Matt Mahan

ads header

Breaking News

VTV XỬ ÁN PHAN ANH: Chánh án Tạ Bích Loan (bài 2)

Tạ Bích Loan khi xử án
VTV XỬ ÁN PHAN ANH: Chánh án Tạ Bích Loan (bài 2)
Chu Mộng Long 

Đóng vai trò người dẫn chương trình, nhưng Tạ Bích Loan thực hiện cả ba vai: cán bộ điều tra thẩm cung, công tố và xử án. Bà vừa dùng miệng lưỡi dẫn dắt chương trình vừa sử dụng quyền lực mớm cung, ép cung, buộc tội và kết án. Tất nhiên, tất cả đều mượn hình thức “trao đổi, tranh luận mở” để đánh lừa người xem.

Cách làm này dễ liên hệ ngược với những tòa án đã gây oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, mặc dù ở các phiên tòa kia các vai được phân chia rõ ràng. Cán cân công lí của Thần Công lí đã bị chảy ra và chỉ còn lại thanh gươm cho sự chém giết vô tội vạ, nói theo cách của Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp.

Bà Tạ Bích Loan sẽ đi vào huyền thoại như một Thần Công lí như thế ở Việt Nam, mặc dù chỉ là một kịch bản truyền hình.

Điều gây phẫn nộ mạnh mẽ ở cộng đồng mạng là khi phát hiện ra, chương trình tranh luận kéo dài 2 tiếng đã bị cắt xén thành một clip 60 phút, trong đó nội dung đã bị cắt cúp để thực hiện một mưu đồ, trong đó rõ nhất là đánh lừa và đe dọa, mạ lị cộng đồng mạng. Có thể nói bị can Phan Anh bị bịt mồm 2 lần, trong lúc trao đổi giữa tòa và trong khi trình chiếu và bị ném lên mạng xã hội.

Bây giờ ta hãy phân tích cái cán cân công lí mà Tạ Bích Loan đã sử dụng trong phiên xử án.

Ban đầu, để tỏ ra khách quan, trên công đường chỉ có Tạ Bích Loan và Phan Anh đối mặt để đối chất tay đôi trước người tham dự là bọn trẻ thanh niên. Hình ảnh đập vào mắt người xem trước hết là dòng chữ: chia sẻ lên mạng xã hội để làm gì? Dòng chữ này định hướng mục đích của phiên tòa: phải vạch trần cho được động cơ của bị can trước công luận. Căn cứ pháp lí duy nhất để kết tội bị can là cái clip thí nghiệm cá chết của Bá Thăng, phóng viên VTC.

Trước khi tranh luận, cái clip thí nghiệm của VTC được đưa ra, coi như là một bản án đã viết sẵn cho VTC. Lời bình phán xét đây là clip “thiếu tính khoa học”, “không xác thực”, tức giả mạo dựa trên phản ứng cơ quan chức năng Hà Tĩnh và phóng sự của nhóm truyền hình Hà Tĩnh. Trong khi Bá Thăng đã nói rõ khi thực hiện thí nghiệm này, rằng đó không là thí nghiệm khoa học mà chỉ là một “thí nghiệm trực quan” về sức chịu đựng của mấy con cá trong một chậu nước bị ô nhiễm. Tạ Bích Loan lờ tịt phản hồi của VTC bác bỏ lời của nhân chứng, bà chủ nhà hàng Lý Hộ, trong video dàn dựng của nhóm truyền hình địa phương. Nhóm này giả vờ đến bất ngờ lúc bà chủ Lý Hộ đang ngủ, giả vờ hỏi khách quan, và ghi lời bà chủ Lý Hộ làm chứng. Một cách tạo nhân chứng lố bịch và đầy mâu thuẫn. Một mặt bà chủ Lý Hộ khẳng định Bá Thăng lấy nước tại đây, bà cũng thừa nhận cán bộ quan trắc môi trường sở tại không hợp tác và cũng thừa nhận ở đây không còn cá và Bá Thăng phải mang đi nơi khác thí nghiệm, ở đâu, với loại cá gì bà không biết. Nhưng mặt khác, phần cuối của video, họ mớm thế nào bà lại khẳng định như đinh đóng cột, rằng đó là cá nước ngọt!?

Loại nhân chứng này, dân gian gọi là ngậm máu phun người!

May mà Bá Thăng có cả 4 nhân chứng sống khác (khó mà giết hết cả 4 người để diệt khẩu) khẳng định đã chứng kiến trực tiếp cuộc thí nghiệm trực quan này với loại cá nước mặn có tên là Hồng Mỹ. (tại đây: https://www.facebook.com/HaTinh24h/videos/1077290819010412/).

Bất chấp phản hồi của VTC, dùng vật chứng, nhân chứng một chiều, bà Tạ Bích Loan thực thi một thứ quyền thẩm cung, công tố và phán xử theo cách ngậm máu phun người để kết tội Phan Anh ngay từ đầu: Phan Anh đã chia sẻ clip thí nghiệm giả mạo của VTC để “gây hoang mang dư luận”, hàm ý, chính Phan Anh đã phá hoại cuộc sống của mọi người, gây bất ổn về an ninh chính trị! May mà VTC không phải là truyền hình của Việt Tân!

Tiếp theo, Tạ Bích Loan thực hiện “đúng quy trình” xử án như các vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, truy vấn Phan Anh về động cơ của hành vi phạm tội. Cách truy vấn của Tạ Bích Loan giống cán bộ điều tra trong trại giam hơn là giữa tòa, xoay đi trở lại: anh chia sẻ clip của VTC để làm gì? Để đạt cho bằng được mục tiêu, ngoài chặn họng, cắt ngang, cướp lời, Tạ Bích Loan mời thêm Hồng Thanh Quang và Phạm Mạnh Hà, một đại tá an ninh, một chuyên gia tâm lí hành vi lên ghế chủ tọa để làm bồi thẩm đoàn hỗ trợ pháp lí cho việc kết tội của bà ta, kể cả sau đó còn bổ sung thêm hai người mà tôi dám chắc là chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Thái Sơn, nhà thơ Hoàng Minh Trí (biệt danh Cu Trí) tham gia thẩm vấn về tác động của những thông tin tiêu cực!

Kẻ hô người ứng, kể cả hùng hổ to tiếng, tìm mọi cách áp đặt lên bị can. Bản án được đưa ra:

1) Kết tội thứ nhất, dựa trên ý kiến của bồi thẩm đoàn, chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà, là: Phan Anh mang “động cơ quyền lực” để thực thi hành vi phạm tội. Động cơ quyền lực chỉ có thể mang nghĩa là động cơ chính trị thù địch hòng lôi kéo, kích động, xúi giục “đám đông” làm loạn.

2) Kết tội thứ hai, dựa trên áp đặt của đại tá an ninh Hồng Thanh Quang, rằng Phan Anh đã “ngụy biện” trước tòa. Có nghĩa là bị can không thành thật khai báo, quanh co chối tội.

3) Kết tội thứ ba, dựa theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Thái Sơn, là tác hại của loại thông tin tiêu cực đối với đời sống người dân. Có nghĩa là việc làm của Phan Anh đã gây hậu quả nghiêm trọng, theo lời mớm của Tạ Bích Loan là lượng thông tin tiêu cực ấy đã “thúc đẩy hành động”… mặc dù bà không nói rõ hành động gì. Còn tôi thì ám thị đó là hành động lật đổ như đã được tuyên truyền!

Cả ba tội trên đều mang hàm nghĩa thuộc tội phạm hình sự, theo điều 88 hoặc 158. Thất kinh!

60 phút ngắn ngủi cho một phiên tòa để đi đến các nội dung kết tội như đã dự định trước. Bọn phản động, thù địch Việt Tân gọi mỉa mai đó là án bỏ túi!

Tôi phân tích hoàn toàn khách quan trên clip 60 phút đó, không cần biết bà Tạ Bích Loan trong quá trình biên tập đã cắt cúp như thế nào. Bà đừng biện luận là do lỗi biên tập nhé!

Mượn lời chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà, tôi khẳng định như đinh đóng cột, rằng Tạ Bích Loan khi thực hiện chương trình lẫn chia sẻ clip lên mạng xã hội là hành vi thực hiện “động cơ quyền lực” rất rõ ràng, mặc dù không ai trao cho bà cái quyền ở các vai bà đã đóng. Tôi nghĩ thế và tin như thế, bà Tạ Bích Loan và những người quản lí VTV nghĩ sao?

Cũng theo tâm lí học hành vi, tôi cho rằng, việc làm của Tạ Bích Loan và những người cùng hội xuất phát từ động cơ thúc ép Phan Anh nhận tội trước công luận để diễn tập cho một tòa án hình sự thật sự diễn ra sau đó hòng dập tắt dư luận về vụ đầu độc biển và môi trường.

Nếu tôi nói sai thì là lỗi của bà, vì chính clip của bà đã buộc tôi phải phân tích như vậy! Nếu có tác động tiêu cực nào đó, tôi cũng tin là từ clip của bà mà ra. Nếu bà không hữu ý thì cũng vô tình khoét sâu sự thù địch, chia rẽ, xung đột. Riêng động cơ của tôi không nhằm kích động, không xúi giục ai làm loạn, vì tôi yêu hòa bình và yêu sự thật. Đơn giản là tôi chỉ thực hiện một phân tích khoa học hay giải một huyền thoại thời đại @ cho mọi người sáng tỏ. Huyền thoại ấy mang tên Tạ Bích Loan.

Hiệu ứng được cho là tác hại của thông tin tiêu cực ánh hưởng đến đời sống nhân dân và lãnh đạo. 

Hiệu ứng được cho là tác hại của thông tin tiêu cực ánh hưởng đến đời sống nhân dân và lãnh đạo. 
--------------
Đón đọc bài tiếp: Trình độ tâm lí học của bồi thẩm viên, chuyên gia tâm lí hành vi Phạm Mạnh Hà.