Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tác phẩm "Vết Chém" ra mắt đồng hương Nam Cali

Hình trái: Tác giả ký tặng sách - Hình phải: Quang cảnh hội trường& MC Hải Sơn
TÁC PHẨM “VẾT CHÉM” RA MẮT ĐỒNG HƯƠNG NAM CALI

Quốc Anh ghi thuật

Mưa rơi tầm tã suốt tuần qua. May mắn thay! Trời ửng nắng ngày Chúa Nhật, như một ân huệ của Trời Đất dành cho Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi, đã đứng ra tổ chức buổi ra mắt tác phẩm VẾT CHÉM, tuyển tập thơ văn Ngô Quốc Sĩ, ngày Chúa Nhật 19 tháng 2, năm 2017 tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu, Westminster, California.

Buổi sinh hoạt văn hóa nhằm gây qũy yểm trợ đài ĐLSN đã quy tụ gần 100 quan khách, gồm một số cơ quan truyền thông, nhiều đoàn thể đấu tranh, hội đoàn cộng đồng và nhân sĩ trong vùng. Cơ quan truyền thông gồm có đài truyền hình SBTN, đài SET, báo Người Việt, Đài ĐLSN, các trang mạng Đối Thoại, Tương Tri. Đại diện đoàn thể đấu tranh gồm có TS Lê Minh Nguyên, đảng Tân Đại Việt, TS Nguyễn Bá Tùng, Mạng Lưới Nhân Quyền, ông Đỗ Như Điện, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại, ông Trần Quốc Bảo, Lực Lương Cứu Quốc, Ông Trần Tâm Cương, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam. Phía các hội đoàn cộng đồng gồm quí ông Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam- Nam Cali, Văn Hùng Đốc, hội trưởng Hội Ninh Hòa-Dục Mỹ, Ngô Thiện Tánh, hội trưởng Hội Nha Trang- Khánh Hòa, quí vị đại diện Cộng Đồng Người Việt San Fernando Valley, Hội Giáo Chức Việt Nam – Nam Cali, Hội Cao Niên Pomona, nhóm Cựu Học sinh Võ Tánh- Nữ Trung Học Nha Trang, nhóm cựu học sinh Thánh Tâm Nha Trang,vv… Ngoài ra, còn có sự hiện diện đông đảo các nhân sĩ như cựu Đại Tá Trần Ngọc Thống, cựu DB Nguyễn Lý Tưởng, nhà văn Phạm Tín An Ninh, GS Trần Kim Thành, GS Vũ Đình Thịnh, BS Hà Thúc Như Hỷ, ông Đỗ Anh Tài, cô Bùi Anh Thư, ông Nguyễn Kiện, ông Nguyễn Kim Bình, ông Võ Ý, ông Hoàng Vy, ông bà Ngô Văn Hiếu, ông bà Nguyễn Văn Long… Đặc biệt, nhạc sĩ Xuân Điềm và mười nghệ sĩ Ban Tù Ca cũng đã có mặt và phụ trách phần văn nghệ đấu tranh. Ông Hải Sơn, một xướng ngôn viên kỳ cựu của Đài ĐLSN, phụ trách điều khiển chương trình.

Hình từ trái: ông Huỳnh Việt Trung, ông Trần Quốc Bảo, Nghệ Sĩ Bích Thuận
Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Mỹ Việt và mặc niệm do ban tù ca Xuân Điềm đảm trách, ông Huỳnh Việt Trung, Trưởng Ban Tổ Chức đã ngỏ lời chào mừng quan khách và thân hữu, đồng thời nêu rõ mục đích của buổi ra mắt Vết Chém, nhằm gây qũy yểm trợ Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi. Tiếp đó, ông Đỗ Như Điện, Quản Nhiệm, đã giới thiệu đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi, là tiếng nói đấu tranh trực tiếp phát về Việt Nam trên làn sóng trung bình 1503 kilô chu kỳ. Được biết, đồng bào trong nước đang phấn khởi đón nghe tiếng nói đấu tranh của đài mỗi ngày. Ông Điện cũng không quên chia sẻ sự đóng góp ý nghĩa của ông Ngô Quốc Sĩ trong tiến trình hình thành đài và là Giám Đốc đầu tiên. Ông Điện cho biết, mỗi tháng, đài phải chi ra 15 ngàn Mỹ Kim để trả tiền thuê đài và chi phí điều hành. Tính đến nay, đài đã chi gần cả triệu Mỹ Kim sau gần 6 năm hoạt động. Số tiền này hoàn toàn do lòng hảo tâm của các mạnh thường quân và cộng đồng, thể hiện nỗi lòng tha thiết với quê hương đất nước của con dân đất Việt.

Ban Tù Ca Xuân Điềm đã làm hội trường bừng lên không khí đấu tranh với bản nhạc Tổ Quốc Nghìn Năm trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Sau đó, ông Trần Quốc Bảo đã giới thiệu tác giả tuyển tập Vết Chém là ông Ngô Quốc Sĩ, tên thật là Ngô Đức Diễm, đã từng dấn thân vào công cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam trong 40 năm qua. Theo ông Trần Quốc Bảo, ông Ngô Quốc Sĩ, nguyên là một giáo sư Triết tại Việt Nam trước 75, nhưng ra hải ngoại, ông đã hóa thân làm một chiến sĩ văn hóa, xuất hiện như một nhà thơ, một nhà bình luận, và một diễn giả được nhiều nguời biết đến trên các diễn đàn khắp 5 châu. Điểm đặc biệt là ông Ngô Quốc Sĩ đã làm nổi bật ý nghĩa văn hóa và nhân bản trong đấu tranh, luôn luôn đề cao tình cảm dành cho vợ hiền, con thơ, mẹ già và tình nước, tình người, Trong tập thơ đầu tiên, “Đền Em Nụ Hồng”, ông đã dành cho vợ một “Nụ Hồng” mang ý nghĩa “Nụ yêu” để đền bù những thiệt thòi mà người phối ngẫu phải chịu đựng khi chồng mãi miết “ăn cơm nhà vác ngà voi”, theo đuổi lý tưởng phục vụ quê hương đất nước.

MC Diệu Quyên & Tác giả Ngô Quốc Sĩ
Đến phần giới thiệu tác phẩm, thì hội trường bỗng trở nên duyên dáng và sinh động lạ thường với sự xuất hiện của MC và cũng là Cô Giáo Diệu Quyên trong tà áo dài màu nâu hồng. Thay vì làm diễn giả, Diệu Quyên đã đóng vai một phóng viên để phỏng vấn tác giả, mở ngõ cho tác giả đi sâu vào tác phẩm của chính mình với những câu hỏi thật lý thú. Diệu Quyên đã hỏi Ngô Quốc Sĩ về 5 tập thơ đã xuất bản truớc đây, dẫn tới Vết Chém, về ý nghĩa của Vết chém, về những ý thơ bàng bạc trong tác phẩm như “ Lời nguyện trên sóng”, “Tình mẹ cao hơn Thái Sơn”, “ Ý Trúc” cũng như các bài tham luận“Lò Sát Sinh dưới lòng biển cả” và “Vai trò truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại..”

Ông Ngô Quốc Sĩ đã lần luợt trả lời thỏa đáng các câu hỏi trên. Năm tập thơ đã xuất bản là Đền Em Nụ Hồng khi mới dấn thân đấu tranh. Tâm Khúc Lưu Vong khi rong ruỗi khắp nơi vận động dân chủ cho Việt Nam. Đò Trăng với giấc mơ trở về thanh bình. Hoa Cỏ May để về quê hương sống bình dị nơi thôn dã. Cõi Nguời Ta với những cảm nghiệm cuộc đời và tình đời. Còn “lời nguyện trên sóng” là tâm trạng đau đớn của người bỏ nước ra đi, với tâm nguyện đi là để trở về dành lại quê hương. Còn Vết Chém muốn nói lên hiện thực dứt lìa của thi thể mẹ Việt Nam trên thân xác cũng như trong tâm hồn do dao găm mã tấu và búa liềm của cộng sản Việt Nam. Riêng “tình mẹ” thật sự không thể đo lường, chỉ ví von là cao hơn núi Thái Sơn, bởi lẽ mẹ thương con như trời như biển bằng tình yêu vô điều kiện, cho mà không bao giờ đòi nhận lại. Mẹ tuôn dòng sữa nuôi con, kể cả nhỏ máu thay sữa cho con bú, và mẹ có chết cũng nguyện chết vinh để khỏi làm nhục con cháu.. Nói về “Ý trúc” thì trúc trúc là hình bóng nguời quân tử. Trúc xanh thể hiện tâm hồn tuơi mát bao dung. Trúc vàng chuyên chở mộng ước huy hoàng. Trúc đen ẩn chứa những nỗi thâm tím của cuộc đời và trúc nâu là hình ảnh của thiền sư tìm an lạc hay tráng sĩ đợi thời mài kiếm dưới trăng. ..Về “lò sát sinh dưới lòng biển cả” muốn diễn tả hiện thực bi đát của Việt Nam đang trải qua nổi chết trên cơ thể và trong tâm hồn tiêu biểu như cái chết thê thảm của cá, của biển và của người tại Vũng Áng kéo dài hàng thế hệ..

Sau phần phỏng vấn, hội trường lắng xuống theo giọng ngâm truyền cảm của nghệ sĩ Bích Thuận trong một sáng tác mới của Ngô Đức Diễm mang tên “Hát cho Người, hát cho Đời”. “ Hát cho em tóc đuôi gà mới chớm. Đành bán thân nuôi miệng sống qua ngày. Hát cho đời dòng tuôn trên lửa máu. Mộng bình thường đong đưa cuộc bể dâu..”

Hình từ trái: TS Trần Huy Bích, Nhà văn Phạm Tín An Ninh, GS Vũ Đình Thịnh
Bước qua phần phát biểu cảm tưởng, TS Trần Huy Bích lên tiếng đầu tiên. Ông nhắc lại những kỷ niệm với nhà thơ Ngô Đức Diễm 35 năm về trước, khi bạn đồng nghiệp Nguyễn Duy Diệm còn sống. Ông cũng tỏ lòng ngưỡng mộ Ngô Đức Diễm như một nhà giáo đã ý thức sứ mệnh “lương sư hưng quốc”, dấn thân vào công cuộc dấu tranh như một chiến sĩ văn hóa. Tiếp đó, nhà văn Phạm Tín An Ninh đã chia sẻ tâm tình của một môn sinh đối với “thầy tôi” rất cảm động. Nào là “thầy tôi” là một giáo sư Triết đẹp trai, ăn nói duyên dáng, giảng bài thao thao bất tuyệt...lại còn biết làm thơ. Nhất là không ngờ “thầy tôi” còn là một nhà đấu tranh, một ngòi bút bình luận chính trị sâu sắc. Phạm Tín An Ninh rất hãnh diện có một luơng sư như thầy Diễm.Người phát biểu cuối cùng là GS Vũ Đình Thịnh. Ông cho rằng, đấu tranh bằng vũ khí hiện đại rất hữu hiệu trong công cuộc giải thể cộng sản, nhưng chỉ tiêu diệt được một phần nào đó của kẻ địch, trong khi đấu tranh bằng ngòi bút như Ngô Quốc Sĩ có thể ảnh hưởng tới muôn người, ở mọi nơi mọi thời...Mong Ngô Quốc Sĩ tiếp tục phóng bút để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam.

Hình từ trái: Ông Đỗ Như Điện & Tác giả Ban Tù Ca Xuân Điềm & Tác giả & Ban Tổ Chức
Sau phần phát biểu cảm tưởng, hội trường lại sôi động, cùng vỗ tay theo nhịp hào hùng của nhạc phẩm Trả Lại Tôi Sài Gòn do Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày.

Tiếp đó, MC Hải Sơn đã lên tiếng vận động bà con yểm trợ tài chánh cho đài Đáp Lời Sông Núi. Kết qủa thật khả quan, ngoài sự chờ đợi của Ban Tổ Chức với tổng số tiền yểm trợ là $5,130 Mỹ Kim. Tác giả Vết Chém đã trân trọng trao số tiền này cho ông Đỗ Như Điện để yểm trợ Đáp Lời Sông Núi giữa tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người..

Buổi ra mắt Vết Chém chấm dứt lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Mọi người vui vẻ chụp hình kỷ niệm thật thân tình giữa chiến hữu, thân hữu và thầy trò.

Quốc Anh ghi thuật