Matt Mahan

ads header

Breaking News

Thách thức trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2015

TT Hoa Kỳ Barack Obama bước vào 2 năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống.
Năm 2015 đã bắt đầu, và cùng với năm mới là những thách thức mới – cộng thêm vào những thách thức đã có từ trước. Năm 2014 để lại cho nước Mỹ nhiều công việc chưa hoàn tất trên khắp thế giới. Thông tín viên VOA Alex Villareal điểm qua một số thách thức hàng đầu về chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama vào lúc ông bước vào 2 năm cuối tại Tòa Bạch Ốc.

“Sau hơn 13 năm, sứ mạng tác chiến của chúng ta ở Afghanistan sẽ chấm dứt.”

Hồi tháng 12, Tổng thống Obama đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh kéo dài nhất của nước Mỹ.

Nhưng các giới chức Bộ Quốc phòng cho biết bình minh của năm 2015 không có nghĩa là sự kết thúc của viện trợ Hoa Kỳ, như nhận định của phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, đề đốc John Kirby:

“Không phải là đến ngày 31 tháng 12 là chúng ta bỏ đi. Chúng ta không làm như thế. Chúng ta sẽ ở lại.”

Yểm trợ về không lực, huấn luyện và chống khủng bố, tất cả đều năm trong nghị trình của hơn 10.000 binh sĩ Hoa Kỳ ở lại Afghanistan trong năm nay. Đó là sự hỗ trợ mà lực lượng Afghanistan cần đến, sau khi các vụ tấn công của Taliban gia tăng.

Hoa Kỳ cũng sẽ chống khủng bố dưới hình thức các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này đã nổi lên gây sự quan tâm của mọi người trong năm 2014, thông qua việc mau chóng chiếm đóng những phần đất lớn ở Iraq và Syria và những vụ chặt đầu dã man những người Tây phương.

Các vụ không kích nhắm vào nhóm này dường như đã có hiệu lực, và các chuyên gia phân tích dự báo những thắng lợi tiếp theo. Sau đây là ý kiến của ông Paul Salem thuộc Học viện Trung Đông:

“Tôi nghĩ Iraq, giữa đạo quân của người Kurd và quân đội quốc gia trú đóng ở Baghdad, với sự hỗ trợ mạnh của Hoa Kỳ, sẽ đạt được tiến bộ trong năm 2015.”

Cũng cần phải có tiến bộ là những nỗ lực của Hoa Kỳ và 5 cường quốc thế giới khác nhằm đạt được một thoả thuận hạt nhân với Iran. Các nhà thương thuyết đang nhắm mục tiêu là tháng 7, sau khi kỳ hạn định vào tháng 11 trôi qua mà không đi đến thoả thuận.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nêu nhận định:

“Các cuộc đàm phán này sẽ không bỗng dưng mà trở nên dễ dàng hơn chỉ vì chúng ta gia hạn lại. Chúng rất gay go. Và chúng đã gay go. Và chúng ta sẽ tiếp tục cứng rắn.”

Và các chuyên gia, như ông Robert Einhorn thuộc Viện Brookings, cho rằng Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hoà có thể làm cho mọi việc còn khó khăn hơn nữa.

“Các đại biểu Quốc hội nóng lòng áp đặt thêm các biện pháp chế tài. Sự kiện ấy có thể có ảnh hưởng đáng lo ngại.”

Nga là nguồn gốc gây căng thẳng thêm cho các biện pháp chế tài. Những biện pháp mà Hoa Kỳ đã áp đặt vì Moscow ủng hộ các phần tử Ukraine đòi ly khai đã góp phần khiến cho chỉ tệ và nền kinh tế của Nga tuột dốc mạnh. Nhưng vụ xung đột ở Ukraine là một vụ tranh chấp mà các giới chức Hoa Kỳ quyết tâm khắc phục, như nhận định của phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Eric Rubin:

“Không ai từ bỏ hy vọng về bang giao Nga-Mỹ. Chúng ta phải đưa mối bang giao ấy đến một chỗ tốt đẹp hơn.”

Hoa Kỳ nói Nga có thể được nới lỏng các biện pháp chế tài bằng cách triệt thoái toàn bộ binh sĩ ra khỏi lãnh thổ Ukraine, ngoài các điều kiện khác.

Và vấn đề không nên quên là Bắc Triều Tiên. Các nhà điều tra của Hoa Kỳ đã truy nguyên vụ tấn công mạng hồi tháng 11 nhắm vào hãng phim Sony và gán trách nhiệm cho quốc gia cô lập này. Đáp lại, Tổng thống Obama đã đưa các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên lên hàng đầu các quyết định về chính sách đối ngoại của ông trong năm mới.

Mỹ giữ nguyên kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan 

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết ông Obama sẽ không xét lại số binh sĩ Mỹ mà ông định duy trì ở Afghanistan để cố vấn và huấn luyện quân đội Afghanistan
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết ông Obama sẽ không xét lại số binh sĩ Mỹ mà ông định duy trì ở Afghanistan để cố vấn và huấn luyện quân đội Afghanistan

Mỹ nói rằng họ có ý định giữ nguyên kế hoạch triệt thoái binh sĩ ở Afghanistan trong hai năm tiếp theo, dần dần giảm bớt lực lượng từ mức hiện tại là 10.800 quân nhân.

Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm Chủ nhật rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ cần xem xét lại kế hoạch rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan đến trước cuối năm 2016. Ông Ghani nói "thời hạn không phải là giáo điều."

Nhưng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Hai cho biết ông Obama sẽ không xét lại số lượng binh sĩ Mỹ mà ông định duy trì ở Afghanistan để cố vấn và huấn luyện quân đội Afghanistan. Mỹ và các đồng minh NATO đã kết thúc vai trò chiến đấu ở Afghanistan vào tuần trước, với việc lực lượng Afghanistan nắm quyền kiểm soát quân sự vào ngày đầu năm mới.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết kế hoạch rút quân của Mỹ kêu gọi giảm số lượng binh sĩ xuống 9.800 người trong những tháng tới. Mỹ sau đó định sẽ cắt giảm sự hiện diện quân sự của mình xuống phân nửa trong nửa đầu năm 2016 và sau đó tiếp tục cắt phân lửa quân số đến trước cuối năm 2016. Sẽ còn lại khoảng 2.500 binh sĩ ở Afghanistan, hầu hết trú đóng tại thủ đô Kabul.

Chọn bồi thẩm đoàn cho vụ xử nghi phạm đánh bom Boston 

Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, đối mặt với án tử hình, nếu bị kết tội.
Tiến trình chọn thành viên bồi thẩm đoàn trong vụ xử Dzhokar Tsarnaev, nghi can đánh bom cuộc đua marathon ở Boston, đang được tiến hành.

Các thành viên của bồi thẩm đoàn được chọn từ danh sách lên tới 1,200 người tại toà án liên bang ở Boston, bang Massachusetts. Tất cả 12 thành viên bồi thẩm đoàn và 6 người có khả năng thay thế họ sẽ được tuyển chọn.

Tsarnaev ngồi tại một bàn trong phòng triệu tập bồi thẩm đoàn bên cạnh các luật sư bênh vực anh ta. Tsarnavev đối mặt với án tử hình, nếu bị kết tội. Đương sự đã tuyên bố không nhận tội.

Năm nay 21 tuổi, Tsarnaev đối mặt với 30 cáo trạng, trong đó có tội đồng loã và sử dụng vũ khí có sức huỷ diệt hàng loạt, trong vụ giết chết 3 người và gây thương tích cho hơn 260 người, bằng hai quả bom tự chế, tấn công vào điểm đến đông người trong cuộc chạy đua marathon ngày 15 tháng Tư năm 2013.

Theo dự kiến vụ xét xử sẽ khởi sự vào ngày 26 tháng Giêng và kéo dài từ 3 tới 4 tháng.

Dzhokar Tsarnaev là một người Mỹ nhập tịch xuất thân từ vùng Bắc Caucase của Nga.

Tsarnaev và người anh Tamerlan đã tìm cách thoát khỏi khu vực sau khi bị nhận diện là những nghi can trong vụ đánh bom. Tamerlan Tsarnaev bị giết chết trong một vụ chạm súng với cảnh sát.

Hoa Kỳ: Quốc hội mới do đảng Cộng hòa kiểm soát mở phiên họp vào Thứ ba 

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, người sắp tiếp nhận vai trò lãnh đạo khối đa số Thượng viện
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, người sắp tiếp nhận vai trò lãnh đạo khối đa số Thượng viện 

Quốc hội mới của Mỹ sẽ triệu tập phiên họp vào Thứ ba, với đảng Cộng hòa nắm thế kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, và các nhân vật bảo thủ quyết định đảo ngược một số chính sách của Tổng thống Barack Obama.

Lên tiếng trên đài truyền hình CNN hôm Chủ nhật, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, người sắp tiếp nhận vai trò lãnh đạo khối đa số tại Thượng viện, nói rằng vì cử tri Mỹ bầu một chính phủ phân chia đảng phái - Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát và Tổng thống thuộc đảng Dân chủ - không có nghĩa bế tắc. Ông nói cử tri muốn có sự dung hòa và tiến bộ trong những vấn đề quan trọng.  

Nhà lãnh đạo Cộng hòa nói rằng nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của Thượng viện sẽ là phê chuẩn dự án đường ống dẫn dầu Keystone. Những người ủng hộ nói dự án sẽ tạo công ăn việc làm và sự độc lập về năng lượng của Mỹ. Những người chống đối thuộc đảng Dân chủ gọi đó là một tai họa cho môi trường chỉ chờ thời gian xảy ra, và hầu như một số ít công việc đó sẽ chỉ là tạm thời.

Các thành viên đảng Cộng hòa của cả 2 viện cũng sẽ tìm cách bãi bỏ chương trình cải cách chăm sóc y tế có tính cách dấu ấn của Tổng thống Barack Obama và ngăn chặn sắc lệnh về di trú của ông.

Tổng thống Obama nói ông sẽ phủ quyết các dự án của đảng Cộng hòa mà ông không thích. Cho dù nắm thế đa số cả 2 viện, khối Cộng hòa có thể không đủ phiếu để đảo ngược bất cứ sự phủ quyết nào.

Tuy nhiên Tổng thống nói rằng ông trông đợi làm việc với Quốc hội mới và tin rằng sẽ có đủ cơ bản chung về nhiều vấn đề.

Báo tiếng Việt ở Hoa Kỳ thắng kiện 4,5 triệu đôla 
Trong bản tin video trên mạng, tờ Người Việt cho biết họ đã thắng kiện tuần báo Sài Gòn nhỏ 4,5 triệu đôla.
Trong bản tin video trên mạng, tờ Người Việt cho biết họ đã thắng kiện tuần báo Sài Gòn nhỏ 4,5 triệu đôla. 

Một bồi thẩm đoàn ở quận Cam, California, vừa mới yêu cầu một tờ tuần báo của người Việt ở Mỹ phải trả 4,5 triệu đôla cho một tờ nhật báo tiếng Việt khác trong vụ kiện về tội vu khống và phỉ báng.

Nguyên đơn trong vụ này là báo Người Việt, và bị đơn là tuần báo Sài Gòn Nhỏ.

Tin cho hay, trong một bài bình luận đăng tải năm 2012, tờ tuần báo trên cho rằng giám đốc điều hành của tờ Người Việt là một điệp viên cộng sản và làm việc cho Việt Nam.

Tờ Người Việt cho rằng những lời tố cáo sai trái này đã ảnh hưởng tới việc kinh doanh của báo vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn còn bị ám ảnh bởi Chiến tranh Việt Nam.

Theo thông cáo của Nhật Báo Người Việt, ngoài bồi thường thiệt hại, bồi thẩm đoàn cũng yêu cầu Báo Sài Gòn Nhỏ đính chính về những câu viết có tính phỉ báng và vu khống được đăng trên tờ này, đồng thời xin lỗi ba nguyên đơn của báo Người Việt.

Sau phiên tòa, bà Hoàng Dược Thảo, chủ báo Sài Gòn Nhỏ, nói rằng “cuộc chiến vẫn chưa kết thúc".

Bà được trích lời nói rằng bài báo của bà “không có ý phỉ báng, mà chỉ đặt những câu hỏi chính đáng về báo Người Việt”.

Tờ Người Việt được thành lập năm 1978, và có lượng phát hành hàng ngày là khoảng 14 nghìn tờ.

Trong khi đó, tuần báo Sài Gòn Nhỏ được thành lập tại thành phố Westminster năm 1985 và phát hành trên toàn nước Mỹ.

[Theo Orange County Register, AP, SBTN]

Cảnh sát trưởng New York kêu gọi không bày tỏ bất mãn tại tang lễ đồng nghiệp 

Tại tang lễ của đồng nghiệp Rafael Ramos, nhiều sĩ quan Sở Cảnh sát New York đã ngoảnh mặt quay lưng trước Thị trưởng Bill De Blasio khi ông phát biểu, ngày 27 tháng 12, 2014.
Tại tang lễ của đồng nghiệp Rafael Ramos, nhiều sĩ quan Sở Cảnh sát New York đã ngoảnh mặt quay lưng trước Thị trưởng Bill De Blasio khi ông phát biểu, ngày 27 tháng 12, 2014.

Cảnh sát trưởng thành phố New York không muốn các cảnh sát viên đưa ra bất kỳ thông điệp chính trị nào tại lễ viếng và lễ tang của ông Wenjian Liu, một trong hai nhân viên cảnh sát bị giết hại trong một vụ nổ súng bất ngờ.

Trong một bài phát biểu được đọc tại buổi điểm danh cảnh sát hôm nay, Cảnh sát trưởng William Bratton nói rằng “tang lễ của một người anh hùng là để bày tỏ thương tiếc, chứ không để bày tỏ những sự bất mãn.”

Ông Bratton muốn nói tới vụ hàng ngàn cảnh sát viên đã quay lưng với một màn ảnh truyền hình khổng lồ đang chiếu bài diễn văn của Thị trưởng New York Bill de Blasio cách nay một tuần tại tang lễ của cảnh sát viên Rafael Ramos, người bị giết hại trong vụ nổ súng.

Cảnh sát trưởng Bratton nói ông “không dọa kỷ luật,” nhưng ông nhắc nhở các cảnh sát viên là “khi các bạn mặc đồng phục của sở cảnh sát này, các bạn bị ràng buộc bởi truyền thống, danh dự và lễ độ đi kèm với bộ đồng phục.”

Tuy nhiên, theo tường thuật của tờ New York Times, các viên chức của nghiệp đoàn cảnh sát đã hối thúc các cảnh sát viên lập lại sự bày tỏ bất mãn tại tang lễ của cảnh sát viên Wenjian Liu.

Hàng ngàn nhân viên cảnh sát dự kiến sẽ đến dự lễ viếng và lễ tang của ông Liu trong ngày hôm nay và ngày mai.