Matt Mahan

ads header

Breaking News

Phim VIETNAMERICA Thành Công Tại Toronto, Canada

Hình trái: Ban kỹ thuật đang chuẩn bị. Hình phải, từ trái: anh Lê Quốc Tuấn, bà Lê Thị Ba và cháu gái thuộc nhóm thuyền nhân bị rớt thanh lọc trốn ra sống bên ngoài 27 năm mới từ Thái Lan đến Canada hơn một tháng qua chương trình bảo trợ của  VOICE Canada, và bà Thư Nguyễn (VOICE Canada)  đang sắp những giây đeo bảng tên có in hình cờ VNCH thật mỹ thuật do hội Cựu Quân Nhân VNCH Toronto tặng
Phim VIETNAMERICA Thành Công Rực Rỡ Tại Toronto, Canada

*Bản tin VAHF.
(Hình ảnh do Phó Đức Lâm và Bùi Ngọc Triển thực hiện)

“Tôi rất xúc động sau khi xem phim. Tôi không biết diễn tả ra sao cho hết niềm rung động sâu sắc đã chinh phục hết lòng tôi. Tôi rất mong cuốn phim được trình chiếu rộng rãi tới công chúng”. Misha Allard.

"Hey Julia, tôi nghĩ rằng đối với anh trai tôi và tôi (những người cũng tham dự với tôi), chúng tôi không nhất thiết phải bị sốc bởi những thông tin từ cuốn phim vì chúng tôi đã đầu tư nhiều thì giờ để tìm hiểu. Nhưng khi xem tôi ngồi xung quanh một số thanh thiếu niên và các bạn trẻ, tôi có thể nghe thấy họ thở hổn hển và nói với nhau: “Những điều đó thực sự đã xảy ra?". và tôi nghĩ rằng thông điệp từ bộ phim thực sự đã được chuyển tới thế hệ trẻ, và tôi rất hạnh phúc vì tôi đã có thể tham dự và chứng kiến những phản ứng khác nhau. Cảm ơn một lần nữa vì đã mời tôi!...”  Julie Mai.

“Một lần nữa, cảm ơn bạn rất nhiều đã mời tôi. Theo tôi, bộ phim Vietnamerica hay nhất so với hầu hết các phim Việt khác tôi đã xem. Tôi hy vọng rằng nhìn chung, việc quý bạn giúp tổ chức tại Toronto là một thành công”. Nghiêm Phú Phúc.

Trên đây là ba ý kiến biểu trưng của ba nhóm khán giả khác nhau: một người Canada, một nhóm bạn trẻ và một thuộc thế hệ người Việt di cư thứ nhất tại Canada. Họ phát biểu cảm tưởng của họ sau khi xem phim VIETNAMERICA được ra mắt lần đầu tiên trong hai xuất chiếu vào lúc 11giờ 30 sáng và 2giờ 30 chiều Chủ Nhật 4 tháng 12, 2016,  tại rạp Hot Docs Ted-Rogers Cinema trong khu phố cổ thuộc trung tâm thành phố Toronto, Canada.

Quan khách người Việt & Canada

Trong cơn mưa nhẹ và khí trời lạnh buốt, đã có trên 1,000 quan khách và đồng hương đứng sắp hàng trật tự để tuần tự vào trong rạp. Cô Jane, giám đốc của rạp hát đã phải lên tiếng khen ngợi nhóm khán giả lịch sự và dễ mến này. Trước đó ban giám đốc của rạp đã có những lo lắng về vấn đề an ninh trật tự vì ít khi rạp phải chứa một lượng khách đông đảo cùng một lúc.

Trong hàng ngũ quan khách gồm các vị lãnh đạo tôn giáo và hội đoàn, thân hào nhân sĩ người Việt tại Toronto và các thành phố lân cận. Chúng tôi ghi nhận sự có mặt của: Thượng Tọa Thích Tâm Hòa, chủ trì Chùa Pháp Vân, chủ tịch Cộng Đồng  Người Việt Mississauga-ông Trần Văn Đáo, chủ tịch hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Ontario-ông Đồng Quang Minh, , bà Hà Quyên, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Ottawa, nhà văn Trà Lũ Trần Trung Lương, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phúc, bà Lê Khắc Ngọc Quỳnh, cựu giáo sư Trường Trưng Vương…, các viên chức chính phủ Canada như Cựu Thủ Hiến tỉnh bang Ontario-Bob Rae và phu nhân, cựu giáo sư Khoa Trưởng ngành Di Dân Tị Nạn tại Đại Học York, tác giả, nhà tranh đấu cho chương trình Operarion Lifeline giúp người tị nạn VN vào Canada vào giữa và cuối thập niên 70, trong đó có diều khoản Bảo Trợ Tư Nhân (Private Sponsorship), chính diều khoản này đã giúp những người tị nạn VN kém may mắn còn lưu lạc hàng nhiều chục năm tại Phi Luật Tân, Thái Lan với sự vận động của tổ chức VOICE do Luật sư Trịnh Hội sáng lập và với sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt khắp nơi đã được định cư tại Canada qua nhiếu đợt trong nhiều năm qua- ông Howard Adelman, và đại diện một số cộng đồng bạn như ông Joseph Wong, một nhân sĩ nổi tiếng trong cộng đồng người Canada gốc Trung Hoa,..

Những thông tin không tìm thấy tại học đường hay truyền thông giòng chính

 Một buổi Lễ Khai mạc ngắn nhưng trang trọng đã diễn ra trước khi trình chiếu phim với sự điều khiển khéo léo và chuyên nghiệp của hai MC Hồ Khánh Lan thuộc VIETV và James Nguyễn thuộc tổ chức VOICE Canada. Thay mặt Ban tổ chức ông Nguyễn Đạt, chủ nhiệm kiêm chủ bút Thời Báo Media đã chia sẻ lý do khiến ông và Thời Báo đứng lên đồng tổ chức và bảo trợ buổi ra mắt phim VIETNAMERICA không ngoài mục đích để giúp việc bảo tồn và nói lên sự thật về chiến tranh Việt Nam khi mà giới trẻ tại hải ngoại đã không tìm được từ sách báo, phim ảnh hay từ những bài học trong trường..

Ông Đỗ Kỳ Anh, Chủ tịch VOICE Canada, một tổ chức thiện nguyện nhằm giúp đỡ người Việt tị nạn, đặc biệt là những người còn kẹt lại tại một số quốc gia như Phi Luật Tân, Thái Lan đã phát biểu lý do khiến VOICE Canada cùng với Thời Báo và VIETV đồng tổ chức vì nhận thấy các bạn trẻ cần phải học hỏi về nguồn gốc của mình; vì sao cha mẹ, ông bà mình phải bỏ nước ra đi và đưa các em đến đây, từ đó, các em hiểu,cảm thông, yêu mến và hãnh diện về cha mẹ, ông bà những người đã hy sinh tất cả cho các em có cuộc sống tự do như ngày hôm nay.

Thượng tọa Thích Tâm Hòa, trụ trì chùa Pháp Vân đã đến tham dự cùng với 3 xe bus đầy ắp đồng hương phát xuất từ Trung tâm sinh hoạt Phật giáo Pháp Vân, nhân dịp này cũng bày tỏ lòng cám ơn Ban tổ chức đã nhiệt tâm đem cuốn phim về Toronto để trình chiếu và hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa  (VAHF) đã khổ công làm nên cuốn phim để nói lên sự thật về cuộc chiến Việt Nam và hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt của người Việt tị nạn.

Niềm vui và lòng tri ân

Ban tổ chức sau đó đã tặng plaque kỷ niệm và tấm check $20,000 Gia Kim cho hội VAHF. Được biết, VOICE Canada, Thời Báo Media và VIETV Canada, đã bảo trợ mọi chi phí từ vấn đề thuê rạp, cho đến các chi phí in ấn, quảng cáo. Đại diện hội VAHF, cô Hoàng Dung đến từ Austin và anh John Hòa Nguyễn đến từ New Orleans đã tặng plaque tri ân đến các nhà bảo trợ, các cơ sở thương mãi: V247, Flora, Frank Covello và Michael Le from Realty Executives Priority One, NAILRUS, các tổ chức hỗ trợ như Trung Tâm Phật Giáo Pháp Vân, SBTN Canada.

Trước khi phim được trình chiếu, bà Nancy Bùi, nhà sản xuất và cũng là hội trưởng hội VAHF đã chia sẻ nỗi lo lắng của bà trước lần đầu tiên đưa cuốn phim ra khỏi Hoa Kỳ để trình chiếu nhưng trước lượng khán giả đầy ắp rạp cho cả hai suất chiếu, bà và 4 thành viên của hội đến từ Hoa kỳ gồm Ông Bùi Triển, cô Dung Vũ Hoàng, Ông John Hòa Nguyễn, và bà Từ Kim Vân đã được ấm lòng dù ngoài kia trời đang lạnh giá. Bà thay mặt hội cám ơn Ban Tổ chức, các nhà bảo trợ, các quan khách cùng toàn thể khán giả, đặc biệt là trên 50 thiện nguyện viên, đã bỏ nhiều công sức trong nhiều tháng qua cho việc tổ chức, và cả những người vì lý do này hoặc lý do khác không thể có mặt như nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã giúp việc quảng bá. Bà cũng chia sẻ tâm niệm; với sự hỗ trợ và khuyến khích của đồng hương, hội VAHF đã và tiếp tục nhận trách nhiệm nói lên tiếng nói trung thực về chiến tranh Việt Nam và hành trình tìm tự do của người Việt hải ngoại để phản bác những luận điệu sai trái của cộng sản VN và nhóm phản chiến.

Phần chiếu phim dài 90 phút với sự theo dõi chăm chú của khán giả. Khi phim hết, đèn bật sáng, nỗi xúc động còn đọng trên gương mặt của mọi người. Một số không ít mắt vẫn còn ướt. Vì thời gian có hạn nên suất chiếu lúc 11.30am đã không có phần thảo luận giữa khán giả, ban tổ chức và nhà làm phim, chỉ có những cái bắt tay và chia sẻ ngắn khi quan khách ra về.

Ý kiến đóng góp của khán giả

Phần thảo luận trong suất thứ hai khá sôi nổi. Phần đông ý kiến của những người trẻ đã nói lên sự mang ơn của họ về kiến thức và cảm xúc do cuốn phim mang lại. Các em cũng mong muốn cuốn phim được phổ biến rộng rãi để các bạn trẻ khắp nơi được học hỏi. Vivian Lưu (VOICE Canada), một người trẻ từ Boston mới đến làm việc tại Toronto mấy năm qua đã dùng Facebook để quảng bá đến các bạn trẻ trong nhiều tuần trươc khi được trình chiếu, đã đến ôm vai nhà sản xuất và chia sẻ với giọng nói đầy xúc động:

“Em sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa cuốn phim tới người trẻ tại Canada ở các thành phố Montreal, Ottawa, Vancouver”

 Một số ý kiến đóng góp xây dựng khác đến từ thế hệ di cư thứ nhất đã cho rằng dù rất thành công và được lòng hầu hết khán giả, cuốn phim không có nhiều nhân vật hoặc chưa nói hết được những cảnh đau thương như những thuyền nhân đói khát phải ăn thịt người, hoặc nhiều cảnh tra tấn trong tù hay nỗi khốn khó của người vợ tù...

Bà Nancy Bùi đã chia sẻ rằng với thời lượng 90 phút, cuốn phim không thể giải quyết hết tất cả những vấn đề của lịch sử 70 năm và hoàn cảnh của nhiều trăm người mà hội đã phỏng vấn. Hy vọng nếu có hoàn cảnh để làm VIETNAMERICA 2, 3 ra đời thì sẽ có cơ hội bổ túc thêm. Khi làm phim, để có thể lôi cuốn người xem để không khỏi nhàm chán, nhất là phim thuộc thể loại tài liệu (documentary), phim phải có cốt truyện với những chi tiết hấp dẫn và một bố cục chặt chẽ. Phần khác, phim được làm để đưa vào học đường nên những chi tiết có tính cách quá bạo lực đã phải tránh.

Một cái nhìn từ góc cạnh khác

Một vị giáo sư Canada khả kính từng tham chính với chức vụ cao trong chính phủ và bỏ rất nhiều công sức trong việc vận động với chính phủ Canada nhận người tị nạn Việt Nam trong cuối thập niên 70 đã dành khá nhiều thì giờ để đặt vấn đề với nhà làm phim. Theo ông thì 2 đoạn phim cần phải cắt. Đó là đoạn người Hungary tranh luận với nhóm phản chiến đang biểu tình với những lời lẽ mạnh mẽ: “…Các anh là những kẻ ngu dốt, các anh chống đối vì các anh bị lừa dối, thật đáng xấu hổ …” và đoạn thứ hai nói về đông đảo số người Mỹ gốc Việt trẻ tham gia quân đội. Theo ông thì những đoạn này khiến hình ảnh người Việt có vẻ hiếu chiến.

Bà Nancy Bùi đã giải thích hai đoạn ông yêu cầu cắt bỏ lại là hai đoạn được khán giả vỗ tay khen ngợi nhiều nhất trong 13 lần trình chiếu tại 13 thành phố tại Hoa Kỳ. Bà không đồng ý với những người biểu tình vì khi ấy đất nước họ đang trong hoàn cảnh chiến tranh, bao nhiêu thanh niên hy sinh ra chiến trường chiến đấu thì tại hậu phương lại có những người cầm cờ của kẻ thù là cộng sản VN và của “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” để đi biểu tình ủng hộ họ. Người Hungary đã nói lên chính nghĩa chống kẻ xâm lược CSVN và những kẻ phản chiến. Đây là vấn đề chính yếu khiến những người thường dân như chúng tôi phải đứng lên làm cuốn phim này vì hơn 40 năm qua, sách báo, phim ảnh, sách giáo khoa của giòng chính đã không nói lên sự thật. Riêng về việc có đông đảo người trẻ Mỹ gốc Việt tham gia quân đội thì không thể xem người Việt là hiếu chiến mà đó là một điều đáng hãnh diện vì họ là những người trẻ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước. Buổi tranh luận được kết thúc bằng cái bắt tay thân thiện khi hai bên nhận ra rằng họ đã nhìn vấn đề từ hai góc cạnh khác nhau; một người đã sống và là nạn nhân của chiến tranh VN, một người biết về cuộc chiến qua sách báo Tây Phương, không phải một sớm, một chiều có thể thay đổi cái nhìn của họ.

VIETNAMERICA tiếp tục đến một số thành phố tại Canada

Bà Hà Quyên thuộc Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Ottawa đã đến chúc mừng sự thành công của Ban tổ chức và nhà làm phim qua lần ra mắt đầu tiên tại Canada. Bà ngỏ ý sẽ cùng hợp tác với VOICE Canada tại Montreal để tổ chức buổi ra mắt VIETNAMERICA với khán giả tại hai thành phố có đông đảo người Việt là Montreal và Ottawa vào đầu năm 2017 sắp tới.

Cũng nên nhắc lại, phim VIETNAMERICA sản xuất bởi hội VAHF và Edwards Media. Phân đoạn 18 phút của phim dưới nhan đề Master Hoa’s Requiem được chọn vào 15 đại hội điện ảnh, thắng 5 giải quốc gia và quốc tế. Phim đã ra mắt khán giả tại 13 thành phố tại Hoa Kỳ. Toronto, Canada là thành phố thứ 14. Mọi chi tiết về phim quý độc giả có thể tìm hiểu qua trang nhà: www.vietnamericamovie.com . ài truyền hình VIETV Canada vừa trình chiếu video tường trình về buổi ra mắt phim VIETNAMERICA tại Toronto do hai phóng viên Duy Lê và Quốc Lê thực hiện. Xin mời quý độc giả vào Link dưới đây để xem: https://www.youtube.com/watch?v=BjFC8ZuwB0Q


Buổi công chiếu phim tài liệu VIETNAMERICA tại Toronto

VAHF
(12/2016) 



Hình trái: Ban kỹ thuật đang chuẩn bị. Hình phải, từ trái: anh Lê Quốc Tuấn, bà Lê Thị Ba và cháu gái thuộc nhóm thuyền nhân bị rớt thanh lọc trốn ra sống bên ngoài 27 năm mới từ Thái Lan đến Canada hơn một tháng qua chương trình bảo trợ của VOICE Canada, và bà Thư Nguyễn (VOICE Canada) đang sắp những giây đeo bảng tên có in hình cờ VNCH thật mỹ thuật do hội Cựu Quân Nhân VNCH Toronto tặng.

Khách đến từ Toronto hoặc từ rất xa, bằng nhiều phương tiện. Hình phải: từ phải: Ông Giáo Trần, người đã có mặt trong một chuyến quay phim VIETNAMERICA tại các trại tị nạn Đông Nam Á đã lái xe nhiều tiếng đồng hồ để xem phim và gặp lại nhà sản xuất Nancy Bùi.

Hình trái, từ phải ông Đỗ Kỳ Anh tiếp quan khách Canada. Hình giữa, từ phải ông John Hòa Nguyễn (VAHF) hướng dẫn khách vào trong râp. Hình phải: khách phần đông thuộc giới trẻ.

MC James Nguyễn (VOICE Canada) và Hồ Khánh Lan (VIETV) đang hướng dẫn buổi lễ cháo quốc kỳ VNCH và Canada với phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những người hy sinh trong cuộc chiến và những đồng bào chết trong rừng sâu núi thẳm hay trên biển cả trên con đường đi tìm tự do.

Hình trái, từ trái: ông Nguyễn Đạt. chủ nhiệm kiêm chủ bút Thời Báo Media, và ông Đỗ Kỳ Anh, chủ tịch VOICE Canada phát biểu thay mặt Ban Tổ chức. Hình giữa: ông Nguyễn Đạt,Thượng Tọa Thích Tâm Hòa, ông Đỗ Kỳ Anh trao tấm check $20,000 Gia Kim cho nhà Nancy Bùi. Hình phải: Bà Nancy Bùi tặng plaque tri ân cho Hồ Khánh Lan đại diện VIETV Canada, ông Đỗ Kỳ Anh VOICE Canada, ông Nguyễn Đạt, Thời Báo Media, bà Trần Kim Chi đại diện V247 và Thượng Tọa Thích Tân Hòa đại diện Trung tâm Phật giáo Pháp Vân.

Hình trái: phóng viên Duy Lê của VIETV Canada phòng vấn Dung Vũ Hoàng và John Hòa Nguyễn. Hình phải: Ban Tổ chức chụp hình kỷ niệm trước bích chương tri ân các nhà bảo trợ

Hình trái: Ban Tổ chức chụp hình kỷ niệm với Hội Cựu Quân Nhân VNCH Ontonio. Hình phải, từ trái: hàng trước từ trái Vivian Lưu, Khánh Lan, Dung Vũ Hoàng, Từ Kim Vân, Gs. Lê Khác Ngọc Quỳnh, Nancy Bùi, Giang Châu,chị Mai, chị Phi, bà Phó Đức Lâm. Hàng sau Nguyễn Đạt, Kim Chi Trần

Những giây phút chia tay quyến luyến.Từ trái: Hàng 1: Hiền Võ, Đạt Nguyễn, John Hòa Nguyễn, Từ Kim Vân. Hàng 2: chị Yến, phu nhân của nhà báo Vũ Xuân Xa, chị Nghĩa, chị Hoa, chị Vi, Khánh Lan, Kiều Miên, Việt, Kim Chi, Kỳ Anh,, anh Phó Đức Lâm. Hàng 3: chị Phó Đức Lâm, Vivian, anh Chính, Quang và James.