Thái độ xâm lược của Nga là chuyện gây nhiều rắc rối nhất
Xe tăng của Nga tiến vào Crimea, lãnh thổ của Ukraine |
Bài tường thuật của Massimo Calabresi và Simon Schuster trên báo TIME ngày 27/2/2017
Nguyễn Minh Tâm dịch
● Trong lúc Mạc Tư Khoa cứ tiếp tục tiến công, các nước đồng minh của Hoa Kỳ mòn mỏi trông chờ ông Trump nói rõ về chính sách của Mỹ.
CUỘC ĐẢO CHÍNH DỰ TRÙ SẼ XẢY RA ĐÚNG VÀO NGÀY BẦU CỬ. Khoảng hơn một chục tên tay sai của điện Cẩm Linh, giả trang mặc sắc phục cảnh sát, với súng trường tấn công trong tay, bọn chúng chuẩn bị đánh vào tòa nhà quốc hội của nước Montenegro, một quốc gia nhỏ bé bên bờ biển Balkan, và ám sát Thủ tướng nước này. Theo cuộc điều tra của chính phủ, mục đích của âm mưu đảo chính là ngăn cản quốc gia nhỏ bé với khoảng 620,000 dân đừng gia nhập vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Nếu nước này trở thành hội viên của NATO sẽ giúp liên minh thân Mỹ kiểm soát được tất cả các hải cảng phía bắc Địa Trung Hải, chạy dài từ Gilbraltar đến Bosporus. Nhờ một mật báo viên báo tin, cảnh sát nước Montenegro ra tay ngăn chặn âm mưu đảo chánh, và bắt trọn ổ những tên âm mưu lật đổ chính phủ. Khi cuộc bầu cử diễn ra vào hồi tháng 10 vừa qua, hai tên đầu sỏ, nhân viên tình báo của Nga được trả về nước Nga.
Cuộc phá vỡ âm mưu đảo chánh kể trên nhắc nhở cho chúng ta thấy một mặt trận mới được mở ra ở Âu châu. Từ biển Baltic, đến vùng Balkan, và từ Hắc Hải sang Anh quốc, Vladimir Putin đang tìm cách khôi phục lại đế quốc Nga bị mất cách đây 25 năm, sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Từ ngày 29 tháng Giêng đến ngày 3 tháng Hai, lực lượng vũ trang thân Nga tung ra hàng ngàn cuộc tấn công mới vào nhiều vị trí ở sâu trong nước Ukraine của chính phủ thân Âu châu. Nước Nga dùng lực lượng vũ trang để đe dọa, cũng như những luận điệu tuyên truyền để xuyên tạc, Putin đang tìm cách dọa nạt các nước Estonia, Serbia, Moldova và nhiều nước Đông Âu khác. Những nước này trước đây ở trong khối cộng sản. Đi xa hơn về phía Tây, Putin tìm cách liên minh với những phần tử quốc gia cực hữu, chống lại Liên Hiệp Âu châu, chẳng hạn như ở Pháp, Đức, Hung Gia Lợi và một số nước khác.
Có lẽ mặt trận quan trọng nhất đưa đến những xung đột vũ trang mới bắt nguồn từ Văn Phòng Tổng Thống Hoa Kỳ- West Wing. Theo các viên chức cao cấp trong chính quyền của ông Trump, suốt ba tháng vừa qua, đã có những cuộc thảo luận âm thầm, đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có nên cản trở Putin trong chiến dịch xâm lăng mới của y, hay nên nhượng bộ cho phép Nga tái lập ảnh hưởng cũ của họ ở Đông âu. Đổi lại, nước Nga sẽ hợp tác với Hoa Kỳ trong liên minh chống tại tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo, tức ISIS, và đôi bên cùng đồng ý cắt giảm kho vũ khí nguyên tử, cùng chung sức kiềm hãm Trung cộng.
Ông Trump đã công khai tiết lộ một phần dự án to lớn kể trên, mà ông gọi là “grand deal” theo lối nói của một doanh nhân. Cùng lúc đó, ông cử hai cố vấn cao cấp Steve Bannon, và Michael Flynn đi cửa sau tiếp xúc với các nhà ngoại giao Nga. Ngày 13 tháng Hai vừa qua, tướng Flynn đã phải từ chức chủ tịch HĐ An Ninh Quốc Gia vì tiếp xúc bằng cửa sau với các nhà ngoại giao Nga. Các viên chức cao cấp trong Bạch Cung, những người ủng hộ toàn bộ, hay một phần kế hoạch này cho rằng Chủ Nghĩa Quốc Gia là căn bản dùng để chống lại bọn cực đoan Hồi Giáo, cũng như sự trổi dậy của Trung Cộng.
Chống lại chủ trương thương lượng, và nhượng bộ với Nga có vài Bộ trưởng trong Nội các, chẳng hạn Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, và Bộ trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson. Hai ông này được sự ủng hộ của tất cả giới ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn. Những người này cho rằng liên minh đa quốc là yếu tố cần thiết để duy trì sự ổn định lâu dài rất khó kiếm ở Âu châu, và nhiều nơi khác.
Việc ông Flynn bị cách chức khiến cho nhóm ủng hộ giải pháp nhượng bộ Nga gặp khó khăn. Những người này còn bị một đòn khác khá nặng khi ngày 14 tháng Hai, báo New York Times đăng tin cho biết phụ tá của ông Trump nhiều lần đi đêm gặp các nhân viên tình báo Nga từ trước ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Khi cơ quan công lực Hoa Kỳ nhúng tay vào điều tra vụ này, khuôn khổ thương thảo mật với Nga trở nên thu hẹp lại, nhưng riêng trong phạm vi Tòa Bạch Ốc, thì âm mưu thương lượng ngầm với Nga vẫn chưa hoàn toàn bị dập tắt.
Những người lo việc trình bầy kế hoạch vĩ đại - grand bargain- thương lượng với Nga nói rằng trong cái nhìn của một doanh nhân, ông Trump rất thích kế hoạch đó. Thượng Nghị Sĩ Bob Corker, tiểu bang Tennessee, người đứng đầu Ủy Ban Ngoại Giao của đảng Cộng Hòa ở Thượng viện kể lại như sau: “Tổng thống thực sự mong muốn đạt được thỏa thuận với Nga, và ông muốn ông sẽ là người đầu tiên, và duy nhất thay đổi lối tiếp cận của Hoa Kỳ đối với thế giới.”. Ông Corker cho biết ông từng được phỏng vấn vào ngày 29 tháng 11 để mời làm Ngoại trưởng, và ông Trump bày tỏ ý định muốn “make a deal” với Nga. Nhưng theo ý kiến của ông Corker thì “Make a deal” chỉ vì muốn đạt kết quả nhất thời, và không rõ cái deal ấy sẽ đưa chúng ta đi về đâu sẽ là điều nguy hiểm, có hại cho đất nước, và cho cả thế giới Tây phương.
Cho đến nay không ai biết rõ việc “make a deal” với Nga là ý niệm xuất phát từ người Mỹ, hay do Mạc Tư Khoa tung ra. Những người chỉ trích nói rằng thương lượng như thế thì Hoa Thịnh Đốn không được lợi gì cả Theo họ, nền kinh tế của Nga yếu kém, bị suy thoái trong hai năm qua, nhỏ hơn cả nền kinh tế của nước Ý. Mạc Tư Khoa chỉ có một hàng không mẫu hạm cũ, chạy bằng dầu cặn, từ thời Cộng sản Xô Viết. Tầu sân bay này chỉ chạy quanh quẩn từ Nga sang Syria rồi quanh trở về trong sáu tháng qua, và đã bị cháy tiêu mất hai máy bay phản lực vì tai nạn. Nga đã từng năn nỉ Hoa Kỳ lập liên minh quân sự để cùng đánh lại ISIS, thuần túy chỉ làm việc này mà thôi, không kèm thêm điều kiện nào khác. Putin cũng bầy tỏ ý định muốn tài giảm binh bị trong lần gọi điện thoại chúc mửng ông Trump đắc cử Tổng thống.
Giáo sư Elliot Cohen dạy về Bang Giao Quốc Tế ở trường John Hopkin University, một trong những chuyên gia về ngoại giao, có lập trường bảo thủ nhận xét rằng nhượng bộ Đông Âu cho Mạc Tư Khoa, một việc làm dại dột các nhà ngoại giao Tây phương đã làm trong hội nghị Yalta, để đổi lấy một giải thưởng, một tiếng khen, là một hành động “vừa ngu dốt vừa vô luân, nó sẽ làm đảo lộn nguyên lý căn bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ từ sau Thế Chiến thứ Hai.”.
Hiện vẫn chưa có một quyết định rõ ràng về cái “deal” này với người Nga, nhưng rõ ràng là đang có tâm trạng lo âu bất ổn trong các nước Đông Âu. Và đó chính là cơ hội để người Nga vẽ lại ranh giới. Lãnh đạo các nước Bulgaria và Moldova là những người lên tiếng trở về với Mạc Tư Khoa. Ở Pháp và Đức, những ứng cử viên chống Liên Hiệp Âu châu tìm thấy họ có chung chính nghĩa với Mạc Tư Khoa trước ngày bầu cử.Điều này khiến cho những đồng minh của Hoa Kỳ trở nên lo ngại. Trong một phúc trình mới đây của tổ chức Carnegie Endowment, họ viết: “Trật tự quốc tế tự do mà Hoa Kỳ và đồng minh Âu châu khổ công xây đắp từ sau Thế Chiến Thứ Hai đang có nguy cơ bị phá vỡ, và nhiều nước lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ phủi tay, không muốn duy trì trật tự này nữa.”.
MONTENEGRO, một quốc gia nhỏ bé, với dân số còn ít hơn số dân ở San Francisco, và một quân lực chỉ có 2,000 người lính. Trong lịch sử nước Montenegro liên tiếp bị hết cường quốc này đến cường quốc khác thôn tính, từ thời La Mã cổ xưa đến thời Đệ Tam Đế Chế ở Đức. Sau gần 10 năm thương thuyết, và thử nghiệm, quốc gia nhỏ bé này đang có ý hướng muốn gia nhập liên minh quân sự mạnh nhất từ trước đến nay. Lãnh đạo của nước Montenegro đã ký tài liệu gia nhập NATO hồi tháng Năm, và được 24 trong số 28 nước hội viên chuẩn phê. Chỉ còn Tây Ban Nha, Canada, Hòa Lan và Hoa Kỳ chưa làm thủ tục này. Ông Trump làm cho người dân Montenegro lo ngại, không biết họ có được gia nhập vào NATO hay không. Ông Nebojsa Medojevic, Dân biểu quốc hội nước Montenegro, người ủng hộ việc gia nhập NATO, bầy tỏ mối quan ngại này như sau: “Nếu Putin yêu cầu ông Trump đừng cho Montenegro vào NATO, để đổi lại sẽ dành cho ông Trump vài đặc quyền nào đó. Không biết tương lai nước Montenegro sẽ đi về đâu.”. Cho đến nay ông Trump không nói rõ ông có ủng hộ nước này vào NATO hay không.
Nước Montenegro có vùng biển sâu, và nước ấm áp. Điều này khiến ông Putin đánh giá cao tầm quan trọng của nước Montenegro, và ông cố gắng dành cho bằng được, khi nghe nói ước muốn về chiến lược của ông có thể bị hỏng. Với hành vi tấn công, chiếm vùng Crimea hồi năm 2014, Điện Cẩm Linh là cường quốc Âu châu đầu tiên dở trò cưỡng chiếm lãnh thổ sau Thế Chiến Thứ Hai. Lực lượng đặc biệt của Nga mặc giả quân đội địa phương xông vào chiếm quốc hội Crimea. Chỉ trong một ngày, họ thôn tính vùng đất này. Họ dựng Sergei Aksyonov, một kẻ trung thành với Nga lên làm Thủ tướng, và ông này để nước Nga sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.
Một số tay lính biệt kích Nga, thường được gọi là “những gã lính trẻ mặc quần áo mầu xanh”, sau đó lại xuất hiện ở vùng Đông Ukraine. Khi phe Tây phương gia tăng biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, cô lập nước này giống như thời kỳ còn Chiến Tranh Lạnh, những tên lính Nga vẫn tiếp tục tiến chiếm các bin đinh tại nhiều thành phố như Donestsk và Luhansk, và chúng tự xưng làm thủ lãnh cai trị vùng đất chúng chiếm đóng. Hậu quả là nước Ukraine bị chia cắt, và những kẻ đòi tách rời khỏi Ukraine gây nên cuộc nội chiến giết hại trên 10,000 người, và làm cho hơn 2 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Đụng độ mới đây làm cho hơn chục người chết. Những vụ xung đột này xảy ra vào ngày 28 tháng Giêng, sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, được ông Putin gọi điện thoại chúc mừng.
Trước đây, Putin đã thử thăm dò thái độ của Tây phương ở một vài nơi, chẳng hạn như tại Estonia, một trong năm thành viên của NATO có chung biên giới với Nga. Tháng Chín năm 2014, một nhóm lính Nga mở cuộc tấn công chớp nhoáng ở vùng biên giới với Nga bằng lựu đạn cay, và phát nhiễu sóng phát thanh, bắt cóc một sĩ quan an ninh Estonia, đem về Mạc Tư Khoa xét xử về tội làm gián điệp. Vụ tấn công này xảy ra đúng hai ngày sau khi Tổng thống Obama đến thăm nước Estonia. Ông Urmas Reinsalu, một Dân Biểu trong quốc hội Estonia, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng nói với báo Postimees: “Người Nga làm việc này để chứng minh rằng họ muốn làm gì trên vùng đất này cũng được. Không ai dám cấm cản.”.
Những vụ khiếu khích, gây hấn, cộng với việc tấn công trên mạng thường xuyên của người Nga, cũng như những vụ vi phạm không phận các nước hội viên NATO đã khiến cho các nước trong NATO phải tự vấn lại thái độ của mình, và kiểm điểm xem thực lực của họ khi cần phải đối phó với Mạc Tư Khoa trong trò chơi chiến tranh gây hấn mới của Nga. Chiếu theo điều khoản thành lập NATO, khi một thành viên của tổ chức bị tấn công, các nước khác phải giúp nước hội viên bảo vệ đồng minh của mình. Nhưng khó khăn ở chỗ định nghĩa thế nào là “bị tấn công”? Các vụ tấn công trên mạng của Nga có thể coi là “tấn công” hay không? Lính Nga ngụy trang làm lực lượng bán quân sự ở địa phương, có thể bị coi là gây hấn hay không?.
Hoa Kỳ đối phó để trả đũa đôi ba lần theo phương thức truyền thống. Một tuần lễ trước khi ông Trump nhậm chức, một lực lượng gồm 4,000 lính Mỹ được gửi đến Ba Lan trong thủ tục luân chuyển lực lượng vũ trang của NATO. Nhưng Putin không chỉ can thiệp vào vùng Trung ương và Đông Âu châu, ông ta còn với xa hơn nữa. Lúc gần đây, sự đoàn kết, hội nhập giữa các nước Âu châu bị suy đồi với sự rút lui của nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu châu, và sự trổi dậy của những đảng chính trị chống Liên Hiệp xuất hiện tại nhiều nước. Ngay lập tức, Putin khai thác tâm lý này, ông ta đề nghị họ nên theo chủ nghĩa quốc gia, chống lại chủ trương tự do khai phóng cũ của phe Tây phương. Putin được nhiều người ở Âu châu hâm mộ. Trong chuyến đi thăm các nước Âu châu sau khi ông Trump đắc cử, Putin chọn đi thăm người bạn cũ là Viktor Orban, Thủ tướng Hung Gia Lợi. Ông này hứa sẽ đưa nước ông theo chính sách “chống lại chủ trương dân chủ tự do”, quanh trở lại mô thức chính trị giống như nước Nga của Putin. Sau khi gặp gỡ Putin, ông Orban tuyên bố trên đài phát thanh: “Thế giới ngày nay đang trên đà thay đổi, sắp xếp lại cục diện.”.
Chỉ trong vòng một tuần lễ sau chiến thắng của ông Trump, các cuộc bầu cử diễn ra ở các nước chư hầu cũ của Nga, đem lại thành công cho hai nhân vật thân Nga lên nắm quyền. Tại Bulgaria, một thành viên của NATO và Liên Hiệp Âu châu, ông Rumen Radev được bầu làm Tổng thống. Trước đây, ông Rudev từng là tư lệnh không quân, là một chính khách nổi tiếng. Bây giờ ông tuyên bố sẽ tìm cách xa lánh phương Tây. Sau khi đắc cử ngày 13 tháng 11, ông tuyên bố ông cảm thấy thoải mái với chính sách của ông Trump là sẽ “cải thiện đối thoại với nước Nga.”. Theo ông đó là một chính sách hay, đem lại hy vọng rất lớn.
Thay đổi lập trường như vậy lại xảy ra ở nước Moldova. Tổng thống mới đắc cử là ông Igor Dodon từng vận động tranh cử với lập trường xé bỏ sự liên kết với Liên Hiệp Âu châu. Hôm 17 tháng 1, khi đi thăm Cẩm Linh, ông Dodon đứng cạnh ông Putin đang mỉm cười, tuyên bố: “Chúng tôi chẳng được lợi gì khi ở trong Liên Hiệp Âu châu.”.
Nhiều lãnh tụ ở Tây Âu cũng ngả theo xu hướng tách rời khỏi Liên Hiệp Âu châu.
Tại Pháp, bà Marie Le Pen, lãnh tụ đảng Mặt Trận Quốc Gia muốn trông thấy Liên Hiệp Âu châu tan vỡ từng mảnh. Mặt trận của bà được một ngân hàng có liên hệ với Nga cho vay số tiền 11 triệu bảng Anh năm 2014. Hồi tháng Hai, bà Le Pen hứa rằng nếu bà đắc cử tổng thống vào mùa xuân sắp tới bà sẽ rút nước Pháp ra khỏi NATO. Hiện nay bà đang dẫn đầu trong các thăm dò về bầu cử.
Bên cạnh Pháp, là nước Đức cũng bị Nga thao túng. Cơ quan tình báo ở Berlin tố cáo Mạc Tư Khoa đang đạo diễn trò “tuyên truyền và thông tin sai lạc” làm ảnh hưởng đến cuộc tranh cử cấp liên bang ở Đức sẽ diễn ra vào tháng Chín. Theo Stephan Mayer, dân biểu trong ủy ban tình báo Quốc Hội Đức, chủ đích của chiến dịch tuyên truyền này là nhằm hạ uy tín của bà Thủ tướng Angela Merkel, người đang có nhiều hy vọng làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư. Đồng thời Putin cũng tìm cách ủng hộ Đảng Alternative for Germany, một đảng cực hữu, kêu gọi Berlin chấm dứt trừng phạt Nga về kinh tế. Lãnh tụ đảng này ở Berlin, ông George Pazderski tuyên bố: “Nếu bạn muốn có tự do theo kiểu Tây phương, nếu bạn muốn có hòa bình ở Âu châu, bạn bắt buộc phải cộng tác với Nga.”.
CÂU HỎI ĐẶT RA LÀ liệu chừng ông Trump sẽ gia nhập với trào lưu cộng tác, nhân nhượng với Nga hay không? Trước hết người ta thấy mọi chỉ dấu đều cho thấy đang có sự chuyển biến theo chiều hướng này. Hồi tháng Bảy ông Trump tuyên bố rằng việc Putin sát nhập Crimea có thể chính đáng, và có lẽ ông sẽ chấm dứt những biện pháp trừng phạt “nếu nước Nga giúp chúng ta loại trừ được tổ chức ISIS”. Ông còn nói thêm rằng đôi bên có thể làm việc chung với nhau về vấn đề tài giảm vũ khí nguyên tử. Sau bầu cử, ông Trump lại tiếp tục nói chuyện về việc tiếp xúc với Nga vào hồi tháng Giêng. Ông viết trên Twitter như sau:”Hoa Kỳ và Nga có lẽ sẽ có thể làm việc chung với nhau để giải quyết một số vấn đề bức thiết, và lớn lao của THẾ GIỚI.”.
Từ ngày nhậm chức đến nay, ông Trump tỏ ra rất mềm mỏng đối với nước Nga. Trong cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ với Putin ngày 28 tháng Giêng. Cố vấn cao cấp ở Bạch Cung cho biết hai ông đã thảo luận với nhau về nhiều vấn đề trong việc cộng tác, kể cả việc cùng hợp tác để đánh lại tổ chức ISIS và các nhóm khủng bố Hồi Giáo, tài giảm vũ khí nguyên tử, cộng tác về kinh tế và năng lượng.
Tương tự như vậy, Bạch Cung cũng công bố lời kêu gọi của ông Trump và Tổng thống nước Ukraine, ông Petro Poroshenko, và Tổng thư ký tổ chức NATO Jens Stoltenberg liên quan đến các cuộc đụng độ ở dọc biên giới Ukraine.
Theo sự quan sát của các chuyên gia về nước Nga trong chính quyền thì ngôn ngữ trong các bản tuyên bố có vẻ như là Hoa Kỳ sẽ chấp thuận việc Nga chiếm đoạt lãnh thổ ở nhiều nơi.
Cố vấn cao cấp trong Bạch Cung nói rằng ông Trump sẵn sàng nhượng bộ Nga để đổi lấy sự hợp tác của Nga về nhiều vấn đề quan trọng hơn. Ông Trump sẽ không nói về việc rút lui ra khỏi khối NATO, nhưng ông tin rằng số tiền các nước phải đóng góp cho tổ chức dực theo khuôn khổ nền kinh tế coi bộ đã lỗi thời. Ông Trump đề nghị: “Hãy thương lượng lại từ đầu.”. Cố vấn cao cấp ở Bạch Cung nói: Ông Trump từng bầy tỏ ý kiến nói rằng có lẽ NATO nên thay đổi công tác. Họ nên tập trung vào việc loại trừ nhóm Hồi giáo cực đoan. Nói như vậy tức là Mạc Tư Khoa đã thắng một vố to.
Thông thường, trước những vấn đề to lớn, trọng đại như tương lai của Đông Âu, xét lại quan hệ với Nga, lẽ ra ông Tổng thống phải triệu tập những phiên họp với sự hiện diện của toàn bộ Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Chí ít là cũng phải có vài buổi họp của HĐ An ninh Quốc Gia thuyết trình về đề tài này, và các phúc trình mật về tình báo sẽ được đem ra thảo luận. Nhưng nhiều nguồn tin cho báo TIME chúng tôi biết hầu như không có một phiên họp nào kiểu qui mô như vậy xảy ra trong Bạch Cung của ông Trump. Rõ rệt là có sự gián đoạn trong hệ thống chỉ huy, giữa ông Trump và các Hội đồng nội các. Một nguồn tin khác cho chúng tôi biết ông Trump ủy quyền cho ông Bannon chịu trách nhiệm điều khiển khối chiến lược của ông, không theo lề lối làm việc cũ. Nhóm chiến lược của ông Bannon sẽ đưa ra bản thẩm lượng tình hình về Nga. Nhiều nhà phân tích ở trong cũng như ngoài Bạch Cung tiên đoán rằng những nhượng bộ của ông Trump đối với Nga có thể bao gồm cả việc rút bớt hỏa tiễn liên lục địa đặt ở vùng Trung và Đông Âu, giảm bớt chế tài về kinh tế, và không còn lên án gay gắt việc Nga sát nhập vùng Crimea. Cố vấn cao cấp trên nói thêm rằng cho đến nay ông Trump chưa chấp thuận một nhượng bộ cụ thể nào.
Ý định muốn thương lượng với Nga được cố vấn chiến lược của ông Trump là Bannon công bố. Nhà lý thuyết gia này chủ trương rằng đe dọa lớn nhất mà Hoa Kỳ và Âu châu đang phải đối phó hiện nay là chủ trương khủng bố của bọn Hồi Giáo quá khích. Ông Bannon hết lòng ủng hộ chủ nghĩa tinh thần quốc gia của Putin. Theo Bannon, phong trào tinh thần quốc gia sẽ giúp các quốc gia thành những nước láng giềng hùng mạnh, và xây dựng nên khối các nước Tây Âu. Phụ tá cho Bannon là Sebastian Gorka đánh giá Putin chỉ là một gã “ngổ ngáo” thích đi ăn hiếp các nước nhỏ. Do đó, để cho hắn thỏa mãn mưu đồ, thì sẽ dễ đạt thỏa thuận tốt. Khi nào hắn vênh mặt lên, đánh một cú là hắn sẽ nín khe liền.
Chống lại chủ trương xích lại gần với Nga là hai Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng trong nội các của ông Trump, cũng như những người có uy tín về chính sách ngoại giao trong đảng Cộng Hòa và Dân chủ ở Quốc Hội Mỹ. Thượng Nghị Sĩ Corker nói: “ Hai ông Tillerson và Mattis chủ trương theo quan điểm truyền thống từ trước đến nay. Nhưng ở trong Bạch Cung hiện nay còn có một phe chủ trương đi theo đường lối khác hẳn.”.
Tại Quốc Hội, ông Trump gặp sự chống đối lớn nhất từ phía hai TNS John McCain và Lindsey Graham. Hai ông chống lại việc xích lại gần với Putin, hay nới lỏng việc trừng phạt. Thay vào đó, hai ông đòi phải trừng phạt nặng hơn vì Putin đã nhúng tay gây rối cho cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Chủ tịch khối đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell nói rằng ông chống lại việc bỏ lệnh trừng phạt Putin.
Sự chia rẽ giữa ông Trump và thành viên trong Nội Các cũng như đảng Cộng Hòa dẫn đến sự bối rối, hiểu lầm, không rõ lập trường của Hoa Kỳ là gì. Sau khi các lực lượng thân Putin mở cuộc tấn công ở Ukraine hồi cuối tháng Giêng, và đầu tháng Hai. Ngày 2 tháng Hai, bà Nikki Haley, đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc đưa ra lời cảnh cáo cứng rắn như sau: “Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine. Việc chúng tôi trừng phạt Nga về tội sát nhập Crimea vẫn giữ nguyên cho đến khi nào Nga hoàn trả quyền kiểm soát bán đảo Crimea cho nước Ukraine.”. Sau đó, phát ngôn viên của Bạch Cung Sean Spicer cũng lập lại lập trường kể trên trong cuộc họp báo. Nhưng nhiều quan chức cao cấp của chính phủ nói rằng họ không tin bà Haley nói đúng lập trường của Tổng thống, và tướng Flynn không hài lòng về bản tuyên bố này.
Việc ông Trump cố tình làm ngơ trước những hành vi của Nga nhúng tay vào bầu cử ở Mỹ , hay những nơi khác trên thế giới, chỉ khiến cho Nga được đà quấy nhiễu, gây rối thêm ở nhiều nơi. Cố vấn cao cấp ở Bạch Cung nói rằng lập trường tương nhượng, “make a deal” với Nga của ông Trump không bị ảnh hưởng trước việc can thiệp của Nga vào nội tình của nước khác. Có người còn lý luận thêm rằng: Thì chính nước Mỹ cũng từng nhiều lần can thiệp vào nội tình bầu cử của nước khác. Có gì lạ đâu. Ông Trump không cần biết Putin đã cố tình làm thay đổi cục diện bầu cử ở nhiều nước Âu châu.
Hàng triệu người dân Âu châu đang phải đối đầu với ảnh hưởng rất xấu trong việc làm của Putin. Đó là điều đáng sợ, và đầy bất trắc. Một dân biểu trong quốc hội Đức, ông Mayer nói: “Thật là ngây thơ, khờ dại khi chúng ta đánh giá thấp việc làm của Vladimir Putin, và chính phủ Nga. Họ cố tình muốn khuấy động làm cho thể chế dân chủ Tây Âu trở nên bất ổn. Đây là cả một kế hoạch lâu dài của chính phủ Nga.”.
Đối với nước Montenegro, tương lai của họ đang bị treo lơ lửng trước phong ba bão tố. Lá phiếu để nước này được nhận vào khối NATO vẫn còn nằm chờ ở Thượng Viện Hoa Kỳ. Quan chức ở HĐ An Ninh Quốc Gia thì nói rằng Bạch Cung không có kế hoạch đỡ đầu cho Montenegro trở thành hội viên của NATO vào lúc này.
Bài tường thuật của Massimo Calabresi và Simon Schuster trên báo TIME ngày 27/2/2017
Nguyễn Minh Tâm dịch