Số chiến binh Châu Âu tham gia thánh chiến đang bị thu hẹp
Bất chấp các biện pháp trấn áp của Châu Âu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục thu nạp được các chiến binh mới đến ừt Châu Á. REUTERS/Alaa Al-Marjani |
Theo các chiến binh Hồi giáo cực đoan đang có mặt tại Syria và Irak cho biết, việc tuyển dụng khó khăn ở Châu Âu ít tác động đến thực tế chiến trường vì số lượng những người tham gia thánh chiến đến từ Châu Âu không nhiều. Một thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo mà Reuters liên lạc qua internet cho biết, « hiện nay, đa số các chiến binh nước ngoài đến từ những nước Châu Á, như Tadjikistan và Ouzbekistan. Đó là những chiến binh kiên cường ».
Một số chiến binh khác thì nhấn mạnh việc các nước Châu Âu thắt chặt kiểm soát có thể gây ra tác động ngược : Những người muốn sang Trung Đông tham gia thánh chiến, nhưng không thể đi được, có thể quay sang thực hiện các vụ khủng bố bên trong các nước này.
Năm ngoái, sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài ở Trung Đông đã thu hút sự chú ý đặc biệt của chính quyền các nước phương Tây, với việc những tổ chức khủng bố cho lan truyền trên mạng internet các cuộn băng vidéo quay cảnh chặt đầu con tin Anh, Mỹ và đao phủ là một kẻ có giọng nói người Anh. Chính quyền các nước Châu Âu đã truy lùng và bắt giữ những kẻ tuyển mộ chiến binh cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nhiều đạo luật được thông qua cho phép tịch thu giấy tờ tùy thân của những kẻ muốn xuất ngoại tham gia thánh chiến.
Các biện pháp này cho thấy Châu Âu thừa nhận mức độ nghiêm trọng của việc khủng bố tuyển dụng chiến binh nước ngoài. Một chiến binh đang sống tại vùng lãnh thổ Syria do tổ chức Nhà nước Hồi giáo kiểm soát, giải thích : « Ban đầu, những nước này coi thường chúng tôi; họ nghĩ rằng các chiến sẽ tới và chết ở đây. Nhưng điều mà họ không nhìn thấy là các chiến binh đã được huấn luyện, sau đó họ liên lạc với các bạn bè, người thân và khuyên những người này sang đây với họ ».
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, do bị không quân của liên minh quốc tế liên tục oanh kích, đang phải chiến đấu trên nhiều mặt trận, vừa ở Irak, vừa ở Syria, đồng thời tìm cách quản lý các vùng mà chúng đã chiếm được. Mặt khác, các chiến binh nước ngoài tự nhận là thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn xuất hiện ở Libya và Ai Cập. Theo nguồn tin từ những thành viên này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo dường như có khoảng 60 000 chiến binh tại Irak, Syria và đa số là người Hồi giáo Sunite.
Theo Paris, hiện có khoảng 400 người Pháp tại Syria, 180 người đã quay lại Pháp và khoảng 200 người khác có thể đang có mặt tại một số nước Châu Âu để tìm cách gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Sau loạt khủng bố tại Paris, hồi đầu tháng Giêng 2015 làm 17 người thiệt mạng, chính quyền Pháp đã huy động các phương tiện quan trọng để chống tuyển dụng khủng bố, tháo khoán ngân sách 736 triệu euro trong ba năm.
Chính quyền Đức có dự luật cho phép tịch thu giấy tờ tùy thân trong vòng ba năm đối với những kẻ muốn xuất ngoại tham gia thánh chiến. Theo thẩm định của Berlin, khoảng 550 người Đức đã tham chiến tại Syria, 180 người đã hồi hương.
Chính quyền Luân Đôn cho rằng có khoảng 600 người Anh tham chiến tại Trung Đông, 300 người dường như đã quay lại Anh quốc. Cảnh sát nước này, giờ đây, được phép tạm giữ hộ chiếu trong vòng 30 ngày đối với những người bị nghi ngờ xuất ngoại tham gia thánh chiến và được quyền cấm nhập cảnh đối với các công dân Anh bị nghi ngờ có liên hệ với khủng bố.
Bất chấp các biện pháp trấn áp của Châu Âu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục thu nạp được các chiến binh mới, thông qua các nước láng giềng, đặc biệt là qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới quan sát, sau một thời gian bị phương Tây chỉ trích buông lỏng việc kiểm soát đường biên giới chung với Syria, giờ đây chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra cứng rắn hơn.
Ankara thông báo là trong tháng trước, tại khu vực biên giới với Syria, đã câu lưu 19 người, trong đó có 13 người có ý định sang Syria gia nhập tổ chức khủng bố. Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters : « Chúng tôi có cảm giác là Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra nghiêm khắc hơn ».
Các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo bác bỏ tin nói rằng có những căng thẳng bên trong nhóm này và một số thành viên, đa số là người nước ngoài, đã bỏ trốn. Một chiến binh cực đoan tại Irak cho biết « Người nước ngoài không rời bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Trong hai tháng, tại Baidji, chúng tôi đã đón tiếp 180 người. Trong một trại huấn luyện ở đây, có tới 40% là người nước ngoài ». Baidji, cơ sở lọc dầu chính của Irak, là một trong nơi diễn ra các trận đánh quyết liệt giữa khủng bố và quân đội Irak.
Ngay từ khi thành lập, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã đề ra mục tiêu tấn công chính là « Roma », từ để chỉ những nước Thiên Chúa giáo Châu Âu nói chung. Hiện nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn khuyến khích « các con sói đơn độc » thực hiện các vụ khủng bố trên lãnh thổ Châu Âu.