Matt Mahan

ads header

Breaking News

Kinh tế mất đà, Bắc Kinh cải cách doanh nghiệp Nhà nước

Một nhà máy của tập đoàn XCMG tại Từ Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 14/08/2015. REUTERS/Brenda Goh
Kinh tế mất đà, Bắc Kinh đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước

Giờ đây khi mà nền kinh tế bị chững lại, lộ rõ những nhược điểm, Trung Quốc buộc phát động chiến dịch mới đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế Nhà nước. Cuộc cải cách hứa hẹn sẽ tấp nập với hoạt động sáp nhập, loại bỏ nhiều doanh nghiệp Nhà nước, vốn từ trước vẫn được coi là thực thể trụ cột của cả nền kinh tế.

Giới quan sát đánh giá đợt cải tổ lần này sẽ phải kéo dài và không có được kết quả tức thì giúp Trung Quốc phục hồi kinh tế.

Hôm 13/9 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố những nét chính trong chương trình cải cách khu vực kinh tế Nhà nước có tên gọi : « Đường lối chỉ đạo cải cách sâu rộng khu vực doanh nghiệp Nhà nước ». Mục đích như báo chí chính thức nhấn mạnh là nhằm kích thích khả năng cạnh tranh quốc tế cho các doanh nghiệp Nhà nước, « biến các công ty đó trở thành những chủ thể độc lập trên thị trường ».

Các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc từ lâu nay vẫn giữ một vai trò chủ đạo, nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực kinh tế tư nhân, từ tài chính đến sự che trở của chính sách. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước tại Trung Quốc còn là nơi thường xảy ra các tệ nạn tham ô, tham nhũng hay lũng đoạn thị trường.

Tuy nhiên, giờ đây khi mà nền kinh tế thứ 2 thế giới này bị mất đà, giảm tốc ngoài dự kiến bởi đầu tư cũng như xuất khẩu sụt giảm - hai lĩnh vực do các doanh nghiệp Nhà nước nắm đa phần - thì ở Bắc Kinh người ta càng nhận thấy rõ hơn sự yếu kém của khu vực kinh tế Nhà nước và nhu cầu cấp bách cần phải cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế.

Chỉ thị của chính phủ về cải cách sâu rộng các doanh nghiệp Nhà nước vừa được ban hành liên quan đến khoảng 150 nghìn doanh nghiệp, trong đó có hàng trăm tập đoàn, tổng công ty có vốn 100% nằm dưới sự quản lý của chính phủ. Văn bản chưa đưa ra hướng dẫn thi hành cụ thể, chỉ kêu gọi đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo giới quan sát, đợt cải cách lần này sẽ là một bước đi quan trọng nhằm loại bỏ dần một số doanh nghiệp Nhà nước cũ và có thể tạo thêm hàng trăm công ty hoặc nhà đầu tư thuộc sở hữu nhà nước khác.

Bà Claire Huang, nhà kinh tế thuộc ngân hàng Société Générale tại Hồng Kông, nhận định trong đợt cải cách này sẽ có « nhiều cuộc sáp nhập, thôn tính cổ phần của các công ty Nhà nước để hình thành những tập đoàn Nhà nước lớn hơn, mạnh hơn ». Tuy nhiên cũng không nên hy vọng chủ trương này sẽ có tác dụng tích cực ngay đến nền kinh tế. Điều căn bản, theo chuyên gia này, là làm sao phải cải thiện được hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Điều này còn phải mất nhiều năm nữa.

Nhiều tập đoàn Nhà nước cũng đang rục rịch có những động thái cho cuộc hợp nhất để trở thành những « người khổng lồ » mới trên thế giới. Trong một cuộc họp báo, tại Bắc Kinh hôm 14/9, Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về cải cách và phát triển, ông Liên Duy Lương đã giải thích việc đa dạng hóa nguồn vốn của các doanh nghiệp Nhà nước có thể hiểu là vốn tư nhân bên cạnh vốn Nhà nước. Vị quan chức này cũng bổ sung là Nhà nước sẽ giữ đa số cổ phần của các công ty thuộc khu vực gọi là « kinh tế an ninh », tức là các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Đây là điểm khiến các nhà đầu tư nước ngoài nghi ngại.

Đường hướng cải cách khu vực kinh tế Nhà nước này đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương trong kỳ họp cuối năm 2013, theo đó phải từng bước tạo điều kiện cho khu vực tư nhân chiếm lĩnh vị trí nhiều hơn trong nền kinh tế nhằm cân bằng tăng trưởng của đất nước.

Cải cách sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Giáo sư kinh tế Lưu Thụy, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã nhận định : Doanh nghiệp Nhà nước là một ưu thế của chế độ Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, trong hơn 30 năm cải cách mở cửa cũng đã bộc lộ ra nhiều vấn đề trong đó có tệ tham ô, tham nhũng ở lãnh đạo chủ chốt, lạm dụng để mưu lợi cá nhân.

Chính vì thế cuộc cải cách Doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn, khốc liệt khi nó đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của giới lãnh đạo.