Matt Mahan

ads header

Breaking News

VN trông cậy vào năm loại vũ khí để ngăn chặn TQ tấn công.

Việt Nam trông cậy vào năm loại vũ khí để ngăn chặn Trung Quốc tấn công.

Nguyễn Quốc Khải
30-08-2017


Trước mưu đồ rất rõ rệt của Trung Quốc là muốn kiểm soát hầu hết Biển Đông, mở đường cho Trung Quốc tràn qua Ấn Độ Dương, Phi Châu, và Trung Đông, chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc xem ra không thể tránh được. Trung Quốc có tham vọng muốn chiếm Biển Đông để khai thác khối lượng dầu và khí đốt lớn lao tại đây. Trong lúc Hoa Kỳ lúng túng vì những tranh chấp về các chính sách quốc nội với sự lãnh đạo non nớt của Tổng Thống Trump và tình hình bất ổn tại bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc ngày càng hung hăng. Tình thế này làm cho cuộc chiến ở Biển Đông lại càng có sắc suất cao trong vài năm tới.

Theo Global Firepower, Việt Nam được xếp vào hạng 16 trong 133 nước có sức mạnh quân sự cao nhất. Việt Nam có thể dựa vào năm loại vũ khí tối tân nhất sau đây để ngăn chặn cuộc xâm lăng của Trung Quốc.

1. Phi cơ chiến đấu: Việt Nam có 11 Sukhoi Su-27 và 35 Sukhoi Su-30 MKZ thuôc lớp Flanker. Những phi cơ chiến đấu hạng nặng, bay nhanh, và nguy hiểm này sẽ cấu tạo thành tuyến đầu phòng thủ, có thể tấn công các mục tiêu trên đất, biển, hay không đối không. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không lực miền Bắc chỉ giữ vai trò phòng vệ. Trong chiến tranh biên giới 1979, không lực của Trung Quốc cũng chỉ giữ một vai trò nhỏ bé. Nếu cuộc chiến Việt-Trung mới xẩy ra trong tương lai, tình hình sẽ thay đổi. Không lực đôi bên sẽ tham chiến mạnh mẽ. Phi cơ chiến đấu Sukhoi của Việt Nam, cũng như loại chiến đấu cơ cũ MIG-21, không những có khả năng bảo vệ không phận Việt Nam mà còn có thể tấn công vào nội địa Trung Quốc. Tầm bay xa: 3,000 km – 3,500 km.

2. Chiến hạm: Việt Nam có bốn chiến hạm loại Gepard Class trọng tải 1,500 tấn. Những chiến hạm này mang hỏa tiến, bom thả sâu xuống nước (depth charge) có thể tấn công các tầu chiến, tầu ngầm và máy bay. Phi cơ trực thăng có thể lên xuống các chiến hạm Gepard.

3. Tầu ngầm: Việt Nam có sáu tầu ngầm hạng Kilo chống tầu ngầm, tầu chiến, và phi cơ. Tầu ngầm Kilo trang bị thủy lôi và hỏa tiễn, lặn sâu 300 m, tốc độ trong nước 31 km – 46 km / giờ, khả năng chịu đựng là 45 ngày.

4. Hệ thống phòng không: Việt Nam có hệ thống phòng không S-300 SAM có khả năng khám phá mục tiêu và theo dõi cách xa 75 dặm.

5. Hỏa tiễn: Việt Nam có loại hỏa tiến hành trình (cruise missile) P-800 ONYX có thể phóng từ dàn phóng trên mặt đất, phi cơ, chiến hạm, hay tầu ngầm. Đây là loại vũ khí quan trọng nhất của Việt Nam để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, có tầm xa 290 km và mang đầu đạn 250 kg.

Mới đây Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Ấn Độ để mua hỏa tiễn hành trình Brahmos. Loại hỏa tiễn này có thể phóng đi từ dàn phóng ở dưới đất hay từ phi cơ với tầm xa 295 km. Ấn Độ đang sản xuất lại Brahmos phóng từ tầu ngầm. Hiện nay Trung Quốc Không chưa có cách để tiêu diệt loại hỏa tiễn này.

Brahmos là loại hỏa tiễn siêu thanh và vô hình (stealthy) rất khó bị bắn hạ. Nó có thể bay rất thấp, và khi đến gần mục tiêu có lượn vòng theo chữ “S”. Tầm xa của Brahmos là 290 km vì một thỏa thuận quốc tế (Missile Technology Control Regime) chỉ cho phép bán hỏa tiễn không có tầm xa trên 300 km. Brahmos có khả năng chuyên chở đầu đạn nguyên tử 600 lbs.

Ấn Độ hiện nay đặt rất nhiều dàn phóng Brakmos tại biên giới Ấn-Trung. Trung Quốc tỏ vẻ lo sợ. Nhật báo Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân của Trung Quốc viết: “Ấn Độ triển khai hỏa tiễn siêu thanh tại biên giới quá nhu cầu phòng thủ và đe dọa Tây Tạng và Yunnan của Trung Quốc … và tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định ở trong vùng.”

Thật là nguy hiểm nếu Việt Nam chỉ dựa vào số lượng võ khí tối tân giới hạn kể trên để ngăn chặn thành công cuộc xâm lăng của Trung Quốc một cách đơn thân độc mã. Liên minh quân sự với các nước Nhật, Ân Độ, Úc, và Hoa Kỳ vẫn là cách bảo đảm hơn cả.

Tờ báo Washington Post tường thuật rằng cách đây hai tuần, môt bài xã luận đăng trên tờ báo Global Times, một cơ quan ngôn luận bán chánh thức của chánh phủ Trung Quốc, viết rằng “Nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hoa Kỳ trước, Trung Quốc sẽ giữ vị thế trung lập. Nếu Hoa Kỳ và Nam Hàn tấn công Bắc Triều Tiên trước và nhắm lật đổ chế độ Bắc Hàn, làm thay đổi mô hình chính trị của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ngăn chặn họ làm như vậy”. Việt Nam cũng có thể thỏa hiệp với Hoa Kỳ và các đồng minh Á châu khác để có một liên minh tương tự. Nó có nghĩa là nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ ngăn chặn Bắc Kinh làm như vậy.

Việt Nam phải hành động trước khi quá muộn. Trung Quốc không thể đối phó với ba mặt trận cùng một lúc: Biển Hoa Nam, Biển Hoa Đông, và biên giới Ấn – Hoa. Việt Nam không còn một hi vọng nào để chung sống hòa bình với Trung Quốc, trừ phi Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế lẫn quân sự, nhưng điều này vẫn chỉ là ước vọng. Trước đây, một Phi Luật Tân yếu ớt đã can đảm đứng lên chống lại Trung Quốc. Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội liên minh với nước này. Nay chính Việt Nam phải giữ vai trò dẫn đường.

Tài liệu tham khảo:

1. Sebastien Roblin, "BrahMos: India's Supersonic Missile That Terrifies China (Thanks to Russia), The National Interest, April 4, 2017.

2. Robert Farley, "If Vietnam and China Went to War: Five Weapons Beijing Should Fear," The National Interest, July 12, 2014.

3. Defense Updates, "How Vietnam is Deterring China with These Five Weapons," September 6, 2016.