30 Năm Việt Ngữ Hướng Việt
Hình giáo viên Hướng Việt năm xưa |
Nói đến các trường Việt Ngữ ở hải ngoại, ai trong chúng ta những người Việt ly hương mà không trân trọng, quý mến yêu thương những ngôi trường ấy. Đặc biệt với cộng đồng người Việt tại vùng Đông Vịnh không thể không nhắc đến trường Việt Ngữ Hướng Việt, cái tên trường nghe quá quen thuộc và gần gũi. Tháng 11/17 tới đây, ban đều hành nhà trường sẽ tổ chức một buổi dạ tiệc văn nghệgây quỹ kỷ niệm 30 năm thành lập ngôi trường này. Nữ ca sĩ Ngọc Hạ và nhiều ca sĩ địa phương đóng góp trong buổi gây quỹ vào lúc 5 giờ chiều ngày 4 tháng 11/2017 tại Oakland Asian Cultural Crnter. Ba mươi năm, một chặng đường dài của đời người, một công trình văn hóa ảnh hưởng nhiều thế hệ. Nhìn lại 30 năm qua, chúng ta thử tìm về những kỷ niệm với trường cũ người xưa, và cũng nhìn về tương lai của trường Việt Ngữ Hướng Việt đầy mơ ước.
Năm đó 1987, cộng đồng người Việt tại Oakland vẫn còn thưa thớt, mọi người quý mến và thương nhau lắm. Theo lời anh Nguyễn Trung Cao kể lại sau năm 1985, một số anh chị em nhiệt huyết cùng ngồi lại với nhau sau một biến động sinh hoạt chính trị trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Những người tiên phong trong việc thành lập trường Việt Ngữ hướng Việt vẫn tìm một hướng đi lâu dài nơi định cư, vẫn hướng về quê hương cội nguồn, vẫn gìn giữ văn hóa và phong tục...không gì hơn là duy trì ngôn ngữ, văn hóa nước nhà trên xứ người. Nói, viết, và đọc tiếng Việt cho thế hệ con cháu không để mất đi nguồn cội. Từ đó trường Việt Ngữ Hướng Việt ra đời tại Oakland vào tháng cuối tháng 10/1987.
Những người thời đó là ai? Vâng, nhiều lắm. Anh Cao kể tiếp, mọi người trong cộng đồng hăng hái ủng hộ rất vui vẻ không biết mệt. Những cái tên nghe rất quen: Trần Sĩ Hải, nhà báo Vũ Bình Nghi, cố Bác Sĩ Phan Kim Nguyên, Nguyễn Ngọc Minh, Đặng Tiết Rũng, Nguyễn Cập, Lê Hữu Kha, Lê Quốc Việt,v.v...Những người tiên phong đã đóng góp rất lớn cả vật chất lẫn tinh thần vì lúc đó phải thuê trường vào cuối tuần để giảng dạy. Tính đến nay trường đã dời địa điểm giảng dạy nhiều lần, từ trường tiểu học West Lake đến Roosevelt, Garfield, v.v...và trải qua nhiều thay đổi. Hiệu trưởng đầu tiên của trường VNHV, anh Nguyễn Trung Cao cho biết trong khoảng thời gian 10 năm đầu, ban điều hành lo toan nhiều việc, từ việc soạn thảo chương trình giảng dạy đến việc gây quỹ điều hành. “Nhưng may mắn cho chúng tôi là đồng hương, các bậc phụ huynh và mạnh thường quân đóng góp rất tích cực. Mới khai giảng chỉ có 3 lớp, rồi 3 năm sau sỉ số học sinh lên đến hơn 300 em trong 10 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5.” Anh Cao kể thêm:”Chúng tôi làm việc không biết mệt nhờ vui, lý tưởng và thấy hiểu quả khích lệ.” Anh Cao nói thêm về một lực lượng thầy cô giáo thiện nguyện rất hùng hậu và Hội Phụ Huynh nhiệt tình nổ lực yểm trợ. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường, anh Cao gợi nhớ lại quý thầy cô giáo, dù đã có một vài người đã yên giấc ngàn thu như anh Trần Sĩ Hải, Phạm Ngọc Dương. “Nhắc đến quý thầy cô, có lẽ tôi không nhớ hết. Lúc đó có cô Lài, Khánh Trang, Đoan Trang, cô Xuân Lang, cô Nguyễn Thoa, cô Trần Thị Ánh, cô Nguyễn Thanh Toán, cô Quế Lam, Tuyết Lan, cô Duyên, cô Phượng Nguyễn, cô Cao Thị Phượng, cô Diễm, cô Loan, cô Mai, côHòa, cô Hà. v.v... và các thầy gồm Nguyễn Quỳnh, Trương Nguyên Thuận, Huỳnh Hoan, Đặng Linh, Từ Hải, Mai Chung, Nguyễn Ngọc Oánh, Trần Việt, Huỳnh Tấn Lực, Nguyễn Thanh Xuân, Nguyễn Ngân, Nguyễn Văn Trung...Thầy Bùi Văn Phú giúp chúng tôi rất nhiều, thuê trường tiểu học Roosevelt, nơi thầy đang dạy học.” Anh Cao nhắc thêm một thầy giáo đặc biệt, thầy Willis lấy vợ Việt. Thầy WillisH. là một nhà giáo nói tiếng Việt rất rành rõi và tình nguyện tham gia vào ban giảng huấncủanhàtrườngvàinăm.
“Chúng tôi không thể nào quên công ơn của cố bác sĩ Phan Kim Nguyên đã đứng ra vận động thành lập Hội Phụ Huynh để yểm trợ tài chánh. Hội do ông Đặng Tiết Rũng điều hành với sự đóng góp tích cực của các mạnh thường quân như anh Nguyễn Cập, anh Lê Hữu Kha, và nhiều bậc phụ huynh khác nữa.” Anh Cao thổ lộ “Thật không thể nào quên công ơn của các bậc phụ huynh và mạnh thường quân nức lòng yểm trợ cho chúng tôi.” Anh Nguyễn Trung Cao kể lại 3 lần gây quỹ đáng nhớ, lần đầu tiên tại nhà hàng Royal Seafood (Phở Anh Đào) hiện nay, lần thứ hai, rửa xe trong bãi đậu xe của nhà hàng Caravelle của gia đình anh Lê Hữu Kha lúc đó, và lần thứ ba cũng là lần cuối. Đại Nhạc Hội Về Nguồn tại Oakland Henry Kaiser Convention Center. Nhờ sự vận động của mạnh thường quân và anh Trần Ngọc (chủ nhân Phở Ao Sen hiện nay), nhiều nam nữ danh ca hải ngoại về đóng góp gồm Khánh Ly, Hương Lan, Tuấn Ngọc, Vân Sơn, Ngọc Huệ, cố nghệ sĩ lão thành Việt Hùng, và cố nghệ sĩ Xuân Phát, cùng ban nhạc Starlite nổi tiếng hồi thập niên 1980 của anh Nguyễn Thành, v.v...Anh Cao kể thêm cây cổ thụ trong nền giáo dục Việt Nam, cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo, nhà soạn thảo sách giáo khoa cho học sinh tại Việt Nam trước năm 1975, từ Canada cũng sang tham dự buổi Đại Nhạc Hội và vận động cho tầm mức quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt tại hải ngoại.
Anh Nguyễn Trung Cao bày tỏ ngậm ngùi thổ lộ thêm:”Những người đó giờ đã đi xa, có người đã ra đi vĩnh viễn. Nhắc lại một chút để nhớ ơn, để thấy sự hy sinh cao quý của họ và ôn lại những kỷ niệm dạt dào một thời sôi nổi và nồng ấm tình đồng hương lắm anh à.” Sau buổi gây quỹ ĐNH Về Nguồn, lúc đó trường giảng dạy ở Garfield, góc đường Foothill và 21 Ave. và cô Nguyễn Thoa tiếp tục đảm nhận hiệu trưởng điều hành cùng một số sinh viên học sinh thiện nguyện. “30 năm chứ ít sao anh, học trò thời đó đến bây giờ lập gia đình rồi tiếp tục cho con họ theo học tiếng Việt tại trường Hướng Việt hoặc những nơi khác.” Chúng ta đã thấy có sự tiếp nối, cứ duy trì và phát triển là điều đáng mừng, nên làm. Nhìn lại 30 năm qua, ai cũng thấy những thành quả đáng hãnh diện và tôi thấy thật cảm phục anh Cao đã bỏ công sức quá nhiều đây tâm huyết. Xin anh cho biết chút ý kiến ngắn gọn. Anh Nguyễn Trung Cao khiêm nhường nói:”...Đó là công sức của rất nhiều người...” Anh nói thêm lúc đó anh may mắn đi làm rồi và dành thời gian rãnh rỗi vào việc thành lập trường. Và bây giờ thỉnh thoảng có những em từ trường Việt Ngữ đã đi xa nhưng mỗi khi về thăm lại Oakland, họ vẫn nhắc và chào thầy Cao một cách quý mến.
Pha lẫn với niềm vui, anh Cao cũng đã bày tỏ hãnh diện về những em học sinh thời đó nay đã trưởng thành và thành công trong xã hội, như Mai Nguyễn, một triệu phú trẻ tuổi được báo giới Mỹ tại địa phương, Salt Lake City, Utah, ca ngợi là một trong những nữ doanh gia trẻ thành công nhất, nữ tài tử Lê Thị Hiệp trong phim Heaven and Earth, Victoria Ngô, và còn nhiều nữa.
Cho dù không còn sinh hoạt với trường trong 20 năm qua, nhưng nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập trường, anh Nguyễn Trung Cao đã hậu thuẫn và yểm trợ nhiệt tình buổi gây quỹ. Hãy đến thật đông để ủng hộ, để nghe Ngọc Hạ hát những bài tình ca quê hương đằm thắm, nghe những ca sĩ địa phương, có em từng là học sinh của trường Việt Ngữ Hướng Việt, Thanh Cát và Ngô Như Thủy sẽ hát cho đồng hương thưởng thức. Mỗi vé ủng hộ bao gồm phục vụ ẩm thực chỉ có $50 Mỹ Kim. Đến để ủng hộ và đóng góp bằng nhiều cách để còn mãi, còn mãi Hướng Việt. Hãy tri ân những người đi trước để duy trì lâu dài nữa, và hãy vận động những giải thưởng, học bổng hoan nghênh cho các em học tiếng Việt. Mọi chi tiết ủng hộ buổi gây quỹ xin liên lạc Nguyễn Trung Cao (510) 529-1665 / cô Nguyễn Thoa (510) 528-1265 / Lâm Trường Hy (510) 325-7290 / cô Victoria Ngô (510) 697-7375.
Tâm Chi