầu bởi ít nhất một phần ba số đại biểu - ở Thueringen sẽ là 30 nghị sĩ. Nhưng nhóm nghị sĩ FDP chỉ có năm đại biểu trong nghị viện Thueringen. Để thực sự quyết định cho cuộc bầu cử mới, phiếu bầu đồng thuận của hai phần ba trong số 90 nghị sĩ là điều cần thiết, vị chi ít nhất phải có 60 đại biểu đồng ý giải tán. Để đạt được kết quả như vậy theo thiển ý người viết khó khăn nhiều vì nếu CDU, AfD và FDP bỏ phiếu kín không đồng ý thì thất bại. Chuyện muốn bầu lại sẽ không thể thực hiện được. Cho nên cũng dễ hiểu khi Tân thống đốc Kemmerich nói rõ rằng nếu điều này không thành công, ông sẽ đặt câu hỏi về "niềm tin" tại nghị viện.

Chưa hết, sau cuộc họp nội đảng của CDU ở Erfurt/Thueringen, người đứng đầu CDU, Annegret Kramp-Karrenbauer sẽ cho CDU Thueringen một thời gian để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng sau vụ bê bối trong cuộc bầu cử thống đốc bằng các biện pháp nghị viện và do đó không có cuộc bầu cử mới nhanh như có thể. Trong khi đó, đại diện hàng đầu của đảng Tả Khuynh (die Linke), SPD và Xanh tại Thueringen đã yêu cầu Kemmerich cho đến Chủ nhật 09.02.2020 nên tuyên bố từ chức. Chính trị gia FDP, Kemmerich cho đến nay không đưa ra một đường lối rõ ràng để giải quyết sự khủng hoảng chính trị.

Nếu các khả năng nghị viện giải quyết "sự động đất chính trị" tuy xảy ra ở Thueringen nhưng liên quan đến liên bang không đạt được kết quả mong đợi thì không thể nào tránh khỏi một cuộc bầu cử mới sau đó, bà Annegret Kramp-Karrenbauer đã nói rõ sau năm giờ đàm phán khủng hoảng với ban lãnh đạo tỉnh bộ CDU ở Erfurt.

Tóm lại, "động đất chính trị" ở Mỹ qua sự kiện luận tôi vị Tổng thống đương nhiệm đã ngả ngủ, đương kim TT Mỹ Donald Trump được tuyên bố vô tội. Đảng Cộng Hoà giành chiến thắng trong khi Dân chủ thất bại qua toan tính chính trị "truất phế Trump", chưa đề cập sâu đến việc bà Pelosi nổi giận, thiếu tự chủ xé tập hồ sơ của Trump mà cả thế giới đều nhìn thấy qua ống kính. Liệu kết quả vụ luận tội ảnh hưởng thế nào chỉ có thể đánh giá qua kết quả bầu cử Tổng Thống Mỹ vào tháng 11 năm 2020 mà quyết định là do lá phiếu của cử tri Mỹ, không ngoài ai khác .!

Còn ở Đức, sự kiện ở Thueringen đã đi vào lịch sử chính trị Đức. Chính trị gia Kemmerich của FDP trở thành Thống đốc tiểu bang chỉ với 5 đại biểu của nhóm nghị sĩ FDP tại nghị viện và cũng là vị Thống đốc 1 ngày sau khi ông tuyên bố rời chức vụ này ngày hôm sau. Ngoài ra tình hình chính trị Đức hiện vẫn chưa biết rõ sẽ đi về đâu ?.

Trên lãnh vực chính trị, dù bất cứ ở đâu chỉ "sai một ly đi một dặm". Tuy chưa biết khi nào sẽ bầu cửa lại nghị viện nhưng rõ ràng phản ứng của cử tri đã cho thấy qua thăm dò ý kiến nhanh của viện nghiên cứu Forsa thực hiện cho đài RTL và N-Tv vừa được công bố lúc 13h20min ngày 07.02.2020 là nếu bầu cử lại thì liên minh Linke+SPD+Xanh có triển vọng đạt đa số phiếu. CDU Thueringen mất đi nửa số phiếu và FDP chỉ còn 4% bị loại khỏi nghị viện Thueringen.

Chính trị vốn phức tạp. Các đảng đối lập nhau luôn tìm kẽ hở của đối phương để khai thác và triệt hạ những chính trị gia giỏi, nổi tiếng. Chủ tịch của đảng CDU và FDP liên bang đang là cái đích để họ tấn công. Hiện chưa biết số phận của Annegret Kramp-Karrenbauer (CDU) và Lindner (FDP) sẽ thế nào qua vụ "động đất chính trị" xảy ra ở tiểu bang Thueringen thuộc DDR cũ ?.

Việc gì đến sẽ phải đến, chúng ta chờ xem .!

© Lê-Ngọc Châu _ Nam Đức, chiều 07.02.2020
    Theo đài RTL, ZDF, yahoo news, afp, dpa và internet.