Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tìm thấy thi thể và các mảnh vỡ máy bay AirAsia

Không quân Singapore tham gia tìm kiếm chiếc máy bay AirAsia mất tích( ảnh chụp 29/12/2014) REUTERS
Nhà chức trách Indonesia loan báo đã tìm thấy trên vùng biển Java những mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia, bị mất tích hôm Chủ nhật vừa qua ở ngoài khơi Indonesia, sau khi cất cánh, chở theo 162 người. Một số thi thể đã được vớt lên.

Trong cuộc họp báo hôm nay, 30/12/2014, Tổng Giám đốc cơ quan tìm kiếm cứu hộ của Indonesia Bambang Soelistyo thông báo, vào lúc 12h50 giờ địa phương, một phi cơ của không quân Indonesia đã phát hiện một “bóng” có thể là của chiếc máy bay gặp nạn nằm chìm dưới đáy biển. Sau đó, vào lúc 13h25 giờ địa phương, các đội tìm kiếm cũng đã nhìn thấy một vật trôi trên mặt nước, dường như là thi thể một hành khách. Đài truyền hình Indonesia thì chiếu cận cảnh một xác người nổi trên nước. Theo tin mới nhất, chiến hạm Bung Tomo của Indonesia đã vớt được 3 thi thể ( con số dđược đưa ra ban đầu là 40 ).

Về phần mình, Tổng Giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Indonesia Djoko Murjatmodjo xác nhận đã tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay trong vùng tìm kiếm. Trong một cuộc họp báo trước đó, một phát ngôn viên của quân đội Indonesia cũng đã nêu chi tiết những vật thể được tìm thấy, cụ thể đó là những mảnh vỡ giống như của một cửa máy bay và của một chiếc toboggan thoát hiểm.

Cuộc tìm kiếm hiện nay tập trung ở vùng biển Java, chung quanh các đảo Bangka và Belitung, nằm đối diện đảo Kalimantan. Hôm qua, nhà chức trách Indonesia nhìn nhận là máy bay AirAsia rất có thể đang nằm dưới đáy biển.

Hôm nay, hàng chục máy bay và tàu đã tham gia cuộc tìm kiếm được mở rộng thêm. Một chiến hạm của Mỹ sắp đến khu vực tìm kiếm, nơi mà các nước Úc, Singapore và Malaysia cũng đã gởi máy bay giám giám sát và chiến hạm đến. Trên nguyên tắc, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc tìm kiếm.

Trong lúc đó, nội dung những liên lạc cuối cùng của phi công chiếc Airbus A-320 của hãng AirAsia đã được tiết lộ. Khi cất cánh, phi công đã xin phép được bay ở độ cao 10.400 mét, nhưng yêu cầu này không được chấp thuận do lúc đó đã có quá nhiều máy bay bay ở độ cao này để bay đến Singapore.

Trong lần liên lạc cuối cùng, phi công máy bay AirAsia đã yêu cầu đổi kế hoạch bay và nhắc lại là ông ta muốn bay cao hơn để tránh thời tiết xấu. Đó là lần liên lạc cuối cùng của máy bay. Vài phút sau đó, trạm không lưu bắt liên lạc để cho phép máy bay bay ở độ cao 10.400 mét, thì máy bay không trả lời nữa.

Gmail bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc

media
AFP / Zhou junxiang / Imaginechina

Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã chặn dịch vụ thư điện tử Gmail của Google – thêm một nấc mới trong quyết tâm của Bắc Kinh thiết lập « chủ quyền » riêng trên internet. Hôm nay 30/12/2014 tờ Global cho rằng vấn đề là Google có sẵn sàng « tuân theo luật lệ Trung Quốc » hay không.

Tại Trung Quốc, việc gây khó khăn cho người sử dụng Gmail không phải là điều mới mẻ, cũng như sự căng thẳng giữa tập đoàn Mỹ Google với Bắc Kinh lâu nay. Nhưng các biện pháp mới đây đã hoàn tất việc phong tỏa dịch vụ thư điện tử hàng đầu thế giới tại Trung Quốc.

Những đường dẫn cuối cùng vào Gmail đã bị đóng lại trong những ngày gần đây. Lưu lượng kết nối từ Trung Quốc vào Gmail đã sụt giảm thảm hại từ hôm thứ Sáu 26/12, theo số liệu công bố trong « Google’s Transparency Report ». Một phát ngôn viên của Google tại Singapore tuyên bố : « Chúng tôi đã kiểm tra lại và thấy không có gì bất thường từ phía Google ».

Theo các chuyên gia độc lập, khi phong tỏa Gmail, cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc vốn thuộc loại tinh vi nhất thế giới, muốn thúc đẩy cư dân mạng quay sang sử dụng các dịch vụ thư điện tử trong nước, mà công an có thể kiểm soát dễ dàng hơn.

Tờ Global Times có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan hôm nay viết một cách nhập nhằng : « Các vấn đề mới trong việc truy cập Gmail có thể do Trung Quốc hoặc do chính Google, hay là cả hai ». Tờ báo tố cáo báo chí phương Tây đã « ngay lập tức quy trách nhiệm cho Bắc Kinh », và cho rằng Google phải tuân theo luật lệ Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh thì nói rằng « không biết gì » về việc Gmail bị chặn.

Jeremy Goldkorn, chuyên gia internet tại Trung Quốc bình luận, việc phong tỏa toàn bộ Gmail phù hợp với « thái độ ngày càng hung hăng của chính quyền Bắc Kinh liên quan đến những gì mà họ gọi là chủ quyền trên internet. Trong hai năm gần đây, người ta nhận thấy tất cả các dạng kiểm duyệt internet được tăng cường liên tục ». Ông Goldkorn là tổng biên tập báo mạng chuyên về tin tức danwei.org, cũng bị chặn ở Trung Quốc.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không muốn lên án trực tiếp Bắc Kinh trong vụ phong tỏa Gmail. Nhưng phát ngôn viên Jeffrey Rathke bày tỏ « quan ngại » về « nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cấm tự do ngôn luận, nhất là trên mạng ». Ông nói : « Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc nên minh bạch trong quan hệ với các tập đoàn đa quốc gia ».

Năm 2014, các dịch vụ của Google đã bị chặn hết sức ngặt nghèo trong dịp gần đến kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, ngày 4 tháng Sáu năm 1989. Sau đó Bắc Kinh siết lại gọng kềm thêm lần nữa, trước phong trào biểu tình ở Hồng Kông đòi được bầu lên Trưởng đặc khu một cách dân chủ.

Từ hôm qua, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ, đòi hỏi phải bãi bỏ kiểm duyệt Gmail. Một người viết : « Lý do chặn Gmail là các âu lo nội bộ, điều này cho thấy bối cảnh chính trị hiện nay u ám như thế nào ».

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn muốn khóa miệng những tiếng nói phản biện trên internet, mà trong những năm gần đây đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ trích chế độ. Từ tháng Chín, cư dân mạng Trung Quốc có thể bị phạt đến ba năm tù giam nếu đăng những thông tin bị cho là vu khống có trên 5.000 lượt đọc. Nhiều người sử dụng internet và nhà báo đã bị bắt trong năm nay, một số nhân vật có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội đã bị buộc phải « tự kiểm » một cách nhục nhã trên truyền hình.

Chính quyền Bắc Kinh còn thiết lập một chế độ kiểm duyệt hết sức hoàn hảo trên internet, chặn hết các trang nhạy cảm về chính trị để các nhà ly khai không thể tổ chức lại được. Twitter, YouTube và Facebook đều bị phong tỏa tại Trung Quốc, cũng như nhiều trang web thông tin khác.

Trung Quốc : Dùng côn đồ bị SIDA để cưỡng chế đất

media
Một nhóm côn đồ bị SIDA tham gia cưỡng chế nhà đất tại Hà Nam, Trung Quốc.
Một nhà kinh doanh bất động sản Trung Quốc đã thuê mướn một nhóm côn đồ nhiễm HIV để sách nhiễu và xua đuổi cư dân một khu nhà ở đang được dòm ngó, gây phẫn nộ trên các mạng xã hội hôm nay 30/12/2014.

Sáu người đàn ông nhiễm HIV tạo thành « ê-kíp SIDA chuyên đập nhà », theo như những hàng chữ viết bằng sơn trên tường những căn nhà – loại « chữ ký » đặc biệt của họ để hù dọa dân chúng.

Những người bị SIDA tại Trung Quốc luôn bị thành kiến rất nặng nề, bị đối xử như người mắc dịch bệnh truyền nhiễm cần tránh xa. Để xua đuổi cư dân, bọn côn đồ này còn dùng ná bắn những viên bi thép vào cửa kính các căn hộ, hay cho nổ những tràng pháo ở đủ chỗ.

Bọn tay chân này do Yi’an Real Estate Company (công ty địa ốc Ỷ An) thuê mướn, « nhằm đạt mục đích nhanh chóng phá hủy » khu dân cư trên. Li Gejun, phó ban tuyên huấn huyện Ngọa Long (Wolong), thành phố Nam Dương (Nanyang) tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã khẳng định như thế trên đài truyền hình.

Tỉnh Hà Nam ở miền trung từng là nơi xảy ra xì-căng-đan khủng khiếp máu nhiễm HIV trong thập niên 90, khiến hàng chục ngàn người dân bị lây bệnh.

Một cư dân mạng Vi Bác phẫn nộ nói : « Chiến thuật đáng hổ thẹn của các đội ngũ cưỡng chế gia tăng một cách khó tin », nhắc lại hàng loạt xì-căng-đan sử dụng côn đồ trong việc cưỡng đoạt nhà đất cho các dự án địa ốc. Một người khác viết : « Các cơ quan liên quan của chính quyền chắc chắn là phải biết, nhưng họ luôn chối cãi ».

Các chính quyền địa phương thu được món lợi khổng lồ khi bán đất lại cho các nhà kinh doanh địa ốc sau khi trục xuất được những người dân đang cư ngụ, thường bền bỉ kháng cự lại.

Theo Tân Hoa Xã, có bốn quan chức đã bị khiển trách và năm nghi can bị câu lưu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan : 
Đảo Ba Bình chưa bị Việt Nam đe dọa
media
Hải quân Việt Nam ở Trướng Sa. Ảnh 13/04/2010.  Reuters
Vài hôm sau khi Bộ Quốc phòng Đài Loan báo động là đảo Itu Aba (Ba Bình) dưới quyền kiểm soát của Đài Bắc tại vùng quần đảo Trường Sa đã nằm trong tầm bắn của lực lượng Việt Nam đồn trú trên đảo Sand Cay (Sơn Ca) lân cận, hai lãnh đạo cao cấp nhất của bộ này vào hôm qua, 29/12/2014 đã lên tiếng cải chính.

Theo ông Nghiêm Minh (Yen Ming), quân đội và căn cứ quân sự tại « tiền đồn » Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình) hiện chưa bị đe dọa nào từ phía Việt Nam.

Theo nhật báo Đài Loan Taipei Times, trả lời chất vấn của các dân biểu Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nghiêm Minh xác nhận rằng các thông tin tình báo mới nhất cho thấy là Việt Nam chưa hề triển khai loại tên lửa phòng không cá nhân trên đảo Sơn Ca (Đài Loan gọi là Đôn Khiêm sa châu), cách đấy chỉ 11km về phía đông.

Theo ông Nghiêm Minh, báo cáo tình báo đã nêu bật việc Việt Nam đã tăng cường hỏa lực cho lực lượng phòng thủ của mình tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, trong đó có cả việc trang bị cho các đơn vị đồn trú loại tên lửa di động vác vai.

Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết là các thông tin cũng chỉ ra rằng Việt Nam chưa triển khai tên lửa cá nhân trên đảo Sơn Ca, do đó không có bất kỳ mối đe dọa nào cho các phi cơ vận tải quân sự C-130 hay các tàu tiếp liệu của Đài Loan thường xuyên đến và đi từ Ba Bình.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chánh (Chiu Kuo-cheng) cho biết là loại tên lửa phòng không cá nhân mới của Việt Nam là loại SA-16 và SA-18 do Nga sản xuất, có tính năng tầm nhiệt. Ông Khâu Quốc Chánh cũng xác nhận là trên đảo Sơn Ca, Việt Nam đã đặt hai khẩu pháo 20mm, có tầm hoạt động 2km.

Đối với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan : « Tầm bắn tối đa của loại tên lửa SA-16 và SA-18 tên lửa là 5,5km. Do đó, tên lửa cá nhân và pháo binh của Việt Nam chưa là mối đe dọa cho Ba Bình và các phi cơ vận tải C-130 của chúng ta ».

Các câu trả lời của hai lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ Quốc phòng Đài Loan tuy nhiên đã mâu thuẫn với một báo cáo do chính bộ này gởi đến Giám sát viện Đài Loan, cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực quần đảo Trường Sa do việc Việt Nam vừa cho triển khai loại tên lửa cá nhân.

Bản phúc trình cũng báo động về việc Việt Nam đã tiến hành cải tạo địa hình để mở rộng các hòn đảo và bắt đầu xây dựng thêm căn cứ quân sự để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Đài Loan, cũng như Trung Quốc, đã đòi chủ quyền trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đảo Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất trong vùng Trường Sa, và là đảo duy nhất nằm dưới quyền kiểm soát của Đài Bắc.