Điểm Tin Thứ Bảy 18/07/2020
Một đội Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ |
Anh Tuấn Phạm
- Lập trường của Mỹ về Biển Đông ngày càng cứng rắn (BoxitVN) - Nguyễn Quang Dy - Chiều 13/7 (giờ Mỹ) Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về tranh chấp ở Biển Đông. Lập trường cứng rắn của Mỹ được dư luận rất chú ý. Trong khi Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ phản đối (13/7), người phát ngôn BNG Viêt Nam hoan nghênh (15/7). Tiếp theo bài trước Thách thức và cơ hội cho Việt Nam và ASEAN năm 2020 (ngày 12/7), bài này sẽ phân tích thêm về lập trường cứng rắn hơn của Mỹ hiện nay. Lập trường cứng rắn hơn. Trong một phát biểu trên mạng (ngày 29/6), ông Pompeo báo trước: “Trung Quốc không được coi Biển Đông như vương quốc biển của họ. Chúng tôi sẽ sớm có phát biểu thêm về vấn đề này”. Vì vậy, tuyên bố của ông không phải nhất thời phản ứng trước các diễn biến gần đây, mà nhất quán với chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc ở Biển Đông
- Phản ứng các nước sau tuyên bố của Pompeo (RFA) - Ba Đê - Thế giới thấy rõ ràng là từ nay Mỹ sẽ áp dụng luật chơi mới; phương Tây dĩ nhiên ủng hộ mạnh mẽ bước đột phá này. Một số nước ASEAN bày tỏ tự tin hơn; riêng Việt Nam vẫn kiên trì lập trường, không có dấu hiệu chuyển hoá và hầu như cũng không hề có bất cứ sự thay đổi nào trong quan điểm chính thống. Mỹ thay luật chơi bằng tuyên bố: “Chúng tôi đang làm rõ một điều: Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”. Lần đầu tiên, Washington mở đầu tuyên bố một cách trực diện, công khai quan điểm của mình đối với các yêu sách quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông
- Hai nhóm tàu sân bay Mỹ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông (RFA) - Vào ngày 17 tháng 7, hai nhóm tàu sân bay của Mỹ là USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng hơn 12 ngàn nhân viên quân sự, các tàu khu trục, tàu tuần dương hộ tống cùng hoạt động tại Biển Đông. Ngoài ra còn có hơn 120 máy bay được triển khai, tiến hành tập trận phòng không chiến thuật với mục đích được nói để duy trì sự chuyên nghiệp và khả năng sẵn sàng tác chiến, bảo đảm phán ứng nhanh trước bất cứ vụ việc bất ngờ nào. Tin được Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan đi, dẫn phát biểu của chuẩn đô đốc Jim Kirk, Chỉ huy Nhóm tác chiến USS Nimitz, rằng: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan đang hoạt động trên Biển Đông, nơi được luật pháp quốc tế cho phép, nhằm củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở…”
- Mỹ tăng cường đơn vị tác chiến điện tử trên Biển Đông (BBC) - Kế hoạch triển khai đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông nằm trong một loạt các giải pháp nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
- Trung Quốc điều chiến đấu cơ đến Hoàng Sa (RFA) - Trung Quốc vừa triển khai các chiến đấu cơ đến khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông. Động thái này của Bắc Kinh được nói là thực hiện hai ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo, vào hôm 13/7 tuyên bố về lập trường của Washington rằng tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp và chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17/7 mà RFA có được cho thấy có ít nhất 4 chiến đấu cơ của Trung Quốc hiện diện tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa từ ngày 15/7. Các chiến đấu cơ này được cho là thuộc mẫu J-11B, phiên bản của tiêm kích Flanker do Trung Quốc chế tạo, có chức năng tương ứng với F-15 Eagle của không lực Mỹ.
- Ấn Độ - Liên Âu tăng cường đối thoại an ninh biển (RFI) - Thanh Hà - Hai ngày sau cuộc họp trực tuyến giữa thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, trang mạng của kênh truyền hình Republicword ngày 17/07/2020 tiết lộ New Delhi và Bruxelles chuẩn bị khởi động đối thoại về an ninh biển nhằm « đẩy mạnh hợp tác, duy trì an ninh và ổn định tại Ấn Độ- Thái Bình Dương ». Trong buổi trao đổi qua cầu truyền hình hôm 15/07/2020, ngoài vế thương mại, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề hợp tác quân sự, các chương trình trao đổi giữa các cơ quan quốc phòng, các cuộc thao diễn chung và an ninh biển. Theo đài truyền hình Ấn Độ này, đây là một tín hiệu « rõ ràng nhắm tới Trung Quốc đang bành trướng ở Biển Đông và Hoa Đông ».
- Liệu ASEAN lại thêm một lần bỏ lỡ cơ hội (RFA) - Phạm Đình Long - Trong tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vấn đề biển Đông, Phía Mỹ đã bác bỏ gần như toàn bộ các yêu sách biển và hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Mỹ tiến hành cuộc tập trận của 2 tàu sân bay trên Biển Đông lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua, trong lúc Lầu Năm Góc tăng cường hiện diện quân sự để ngăn chặn sự hung hăng ngày một gia tăng của Trung Quốc tại vùng biển này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Hoa Nam là đế chế hàng hải của họ” và rằng Mỹ “đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật quốc tế”
- Rosneft Việt Nam hủy hợp đồng khoan với Noble: 'Cũng vì sức ép Trung Quốc' (BBC) - BBC có xác nhận rằng liên doanh Rosneft Việt Nam đã hủy một hợp đồng khoan với Noble Corporation, xuất phát từ sức ép của Trung Quốc.
- VNTB – Vì sao cần phải sửa đổi Luật Công đoàn? (VNTB) - Trần Dzạ Dzũng (ghi) (VNTB) – Lý do dễ thấy nhất, nếu tiếp tục không có quyền tự do công đoàn thì các thỏa thuận thương mại của Việt Nam với thế giới, sẽ dừng lại là những bản văn với các “ngôn từ có cánh”, không mang tới lợi ích cụ thể nào đối với người dân Việt. Dĩ nhiên trong tâm thế chẳng đặng đừng ấy, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc phải chấp nhận sự thay đổi để phù hợp cuộc chơi chung. Điều đó có nghĩa cho dù Đảng và nhà nước Việt Nam vẫn kiên định sử dụng cụm từ “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, song vẫn không thể nằm ngoài quỹ đạo của thị trường chung toàn cầu; trong đó có những thỏa thuận thường được báo chí hay nhắc tới như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU).
- Quan hệ Việt – Mỹ: Tiến bộ, lạc quan nhưng VN không nên quên nhân quyền? (BBC) - Việt Nam và Hoa Kỳ đang đánh dấu 25 năm thiết lập bang giao giữa hai quốc gia cựu thù trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động ở cấp độ toàn cầu.
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam và truyền thông độc lập bị đàn áp! (RFA) - Trang The Globe Post, một phần của Globe Post Media - tổ chức tin tức kỹ thuật số của Hoa Kỳ vào ngày 17/7 cho đăng bản tin của AFP với tựa tạm dịch ra tiếng Việt là ‘Việt Nam mở Bảo tàng báo chí trong khi truyền thông độc lập bị đặt ngoài vòng pháp luật’. Bài báo nhận định rằng tất cả các tờ báo và truyền hình trong nước đều do chính quyền kiểm soát. Ngoài ra, Việt Nam, dù với thứ hạng ảm đạm về tự do truyền thông cũng như bị mang tiếng đối xử nghiệt ngã đối với các phóng viên độc lập không theo báo chí nhà nước, nhưng vẫn khánh thành một bảo tàng dành riêng cho báo chí. Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội có giá khoảng 1 triệu đô la được chính thức khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 19/6.
- Phó Bí thư Hà Nội: Hôm nay là anh hùng nếu không rèn luyện mai có thể là tội đồ! (RFA) - Ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, đưa ra nhận định vừa nêu khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hôm 16 tháng 7 năm 2020. Theo ông Toàn, cán bộ đảng viên phải rèn luyện hàng ngày, nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về chính trị, tư tưởng... dẫn đến tham nhũng và phạm pháp. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 17 tháng 7 năm 2020, liên quan vấn đề này, nhận định: “Tôi cho cách nói của ông Phó Bí thư này là không có trí tuệ, không đúng... Không thể một người hôm nay là anh hùng mà ngày mai thành tội đồ, người ấy có thể là anh hùng ở phe này, nhưng tội đồ ở phe kia, chứ không thể trong cùng một phe. Bản chất hắn hôm nay cũng tội đồ rồi, nhưng hôm nay người ta chưa biết, ngày mai mới biết. Tôi lấy thí dụ, như ông Đinh La Thăng, lúc đang là Ủy viên Bộ chính trị, đang là Bí thư Thành Ủy... thì không phải là anh hùng... người ta chỉ nhầm là anh hùng. Lúc đó hắn đã là tội đồ, nhưng chưa ai biết, chưa phát hiện. Hôm nay nó có thể trốn tránh được, che giấu được, lừa bịp được... mà người ta tưởng hắn là anh hùng, chứ bản chất không phải vậy.”
- Bãi xỉ than Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa có phương án phòng chống sự cố (RFA) - Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đến cuối tháng 6 năm nay vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than... Cụ thể, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chưa bố trí khu vực lưu chứa nước mưa thu gom trong lòng bãi thải tro, xỉ than; và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn chưa hoàn thành phương án phòng chống bão lụt và phương án phòng chống sự cố tại bãi xỉ than
- Tử hình cựu thiếu tá công an cùng 4 đồng phạm buôn ma túy xuyên quốc gia (RFA) - Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 17/7 tuyên án tử hình đối với cựu thiếu tá công an thành phố Hồ Chí Minh cùng 4 đồng phạm tham gia đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia với quy mô lớn. Báo trong nước dẫn kết quả phiên tòa loan tin cùng ngày. Tin cho biết, đường dây buôn ma túy vừa nêu bao gồm 15 người, bao gồm 2 người quốc tịch Lào, do Cao Xuân Thủy, 30 tuổi, cầm đầu. Ngoài ra còn có sự tham gia của ông Võ Văn Quý, 42 tuổi, cựu thiếu tá công an thuộc một đơn vị của Công an thành phố Hồ Chí Minh
- Xử phúc thẩm đường dây sản xuất ma túy lớn nhất ở Việt Nam (RFA) - Vụ án “Sản xuất trái phép chất ma túy”, “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Trốn khỏi nơi giam giữ”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” liên quan đến hàng chục bị cáo được mang ra xử tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 17/7 có những diễn biến mới đáng chú ý. Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết người bị xác định cầm đầu trong vụ án là Văn Kính Dương (sinh năm 1981, quê ở Hà Nội) khai ông Nguyễn Đức Kỳ Nam (sinh năm 1968) mới là người giữ vai trò chính trong việc sản xuất ma túy.
- Cắt giảm 70% kinh phí công tác và hội nghị đến cuối năm 2020 (RFA) - Bộ Tài chính Việt Nam đề nghị chính quyền tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cắt giảm 70% kinh phí hội nghị và công tác đến cuối năm 2020, nhằm thực hiện được mục tiêu kép “vừa đẩy lùi bệnh dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội”. Truyền thông trong nước, vào ngày 17/7 cho biết Bộ Tài chính vừa gửi văn bản đến chính quyền các tỉnh/thành phố để đề nghị thực hiện các giải pháp được Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn. Một trong những giải pháp là cắt giảm 70% kinh phí tổ chức hội nghị và đi công tác từ nay đến cuối năm 2020
- Việt Nam hỗ trợ Trung Quốc 100.000 USD khắc phục hậu quả thiên tai (RFA) - Việt Nam quyết định ủng hộ Trung Quốc 100.000 USD để khắc phục hậu quả lũ lụt và động đất. Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 17/7. Tin cho biết tình trạng mưa lớn, lũ lụt và động đất xảy ra tại nhiều địa phương ở Trung Quốc từ tháng 6 đến nay. Hiện đã có ít nhất hơn 140 người bị thiệt mạng và mất tích, hàng triệu người phải di dời, gần 28 ngàn căn nhà bị phá hủy và thiệt hại gần 11,7 tỷ USD
- TP Hà Nội dọn hết rác bị ứ đọng do bãi rác bị dân phản đối (RFA) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội -ông Nguyễn Đức Chung hứa với cử tri thành phố đến hết ngày 17 tháng 7 đảm bảo dọn sạch rác ở các quận nội thành. Ông Chung cam kết như trên trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố diễn ra vào ngày 17/7 và được truyền thông quốc nội loan tin. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đặc vấn đề TP có giải pháp gì để đưa rác ra khỏi nội thành hay không sau khi sự việc người dân tại các xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của huyện Sóc Sơn căng lều bạt ngăn xe rác vào bãi rác Nam Sơn, khiến rác ùn ứ trong nội thành Hà Nội 3 ngày qua
- Mùa Covid-19 ở Mỹ: du sinh Việt Nam học, nghỉ, về hay ở? (BBC) - Các sinh viên VN ở Hoa Kỳ kể với BBC về hoàn cảnh và các vấn đề như chờ học online, về nước hay ở lại.
- TQ chê cười tin Hoa Kỳ 'cấm nhập cảnh 92 triệu đảng viên CS TQ' (BBC) - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói lệnh cấm đảng viên cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ, nếu có thật thì là thứ quyết định 'thảm hại'.
- Bầu cử Mỹ: Vì sao thành phần bảo thủ ủng hộ Tổng thống Trump? (BBC) - Theo kết quả do hãng Gallup khảo sát được công bố năm 2018, có tới hơn một nửa số người trẻ ở Mỹ và người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.
- San sẻ nợ công, viên gạch cho một liên bang châu Âu tương lai ? (RFI) - Thụy My - Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đầu tiên không « ảo » như trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành là chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay 17/07/2020. Figaro chạy tựa trang nhất « Một hội nghị thượng đỉnh thiết yếu châu Âu để tái thúc đẩy kinh tế ». Nhật báo La Croix đặt câu hỏi « Nợ : Liên hiệp châu Âu, một bước nhảy lớn ? » Việc chia sẻ nợ nần giữa các nước châu Âu được bàn bạc tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay ở Bruxelles, liệu sẽ là bước đột phá tiến tới một liên bang hay không ?
- Châu Âu họp thượng đỉnh thượng lượng kế hoạch kích cầu 750 tỷ euro (RFI) - Thanh Hà - Lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh trong hai ngày 17 và 18/07/2020 với mục đích đạt được đồng thuận về kế hoạch kích cầu 750 tỷ euro khắc phục hậu quả Covid-19 và ngân sách chung cho giai đoạn 2021-2027. Trong cương vị chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel dự báo "đàm phán sẽ gất gay go". Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte xem khả năng thành công của thượng đỉnh lần này là "dưới ngưỡng 50 %".
- Virus corona: Đại học Anh lo thiếu sinh viên Trung Quốc (RFI) - Mai Vân - Dịch Covid-19 đã có một tác động khác khiến Luân Đôn lo ngại. Trước tình trạng dịch bệnh hoành hành, hàng ngàn sinh viên Trung Quốc có thể không đến học tập tại Vương Quốc Anh. Đây quả là một tin không vui chút nào đối với các đại học Anh Quốc, vốn dựa rất nhiều vào sinh viên nước ngoài, với học phí có thể lên đến 35.000 euro/năm.
- Bánh kẹp tai heo: món ăn gợi hoài niệm ở miền Nam nước Mỹ (BBC) - Món ăn đầy hoài niệm gợi về thời kỳ người nô lệ phải vật lộn đấu tranh sinh tồn nay đã trở thành thứ gợi thương gợi nhớ.