Biển Đông: TQ bác bỏ chỉ trích của Mỹ về tự do lưu thông
Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam). Reuters/Petrovietnam |
Trong thông cáo gửi tới hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, tự do lưu thông trên không và trên biển không có nghĩa là cho phép tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài xâm phạm chủ quyền và an ninh của một quốc gia. Mặt khác, Bắc Kinh nhấn mạnh là Trung Quốc coi tự do lưu thông ở Biển Đông là một yếu tố chủ chốt, bởi vì nơi đây có các tuyến hàng hải thương mại quan trọng và là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên.
Trung Quốc đã có phản ứng như trên bởi vì tuần trước, nhân cuộc gặp các lãnh đạo khu vực, tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói rằng việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở hạ tầng vì mục đích quân sự, trên các đảo nhân tạo, đã làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ làm cho các nước khác tiến hành quân sự hóa vùng biển này. Mặt khác, Ngoại trưởng Kerry cũng chỉ trích Trung Quốc, trong những tháng gần đây, đã áp đặt các « hạn chế » lưu thông và ông tuyên bố là Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận những hạn chế lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông.
Theo các quan chức Philippines, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu các máy ban tuần tra của Philippines ra khỏi không phận các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đài truyền hình Mỹ CNN, hồi tháng Năm, cho biết hải quân Trung Quốc đã gửi 8 thông điệp cảnh báo phi hành đoàn, khi chiếc máy bay do thám P8-A Poseidon của Mỹ bay qua không phận này. Hồi tháng Sáu, Trung Quốc nói đã hoàn tất việc bồi đắp, tôn tạo đảo nhân tạo và sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng trên đó vì mục đích dân sự, như xây bệnh viện, trung tâm tìm kiếm trên biển và cứu hộ cứu trợ, xây hải đăng phục vụ lưu thông trên biển…
Hôm qua, dân biểu Philippines, ông Francisco Acedillo, cho biết là ông được tin có một tàu tuần duyên Trung Quốc, từ hơn một tháng nay, đã thả neo gần chiếc tàu mắc cạn của Philippines trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Dường như tàu Trung Quốc không có ý định rời nơi đây, có thể đợi cho đến khi chiếc tàu này chìm hẳn hoặc ngăn chặn không cho hải quân Philipines đến sang sửa chiếc tàu mắc cạn, được cải tạo thành nơi đồn trú của binh lính Philipines.