Kinh tế quốc doanh : Putin siết, Tập Cận Bình nới
Lãnh đạo TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga, V.Putin. Ảnh ngày 09/07/2015. REUTERS/Sergei Karpukhin |
Một doanh nhân Pháp tấn công táo bạo vào thị trường viễn thông Hoa Kỳ. Chính sách kinh tế tương phản của Tập Cận Bình và Vladimir Putin. Tổng thống Nga làm người hùng chống thánh chiến Hồi giáo ở Syria. Dân Nhật phản kháng chính sách tái võ trang của thủ tướng Shinzo Abe. Cuba chờ đón Đức Giáo Hoàng nhưng không hy vọng thoát khỏi chế độ độc tài là những chủ đề của báo chí Pháp.
Nữ chính trị gia Mỹ Carly Fiorina và chủ doanh nghiệp Pháp Patrick Drahi tuy ít được công luận biết chiếm trang nhất của Le Monde vì tạo được thành công bất ngờ. Tờ báo « chấm điểm » nữ ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng hòa Carly Fiorina trong cuộc vận động tranh cử sơ bộ đã bất ngờ nổi bật và đặt tỷ phú Donald Trump vào thế tự vệ trong cuộc tranh luận ngày 16/09/2015. Biến cố này giúp cho tình thế trong đảng bảo thủ sáng sủa hơn trong bối cảnh chỉ còn bốn tháng nữa là đến ngày bầu sơ bộ.
Nước Mỹ cũng là mục tiêu « tấn công » của một doanh nghiệp Pháp, Patrick Drahi, chủ nhân công ty viễn thông SFR. Với 15 tỷ euro, SFR của Pháp mua đứt tập đoàn truyền hình cáp quang Mỹ Cablevision. Thương vụ táo bạo này không phải là đầu tiên và chắc không phải cuối cùng của doanh nhân được Le Monde mô tả là người có « lòng tham không đáy » hay « không bao giờ biết đủ» theo Le Figaro.
Trong vòng một năm, Patrick Drahi thực hiện 4 thương vụ tổng cộng hơn 50 tỷ euro bằng tiền « vay mượn ». Nhưng, cho dù nợ ngập đầu, theo nhật báo kinh tế Les Echos, uy tín của Drahi lại lên rất cao tại Hoa Kỳ. Ông trở thành chủ nhân của hệ thống cáp quang với hy vọng tạo ra 50% lợi nhuận cho tập đoàn trong một thời gian ngắn. Phương pháp làm ăn của ngôi sao đang lên này là vay tiền, mua lại, rồi trả nợ bằng tiền lời.
Trong thế giới đang « sôi sục » của lãnh vực truyền thông tại Mỹ, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới nhà tỷ phú chuyên gia « thấu cáy » Patrick Drahi. Nhật báo kinh tế Pháp lý giải là trong thương mại, đức tính của doanh nhân mà Pháp hiện nay đang thiếu vắng nghiêm trọng là tinh thần « đam mê rủi ro » chứ không phải là chỉ biết « tính toán lời lỗ ».
Mô hình kinh tế Trung-Nga : tương phản một cách kinh dị
Trong lúc tại Âu Mỹ đang có những biến đổi dồn dập thì tình hình kinh tế tại hai nước khổng lồ Trung Hoa của Tập Cận Bình và Nga của Vladimir Putin ra sao ? Trong bài phân tích « Trung-Nga, hai mô hình Nhà nước chủ nhân ông » Le Monde nêu rõ nét « tương phản một cách kinh dị » : trong khi Tập Cận Bình tìm phương cách nâng cao năng xuất của lãnh vực xí nghiệp công thì Vladimir Putin siết chặt gọng kềm kiểm soát từng lãnh vực lớn nhỏ của nền kinh tế.
Theo nhà báo Jean Michel Bezat, tại Bắc Kinh, « Nhà nước- đảng » mới thông báo một trong những biện pháp nới lỏng bàn tay kiểm soát các tập đoàn quốc doanh thì tại Matxcơva, « Nhà nước- chủ nhân ông », từ năm 2012 đến nay, gia tăng bộ máy kềm kẹp các đại tập đoàn kinh tế chiến lược từ năng lượng, giao thông, ngân hàng cho đến điện tử. Bên này Hắc Long Giang là « chân lý » thì bên kia sông bị gọi là « sai lầm ».
Cải cách mà Trung Quốc thông báo hôm 13/09 còn rất nhút nhát nhưng thể hiện đường lối của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2013, giải phóng thị trường để yểm trợ cho kinh tế. Những lãnh vực quan trọng như dầu khí, ngân hàng, viễn thông, luyện kim, đường sắt phải tỏ ra « có đủ khả năng sáng tạo để đương đầu với cạnh tranh quốc tế » theo thuật ngữ của Tân Hoa xã.
Các đại tập đoàn quốc doanh như điện thoại di động China Mobil, dầu khí Sinopec, Ngân hàng công thương ICBC nơi tiêu tốn ngân sách Nhà nước sẽ mở ra đón vốn tư nhân. Dĩ nhiên, Nhà nước-đảng vẫn chưa dám « tư nhân hóa » doanh nghiệp. Phần lớn 155.000 công ty do các chính quyền địa phương kiểm soát sẽ vẫn như thế. Khoảng 100 công ty nhận vốn tư nhân vẫn do Nhà nước kiểm soát cho dù luật mới « cấm » cơ quan Nhà nước can dự vào việc quản lý.
Tuy nhiên, sự kiện Bắc Kinh thông báo các biện pháp cải cách sau một thời gian dài mặc cả trong nội bộ chứng tỏ Trung Quốc buộc phải chuyển hướng để cứu nền kinh tế đang hụt hơi vì một phần lớn là do lãnh vực quốc doanh yếu kém.
Thế nhưng, bên láng giềng Nga, xu hướng hoàn toàn trái ngược lại. Những nỗ lực cải cách rụt rè của tổng thống Dimitri Medvedev ban hành năm 2011 đã bị Vladimir Putin vô hiệu hóa từ khi viên cựu trung tá KGB trở lại điện Kremli, năm 2012. Vào tháng 6/2012, luật sư tranh đấu chống tham nhũng Alexei Navalny bất ngờ được bầu vào hội đồng quản trị công ty hàng không quốc gia Aeroflot làm nhiều người lầm tưởng là Vladimir Putin tỏ lòng bao dung sau khi trở lại ghế tổng thống. Chỉ một thời gian ngắn sau mọi người hiểu rõ là phe cánh của Putin không để một không gian sinh tồn nào cho tầng lớp « tự do » thuộc xu hướng của Medvedev.
Con số lãnh đạo quản trị độc lập thưa dần từ năm 2013. Nhiều cổ đông bị áp lực phải nhường cổ phần lại cho xí nghiệp Nhà nước. Bản thân Dimitri Medvedev, ngồi ghế thủ tướng, phải chính thức hóa chính sách của Putin. Không cần phải chờ có luật mới, giới doanh nhân Nga và ngoại quốc làm ăn tại Nga đều tự thấy nếu ban lãnh đạo của xí nghiệp tuyển dụng một « quan chức » nào đó xuất thân từ KGB, hoặc là nhân viên cũ của hội đồng thành phố Saint Petersbourg, hay cựu quản trị viên một xí nghiệp bảo trợ cho các cuộc tranh tài Nhu đạo thì chắc chắn sẽ xin được các loại giấy phép một cách nhanh chóng hơn, theo phân tích của nhà nghiên cứu xã hội học Nga Mikhail Korostikov. Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí chuyên đề của Viện Quan hệ quốc tế Pháp, ông khẳng định mọi hy vọng đưa nền « tư bản Nhà nước » của Nga theo đường hướng kinh tế tự do đã hoàn toàn « tiêu tán ».
Từ khi Nga bị cấm vận vì chiếm lấy Crimée, quan điểm Nhà nước tăng cường kiểm soát xí nghiệp càng được cổ vũ. Hàng loạt công chức cao cấp, cộng sự viên thân cận của Putin kể cả cựu sĩ quan KGB và mật vụ Đông Đức cũ đã được đưa vào các tập đoàn quốc doanh như dầu khí, vũ khí, giao thông, xây dựng …Thật ra, theo nhà nghiên cứu Mikhai Korostikov, mưu đồ của tổng thống Putin rất tầm thường : ông ta muốn bồi thường tài chính cho những người thân cận. Thành phần ưu quyền đặc lợi này, vì sợ nước Nga bất trắc, đã tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Nhưng cuối cùng họ bị thiệt hại vì lệnh trừng phạt của Tây phương.
Putin : người hùng chống thánh chiến
Vừa thu tóm quyền lực chính trị và kinh tế Nga vào một tay, chủ nhân ông điện Kremli còn « tự cho mình là tường thành chống thánh chiến Hồi giáo tại Syria », tựa của Le Figaro. Khi tuyên bố ủng hộ quân sự chế độ Damas, nước Nga phô trương sức mạnh và tự đặt mình vào vai trò chủ động giải quyết khủng hoảng Syria.
Theo nhật báo cánh hữu Pháp, khi đề nghị thành lập một liên quân quốc tế, trong đó có Nga và chính quyền Damas, để chống thánh chiến, tổng thống Nga đánh cược ngoại giao. Ông muốn đưa lãnh đạo Bachar al Assad vào bàn đàm phán và áp đặt quan điểm với các đối tác Tây phương.
Cũng cùng nhận định này, Le Monde kêu gọi công luận phải thận trọng trước các đề nghị của Nga. Trong bài « trò chơi kỳ cục của ông Putin », nhật báo độc lập đưa ra hai lý do : một là không có gì bảo đảm Putin « thành thật ». Cách nay vài tuần, giới ngoại giao Tây phương còn lầm tưởng Putin sẽ bỏ rơi Bachar al Assad, mỗi ngày mỗi suy yếu, một kẻ mất hết uy tín của một nhà lãnh đạo quốc gia, trở thành một thủ lãnh xã hội đen, giết dân không gớm tay. Thế nhưng giờ đây, tổng thống Nga công khai tuyên bố ủng hộ Bachar al Assad, tăng cường vũ khí tại Syria, lập căn cứ quân sự và vận động thành lập liên quân nhưng thất bại.
Thứ hai, theo Le Monde, Tây phương phải từ chối vì lý do nguyên tắc liên quan đến cá nhân tổng thống Syria mà Nga ủng hộ triệt để. Tương lai khu vực không thể nào xây dựng với một con người thủ đoạn gian ác. Bachar al Assad đã cố ý giúp ngầm cho thánh chiến bùng lên rồi sau đó nhân danh chống khủng bố, cho quân đội đàn áp dân mà đa số theo hệ phái Suni. Đoàn người tị nạn chay sang châu Âu cho biết họ trốn đoàn quân ô hợp của Bachar al Assad. Người tị nạn không quên chính đoàn quân ô hợp này đã mở cửa cho thánh chiến vào Palmyra.
Do vậy, nếu Putin thật tâm, thì phải làm cho tổng thống Syria từ chức. Le Monde kết luận : nếu chính sách của tổng thống Mỹ về Syria chưa bao giờ mù mờ như ngày nay thì trò chơi của Putin cũng không sáng tỏ hơn bao nhiêu.
Nhật bản : đường phố muốn hòa bình
Bằng tựa này, nhật báo cánh tả khai phóng Libération nhận định, quyết tâm của thủ tướng Shinzo Eabe muốn sang trang Hiến pháp hiếu hòa đã tạo ra một phong trào chống đối chưa từng thấy .Ở Thượng viện, nhiều nghị sĩ đã sử dụng đến quả đấm. Ngoài đường phố, có lúc hơn 120 ngàn người biểu tình. Trên mạng xã hội, tràn ngập những thông điệp ủng hộ phong trào phản kháng, noi gương phong trào tranh đấu ở Đài Loan và nhất là ở Hồng Kông chống ảnh hưởng Trung Quốc.
Trong phần điều trần tại Thượng Viện, một sinh viên Nhật kêu gọi : các đảng chính trị hãy tự chất vấn mình. Chỉ vì đảng mình chiếm đa số rồi muốn làm gì thì làm có phải là chuyện bình thường hay không ?
Theo nhà chính trị học Toru Yoshida được Libération trích dẫn, phong cách chính trị của thủ tướng Shinzo Abe, thái độ cứng nhắc của ông trước những vấn đề xã hội, khinh thường trí thức và những tuyên bố hay hành động sai trái của một số bộ trưởng đã gây phản cảm trong một phần công luận cho dù đảng Tự Do Dân Chủ chiếm đa số.
Người dân Cuba chờ đợi tình hình đổi thay……đôi chút.
Với ba chấm trên tựa lớn, nhật báo Công giáo La Croix đưa độc giả qua tận quốc đảo « Zéro điểm dân chủ » đang chuẩn bị đón chào Đức Giáo Hoàng.
Trên đường tông du Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng người Achentina, người đã vận động cho Mỹ và Cuba hòa giải, ghé qua La Habana trước.
Trong một bài phóng sự dài, La Croix nhận định là tuy hai nước cải thiện bang giao, tuy có một số thỏa thuận thương mại tạo ra một ít hy vọng, nhưng không đủ bảo đảm tương lai chính trị tươi sáng cho người dân Cuba.
Nhờ một số biện pháp kinh tế cho phép nông dân trẻ vay tiền tín dụng - 1,5 triệu mẫu đất có người cày- rồi vào tháng 4/2016, đại hội đảng Cộng sản sẽ xem qua một loạt cải cách sẽ được ban hành sau khi đương kim chủ tịch Raoul Castro hết nhiệm kỳ, nhưng người dân Cuba không ảo tượng về thật tâm của chế độ độc tài này. Xã hội Cuba lúc nào cũng bị tổ chức ngoại vi của đảng là Ủy ban bảo vệ cách mạng theo dõi. Một linh mục ở La Habana nhận định : dù cho chính quyền Castro cố gắng chứng tỏ với thế giới bộ mặt có thể giao thiệp được, nhưng người ta có thể nói ở Cuba dân chủ là con số KHÔNG. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng chỉ nhằm phô trương bề mặt của chế độ.
Một nhà quan sát dự báo : hải đảo này có thể trở thành một nước tư bản Nhà nước độc tài theo mô hình của Trung Quốc và Việt Nam. Người ta chờ đợi Đức Giáo Hoàng phát biểu về vấn đề tự do.