Tuệ Sỹ - Nẻo về cuộc đời và quê hương.
NẺO VỀ CUỘC ĐỜI VÀ QUÊ HƯƠNG
Ngô Quốc Sĩ
Tuệ Sỹ được biết tới như một thiền sư, một học giả, nhưng thiết yếu được ái mộ như một nhà thơ với tình cảm dạt dào, yêu người và yêu quê hương tha thiết. Ông nguyên là giáo sư Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông còn là nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà nước cộng sản Việt Nam. Tháng 9 năm 1988 ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998 ông được thả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà.
Ông thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới trí thức Việt Nam ngưỡng mộ với nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật .
Là một thiền sư, cái nhìn của ông về cuộc đời thắm đượm màu sắc Phật giáo. Dưới mắt ông, cuộc đời là một dòng sông chuyển hóa, mà người đời chính là lữ khách trong cuộc lữ hành mênh mang vô định, với nắng tà, mưa bay, thiên địa hoang tàn:
nghe từ thiên cổ
l lời ru mênh mang
bước vào cuộc Lữ
mấy chuyến đò ngang.
Tà dương có khóc
Nắng ngả ánh vàng
Mưa bay thoảng chốc
Thiên địa hoang tàn
Trên chuyến đò ngang qua dòng đời đổi thay, tác giả đã cảm nghiệm đời người là cõi sinh diệt, hợp tan, khóc cười, trơ bãi tuyết, tê cánh hồng:
Ðồi mai ngơ ngác nụ cười
cánh hồng lả mộng của đời lưu ly
tồn sinh thấp thoáng nẻo về
dấu trơ bãi tuyết, ngoài tê cánh hồng
Trong cõi sinh diệt đó, con người quay cuồng trong cuộc chơi vô nghĩa, mò mẫm trong cuộc hành trình viễn phương, òa vang tiếng khóc:
Ðá mòn phơi nẻo tà dương
nằm nghe bước lũ khóc chừng Cuộc Chơi
nghìn năm vang một nỗi đời
gió đưa cuộc lữ lên lời Viễn phương
Thôi thì chẳng còn gì để níu kéo, bám chặt, chỉ còn chấp tay khấn nguyện trời đất cho mình giữ lại một chút thanh xuân của hoa lá, khi phải từ giã vô thường để tìm cõi vĩnh hằng, không biết có thực không, hay cũng chỉ là khói sương!
Khói ơi, bay thấp xuống đi
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần ra hoa
Nhìn đời như thế không khỏi có chút bi quan. Còn nhìn về quê hương khổ đau, thơ Tuệ Sỹ chuyên chở một lòng yêu nước thiết tha với một niềm hy vọng tươi tắn. Hiện thực quê hương hôm nay qủa bi đát, tràn máu lệ. Mười năm bước đi trong hoang tàn đổ nát. Đông Hải và Trường Sơn là chứng tích và chứng nhân của thời sử đen:
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua dấu tích điêu tàn
Triều Ðông Hải vẫn thầm thì cát trắng
Truyện tình người và nhịp thở Trường Sơn
Rồi muời năm sau, tìm lại quê hương khổ đau, cũng chắng thấy có gì đổi mới, vẫn nguyên máu lệ và tủi hận như dòng sông ngậm ngùi:
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như lòng ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn
Thì ra, con sông huyết lệ còn chảy dài, mười năm tiếp nối mười năm rồi them mười năm nữa! Dân Việt bị cơn hồng thủy nhậm chìm, cuốn trôi, mang cả mối sầu thiên cổ, lê bước trên trên những nẻo đường tang thương:
Và ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương
Qúa đau khổ nhìn quê hương tan tác, có lúc thiền sư đã đi vào ảo giác, hòa vào tiếng suối reo, rồi ngỡ mình là gã anh hùng có thể bẻ vụn mặt trời, sai khiến cả ma vương qủy sứ:
Ta đã hát những bài ca của suối
Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời
Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy
Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi
Trong cuồng nộ của một ảo tưởng anh hùng, Tuệ Sỹ đã thấy sông Ngân tuôn đổ cả dòng máu xuống cõi người. Nhưng lúc này, máu không còn là đau thương, chết chóc hủy diệt, mà máu đã nở thành hoa, thành những hạt ngọc sáng ngời, những niềm hy vọng tươi tắn như “minh châu trời Đông”
Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ soi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.
Nói máu ngọc đổ xuống tư sông Ngân là nói cho văn hoa theo ngôn ngữ của thơ, thực ra, đó là máu của dân Việt rưới xuống ruộng đồng phố thị, nhà tù và trại giam hay thấm xuống lòng biển khơi, nức nở trong tay hải tặc! Dòng máu Lạc Hồng đó sẽ nở thanh hoa tô thắm giang sơn như Nguyễn Chí Thiện đã cảm nhận:
Nếu chúng ta đồng tâm tất cả
Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa
Máu ươm hoa, hoa máu chan hòa
Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa
Hoa hạnh phúc tự do vô giá
Máu căm hờn phun đẫm mới đâm bông
Một khi máu nở thanh hoa thành ngọc, thì quê hương phục sinh. Lúc ấy, em sẽ nhẹ gót hài trên những nẻo đường quê hương yêu dấu. Mắt em sẽ là quán trọ sưởi ấm lữ khách tha phương:
Mắt em quán trọ của ngàn sao
Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào
Pha loãng nắng tà dâng cát bụi
Ấm lòng khách lữ bước lao đao
Thế là giữa cuộc đời phong ba, giữa quê hương lửa khói, thiền sư đã tìm thấy nẻo về như lữ khách tìm thấy “nhà cha”. Mùa thu đã hết. Cái gọi là “Cách mạng mùa thu” cũng đã chết. Giờ đây chỉ còn phấn nhụy trên hoa trên áo, chỉ còn tiếng đàn trên phím trong hồn:
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạy lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu áo
Trên phím dương cầm hay máu xanh..
Máu xanh thay máu đỏ. Hồn Việt nở hoa. Cờ máu cuốn trôi. Búa liềm rữa nát..Lúc này, thiền sư nhẹ tay nâng bút, lòng dân Việt rộn âm ba:
Sương mai lịm khói trà
Gió lạnh vuốt tờ hoa
Nhè nhẹ tay nâng bút
Nghe lòng rộn âm ba…
Một thuở thanh bình mở cửa mời dân Việt bước vào…