Tai nạn Germanwings: Phi công phụ đã cố tình để máy bay rơi
Mảnh vỡ máy bay của hãng hàng không Germanwings bị nạn ngày 24/03/2015 trên dãy núi Alpes. Reuters TV/Pool |
Trong cuộc họp báo ngày, 26/03/2015, chưởng lý Marseille Brice Robin cho biết là phi công phụ của chiếc Airbus gặp nạn đã cố tình bấm vào nút hạ độ cao, một hành động có thể được xem như là nhằm phá hủy máy bay.
Cũng theo chưởng lý Robin, khi cơ trưởng đã rời khỏi buồng lái và muốn quay trở vào, thì giả thuyết có thể xảy ra nhất đó là phi công phụ đã không chịu mở cửa buồng lái. Viên phi công phụ này cũng không nói một tiếng nào trong thời gian đó.
Chưởng lý Marseille cho biết thêm phi công phụ của máy bay Germanwings tên là Andreas Lubitz, 28 tuổi, quốc tịch Đức và cho tới nay không bị liệt kê là thành phần khủng bố. Theo lời ông, do sự việc diễn ra quá nhanh, các nạn nhân chỉ biết được và la hét sợ hãi vào phút cuối trước khi máy bay chạm vào núi. Toàn bộ đều đã chết ngay tức khắc. Nhưng chưởng lý Marseille nói thêm là không một yếu tố nào cho phép khẳng định đây là một hành động khủng bố.
Về phần hãng hàng không Đức Lufthansa chỉ cho biết là phi công phụ của chiếc Airbus gặp nạn mới được tuyển dụng vào tháng 09/2013 và cho tới nay đã có 630 giờ lái. Còn cơ trưởng thì đã có hơn 10 kinh nghiệm, với hơn 6000 giờ bay trên các chiếc phi cơ Airbus.
Tổng giám đốc hãng Lufthansa Carsten Spohr nói rằng hiện nay chưa có dấu chỉ gì có thể giải thích vì sao viên phi công phụ đã hành động như vậy.
Trước đó, từ một nguồn thân cận với các nhà điều tra nắm được nội dung những âm thanh mà hộp đen của máy bay ghi được, hãng tin AFP tiết lộ là ban đầu người ta nghe tổ lái nói chuyện bình thường, sau đó có tiếng một trong hai chiếc ghế phi công lui lại, tiếng cánh cửa mở ra và đóng lại, tiếp đến là nhiều tiếng đập cửa. Sau đó, không nghe tiếng nói chuyện nào khác cho đến khi máy bay rơi xuống núi.
Ngày 25/03/2015, tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã đến hiện trường tai nạn để tưởng niệm các nạn nhân. Đức và Tây Ban Nha là hai quốc gia có nhiều nạn nhân nhất, với 72 người Đức và 51 người Tây Ban Nha.
Những thi thể hoặc những phần thi thể đầu tiên đã được các toán cứu hộ dùng trực thăng đưa về tập trung tại một nơi gần đó. Hàng trăm người là thân nhân của các nạn nhân, chủ yếu từ Đức và Tây Ban Nha sẽ được đón tiếp tại đây. Theo chưởng lý Marseille, việc xác định danh tính các nạn nhân sẽ mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.