Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tài khoản Twitter, Youtube của BTL TƯ Mỹ bị tấn công

Tin tặc, tuyên bố là những kẻ trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo, chiếm tài khoản YouTube của CENTCOM trong một khoản thời gian ngắn, 12/1/15
Tài khoản Twitter, Youtube của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ bị tấn công

Tài khoản Twitter và YouTube thuộc Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM) bị chiếm quyền kiểm soát trong một khoảng thời gian ngắn bởi những tin tặc tuyên bố trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tài khoản Twitter hôm thứ Hai của Bộ Tư lệnh đăng những dòng tin có nội dung đe dọa binh lính Mỹ, cảnh báo: "Bọn ta đang đến hãy dè chừng. ISIS."

Những dòng tweet tiếp sau đó đăng lên những đường dẫn đưa tới những tài liệu có chứa số điện thoại, địa chỉ email, và địa chỉ nhà của hàng chục quan chức quân sự Mỹ. Tài khoản cũng tiết lộ những bản đồ dường như là bản đồ quân sự của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Giới chức CENTCOM xác nhận với VOA rằng trang Twitter và YouTube của họ đã bị tấn công và nói rằng họ đang đưa ra những "biện pháp thích hợp để giải quyết vấn đề này." Trong vòng 30 phút, các tài khoản của CENTCOM đã bị đóng lại.

Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích nói rằng vụ tấn công không đề ra mối đe dọa an ninh vì có vẻ như không có tài liệu mật hoặc nhạy cảm nào được tiết lộ. Một số tài liệu đã có sẵn trên Internet và không mang tính nhạy cảm.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết nhà chức trách "đang điều tra và nghiêm túc xem xét vụ việc."

Đặt tại căn cứ không quân MacDill ở thành phố Tampa, bang Florida, CENTCOM phụ trách chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Nhữn tin tặc tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo trước đó đã chiếm tài khoản Twitter của một số hãng tin ở các bang Maryland và New Mexico. Một số những lời đe dọa và hashtag trong những vụ việc đó dường như tương tự những dòng tweet xuất hiện trên tài khoản Twitter của CENTCOM hôm thứ Hai.

Các cuộc tấn công hôm thứ Hai diễn ra cùng lúc Tổng thống Barack Obama đang phát biểu về việc mở rộng an ninh mạng.

Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, tại Ủy ban Thương mại Liên bang ở Washington, ông Obama cho biết những vụ xâm nhập dữ liệu đề ra mối đe dọa trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ.

Mỹ sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh chống cực đoan bạo động

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve chào đón Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder tại Paris, ngày 11/1/2015.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve chào đón Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder tại Paris, ngày 11/1/2015.

Sau hai vụ tấn công khủng bố ở Paris, Toà Bạch Ốc loan báo sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về Chống Cực đoan Bạo động, tập trung vào các nỗ lực trong nước và quốc tế nhằm ngăn chặn bạo lực cực đoan trước khi nó xảy ra. Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder, người đã gặp các giới chức an ninh Châu Âu ở Paris hồi hôm qua, cho rằng các nước ngày càng phải cần chia sẻ thông tin với nhau để chống lại những mối đe doạ như thế. Thông tín viên VOA Victor Beattie tường thuật.

Toà Bạch Ốc cho biết hội nghị thượng đỉnh vào ngày 18 tháng này sẽ “nêu bật các nỗ lực trong nước và quốc tế nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan bạo động và những người ủng hộ bọn chúng cực đoan hoá, tuyển mộ hay khích lệ các cá nhân hay đoàn thể phạm các hành vi bạo lực.” Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Josh Earnest nói các nỗ lực này đã trở nên cấp thiết hơn dưới ánh sáng của những vụ tấn công mới đây ở Ottawa, Sydney và nay là Paris.

Các buổi thuyết trình tại hội nghị thượng đỉnh, các cuộc thảo luận trong các uỷ ban, và những cuộc tiếp xúc từng nhóm nhỏ sẽ gồm những chương trình ở Boston, Los Angeles và Minneapolis-St. Paul nhằm hoà nhập các nỗ lực của các nhà giáo dục, các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhân viên thực thi công lực, khu vực tư nhân và cộng đồng kỹ thuật trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo động. Các buổi trình bày tại hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ rút kinh nghiệm các nước khác trong việc tìm cách ngăn chặn các vụ tấn công và tuyển mộ chiến binh nước ngoài.

Ông Holder nói trong chương trình ‘This Week’ của đài truyền hình ABC hôm qua rằng ông đã đưa ra lời kêu gọi các vị bộ trưởng nội vụ Châu Âu tham gia hội nghị thượng đỉnh.

“…để chúng ta có thể tìm ra đường lối đối phó với những nguyên do cội rễ về điều gì đã thu hút những người trẻ tuổi này tham gia các nhóm hết sức tiêu cực và chủ thuyết này.”

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ nói chia sẻ thông tin trong các quốc gia với nhau là điều cấp thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan.

“Một trong những điều mà chúng ta chắc chắn gặt hái được từ những cuộc giao tiếp ở Paris là có một sự cần thiết lớn hơn về việc chúng ta phải chia sẻ thông tin, để phá bỏ những hàng rào chia sẻ thông tin này, để chúng ta luôn có thể kiềm chế các mối đe doạ này. Một quốc gia tự mình không thể hy vọng ngăn chặn được khả năng khủng bố ngay cả trong biên giới riêng của mình.”

Ông Jonathan Schanzer, một cựu phân tích gia về tài trợ khủng bố, nay là phó chủ tịch về nghiên cứu của Quỹ Phòng vệ Dân chủ có trụ sở ở Washington, nói rằng đa phần các nỗ lực này đã bắt đầu sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2011. Ông nói các biến cố ở Paris dường như lại khiến Chính quyền Obama tập trung trở lại vào hiểm hoạ do chủ nghĩa khủng bố đề ra.

“Vấn đề là chúng ta có thể đã đánh mất đi rất nhiều thời gian quý báu, và theo tôi, có lẽ một điểm quan trọng khác cũng cần phải chú ý là chính cái cách thức đề tài đóng khung cũng hơi có vấn đề. Nói cách khác, gọi nó là chủ nghĩa cực đoan bạo động mà không nói về chủ thuyết đã đẻ ra bạo động, tôi nghĩ là không có lợi cho chúng ta và chung cuộc theo tôi sẽ đặt chúng ta vào một vị trí mà chúng ta sẽ không ở thế có thể thắng.”

Ông Schanzer nói Hoa Kỳ vốn đã có các mối quan hệ quan trọng song phương và đa phương về chia sẻ thông tin. Ông cũng nói các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo, tư nhiều năm đã can dự vào các nỗ lực giảm thiểu mối đe doạ khủng bố.

“Các giáo viên, tôi nghĩ họ có thể là một nguồn lực lý thú. Tôi cho rằng có lẽ đã không có nhiều công tác với các hệ thống trường công lập hay với các hệ thống trường đạo. Vấn đề là liệu các giáo viên có sẽ thành tâm về nội dung của thách thức là gì mà không có rủi ro xúc phạm học sinh hay phụ huynh các em. Hợp tác với cộng đồng kỹ thuật là điều hết sức quan trọng. Cộng đồng kỹ thuật có thể cung cấp một khối lượng lớn những dấu hiệu. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng Twitter và Facebook cùng các phương tiện truyền thông xã hội khác đã cung cấp sự hỗ trợ cho cộng đồng tình báo từ nhiều năm nay rồi. Nhưng họ đã phải chiến đấu với một bàn tay bị bó lại sau lưng bởi vì họ không được phép theo dõi. Trước tiên là có tình trạng cực kỳ nhạy cảm về những gì chúng ta đang đi tìm.”

 Ông Schanzer nói Châu Âu vốn đã bị tác động của những vụ tấn công khủng bố nổi bật, và nêu ra vụ tấn công vào chuyến xe lửa ở Madrid năm 2004, và vụ tấn công vào xe điện ngầm ở London năm 2007. Ông không chắc là những vụ tấn công ở Pháp tuần trước có sẽ thay đổi cơ bản đường lối của Châu Âu về khủng bố hay không.

Bộ trưởng Tư pháp Holder nói không có thông tin khả tín rằng al-Qaida đứng sau các vụ tấn công tuần trước ở Paris. Ông nói giới lãnh đạo al-Qaida đã bị tiêu diệt qua hơn 1 thập niên trả đũa.

“Mối đe doạ hiện nay, theo tôi, thực sự phát xuất từ các chi nhánh của al-Qaida, và chủ yếu trong số này sẽ là al-Qaida ở Bán đảo Ả Rập.”

Ông nói bọn này có khả năng khích lệ mọi người, bọn chúng có các chuyên gia về chất nổ và khả năng mà không một tổ chức khủng bố nào khác có thể sánh được.

Trong lúc Pháp cứu xét các biện pháp an ninh mớ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến Pháp vào cuối tuần này để dự các cuộc đàm phán về chống bạo lực cực đoan.

Tòa Bạch Ốc nhận lỗi vì không gửi giới chức cao cấp đến Paris tuần hành

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest
Washington hôm thứ Hai thừa nhận đã sai khi không gửi một quan chức cao cấp đến tham dự cuộc tập hợp thể hiện sự đoàn kết ở Pháp sau cuộc tấn công khủng bố hồi tuần trước ở Paris.

Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest thay đổi lập trường về quyết định cử những đại diện là Đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley và nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách châu Âu, Victoria Nuland, những quan chức cao cấp nhất của Mỹ, đến sánh bước cùng những nhà lãnh đạo thế giới hôm Chủ nhật bên cạnh Tổng thống Pháp François Hollande.

"Tôi nghĩ công bằng mà nói chúng tôi nên gửi ai đó có vị thế cao hơn đến đó," phát ngôn viên Josh Earnest nói.

Ông Earnest cho biết Washington miễn cưỡng một phần là vì có những lo ngại về an ninh.

Sáng thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bác bỏ những chỉ trích về việc ông hay một quan chức hàng đầu nào khác đã không đến Paris.

Ông Kerry nói thêm rằng Mỹ "đã tham gia sâu" và đã chia sẻ thông tin tình báo với Pháp ngay từ khi vụ tấn công xảy ra.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ hiện đang có chuyến công du ở Ấn Độ và Pakistan đã lên lịch từ lâu. Các quan chức Mỹ nói ông sẽ ghé qua Pháp vào thứ Năm trước khi trở về Washington.

Trong chuyến thăm của ông ở Pháp, ông Kerry sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và viếng 17 nạn nhân trong những vụ tấn công nhằm vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp và một siêu thị của người Do Thái.

Những vụ tấn công đã khơi lên rất nhiều sự ủng hộ của quốc tế dành cho tờ tạp chí cũng như nhiều lời lên án đồi với những kẻ tấn công tuyên bố trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida.