Matt Mahan

ads header

Breaking News

So sánh chính sách kinh tế của 2 ƯCV Clinton và Trump

Hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton và Donald Trump.
So sánh chính sách kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống Clinton và Trump

Nguyễn Quốc Khải
VOA, 02-11-2016

Trong tất cả các cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, kinh tế luôn luôn là một chủ đề quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của mọi người dân. Trong 15 năm qua, Hoa Kỳ đã trải qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn hạn với cùng một nguyên nhân là nạn đầu cơ bắt nguồn từ hai lãnh vực khác nhau: thị trường chứng khoán và nhà đất. Lần này trong một bối cảnh thế giới tương đối bình yên, kinh tế trở thành lãnh vực được cử tri quan tâm đến nhiều nhất. Theo cuộc điều nghiên của nhật báo Anh The Guardian, hơn 90% cử tri Mỹ nói rằng kinh tế hết sức quan trọng đối với họ.

Bài này sẽ tìm hiểu chính sách kinh tế của hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump với những đặc điểm sau đây. Bà Clinton muốn tăng thuế trên những người giàu, chi tiêu nhiều hơn về huấn nghệ và giảm thuế đối với những công ty mướn thêm công nhân Hoa Kỳ. Trái lại ông Trump chú trọng về việc giảm thuế, bớt luật lệ, và chấm dứt những hiệp định thương mại. Chúng ta sẽ phân tích một cách chi tiết hơn về các khía cạnh thuế, việc làm, mức lương tối thiếu, di trú, thương mại, và nợ quốc gia.

I. Thuế

Về lãnh vực thuế, hai ứng cử viên có những khác biệt rõ rệt nhất.

Clinton: Nói một cách tổng quát, bà Clinton sẽ tiếp tục chính sách thuế của Tổng thống Barack Obama và sẽ giữ mức thuế như hiện nay đối với phần đông công dân Mỹ. Nhưng bà đòi hỏi lớp người giàu có với lợi tức hàng năm trên $5 triệu phải trả thêm 4% thuế. Lợi tức thu được từ nguồn thuế này sẽ dùng để tài trợ cho một số chương trình như giáo dục đại học cho sinh viên nghèo.

Bà Clinton muốn giới hạn số lợi tức trừ thuế ở mức 28%. Những gia đình có lợi tức hàng năm tối thiểu là $2 triệu sẽ phải chịu một thuế suất tối thiểu là 30%.Thông thường lợi tức trừ thuế ưu đãi người giàu. Trong khi đó những người nghèo không được hưởng gì cả. Bà Clinton còn chủ trương loại bỏ những lỗ hổng về thuế thường chỉ làm lợi cho người giàu và tăng thuế tài sản (estate tax), một loại thuế áp dụng vào tài sản của người quá cố trước khi phân chia cho những người thừa kế.

Trump: Chủ trương cắt giảm thuế cho tất cả mọi người và giảm nhóm người đóng thuế từ bẩy xuống còn ba. Ông Trump giảm thuế suất cao nhất từ 39.6% xuống còn 33%. Ngoài ra ông Trump còn muốn giảm thuế đánh vào những công ty Mỹ xuống còn 15% từ mức 35% hiện nay, một trong những thuế suất cao nhất thế giới, và loại bỏ thuế tài sản. Ông chủ trương thuế tài sản chỉ áp dụng khi người quá cố chuyển nhượng tài sản trị giá trên $5.45 triệu cho một cá nhân người thừa kế hay $10.9 triệu cho một cặp vợ chồng.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Thuế vụ (Tax Policy Center), một tổ chức độc lập, chính sách thuế vụ của ông Trump sẽ làm chính phủ mất đi $9.5 nghìn tỉ tiền thuế trong khi đó chính sách của Bà Clinton giúp cho chính phủ thu thêm được $1.1 nghìn tỉ trong 10 năm tới. Theo ông Roberton Williams thuộc Tax Policy Center, kinh tế phát triển sẽ không đủ để bù đắp nổi số tiền thuế mất đi theo chính sách của ông Trump.

Theo tổ chức Tax Foundation, ông Trump chủ trương giảm thuế cho mọi người dân Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế, chính sách của ông giảm thuế nhiều nhất cho những người có lợi tức cao.


II. Việc làm

Sau hai cuộc khủng hoảng kinh tế ngắn hạn vào các năm 2002 và 2007-2008, kinh tế hồi phục trở lại nhưng việc làm chưa phát triển khả quan.

Clinton: Để tạo công ăn việc làm, bà Clinton chủ trương dành một ngân khoản $250 tỉ để chi tiêu trong 5 năm vào những chương trình huấn nghệ, giáo dục đại học cộng đồng, phát triển dịch vụ Internet và điện thoại di động, cơ sở hạ tầng, và năng lượng sạch. Bà hỗ trợ việc phát triển khu vực tư nhân để tạo việc làm trả lương cao và thành lập một ngân hàng phát triển hạ tầng cơ sở với số vốn là $25 tỉ.

Ngoài ra, bà Clinton còn ủng hộ kế hoạch công ty chia lời với nhân viên, gia tăng mức lương tối thiểu liên bang, tu chính toàn bộ luật di trú, cải thiện nghỉ phép có ăn lương và chăm sóc trẻ em để khuyến khích phụ nữ đi làm.

Trump: Để tạo thêm việc làm cho công dân Mỹ, ông Trump chủ trương hạn chế di dân và giảm bớt nhập cảng nhưng ông không cho biết rõ chi tiết. Ngoài ra ông Trump còn ủng hộ việc gia tăng mạnh mẽ chi tiêu về quốc phòng và cơ sở hạ tầng và giảm chi tiêu về những chương trình ngoài lãnh vực quốc phòng, ngoại trừ những lãnh vực như chương trình y tế của cựu chiến binh, biên phòng, an sinh xã hội, và trợ cấp y tế Medicare. Ông Trump cho là chính sách tái thiết và xây dựng đường xá, cầu cống, phi trường với chi phí khoảng $1 nghìn tỉ, sẽ tạo ra 13 triệu việc làm. Một câu hỏi đặt ra là ông Trump làm thế nào để có $1 nghìn tỉ này, trong khi muốn giảm hơn $9 nghìn tỉ tiền thuế.

Ông Trump tuyên bố rằng việc giảm bớt luật lệ về việc sản xuất năng lượng mà ông hỗ trợ sẽ tạo thêm việc làm trong lãnh vực này thay vì bị giảm bớt trong những năm vừa qua. Ông Trump muốn hủy bỏ chương trình bảo hiểm sức khỏe Obamacare và theo ông điều này sẽ cứu được hai triệu việc làm trong 10 năm tới. Đồng thời ông Trump tin tưởng rằng chính sách thương mại của ông sẽ giúp tạo nhiều việc làm trong khu vực công nghiệp và sản xuất hàng hóa. Khu vực này đã mất khoảng 5 triệu việc làm kể từ năm 2000 vì những cải tiến về kỹ thuật chứ không phải vì chuyển việc sản xuất ra nước ngoài.

III. Mức lương tối thiểu

Kể từ năm 2009, mức lương tối thiểu liên bang là $7.25/giờ. Một số dự luật đã đệ trình Quốc hội để tu chính mức lương này, nhưng chưa được cứu xét. Trong khi đó Đảng Dân chủ đưa mức lương tối thiểu $15/giờ vào cương lĩnh của đảng.

Clinton: Ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu tới $12/giờ và cho phép các tiểu bang và thành phố đặt mức lương cao hơn mức tối thiểu này như một số địa phương đã thực hiện.

Trump: Thay đổi lập trường nhiều lần về vấn đề này. Trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, ông Trump chủ trương giữ nguyên mức lương tối thiểu liên bang hiện tại là $7.25/giờ. Sau đó ông ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu nhưng để các tiểu bang tự quyết định.

IV. Di trú

Hoa Kỳ có khoảng 42 triệu di dân. Khoảng 1/4 trong số này nhập cảnh bất hợp pháp gây ra tình trạng khó xử cho những nhà lập pháp.

Clinton: Bênh vực quyền của di dân. Bà từng ủng hộ lệnh hành pháp (executive order) của Tổng thống Obama ngăn cấm trục xuất bốn triệu di dân bất hợp pháp. Nhưng lệnh này bị Tối cao Pháp viện bác bỏ. Bà Clinton chủ trương cải tổ luật di trú để cho phép di dân có thể trở thành công dân Hoa Kỳ, giúp hàng triệu công nhân làm việc công khai, gia đình đoàn tụ và đóng cửa những trung tâm giam giữ di dân.

Trump: Chủ trương trục xuất khoảng 11 triệu di dân bất hợp pháp và xây bức tường dài dọc theo biên giới Mexico. Sau vụ khủng bố ở San Bernardino, California, ông Trump muốn cấm tất cả những người Hồi giáo vào nước Mỹ. Ngoài ra ông còn hủy bỏ luật cho phép những người sinh tại đất Mỹ trở thành công dân Hoa Kỳ, nhưng có cha mẹ là người ngoại quốc và phạt hình sự những người ở quá thời hạn hộ chiếu. Sau đó, ông Trump đã làm nhẹ bớt chính sách di dân như chỉ tạm thời cấm những di dân từ những vùng nuôi dưỡng khủng bố. Để ngăn chặn việc nhập cảnh bất hợp pháp, ông Trump chủ trương tăng số nhân viên kiểm tra di dân và quan thuế gấp ba lần và thêm 5.000 nhân viên tuần tra biên giới.

V. Thương mại

Clinton: Thường hay thay đổi lập trường về thương mại. Bà Clinton từng chống lại hiệp định thương mại với Nam Triều Tiên vào năm 2007, nhưng lại ủng hộ hiệp định này khi làm Bộ trưởng Ngoại giao. Bà từng ủng hộ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (North America Free Trade Agreement – NAFTA), sau đó lại chỉ trích hiệp định này. Tương tự như vậy, bà từng ủng hộ Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) khi còn là bộ trưởng ngoại giao, nay lại tuyên bố chống lại vì cho TPP không phải là hiệp định tốt nhất cho Hoa Kỳ.

Tuy nhiên bà Clinton rõ ràng về hai điều:

1. Bà chú trọng về việc khuyến khích sản xuất trong nước Mỹ bằng những ưu đãi thuế vụ cho những công ty nội địa thay vì hạn chế nhập cảng.

2. Bà chống lại chủ trương tăng thuế nhập cảng của ông Trump vì bà cho rằng làm như vậy sẽ gây ra chiến tranh thương mại và làm cho Hoa Kỳ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trump: Chủ trương thương thuyết lại những hiệp định thương mại đang áp dụng như NAFTA để có lợi hơn cho Hoa Kỳ và từ bỏ những hiệp định nào không đạt được mục tiêu này. Ngoài ra ông Trump còn chủ trương tăng thuế nhập cảng đối với những hàng hóa của những quốc gia buôn bán lớn nhất với Hoa Kỳ như Mexico và Trung Quốc. Thật vậy, ông Trump muốn áp đặt thuế suất 35% trên hàng nhập cảng từ Mexico và 45% trên hàng của Trung Quốc để khuyến khích giới tiêu thụ Hoa Kỳ mua hàng sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là Mexico và Trung Quốc cũng sẽ tăng thuế nhập cảng hàng Mỹ. Nói chung, ông Trump là một người chống tự do thương mại với nước ngoài nhằm bảo vệ thị trường nội địa.

VI. Nợ quốc gia

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đến nay, nợ quốc gia đã tăng lên gấp đôi, tới mức $13.6 nghìn tỉ, tương đương với 75% của tổng sản phẩm nội địa (GDP) tính đến đầu năm 2016, một phần vì lợi tức thu từ nguồn thuế giảm, trong khi đó chính phủ lại phải chi tiêu để kích thích phát triển kinh tế. Nếu kể cả số nợ chính phủ vay của Federal Trust Funds, nợ quốc gia lên tới khoảng $19 nghìn tỉ, tương đương với 104% của GDP. Nợ quốc gia buộc bất cứ ứng cử viên nào thắng cử vào Tòa Bạc Ốc phải suy nghĩ về tăng hay giảm thuế và chi tiêu để dự trù ngân sách nhà nước.

Clinton: Theo Ủy ban Ngân sách Trách nhiệm Liên bang (Committee for a Responsible Federal Budget), một tổ chức độc lập, bất vụ lợi, lưỡng đảng, chính sách thuế vụ và tài chánh của bà Clinton sẽ giúp cho nợ quốc gia ở mức luật lệ hiện hành cho phép. Bà không đưa ra những biện pháp cụ thể để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên thuế mới áp dụng trên lớp người giàu sẽ dùng để tài trợ những chương trình chi tiêu do bà chủ xướng.

Trump: Vào tháng 3/2016, ông Trump tuyên bố rằng phát triển kinh tế qua việc thực hiện những kế hoạch của ông sẽ cho phép quốc gia thanh toán được nợ công. Theo những chuyên gia phân tích về ngân sách, điều ông Trump mong muốn khó có thể thực hiện.

VII. Kết luận

Theo nhận xét chung của nhiều chuyên gia kinh tế, bà Clinton ít hay nhiều sẽ tiếp tục chính sách của Tổng thống Obama. Ông James Sweeney, kinh tế gia trưởng của Credit Suisse, cho rằng dự đoán dưới thời Tổng thống Clinton không thay đổi về tăng trưởng, chính sách, thu nhập, và lạm phát.

Phần đông các kinh tế gia đã cảnh báo rằng nền kinh tế theo kế hoạch của ôngTrump sẽ có nhiều đột biến tiêu cực. Ông Kevin Logan, kinh tế gia trưởng của HSBC, nói rằng “chính sách thương mại của ông Trump sẽ làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa của Hoa Kỳ, giảm xuất cảng của Hoa Kỳ, và sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển kinh tế.” Ông Logan nhận xét thêm rằng: “Trong năm đầu GDP trong ngắn hạn có thể gia tăng nhờ chính sách giảm thuế, nhưng xáo trộn trong thị trường quốc tế và lực lượng lao động thu nhỏ lại sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng trì trệ.” Không những vậy, nếu tình trạng trên xảy ra, ngân sách quốc gia sẽ thiếu hụt, nợ công sẽ tăng và ảnh hưởng đến lạm phát.

Tuy nhiên không phải ai cũng có cái nhìn tiêu cực về chính sách của ông Trump. Thật vậy, kinh tế gia Larry Kudlow của CNBC nhận định rằng chính sách giảm thuế của ông Trump sẽ kích thích và làm kinh tế phát triển đáng kể. Ông so sánh chính sách của ông Trump với chính sách giảm thuế của Tổng thống John F. Kennedy và Ronald Reagan và ghi nhận rằng cả hai trường hợp này đã giúp nên kinh tế tăng trưởng 5%.

Một điều ai cũng có thể thấy ngay là chính sách kinh tế của bà Clinton sẽ giúp làm giảm sự cách biệt giàu nghèo tại Hoa Kỳ. Trái lại chính sách của ông Trump sẽ giúp cho sự cách biệt này càng lớn hơn. Theo GS Emmanuel Saez của University of California tại Berkeley, 1% số người có lợi tức cao nhất ở Hoa Kỳ chiếm khoảng 22% tổng số lợi tức quốc gia vào năm 2015.

Tham khảo:

Associated Press, “These are the big differences between Clinton’s and Trump’s Economic Visions,” Fortune, June 28, 2016.

BBC, “Trump vs. Clinton, comparing their economic plans,” September 16, 2016.

Bob Bryan, “Where Hillary Clinton and Donald Trump stand on the economy,” Business Insider, September 24, 2016.

Paul Davidson, “Trump and Clinton on the economy: A breakdowm,” USA Today, July17, 2016.

Louis Jacobson, “Compare the candidates: Clinton vs. Trump on the economy,” Politifact, July 22, 2016.

Jana Kasperkevic, “The Economists’ guide to choosing between Trump and Clinton,” The Guardian, July 30, 2016.

David Smith, “Where Donald Trump and Hillary Clinton Stand on 2016’s Key Issues,” The Guardian, June 9, 2016.

Various authors, “Where they stand on Economic Policy Issues,” WSJ, 2016.