Bắc Kinh phản hồi tin tên lửa Việt Nam bắn tới Trung Quốc
Một hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam gần đây là việc mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga năm 2009, trị giá khoảng 2 tỷ đôla. |
(VOA) Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới lên tiếng trước tin Việt Nam đang trang bị cho đội tàu ngầm tối tân loại tên lửa có khả năng bắn tới các thành phố ven biển của nước này.
Dữ liệu đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) cho thấy Việt Nam đang mua phiên bản dùng để tấn công đất liền của loại tên lửa Klub do Nga chế tạo.
Khi được hỏi về chuyện này, ông Cảnh Nhạn Sinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng “quan hệ giữa hai nhà nước và quân đội giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiến triển bình thường”.
Ông Cảnh nói: “Cách đây không lâu, nhà lãnh đạo của Việt Nam [Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng] đã có chuyến thăm hiệu quả tới Trung Quốc, và lãnh đạo của hai nước đã đạt nhiều đồng thuận về việc phát triển mối quan hệ song phương hữu hảo và hợp tác”.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng quốc gia đông dân nhất thế giới nói thêm: “Quân đội Trung Quốc và Việt Nam cũng duy trì các cuộc trao đổi gần gũi. Và chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể giữ cho quan hệ song phương cũng như quan hệ quân sự đi đúng hướng. Liên quan tới kế hoạc trao đổi thường niên giữa quân đội hai nước, quân đội Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiến hành các chương trình trao đổi và thăm viếng lẫn nhau”.
Tuy nhiên, ông Cảnh Nhạn Sinh cũng cho rằng Philippines và Việt Nam “đã và đang xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo thuộc quần đảo Nam Sa [Việt Nam gọi là Trường Sa] mà họ đã chiếm giữ bất hợp pháp. Trung Quốc hết sức quan ngại và mạnh mẽ phản đối các hoạt động trái phép này”.
Các nhà quan sát tình hình khu vực nhận định rằng việc Hà Nội mua loại tên lửa của Nga là một dấu hiệu nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam nhằm đương đầu với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền lãnh hải leo thang.
Loại tên lửa Klub có tầm bắn khoảng 300 km và vì thế, các thành phố ven biển của Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ cho đội tàu ngầm.
Việt Nam chưa lên tiếng trước các thông tin về tên lửa Klub của Nga nhưng các quan chức nước này từng nói rằng việc mua sắm các loại vũ khí, trong đó có tàu ngầm, chỉ nhằm mục đích phòng thủ, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
‘Chạy đua vũ trang’
Một hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam gần đây là việc mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga năm 2009, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, và dự kiến sẽ được bàn giao tất cả vào năm 2016.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế nói rằng chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla.
Mức tăng chi tiêu này cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%, và điều đó xuất phát từ tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại biển Đông.
Năm qua, chính quyền Bắc Kinh, quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam và một số quốc gia khác trên biển Đông, chi tới 216 tỷ đôla cho quân sự.
Bà Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập và là một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney, Australia, cho rằng các chính sách không đồng nhất của Trung Quốc về vấn đề biển Đông đã làm các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại.
Tác giả của nghiên cứu dài hơn 50 trang về chính sách an ninh hàng hải của Trung Quốc nói với VOA Việt Ngữ: “Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là nhiều quốc gia thấy sự khó lường của Bắc Kinh và tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì với sức mạnh ngày càng lớn của mình. Điều này đã dẫn tới lo ngại, và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn để vũ trang so với nếu họ không cảm thấy bất an vì Trung Quốc”.
Theo Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam công bố lần gần đây nhất là năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008.
Cuối tuần trước, hàng nghìn binh sĩ hải quân Việt Nam đã tham gia cuộc diễu binh đánh dấu 60 năm ngày thành lập, trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên biển Đông bằng việc bồi đắp, xây các đảo nhân tạo mà giới chức Mỹ nói sẽ tạo nên Vạn lý Trường thành bằng cát.
Ngòai ra, các chiến hạm, tàu tuần tra, tàu ngầm Kilo và nhiều biên đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam đã duyệt đội hình trên biển tại quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân Việt Nam, được báo chí trích lời nói: “Tình hình trên biển Đông, cũng như các vùng biển nước ta đã và đang diễn ra những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều động thái mới, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc”.
Ông nói thêm rằng “sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền đã và đang bước vào một giai đoạn mới, nặng nề và phức tạp hơn”.