Hình 1 – Quang cảnh buổi hội luận về Welcome Corps, với Trợ Lý Ngoại Trưởng Julieta Valls Noyes tham gia trực tuyến, ngày 08/05/2023
Ts. Thắng nhắc nhở rằng đây chỉ là một phương án thử nghiệm; các quy định và thể thức thực hiện còn đang trong vòng nghiên cứu và thiết kế.
Trước đây, Bộ Ngoại Giao có ý định thử nghiệm phương án để các trường đại học bảo lãnh những người tị nạn có thể trở thành sinh viên.
“Cả 2 phương án thử nghiệm này là sáng kiến đáng khen của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ so với các chương trình định cư tị nạn theo bảo lãnh tư nhân của các quốc gia khác, kể cả Canada,” Ts. Thắng cho biết.
Mặt khác, bà Noyes cho biết là giai đoạn 2 của chương trình Welcome Corps sẽ phải đến cuối năm 2023 mới hy vọng được triển khai, thay vì tháng 6 theo dự định ban đầu. Chỉ trong giai đoạn 2 thì nhóm tư nhân bảo lãnh mới được chọn người tị nạn để định cư. Ở giai đoạn 1, nhóm tư nhân bảo lãnh chỉ có thể định cư hồ sơ tị nạn do chính phủ Hoa Kỳ giao cho.
Theo bà Noyes, hiện nay, giai đoạn 1 chỉ tập trung vào các quốc gia ở vùng Đông Phi Châu. Nghĩa là, không người tị nạn Việt Nam nào được hưởng lợi ích của chương trình Welcome Corps lúc này.
Theo giải thích của Ts. Thắng, việc triển khai giai đoạn 2 hiện nay gặp 3 trở ngại lớn. Trước hết, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ muốn rút ra những bài học của giai đoạn 1 để áp dụng cho giai đoạn 2, nhưng giai đoạn 1 lại đang tiến triển khá chậm. Tính đến cuối tháng 4, chỉ có 16 nhóm bảo lãnh tư nhân hoàn tất đơn bảo lãnh người tị nạn và đến hôm nay mới chỉ có 7 trong số đơn này được chấp thuận.
“Theo đà này thì đến cuối năm 2023 e rằng sẽ khó đạt được mục tiêu định cư 5 nghìn người tị nạn qua chương trình Welcome Corps,” Ts. Thắng nhận xét. “Qua các buổi họp định kỳ, chúng tôi tiếp tục góp ý với Bộ Ngoại Giao các điều chỉnh cần thiết để sớm triển khai giai đoạn 2 mà không tuỳ thuộc vào nhịp độ thực hiện giai đoạn 1.”
Trở ngại thứ 2 là ngân sách. Tài khoá năm 2024 của chính phủ Hoa Kỳ sẽ bắt đầu ngày 1 tháng 10. Có lẽ Tổng Thống Biden vẫn sẽ giữ đỉnh số định cư tị nạn là 125.000 chỗ cho tài khoá 2024; tuy nhiên, liệu Quốc Hội có biểu quyết ngân sách đủ cho con số này hay sẽ cắt giảm ngân sách là điều chưa biết được.
“Tuần qua, nhiều tổ chức, trong đó có BPSOS, cùng nhau khởi động cuộc vận động Quốc Hội để không cắt giảm ngân sách định cư tị nạn cho tài khoá 2024,” Ts. Thắng cho biết. “Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của Quốc Hội mà chúng tôi không kiểm soát được.”
Trở ngại thứ 3 là không ai có thể lường được trước những gì xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm 2024.
“Một Hành Pháp mới cùng với thành phần Quốc Hội mới là những ẩn số lớn cho chương trình Welcome Corps,” Ts. Thắng nhận định. “Tôi xem như rất may mắn nếu đưa được 50 đồng bào có quy chế tị nạn ở Thái Lan định cư qua chương trình này tính đến cuối năm 2024, còn sau đó ra sao sẽ phải tính sau.”
Buổi hội luận kể trên do hai tổ chức đồng triệu tập là American Enterprise Institute và Niskanen Center. Niskanen Center là tổ chức tiên phong vận động Hành Pháp Biden khởi động chương trình bảo lãnh tư nhân.
Thông tin liên quan:
Thông tin cập nhật về chương trình định cư tị nạn qua bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1930-thong-tin-cap-nhat-ve-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-qua-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-ky.html Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng https://machsongmedia.org/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1888-chuong-trinh-dinh-cu-ti-nan-theo-dien-bao-lanh-tu-nhan-cua-hoa-ky-hy-vong-nhung-than-trong.html
|