Ông Tập tại thượng đỉnh Trung-Đài: "Chúng ta là một gia đình"
Cái bắt tay lịch sử giữa hai ông Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu tại Singapore ngày 07/11/2015. REUTERS/Edgar Su |
(RFI) Tại Singapore hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã có cái bắt tay lịch sử khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Đài Loan tách khỏi Trung Hoa lục địa cách đây 66 năm.
Tuyên bố với Tổng thống Đài Loan, ông Tập Cận Bình nói : « Chúng ta là một gia đình, không thế lực nào có thể chia cách chúng ta ». Về phần ông Mã Anh Cửu đáp lại Chủ tịch Trung Quốc rằng, sau nhiều thập niên thù địch, hai bên « phải tôn trọng lẫn nhau ».
Hai lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan đã bắt tay nhau và tươi cười với báo chí trong một phòng chật kín ở một khách sạn tại Singapore, trước khi lui vào trong để hội đàm với nhau.
Diễn ra bên lề chuyến viếng thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Singapore, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai chế độ đối nghịch nhau kể từ khi chấm dứt nội chiến và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, khi phe Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bị thua trận chạy lánh nạn sang Đài Loan.
Kể từ khi ông Mã Anh Cửu lên cầm quyền năm 2008, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được cải thiện dần dần, với đỉnh điểm là cuộc gặp hôm nay giữa lãnh đạo Bắc Kinh và Đài Bắc, một sự kiện mà chỉ cách đây vài hôm không ai ngờ tới. Tuy nhiên, sẽ không có thỏa thuận hay tuyên bố chung nào được công bố sau cuộc họp thượng đỉnh, vì cho tới nay hai bên vẫn không chính thức thừa nhận tính chính đáng của nhau.
Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Delphine Sureau gởi về bài tường trình :
« Kênh truyền hình CCTV hôm nay đã có chương trình đặc biệt về thượng đỉnh Trung-Đài. Đối với truyền hình Nhà nước Trung Quốc, cái bắt tay này là một bước ngoặt lịch sử. Trước cuộc gặp gỡ, Tân Hoa Xã đã lộ vẻ sốt ruột khi đưa hàng tựa : « 15 giờ Singapore. Cuộc gặp gỡ giữa Tập và Mã ».Còn đối với tờ Hoàn cầu Thời báo , một tờ báo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cuộc họp thượng đỉnh này đánh dấu « thắng lợi của hòa bình và lẻ phải », cho dù tờ báo vẫn gọi những người chủ trương Đài Loan độc lập là « những kẻ quá khích ».
Cuộc gặp gỡ giữa hai ông Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu cũng là chủ đề được thảo luận nhiều nhất hôm nay trên các mạng xã hội Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các cư dân mạng hy vọng sự xích lại gần nhau giữa hai bên sẽ phá vỡ tảng băng. Một blogger viết rằng : « Vấn đề Đài Loan phải được giải quyết. Chúng ta không thể dời mãi ».
Ở Hoa lục, xu hướng thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan đang chiếm thế áp đảo, mặc dù người ta thừa biết rằng những ý kiến trái chiều chắc là đã bị xóa đi. Cũng giống như lá cờ Đài Loan, tức là quốc kỳ của Trung Quốc trước đây, cài trên áo veste của ông Mã Anh Cửu. Truyền thông Trung Quốc đã cố hết sức để làm nhòe hình ảnh lá cờ này, cũng như không chiếu bất cứ lá cờ nào của Đài Loan khi lãnh đạo hai bên bắt tay nhau.
Nhưng hy vọng của phía Trung Quốc có thể là sẽ nhanh chóng tan biến vào tháng Giêng năm tới. Phe đối lập ở Đài Loan được dự báo sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống năm 2016.
Rất có thể là do sắp đến bầu cử cho nên Chủ tịch Trung Quốc đã chấp nhận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh mà cho tới nay ông vẫn từ chối. Ông Tập Cận Bình rõ ràng muốn đẩy nhanh tiến trình xích lại gần nhau và qua đó chống lại tư tưởng bài Trung Quốc ngày càng mạnh ở Đài Loan ».