Đối đầu tên lửa Việt-Trung ở Biển Đông?
Đó là nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh Trung Quốc mới bố trí 8 bệ phóng tên lửa đất đối không tân tiến cùng một hệ thống radar ở quần đảo Hoàng Sa.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đó là hệ thống phòng không HQ-9, có tầm bắn khoảng 200 km, và là mối đe dọa đối với bất kỳ máy bay nào, cả dân sự lẫn quân sự.
Giới quan sát cho rằng động thái của Trung Quốc cho thấy rằng Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh, nhất là khi quan hệ giữa hai nước láng giềng vấp phải nhiều sóng gió thời gian qua.
Theo báo chí Việt Nam, đảo Phú Lâm cách đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 200 km.
Dù một loạt các quốc gia, trong đó có cả các nước không tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Hoa Kỳ, đã lên tiếng, tính tới 8 giờ tối 18/2, chính quyền Hà Nội vẫn im lặng, chưa phát đi tuyên bố chính thức nào.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố mới nhất của người phát ngôn là “về việc Triều Tiên tiến hành vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”.
‘Hành động phiêu lưu’
Trong khi đó, nhiều cựu quan chức nhà nước, trong đó có Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới chính phủ Việt Nam, đã mạnh mẽ bày tỏ quan ngại về bước đi mới nhất của Trung Quốc.
Ông Trục nhận định với VOA Việt Ngữ rằng đây là hành động “rất là nghiêm trọng, rất là nguy hiểm” và “thậm chí là rất phiêu lưu” của Trung Quốc. Ông nói thêm:
“Có thể nói đây là một bước leo thang mới về mặt quân sự. Họ tìm mọi cách để khống chế, độc chiếm biển Đông thông qua các hoạt động khác, trong đó không thể không có các hoạt động về quân sự. Việc Trung Quốc đưa giàn tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, là một trong các bước đi đó. Dư luận, theo tôi nghĩ, không hoàn toàn ngạc nhiên vì việc họ dùng sức mạnh để tiến hành các hoạt động trên biển Đông là điều họ đã và đang làm. Trong thời gian sắp tới, họ sẽ làm mạnh mẽ như vậy. Việc này diễn ra vào thời điểm này là hành động có tính chất thách thức, đe dọa bằng vũ lực đối với các nước trong khu vực mà một số các nước liên quan khác, thậm chí cả Hoa Kỳ, mà can dự vào biển Đông.”
Cựu quan chức nhà nước coi việc ông gọi là là “mang vũ khí chiến tranh ra Hoàng Sa” sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, khiến các nước quanh khu vực biển Đông, như Việt Nam và Philippines, “phải tìm mọi cách nâng cao hơn nữa khả năng phòng thủ của mình”, “đáp trả lại mối đe dọa của Trung Quốc”.
Một trang mạng chuyên về chiến lược quốc phòng có trụ sở ở Mỹ từng đăng một bài viết nói rằng Trung Quốc đã lên tiếng khiếu nại, sau khi Moscow đồng ý bán 50 tên lửa hành trình Klub trang bị trên tàu ngầm cho Hà Nội.
Các nhà quan sát tình hình khu vực nhận định rằng việc Hà Nội mua loại tên lửa của Nga là một dấu hiệu nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam nhằm đương đầu với Trung QuốcCó thể nói đây là một bước leo thang mới về mặt quân sự. Họ tìm mọi cách để khống chế, độc chiếm biển Đông thông qua các hoạt động khác, trong đó không thể không có các hoạt động về quân sự. Việc Trung Quốc đưa giàn tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, là một trong các bước đi đó...
Loại tên lửa Klub có tầm bắn khoảng 300km và vì thế, theo các chuyên gia, các thành phố ven biển của Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ cho đội tàu ngầm và chiến hạm.
Hà Nội chưa chính thức lên tiếng trước các thông tin về tên lửa Klub, nhưng báo chí Việt Nam đưa tin, các tàu ngầm Việt Nam mua của Nga được trang bị tên lửa hành trình Klub “có thể tấn công cả mục tiêu trên đất liền”.
Không chỉ đưa tên lửa tới đảo tranh chấp, Trung Quốc còn xây các đường băng ở cả Trường Sa và Hoàng Sa.
Tháng 11 năm ngoái, các bức ảnh trên Internet dường như cho thấy các chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc hạ cánh trên đường băng mới xây tại đó.
Sớm lập vùng Nhận dạng phòng không?
Các nhà phân tích cho rằng các tên lửa đất đối không tân tiến, một hệ thống radar và một đường băng là những yếu tố cần thiết để triển khai hiệu quả một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Ông Trục cũng đồng ý với quan điểm của một số nhà phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc là để “dằn mặt” Việt Nam, và nhiều khả năng đây là một bước tiến nữa dẫn tới việc lập ADIZ.
Trong một động thái khác của Trung Quốc có thể khiến Hà Nội thêm phần quan ngại, Quân ủy Trung ương Trung Quốc mới đây đã bổ nhiệm ông Lý Tác Thành làm chỉ huy lực lượng bộ binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Cựu chiến binh 63 tuổi này từng là một trong những người hoạch định cuộc chiến biên giới Việt – Trung và được coi là người hùng của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước đó, ông Lý là một trong các sĩ quan cao cấp của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình thăng cấp thượng tướng.
Nhận định về diễn biến này, ông Dương Danh Dy, cựu quan chức ngoại giao hiện nghiên cứu về quan hệ Việt-Trung, nói:
“Quân đội Trung Quốc mấy chục năm nay không có chiến tranh rồi. Cho nên bây giờ Trung Quốc rất cần những anh có thực tế chiến đấu, đề bạt những anh đã kinh qua thực tế chiến đấu, đặc biệt là với Việt Nam. Những thằng mà đã chiến đấu với Việt Nam thì ít nhất là nó cũng hiểu quân đội mình hơn. Nó hiểu mình hơn những thằng khác. Đề bạt thằng chống Việt Nam, chứng tỏ nó [Trung Quốc] coi trọng chuyện chiến đấu với Việt Nam sắp tới. Nó nhằm vào cuộc chiến đấu với Việt Nam. Đấy là điều mà Việt Nam phải chú ý”.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nơi từng xảy ra trận hải chiến làm hàng chục binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thiệt mạng.
Bắc Kinh tuyên bố rằng nước này không mưu tìm việc quân sự hóa trên các hòn đảo ở biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thiết lập hệ thống phòng thủ.
Trong khi đó, bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng thái độ “khó lường” của Trung Quốc khiến Việt Nam quan ngại và có thể khiến các quốc gia khác chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng.