Matt Mahan

ads header

Breaking News

Giỏi cả ăn cướp lẫn la làng


Giỏi cả ăn cướp lẫn la làng
Đồng Phụng Việt 11-4-2016

Chuyện Tổng thống Việt Nam Cộng hòa “cưỡng đoạt 16 tấn vàng trong ngân khố Việt Nam Cộng hòa” khi rời Sài Gòn hồi đầu năm 1975 đã được bạch hóa là vu cáo.

Vụ vu cáo này chỉ còn một điều chưa thỏa đáng là Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa xin lỗi ông Thiệu vì vu cáo ông và xin lỗi dân chúng Việt Nam vì đã dối gạt họ suốt 30 năm (từ 1975 đến khoảng 2005)…

***

Cũng vì vậy mình không bao giờ ngó ngàng tới những bài viết kiểu như “Chính quyền mới đã làm gì với 16 tấn vàng VNCH để lại?” mà kenh13.info đăng hồi giữa tháng 4 năm ngoái (2015).

Bữa nay rách việc, đọc thử thú nhận của những nhân vật như Lữ Minh Châu, Nguyễn Văn Dễ, Nguyễn Duy Lộ trong bài viết vừa kể để giết thì giờ mới nhận ra ba chuyện:

(1) Sau tháng 4 năm 1975, sở dĩ Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể tồn tại cho tới khi quyết định “đổi mới” (thực chất là thừa nhận thiên hạ đúng, ta sai và làm theo thiên hạ) hoàn toàn là nhờ tài sản của cả chính quyền lẫn dân chúng Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải nhờ “sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng CSVN”.

(2) Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể cầm cự từ sau khi giải phóng miền Nam đến khi quyết định “đổi mới” là nhờ 40 tấn vàng.

Theo thú nhận của các ông Lữ Minh Châu, Nguyễn Văn Dễ, Nguyễn Duy Lộ thì vào lúc đó, vàng gom góp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “không đáng kể”, toàn bộ vàng của miền Bắc chỉ tính được bằng “tạ”.

40 tấn vàng giúp Việt Nam trả nợ tới hạn, mua đủ thứ kể cả thực phẩm là tài sản của cả chính quyền lẫn dân chúng Việt Nam Cộng hòa.

Trừ 16 tấn vàng tịch thu từ ngân khố của Việt Nam Cộng hòa, gần 24 tấn còn lại từ đâu ra (không tròn 24 tấn vì miền Bắc có góp ít “tạ” – không biết chính xác là bao nhiêu “tạ”)?

Các ông Lữ Minh Châu, Nguyễn Văn Dễ, Nguyễn Duy Lộ tiết lộ, đó là vàng “của các nguồn khác”. Theo họ, các “nguồn” này “không đồng bộ”, chúng bao gồm “vàng thỏi của Anh mỗi thỏi nặng 12,7 ký, vàng thỏi của Mỹ mỗi thỏi nặng 10 ký, các loại vàng lá Kim Thành, vàng vụn (kể cả nhẫn, vòng, kiềng)”.

Những nguồn vàng “không đồng bộ” ấy chắc chắn là vàng thu được từ “38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 766 công ty và 8.548 cơ sở công nghiệp tư nhân” ở miền Nam Việt Nam trong các cuộc “cải tạo tư sản” (lần 1 – tháng 9 năm 1975, lần 2 – tháng 12 năm 1976,…). Các kế hoạch “cải tạo công nghiệp”, “cải tạo thương nghiệp” kéo dài cho đến năm 1979.

Theo lời các ông Lữ Minh Châu, Nguyễn Văn Dễ, Nguyễn Duy Lộ thì cuối năm 1979, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gom được 40 tấn vàng chở sang Liên Xô nhờ tái chế để bán ra thị trường thế giới.

(3) Đến cuối thập niên 1980, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bán 37 trong số 40 tấn vàng mà họ gom góp được. Khi số lượng vàng giảm xuống chỉ còn chừng 3 tấn, “công cuộc đổi mới” được xác định là đã đến lúc phải tiến hành “toàn diện, triệt để”.

Khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”tất nhiên là không thể dùng được nữa nhưng máu, mồ hôi, nước mắt, số phận của những người đã bị cưỡng đoạt tài sản thì sao?

Chẳng lẽ vừa ăn cướp, vừa la làng, phủi sạch mọi thứ kể cả luân thường đạo lý cũng nằm trong phạm vi “sáng suốt và tài tình”?

***

Ngẫm thời đại của mình chợt thấy lạ. Rất nhiều người phẫn nộ, xem việc đoạt mạng những kẻ trộm chó là tất nhiên và hữu lý nhưng lại tặc lưỡi, quay lưng lại với những kẻ ngang nhiên cướp đoạt nhiều thứ lớn hơn, thiết thân hơn con chó!

______

Chú thích:
(*) “Chính quyền mới đã làm gì với 16 tấn vàng VNCH để lại?” (Kênh 13).

Nguồn: http://kenh13.info
Chính quyền mới đã làm gì với 16 tấn vàng VNCH để lại?
Hải Băng 14/04/2015

Máy bay hạ cánh, ngân hàng phía Liên Xô có xe bọc thép đón sẵn. Họ không mở hòm, kiểm đếm số lượng vàng trong đó mà chỉ niêm phong rồi tiếp tục chuyển về kho bảo mật.

Sau loạt bài “Câu chuyện 16 tấn vàng ngày 30-4-1975” đăng trên Tuổi Trẻ tháng 4-2006, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi: 16 tấn vàng của chính quyền Sài Gòn để lại được sử dụng thế nào?

Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lữ Minh Châu đã trả lời câu hỏi này: “Nó đã được bán ra quốc tế trong tổng số hơn 40 tấn vàng để giải quyết những vấn đề khó khăn cấp bách của quốc gia, trong đó có miếng ăn của người dân”.

Đến nay những người trong cuộc vẫn còn nhớ rất rõ thương vụ đặc biệt này.

Qua kênh Liên Xô

“Chuyến hàng đầu tiên rời Hà Nội ngày 1-12-1979, số lượng 101 hòm, nặng 4.455kg… Sau đó là những hợp đồng giao vàng tái chế, vay mượn, cầm cố bán vàng với số lượng hơn 40 tấn, thu được trên 500 triệu USD”- đó là một đoạn trích phát biểu của ông Nguyễn Văn Dễ, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, được ghi lại trong cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Trao đổi trực tiếp với người viết, ông Dễ tâm sự sau năm 1975 Việt Nam rất cần ngoại tệ để giải quyết những nhu cầu cấp bách của quốc gia như mua lương thực, nguyên liệu, trả nợ quốc tế đến hạn phải trả… Đặc biệt là miếng ăn của người dân thiếu hụt đến mức phải ăn trực tiếp cả hạt bo bo chưa kịp xay xát, loại lúa mì, lúa mạch phẩm cấp thấp. Các lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ đều phải dành nhiều thời gian chạy gạo cho thấy tình hình hết sức khẩn cấp…

Để tháo gỡ các vấn đề này, nội lực nông nghiệp trong nước lúc ấy không đáp ứng nổi, đòi hỏi phải trông ra nguồn lương thực quốc tế. Nhưng có mua nợ thì cũng phải trả, và lấy ngoại tệ ở đâu ra? Giải pháp khả thi nhất bấy giờ là bán vàng lấy ngoại tệ. Tuy nhiên, thương vụ đặc biệt này hoàn toàn không đơn giản như nhiều người nghĩ, kể cả một số cán bộ cấp cao. Bởi nguồn vàng của miền Nam thì có nhưng lại “kẹt” ở xuất xứ của VNCH, nhất là lại đang trong giai đoạn cấm vận gay gắt của Mỹ.

Cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương ghi lại: “Kho vàng lúc ấy như sau: ngoài số vàng không đáng kể của miền Bắc (đơn vị tạ), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận vàng của chính quyền Sài Gòn và vàng của các nguồn khác. Cơ cấu của kho vàng rất không “đồng bộ”: vàng thỏi của Anh mỗi thỏi nặng 12,7kg, vàng thỏi của Mỹ mỗi thỏi nặng 10kg. Các thỏi đều có mã riêng, nhãn hiệu, xuất xứ. Ngoài vàng thỏi còn có các loại vàng lá Kim Thành, các loại vàng vụn (kể cả nhẫn, vòng, kiềng)”.

“Ban đầu những người có trách nhiệm đều nghĩ đơn giản: ta có vàng, đem bán lấy ngoại tệ, việc đó đâu có khó. Nhưng ngay tại phiên giao dịch đầu tiên có tính chất thăm dò với Liên Xô, các bạn Liên Xô cho biết hàng hóa trên thị trường vàng quốc tế phải là những thỏi vàng chuẩn của Anh, Mỹ hoặc Liên Xô. Các loại vàng thỏi Anh, Mỹ… có xuất xứ tại Việt Nam không thể tiêu thụ trên thị trường vì có quá nhiều rủi ro do chính sách cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam”.

Nhắc lại thế bí này, ông Dễ kể Việt Nam và Liên Xô đã bàn bạc với nhau và thống nhất phải tái chế vàng theo tiêu chuẩn của Liên Xô, mỗi thỏi 1kg. Khoảng cuối năm 1979, theo lệnh của Chính phủ và sự ủy nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank ký với Liên Xô các hợp đồng tái chế vàng, vay mượn cầm cố vàng và tiêu thụ vàng trên thị trường thế giới.

“Liên Xô lúc ấy rất thân thiện, giúp đỡ Việt Nam. Tôi bay sang đó liên tục và thường chỉ có món quà duy nhất là mấy chai Nếp Mới mà họ gọi là vodka Việt Nam” – ông Dễ nhớ phía Liên Xô cung cấp các hòm thép tiêu chuẩn ngân hàng của họ. Việc chuyên chở vàng được thực hiện bằng máy bay thương mại Liên Xô, nhưng quá trình thực hiện được bảo mật để hành khách không được biết loại hàng đặc biệt này.

Những kiện hàng bí mật trên Aeroflot

Là người tham gia nhiệm vụ này ở đoạn trong nước, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Duy Lộ cũng không quên: “Ông Dễ phụ trách đoạn ở Liên Xô. Còn tôi là thành viên hội đồng kiểm kê quốc gia lo những việc trong nước như kiểm kê số lượng vàng, đóng hòm theo tiêu chuẩn và niêm phong. Vàng từ kho ngân hàng được bảo mật chở ra sân bay Nội Bài. Công tác bảo vệ rất kín. Tôi kiểm tra niêm phong, hoàn tất thủ tục xong mới chuyển ra máy bay của Hãng hàng không Liên Xô. Ngay cả nhân viên sân bay cũng ít người được biết loại hàng đặc biệt này”.

Khi các hòm vàng được đưa lên máy bay, ông Nguyễn Văn Dễ lúc ấy là phó tổng giám đốc Vietcombank có nhiệm vụ trực tiếp theo chuyến bay của Hãng hàng không Aeroflot. Ông được cấp hộ chiếu ngoại giao đi Liên Xô bất cứ lúc nào cũng được để lo đàm phán, ký kết hợp đồng giao hàng, tái chế vay cầm cố bằng vàng, bán hàng với Ngân hàng Ngoại thương Liên Xô. Máy bay hạ cánh, ngân hàng phía Liên Xô có xe bọc thép đón sẵn. Họ không mở hòm, kiểm đếm số lượng vàng trong đó mà chỉ niêm phong rồi tiếp tục chuyển về kho bảo mật.

Nhiều năm sau, ông Dễ vẫn nhớ rất chi tiết: “Tất cả khoảng hơn 40 tấn, trong đó có 16 tấn vàng thỏi tiếp quản của ngân hàng VNCH, còn lại là các loại vàng khác nhau từ những nguồn khác. Ngay sau chuyến đầu tiên chuyển đi 4.455kg trong 101 hòm vào ngày 1-12-1979, Chính phủ Việt Nam đã gửi công hàm đến Liên Xô đề nghị vay 100 triệu USD để dự phòng thanh toán nợ đến hạn trong khi chưa có nguồn thu xuất khẩu”.

Chính ông Dễ được Bộ Ngoại giao ủy nhiệm ký hợp đồng vay ngoại tệ này. Phía Liên Xô đồng ý cho vay, nhưng phải theo thông lệ thương mại quốc tế vì họ cũng không có ngoại tệ dư thừa, phải huy động từ thị trường tự do.Theo đó, Việt Nam chỉ có thể được vay với điều kiện thế chấp bằng chính số lượng vàng chuyển sang Liên Xô. Hiệp định vay 100 triệu USD thế chấp bằng vàng đã hoàn tất vào khoảng tháng 3-1980.

“Sở dĩ Việt Nam phải vay nóng ngoại tệ như vậy bởi lượng vàng chuyển sang tái chế ở Liên Xô không kịp đem ra thị trường bán, trong đó có Thụy Sĩ. Các nhu cầu cấp bách của quốc gia gồm cả vấn đề nóng bỏng lương thực cho người dân đòi hỏi phải có ngoại tệ ngay. Sau đó Việt Nam dùng tiền bán vàng trả lại cho Liên Xô”.

Hầu như tháng nào ông Dễ cũng bay sang Liên Xô. Hơn 40 tấn vàng được chuyển đi nhiều đợt. Nhiệm vụ bảo vệ của Việt Nam chỉ đảm trách đến khi đưa lên máy bay Liên Xô, sau đó thuộc trách nhiệm của họ. Khoảng năm 1988, Vietcombank đã chuyển về nước lại khoảng 2,7 tấn vàng còn gửi tại Liên Xô do tình hình bất ổn của họ. Đặc biệt, khoảng 5,7 tấn vàng gửi tại Ngân hàng Thụy Sĩ cũng được Việt Nam chuyển về Tiệp Khắc. Họ đã bán giúp để Việt Nam lấy ngoại tệ sử dụng cho nhu cầu quốc dân. Trước khi Tiệp Khắc gặp biến động chính trị, khoảng 500kg vàng Việt Nam còn lại ở nước họ cũng được chuyển kịp thời về nước.