Trừng phạt Bắc Hàn: Chiến thuật "đàm phán thần tốc' của Mỹ
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phát biểu trong phiên họp HĐBA thông qua trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên ngày 11/09/2017 tại New York. REUTERS/Stephanie Keith |
(RFI) Được Nga và Trung Quốc ủng hộ, nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên được xem là nghiêm khắc nhất đã được Hội Đồng Bảo An, thông qua ngày 11/09/2017. Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ sẽ trả giá bằng « khổ đau kinh khủng nhất ». Bằng cách nào mà Washington, chỉ trong vòng 7 ngày, thành công thuyết phục được Bắc Kinh và Matxcơva ủng hộ đợt trừng phạt mới, đánh thẳng vào các nguồn ngoại tệ chính của Kim Jong Un? AFP tường thuật kế hoạch « bốn bước » của đại sứ Nikki Haley.
Dọa đánh
Ngày 04/09, một ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo thử quả bom hạt nhân thứ sáu, nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc triệu tập các thành viên của Hội Đồng Bảo An. Để cho các đồng sự lên tiếng trước, vào giờ chót, bà Nikki Haley cao giọng tuyên bố : Đã đến lúc phải chấm dứt các biện pháp nửa vời. Bà còn gây bất ngờ khi loan báo : Tuần sau sẽ biểu quyết một văn kiện mới, nghị quyết 2375, tăng cường các biện pháp trừng phạt của nghị quyết 2371, thông qua hồi tháng 8.
Treo giá
Hai hôm sau, ngày 06/09, Hoa Kỳ chuyển đến 14 thành viên còn lại của Hội Đồng Bảo An dự thảo nghị quyết gồm những biện pháp mạnh nhất : Cấm triệt để nhập khẩu dầu khí, xuất khẩu hàng may mặc, than đá, sắt, hải sản, phong tỏa tài sản của Kim Jong Un, trục xuất toàn thể lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, khoảng 93.000, đông nhất là ở Trung Quốc.
Công bố dự thảo nghị quyết với toàn thể Hội Đồng Bảo An là một động thái chiến lược. Khi đặt giá rất cao, Washington buộc Bắc Kinh và Matxcơva vào tư thế phải trả lời và chấp nhận thương lượng. Mỹ đốt giai đoạn « tham khảo » tay đôi, tay ba không biết bao giờ kết thúc.
Thay vào đó, 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết bắt đầu đàm phán và đến thứ sáu 08/09, Nga và Trung Quốc tuyên bố bác bỏ hết danh sách đề nghị của Mỹ ngoại trừ biện pháp cấm vận hàng may mặc, công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh và Matxcơva đòi phải nhấn mạnh nhu cầu « tìm một giải pháp hoà bình ».
Tăng tốc
Ngay buổi tối thứ Sáu hôm đó, Washington « xô đẩy » các thành viên khác với thông báo : Biểu quyết dự thảo nghị quyết, được viết lại, vào thứ hai 11/09. Theo AFP, đây là một chiến thuật gây sức ép của Washington để nắm thế chủ động, chấp nhận rủi ro thách thức Bắc Kinh và Matxcơva.
Một nhà ngoại giao xin giấu tên phân tích : Mỹ gián tiếp cảnh báo Trung Quốc và Nga là không còn gì để thương lượng. Hai đồng minh của Bắc Triều Tiên cũng bị áp lực phải đạt được một nghị quyết hầu tránh làm tình hình căng thẳng thêm và phô bày tình trạng phân hóa giữa các đại cường. Để thuyết phục Nga và Trung Quốc, phía Mỹ đưa ra lập luận rằng "đây là giải pháp hoà bình mà quý vị mong muốn".
Hệ quả là trong hai ngày cuối tuần, Mỹ-Nga-Trung đàm phán trong tinh thần « xây dựng ». Dự thảo được thêm bớt : Duy trì cấm vận hàng dệt may nhưng hạn chế cấm vận dầu khí. Thanh tra tàu bè phải có sự đồng ý của quốc gia liên quan. Không phong tỏa tài sản của Kim Jong Un nhưng thêm vào danh sách đen tên ông Pak Yong Sik, chuyên gia hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và ba cơ quan có liên hệ với chương trình hạt nhân.
Cưỡng ép tinh thần
Đến 10 giờ đêm Chủ nhật, phái bộ Mỹ cung cấp dự thảo chung cuộc cho 15 thành viên với tuyến bố « biểu quyết » ngày hôm sau cho dù Trung Quốc chưa kịp cho ý kiến. Sáng thứ Hai, Bắc Kinh bật đèn xanh. Vài giờ sau, nghị quyết 2375 được xem là « lời cảnh báo nghiêm khắc, cân đối và vững chắc » được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An thông qua.
Các biện pháp mới, một khi được thực thi sẽ gây tổn thất nặng nề cho ngành xuất khẩu hàng may mặc, than đá, quặng sắt và hải sản của Bắc Triều Tiên ít nhất 1 tỷ đôla mỗi năm. Xuất khẩu lao động cũng bị hạn chế , phải được chấp thuận của Liên Hiệp Quốc, có thể làm thất thu 200 triệu đôla mỗi năm. Về năng lượng, Bắc Triều Tiên bị cấm nhập khẩu 6 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu trên tổng 17 triệu thùng. Tuy chỉ độ 30% nhưng « chiến thuật cấm vận năng lượng Bắc Triều Tiên theo lối « cuốn chiếu » đã được Mỹ bố trí ».