Tái bản sách của Hitler gây nhiều lo ngại
Cuốn "Mein Kampt" của Aldolf Hitler, xuất bản năm 1940, tại Berlin, Đức. REUTERS |
Aldolf Hitler viết cuốn « Mein Kampf » trong giai đoạn 1924-1925, khi đang ngồi tù. Từ năm 1945, cuốn sách thuộc quyền sở hữu của chính quyền tiểu bang Bavière, Đức. Và cho đến nay, cuốn sách không được phép xuất bản.
Thế nhưng, cuốn « Mein Kampf » tuyên truyền cho tư tưởng hận thù, đề cao hệ tư tưởng Đức quốc xã, bày tỏ mong muốn diệt chủng người Do Thái, đã xuất hiện ở nhiều nước và đặc biệt trên internet.
Theo AFP, đã từ lâu, cuốn sách của Hitler đã được phát tán rộng rãi ở Ấn Độ hay Brazil. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy cuốn « Mein Kampf » ở nhiều nước Ả Rập. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, sách của Hitler đạt mức kỷ lục phát hành : 30 000 cuốn đã được bán kể từ năm 2004.
« Mein Kampf » bị cấm phát hành ở Mỹ, nhưng lại được phép phổ biến tại một số nước Đông Âu, kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.
Tại Tây Âu, sự kiện cuốn sách tuyên truyền cho hận thù của Hitler được quyền tái bản xẩy ra vào thời điểm rất tế nhị, đặc biệt là ở Đức, nơi có tới 12 triệu ấn bản đã được bán ra kể từ năm 1945.
Chủ tịch cộng đồng người Do Thái tại Đức, ông Josef Schuster bày tỏ nỗi lo lắng. Với việc chấm dứt tác quyền, mối nguy hiểm lại càng lớn khi cuốn sách « rẻ rách » này lại được tung ra thị trường nhiều hơn. Do vậy, cần phải cấm tái xuất cuốn sách tuyên truyền bài Do Thái.
Đức và Áo cấm tái xuất bản nguyên văn cuốn « Mein Kampf ». Tuy nhiên, các ấn bản có bình luận, giải thích của giới nghiên cứu, sử gia, vẫn được phép xuất bản tại Đức.
Ngày 08/01/2016, Viện nghiên cứu Lịch sử đương đại Muchen (IFZ), sẽ cho ra mắt cuốn « Mein Kampf » có bình luận, cho dù chính quyền địa phương đã cắt tài trợ cho dự án này.
Nhà nước Do Thái Israel cấm xuất bản cuốn sách của Hitler.
Còn tại Pháp, nhà xuất bản Fayard có kế hoạch xuất bản cuốn sách của Hitler, đi kèm với các bình luận, giải thích. Bản dịch tiếng Pháp mang tựa « Cuộc chiến của tôi ». Chủ tịch Hội đồng đại diện các tổ chức của người Do Thái coi dự án này là một « thảm họa ».