Matt Mahan

ads header

Breaking News

Ngoại trưởng TQ mắng ký giả Canada nêu câu hỏi nhân quyền

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại văn phòng riêng ở Ottawa, Ontario, Canada, 1/6/2016.
Ngoại trưởng Trung Quốc mắng ký giả Canada nêu câu hỏi về nhân quyền

Bill Ide
03.06.2016

BẮC KINH— Có một chuyện hầu như mọi người ai nấy đều biết là các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn hồ sơ nhân quyền của họ bị đặt nghi vấn, nhưng dựa trên phản ứng của Ngoại trưởng Vương Nghị tại cuộc họp báo ở Canada hôm thứ Tư, thì rõ ràng là nhân quyền là một đề tài không nên nêu ra.

Phát biểu với các ký giả vào lúc kết thúc chuyến công du Canada được nhiều người chú ý, vào một thời điểm mà quan hệ giữa Trung Quốc và Canada được cho là bắt đầu tiến vào một thời đại hoàng kim, ông Vương Nghị đã mắng một ký giả vì đưa ra một câu hỏi về thành tích nhân quyền của Trung Quốc.

Để trả lời câu hỏi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc hỏi ngược lại nữ ký giả Canada là đã tới Trung Quốc lần nào hay chưa. Ông cũng cho rằng câu hỏi của nhà báo này là “kiêu ngạo”, “có thiên kiến”, và “không thể chấp nhận.” Ông nói thêm:

"Tôi đề nghị cô đừng đặt ra những câu hỏi với một thái độ vô trách nhiệm như vậy. Chúng tôi hoan nghênh những đề nghị có thiện chí, nhưng chúng tôi bác bỏ những tố cáo không có cơ sở và vô lý."

Ông Vương Nghị đã lập lại những lời lẽ mà chính phủ độc tài của ông vẫn thường dùng mỗi khi vấn đề nhân quyền được nêu lên: (đó là) hàng trăm triệu người ở Trung Quốc đã thoát cảnh nghèo túng và hiến pháp của Trung Quốc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người. Ông nói:

"Tôi muốn nói với cô về vấn đề ai là người hiểu rõ nhất tình hình nhân quyền của Trung Quốc. Không phải là cô, mà là người dân Trung Quốc. Cô không có quyền nói tới nhân quyền của Trung Quốc. Chỉ có người dân Trung Quốc mới có quyền nói về nhân quyền Trung Quốc."

Kiểm tra tình hình thực tế

Vậy thì người dân ở Trung Quốc biết gì về tình hình nhân quyền của nước họ và họ nói gì?

Họ nói tới nhiều vấn đề, nhưng hầu hết những người nói ra đều bị lọt vào tầm ngắm của guồng máy an ninh mỗi ngày một lớn của Trung Quốc.

Bà Frances Eve, một nhà nghiên cứu của tổ chức Những người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, cho biết từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cách nay hơn ba năm, tổ chức của bà đã ghi nhận hơn 2.000 người bảo vệ nhân quyền bị câu lưu, gia tăng đáng kể so với thời gian trước đó.

Bà Eve cho biết thêm:

"2.000 người này là những công dân Trung Quốc muốn nói về nhân quyền, và như ông ngoại trưởng đã nói, chỉ có họ mới là những người có quyền nói về nhân quyền, nhưng quyền đó của họ đã bị tước đoạt."

Bà Eve cho biết trong số những người bị bắt có các luật sư nhân quyền, những người thuộc Phong trào Công dân Mới – là những người hô hào cho sự minh bạch trong chính phủ, những cá nhân ở Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ cho phong trào dân chủ ở Hồng Kông, và những người khác:

"Những lãnh vực mà họ hoạt động không hẳn là những lãnh vực đặc biệt nhạy cảm. Họ không thách thức vị thế vượt trội hay ảnh hưởng bao trùm của Đảng Cộng sản. Thế mà họ lại bị bắt và bị tước quyền nói về tình hình nhân quyền ở nước họ. Điều đó cho thấy tình hình đã trở nên tệ hại tới mức nào!"

Sự đàn áp không chỉ giới hạn trong phạm vi Trung quốc Đại lục. Những người chỉ trích ở Trung Quốc và các chính phủ Tây phương đã bày tỏ quan tâm về những vụ bắt giữ hồi gần đây nhắm vào các nhà xuất bản ở Hồng Kông – những người mà nữ ký giả Canada đã đề cập tới trong câu hỏi đặt ra cho ông Vương Nghị, và những vụ bắt giữ các nhà hoạt động ở Thái Lan và Myanmar.
Chính phủ Trung Quốc cũng không cho các nhân vật tranh đấu ở nước họ được ra nước ngoài để nói về vấn đề nhân quyền.

Bà Tào Thuận Lợi đã định tham dự một cuộc xét duyệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Trung Quốc, nhưng chính phủ Bắc Kinh không cho bà tới Geneve, bắt giữ bà, và không cho bà được chữa bệnh. Nhà tranh đấu này rốt cuộc đã qua đời hồi tháng 3 năm 2014.

Bà Frances Eve của tổ chức Những người bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc nhận định:

"Chính phủ Trung Quốc có một chính sách có phối hợp để ngăn chận công dân Trung Quốc bình luận về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Họ tìm cách khống chế sự trình bày về vấn đề này."

Khủng bố và ngạt thở

Tuần này đánh dấu kỷ niệm 27 năm ngày Trung Quốc thực hiện cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Không ai biết một cách chính xác bao nhiêu người đã bị giết hại trong đêm mồng ba rạng ngày mồng bốn của tháng 6 năm 1989, nhưng các tổ chức nhân quyền và những người mục kích cho rằng con số nạn nhân nằm trong khoảng từ mấy trăm người tới mấy ngàn người.

Từ đó tới nay, cha mẹ của các nạn nhân – thuộc nhóm thường được gọi là Những bà mẹ Thiên An Môn, đã yêu cầu có được ba việc đơn giản: [là] sự thật, trách nhiệm và bồi thường.

Chính phủ đã liên tục bác bỏ và làm ngơ yêu cầu đó.

Hôm thứ Tư, nhóm này phổ biến một thông cáo trong đó nói tới những gì mà họ đã trải qua và mô tả 27 năm qua là “khủng bố và nghẹt thở.”

Thông cáo có đoạn nói rằng “Trong 27 năm nay, công an là những người đối phó với chúng tôi. Trong 27 năm nay, họ cũng là những người thường xuyên tới nhà chúng tôi. Gia đình nạn nhân chúng tôi bị công an nghe lén và theo dõi. Chúng tôi bị theo dõi từng bước và thậm chí còn bị bắt giam, và máy tính của chúng tôi bị lục soát và bị tịch thu.”

Các thành viên của nhóm này nhận thấy sự theo dõi và giám sát thường gia tăng cường độ vào những ngày đặc biệt, nhất là ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.

Thông cáo cũng cho biết việc đến thăm người sáng lập nhóm này là cựu giáo sư đại học Đinh Tử Lâm, 79 tuổi, đã bị hạn chế -- và mỗi lần, chỉ có một người được đến thăm bà Đinh và với điều kiện là người đó có được sự chấp thuận của Sở Công an Bắc Kinh.

Nguồn: VOA