Matt Mahan

ads header

Breaking News

Lời tiễn biệt cựu DB Trần Văn Sơn của NB Huỳnh Lương Thiện.

Thân bằng quyến thuộc và các thân hữu đang tụng kinh tiễn đưa hương linh Tâm Đạt Trần Văn Sơn.
Lời tiễn biệt cựu DB Trần Văn Sơn của NB Huỳnh Lương Thiện.
• NB Huỳnh Lương Thiện thuật lại vụ họp báo đầu tiên tại
   hải ngoại của 3 dân biểu tỵ nạn tại Nhật ngày 30-4-1977

Kính thưa tang gia và quý vị hiện diện trong tang lễ cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn.

Tôi rất hân hạnh được Ban Tổ Chức Tang Lễ cho vài phút để thưa chuyện cùng quý vị.

Dịp này, tôi sẽ nói về một số kỷ niệm, cái duyên gặp gỡ, được làm việc chung với cựu Dân Biểu Trần Văn Sơn, mà theo tôi, đó là một trong những may mắn của cuộc đời mình.

Tôi gặp ông lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1977 tại thành phố nhỏ Kominato, cách Tokyo khoảng 100 cây số trong một trường hợp hy hữu. Đó là lúc chiếc tàu dầu Ryuko Maru của Nhật vớt được 34 người VN trốn thoát, đang lênh đênh trên biển. Trong số thuyền nhân ấy, có ông và hai vị dân biểu khác là ông Trần Văn Thung và ông Nguyễn Công Hoan đang hiện diện trong căn phòng này. Lúc ấy, tôi là một nhân viên của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Nhật lo việc đón tiếp đồng bào tỵ nạn đến Nhật.

Vào thời điểm ấy, trong số người tỵ nạn này, có mặt 3 vị dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có cả một vị đương nhiệm dân biểu của CHXHCNVN là Nguyễn Công Hoan, qủa là một tin gây chấn động. Càng chấn động hơn cho dư luận Nhật Bản, cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và cả chính phủ Nhật khi cả 3 vị muốn họp báo để công khai tố cáo tội ác của bạo quyền Việt Cộng, sau 2 năm cưỡng chiếm miền Nam.

Tàu vượt biên chứa 34 người, trong số đó có 3 cựu dân biểu VNCH.
Hình trên tàu Nhật cứu vớt 34 người vượi biên trong đó có 3 vị dân biểu. DB Trần Văn Sơn đang quàng lá cờ Vàng trên người.
Tổ Chức Người Việt Tự Do đã hoan nghênh quyết định họp báo này. Là một thành viên, tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với 3 vị này để chuẩn bị các công tác cho buổi họp báo hình thành, trong khi phía Cao Uỷ Tỵ Nạn và chính phủ Nhật chống đối việc họp báo.

Nguyên nhân chống đối là do sự phản đối quyết liệt của Tòa Đại Sứ Việt Cộng ở Tokyo. Trong vị thế của chính phủ Nhật lúc ấy khá tế nhị và cả Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, họ đã tìm mọi cách gây khó dễ, áp lực…, thậm chí họ sẵn sàng mua chuộc với số tiền lên đến triệu đô la để ngăn chận cuộc họp báo này.
Vị đại diện Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ, ông Misei, cũng là "xếp" của tôi thời điểm ấy, đã nói với các vị dân biểu rằng: "Nước Nhật hợp tác với Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ cứu vớt các ông vào đất Nhật là vì lý do nhân đạo. Nếu các ông tổ chức họp báo, thì đó là một hành động chính trị. Hành động này gây rắc rối cho chính phủ Nhật, không thể chấp nhận được. Điều này có thể đưa đến việc trục xuất các ông về lại VN hay nước Nhật sẽ không đón tiếp người tỵ nạn VN nữa. Đó là chưa kể vợ con các ông còn kẹt tại VN sẽ bị chính quyền CS trả thù."

Lời phát biểu đầy hăm dọa và cả răn đe cách cứng rắn này đã không lung lạc được quyết tâm của các vị dân biểu VNCH. Tôi còn nhớ, Dân Biểu Trần Văn Sơn đã trả lời với vị đại diện Cao Uỷ Tỵ Nạn: "Chúng tôi liều chết ra đi là để nói cho thế giới biết về những nỗi thống khổ của nhân dân VN đang xảy ra dưới chế độ phi nhân Việt Cộng. Vì thế, chúng tôi quyết định sẽ họp báo để nói lên sự thật này và chấp nhận bất cứ hậu quả nào. Nếu vì cuộc họp báo này mà đồng bào chúng tôi không được nước Nhật cứu giúp nữa, thì đó là điều hết sức đáng tiếc. Chúng tôi tin rằng đồng bào của chúng tôi sẽ thông cảm và tán thành việc làm cần thiết này. Nếu vì cuộc họp báo này mà gia đình chúng tôi bị nhà cầm quyền Việt Cộng trả thù, trù dập thì chúng tôi xem nỗi đau khổ đó như là sự góp phần vào nỗi đau chung của cả dân tộc dưới chế độ Việt Cộng."

Phần tôi, đã thuê mướn được phòng hội tại một khách sạn ở Kominato để tổ chức họp báo, giờ chót đã được thông báo hủy bỏ vì áp lực từ Tokyo.

DB Trần Văn Thung đã nói: "Nhờ anh Thiện nói lại với họ là chúng ta đã thông báo cho các ký giả biết cả rồi. Các vị ký giả sẽ từ Tokyo lên đây dự buổi họp báo này. Nếu không để chúng tôi họp báo trong khách sạn cho đàng hoàng, thì chúng tôi sẽ kéo nhau ra bãi biển để họp báo. Rồi xem, ai xấu mặt cho biết".

Còn Dân Biểu Nguyễn Công Hoan muốn qua tôi, nói với vị đại diện Cao Uỷ Tỵ Nạn: "Các ông đừng dọa gửi trả chúng tôi về VN. Hãy để chúng tôi họp báo xong, rồi đem chúng tôi ra bắn ngay tại đất Nhật cũng được".

Theo tôi, chính những phản ứng đầy lý lẽ có sức thuyết phục,  và quyết liệt đó, mà việc ngăn cấm không còn nữa. Buổi họp báo vẫn được tổ chức tại khách sạn ở Komonato vào đúng ngày 30-4-1977 như dự định. Chính phủ Nhật còn bố trí cả toán cảnh sát đến giữ an ninh.

Cuộc họp báo đã diễn ra rất thành công với nhiều ký giả, phóng viên TV Nhật và ngoại quốc tham dự, ngồi chật cả phòng hội. Đặc biệt, còn có ký giả nổi tiếng của tờ Newyork Times là Henry Kammp tham dự. Cuộc họp báo lịch sử này đã gây được tiếng vang lớn,  tại Nhật và trên thế giới. Cuộc họp báo ấy là một vố nặng đánh vào bạo quyền Việt Cộng lúc bấy giờ.

Cuộc họp báo của 3 vị dân biểu tại Nhật ngày 30/4/1977 
Dấu ấn đặc sắc ấy theo tôi suốt quãng đường dài cho đến hôm nay…

Chúng tôi có cơ duyên, được tiếp tục làm việc chung với nhau những lần sau đó, trên con đường đấu tranh chống bạo quyền Việt Cộng để đem lại Tự Do Dân Chủ cho VN.

Sau khi sang Hoa Kỳ, Dân Biểu Trần Văn Sơn và một số chiến hữu của ông đã thành lập Tổ Chức Phục Hưng VN. Mối quan hệ giữa TC Phục Hưng với TC Người Việt Tự Do chúng tôi lại càng gắn bó hơn. Cho đến năm 1981, TC Phục Hưng VN và Người Việt Tự Do đồng ý cùng kết hợp với Lực Lượng Quân Dân VN  do Tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo để thành lập "Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam".

Ngày 13-6-1981, một phái đoàn đại diện 3 tổ chức lên đường đi Thái Lan gồm: Tướng Hoàng Cơ Minh đại diện cho Lực Lượng Quân Dân Việt Nam, anh Đỗ Thông Minh đại diện cho TC Người Việt Tự Do và Dân Biểu Trần Văn Sơn đại diện cho TC Phục Hưng VN được cử làm trưởng đoàn công tác rời phi trường San Francisco đi Bangkok để gặp một vị Tướng Thái, mà bây giờ tôi có thể nói tên là Tướng Sut Sai, để bàn về sự giúp đỡ của Thái trong việc lập chiến khu. Tiễn quý vị này lên đường, chỉ có duy nhất một người, người may mắn đó là tôi. Ra về, sau khi tiễn các anh lên đường, lòng tôi trĩu nặng, vui buồn, âu lo lẫn lộn.

Sau này, khi thấy không thể tiếp tục làm việc chung với nhau, DB Trần Văn Sơn và Tổ Chức PHVN quyết định rút ra khỏi Mặt Trận trong âm thầm, không giải thích, hay chỉ trích, hay giành phần phải về mình như chúng ta thường thấy trong các trường hợp khác. Điều đó càng làm chúng tôi mến phục anh Trần Văn Sơn và Tổ Chức PHVN hơn.

Riêng cá nhân tôi, sau đó, cũng rời khỏi Mặt Trận và chuyển qua ngành truyền thông, xuất bản Tuần Báo Mõ và Nhà Xuất Bản Mõ Làng ở San Francisco. Một lần nữa, Tuần Báo Mõ bé nhỏ của tôi may mắn được sự cộng tác của cựu DB Trần Văn Sơn qua bút danh là Trần Bình Nam.

Những bài bình luận sâu sắc, lý luận vững chãi đã làm tên tuổi BLG Trần Bình Nam ngày càng nổi tiếng. Nhà Xuất Bản Mõ Làng cũng hân hạnh đã xuất bản 3 tuyển tập bình luận chính trị của Trần Bình Nam.

Một kỷ niệm đáng quý khác với cựu DB Trần Văn Sơn là tháng 10 năm ngoái 2015, chúng tôi tổ chức ngày “Đỗ Thông Minh, Hành Trình 45 Năm Hoạt Động” tại Bắc Cali. Dân Biểu Trần Văn Sơn, dù đang lâm trọng bệnh, cũng đã sốt sắng nhận lời tham dự, và sẽ là một trong các diễn giả chính yếu của buổi sinh hoạt này. Rất tiếc, do sức khỏe không thể lên Bắc Cali được, nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành bài tham luận về anh Đỗ Thông Minh rất súc tích, giá trị và nhờ Bác sĩ Đinh Xuân Dũng thay mặt phát biểu tại buổi sinh hoạt.

Nhân đây, chúng tôi xin chuyển lời chia buồn sâu sắc đến tang gia của hai vị khác trong Ban Tổ Chức nói trên là Kỹ Sư Nguyễn Tấn Thọ ở Bắc Cali và anh Đỗ Thông Minh ở Tokyo.

Một điều trân quý khác, là bức thư ngắn ông gởi cho tôi gần đây, chưa tròn một tháng. Qua đó, để thấy được tâm tình ông luôn hướng về vận mệnh của quốc gia dân tộc, dù sắp lìa xa nhân thế.
Bức thư ông viết ngày 25 /02/2016 như sau:

"Thân gửi anh Thiện,
Tôi xin gửi đến anh tài liệu này tôi mãi e ấp trong 4 năm qua. Trong tài liệu có anh, có tôi, và những người đồng thời… Xin anh và tòa soạn tùy nghi."

Đó là bài viết “80 Năm Làm Nhân Chứng cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam”.

Tôi chưa kịp đăng tải tài liệu qúi giá này thì nhận được hung tin ông đã vĩnh viễn ra đi.

Thưa quý vị, trên bước đường hoạt động, tôi đã gặp rất nhiều vị đàn anh đáng kính.

Đối với tôi, anh Trần văn Sơn là một trong những vị đàn anh, rất đáng kính đó. Là vị lãnh đạo rất xứng đáng để noi theo. Từ tư cách đến kiến thức, từ lời nói đến hành động và nhất là tấm lòng son sắt trọn một đời dấn thân cho quê hương.

 Sự vĩnh viễn ra đi của anh quả là một mất mát rất lớn không những cho gia đình mà còn là cho cuộc đấu tranh chung.

Thưa anh Trần Văn Sơn.
Hôm nay em đến đây để nghiêng mình thắp một nén nhang tưởng nhớ đến anh.
Xin tiễn đưa hương linh Tâm Đạt- Trần Văn Sơn về nơi cõi Phật.
Chúc anh an giấc nghìn thu.

Huỳnh Lương Thiện