Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nhà văn Dương Thu Hương cần xét lại ngôn từ

Nhà văn Dương Thu Hương tại văn phòng RSF - Photo by Tuong An
Nhà văn Dương Thu Hương cần xét lại ngôn từ
• Trần Diệu Chân

2015-05-05
RFA

Qua bài phỏng vấn có tựa “40 năm, nhìn lại về ngôn từ” của thông tín viên Tường An (RFA) hôm 11-3-2015, nhà văn Dương Thu Hương (DTH) đã có những phát biểu đáng tiếc, mang tính xúc phạm nỗ lực đấu tranh chấm dứt chế độ cộng sản Việt Nam nói chung và xúc phạm một tổ chức đấu tranh nói riêng, đó là đảng Việt Tân.

Dù bà DTH đã từng được ngưỡng mộ như là một ngòi bút can đảm trong nước, nhưng qua những phát biểu trong bài phỏng vấn, bà đã để lại những ấn tượng tiêu cực trong độc giả:

Thứ nhất, một nhà văn tranh đấu như bà và đã có một thời gian dài ở hải ngoại (từ 2006 tới nay), nhưng rất tiếc vẫn chưa nhìn ra “tính công bằng” của thế giới tự do, văn minh, đó là khi phát biểu hay viết điều gì thì cần phải tham khảo, nghiên cứu cho kỹ.

Thứ hai, mặc dù sang định cư tại Pháp khá lâu nhưng có lẽ bà ít có dịp giao tiếp với môi trường đấu tranh của Cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản ngoài Paris như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu… nên bà đã có cái nhìn rất sai lệch về những người miền Nam tị nạn. Từ đó các phát biểu của bà mang đầy cảm tính, thiên kiến, và “vơ đũa cả nắm”.

Dù đã có nhiều vị lên tiếng và đã có những góp ý/phân tích rất hay, nhưng tôi cũng vẫn xin bổ túc đôi điều, nhất là từ cương vị của một đảng viên Việt Tân đã tham gia đấu tranh chống độc tài cộng sản hơn 3 thập niên qua để xây dựng lại một quê hương tự do, dân chủ và nhân bản, tức là cùng chia xẻ ước mơ chung của dân tộc, trong đó có bà DTH.

Ngày 30-4-1975 là ngày “Quốc Hận”

Bà Dương Thu Hương phát biểu: “Về mặt những người miền Nam mà gọi là « Quốc hận » thì họ cũng phải nhìn lại. Tại sao ? Tại sao lại là « Quốc hận » Trước khi hận những người khác họ phải hận chính họ.”(trích từ bài phỏng vấn)

Bà DTH không nên “dạy” người miền Nam như thế. Ai đã là người VN yêu nước, có tinh thần trách nhiệm trong giai đoạn lịch sử này cũng đều cảm thấy “ân hận” vì đã để đất nước rơi vào tay cộng sản. Những người bị cộng sản lừa bịp, lợi dụng để phục vụ cho chủ thuyết ma quái này, ngày hôm nay tỉnh ngộ, chắc chắn còn “ân hận” nhiều hơn cả những người miền Nam chống cộng mà “bị buộc” phải thua cuộc.

“Hận” mình, “hận” người (đồng minh Hoa Kỳ phản bội, bỏ rơi), “hận” bọn cộng sản tham tàn quốc tế ..., nhưng “hận” nhất vẫn chính là những kẻ mang hình dáng Việt Nam mà cuồng tín phục vụ cho hai đế quốc Liên Xô, Trung Cộng và chủ thuyết cộng sản độc hại nhất của nhân loại. Họ đã dùng bạo lực và lừa dối để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc đối với miền Nam, và tiếp tục trả thù, gây chết chóc, tang thương trên toàn cõi đất nước sau chiến tranh - kéo dài cho tới ngày hôm nay. Hầu hết 90 triệu đồng bào đều là nạn nhân của chế độ tồi bại này, làm sao mà họ không “uất hận” cho được.

Ngày “Quốc Hận” 30-4-1975 nhắc nhở mọi con dân Việt Nam về biến cố lịch sử đau thương này để chúng ta không ngừng nghỉ nỗ lực “Kháng Cộng” hầu chấm dứt chủ nghĩa cộng sản phi nhân và tàn bạo trên quê hương yêu dấu, không phải để trả thù mà để trả lại cho dân tộc Việt Nam một đời sống yên lành, hạnh phúc trong hơi ấm tình người.

So sánh Nam Việt Nam với Nam Hàn là phiến diện và khập khiễng

Bà DTH phát biểu: Tại sao cùng một thời điểm, người Mỹ tạo ra những điều kiện để tạo ra chính sách dân chủ của 2 nơi : miền nam Việt Nam và miền Nam Hàn Quốc. Tại sao Hàn Quốc chiến thắng mà Việt Nam chiến bại ? Tại sao cùng một cơ hội lịch sử như thế, người Nam Triều Tiên họ đã chớp lấy cơ hội để biến đất nước của họ thành một xứ sở văn minh phồn thịnh, còn miền Nam thì không ? (trích từ bài phỏng vấn)

So sánh hai quốc gia với hai hoàn cảnh chính trị, địa dư hoàn toàn khác nhau như vậy cho thấy bà DTH đã nhìn lịch sử quá phiến diện.

Điểm khác biệt to lớn mà bà đã không nhìn ra giữa hai cuộc chiến tại Việt Nam và Triều Tiên là sự can dự quân sự khổng lồ của hai đế quốc Liên Xô và Trung Cộng vào Việt Nam so với Triều Tiên.

Liên Xô và Trung Cộng đã biến Việt Nam thành một bãi chiến trường quốc tế, khiến xương máu Việt Nam đã bị hy sinh nhuộm đỏ núi sông để thỏa mãn tham vọng cộng sản hóa Đông Dương của lãnh đạo CSVN.

Chính những tham vọng điên rồ này mà bà DTH đã phải thức tỉnh bật khóc khi vừa từ Bắc vào Nam năm 1975, và thấy hậu quả tang thương của đất nước tiếp tục 40 năm sau. Tại sao một Việt Nam không chiến tranh mà lại đi giật lùi quá xa so với Nam Hàn - một quốc gia chỉ ngang ngửa Nam Việt Nam về chỉ số kinh tế trước năm 1975, vậy mà bây giờ họ đã bỏ đất nước ta quá xa về mọi mặt? Việt Nam muốn bắt kịp Nam Hàn phải mất ít ra là 140 năm nữa.


Trưa 30/4/2015 một cuộc biểu tình tưởng niệm 40 năm ngày Sài gòn sụp đổ do cộng đồng ngườii Việt vùng Maryland, Virginia, Whasington tổ chức diễn ra trước tòa Đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC. RFA PHOTO.
Xúc phạm nỗ lực đấu tranh của đồng bào hải ngoại

DTH phát biểu:“Bây giờ nhìn lại những phong trào chống Cộng của người Việt hải ngoại, ta thấy cái gì ? Trừ những vụ treo đầu dê bán thịt chó như Hoàng Cơ Minh ra, rất nhiều chính khách khác chỉ chờ cơ hội để về Việt Nam thương thuyết với Cộng sản để chia ghế. Những nhà chống Cộng ở đây tôi biết thì hoàn toàn là một thứ trò du hí để thoả mãn cái lòng tự tôn của họ. Bởi vì sống ở nước ngoài họ không có một gương mặt hãnh diện, một vị trí xứng đáng cho nên là họ nêu chiêu bài chống Cộng, nhưng lúc nào cũng ngóng chờ Cộng sản chìa tay ra để trở về chia ghế. Và có những ông Cộng sản chưa cần mời đã vội vàng đến sứ quán làm lành trước . Vì sao . vì họ thấy đấu tranh mệt mỏi quá, hàng Cộng sản đi kiếm được một chút vui thú trong cuối đời. Cho nên bây giờ muốn chiến thắng Cộng sản thì trước tiên phải chiến thắng chính bản thân mình. Bây giờ rất nhiều Việt kiều ở nước ngoài chửi Cộng sản nhưng về trong nước lại vui thú, bởi vì Cộng sản cho làm ăn, cho kiếm tiền, cho chơi gái rẻ. Cho nên cái tinh thần chống Cộng của rất nhiều người theo tôi nó cũng giống như cái đuôi con chó, vẫy lên rồi vẫy xuống theo cái lợi ích của họ”.(trích từ bài phỏng vấn)

Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã hy sinh cuộc sống ấm êm tại hải ngoại để trở về cùng dân tộc đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Trên đường phục vụ Tổ Quốc, ông và một số lãnh đạo của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân) đã anh dũng hy sinh.

Những sự hy sinh nói trên vào đầu thập niên 80, trong hoàn cảnh tan tác của đất nước, trong sự ngoảnh mặt của thế giới, đã thắp lên ngọn lửa đấu tranh sáng ngời chính nghĩa, và đã để lại cho Việt Tân nói riêng, đất nước nói chung, một di sản quý báu, đó là tấm gương yêu nước và hy sinh tuyệt vời vì đại nghĩa.

Nếu không trân quý thì cũng nên im lặng đối với những người đã hy sinh. Bà DTH không nên dùng những lời cáo buộc, vơ đũa cả nắm, so sánh một cách xúc phạm đối với một Tướng lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và những người yêu nước đã và đang miệt mài đóng góp vào đại cuộc giải phóng dân tộc khỏi gọng kìm của những kẻ phản bội “hèn với giặc, ác với dân”?

Nếu thật sự là một người quan tâm, bà DTH không thể nào không nhìn thấy những giá trị đóng góp của cộng đồng hải ngoại trong công cuộc đấu tranh chung, qua một vài tóm lược sau đây:

1. Cộng đồng người Việt hải ngoại trong 40 năm tỵ nạn đã phất lên ngọn cờ chính nghĩa và giữ vững lập trường đấu tranh chống độc tài cộng sản một cách quyết liệt và không khoan nhượng trước những chính sách chiêu dụ “hòa giải, hòa hợp” của thiểu số lãnh đạo CSVN.

2. Tranh thủ sự hậu thuẫn của thế giới đối với công cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa hiện nay của dân tộc Việt Nam. Đồng thời vận động thế giới áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền và ngăn chận những đàn áp đối với các nhà dân chủ tại Việt Nam.

3. Làm cho CSVN phải thất bại trong kế hoạch bao vây kinh tế đối với các nhà dân chủ và những người yêu nước bằng sự kiên trì hỗ trợ tài chánh, phương tiện để bà con quốc nội có điều kiện thăm nuôi thân nhân bị tù, thuốc men chữa bệnh; mướn luật sư bênh vực, nhất là giúp bà con dân oan có phương tiện đi tìm công lý…

4. Góp phần phá vỡ bức màn bưng bít của CSVN dưới nhiều hình thức và nhất là tạo một chỗ dựa tình thần cho các nhà dân chủ, các tổ chức đấu tranh trong nước để có thể vượt qua tình trạng khống chế, cô lập của bộ máy an ninh.

Nói tóm lại, sự hiện hữu của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau năm 1975 đã trở thành một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho phong trào dân chủ ngày một lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, sóng gió để từng bước đối đầu công khai với chế độ Hà Nội.

Sau cùng, các phát biểu của bà DTH đã được đài Á Châu Tự Do (RFA) phát thanh hôm trung tuần tháng 3/2015 và đã gây ra nhiều sự phẫn nộ trong Cộng đồng, đặc biệt là đối với rất đông thân hữu của đảng Việt Tân liên quan đến Tướng Hoàng Cơ Minh.

Trong tinh thần tôn trọng sự thật, công bằng và lẽ phải, chúng tôi mong đài RFA sẽ cho loan tải bài phản luận này trên hệ thống của quý đài.

Trần Diệu Chân
http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/tran-dieu-chan-blog-050515-05052015122932.html