Matt Mahan

ads header

Breaking News

Khiêu Vũ Qua Các Thế Kỷ


Khi khiêu vũ vượt xa nhu cầu tự phát của vũ công, những người không trực tiếp tham gia cũng cần được thỏa đáng và gián tiếp tưởng thưởng thành quả của nó như một nhu cầu xã hội; tương tự như tham quan đấu bóng rổ hay các bộ môn thể thao khác vậy.
Hà Bắc

 - Khiêu vũ có từ khi xuất hiện những động vật đầu tiên trên hành tinh này. Trong phạm vi loài người, khiêu vũ cũng xuất hiện lâu đời như sự tác tạo con người và sự hình thành xã hội. Bàn về chủ đề này, ta không thể nào không nhắc đến khía cạnh lịch sử, tôn giáo, tập quán; qua đó tính chất, kỹ thuật và sự phát triển của nó biên hóa và tiến hóa trong nhiều thế kỷ qua; đặc biệt trong sáu thế kỷ cận đại.

Sách cổ Hy-lạp viết: “Khiêu vũ có lâu đời như tình yêu”. Các tài liệu có thẩm quyền khác khẳng định rằng khiêu vũ có trước các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc ..vv.. Do xuất hiện lâu đời, khiêu vũ tự phát từ nhu cầu và sinh hoạt đời sống hằng ngày của mọi động vật. Cụ thể hơn, khiêu vũ xuất phát từ các động tác như bắt mồi, ngôn ngữcâm, ve vãn động vật khác phái, đùa giỡn lúc no bụng ..vv..

Con người sơ khai biểu lộ niềm vui, nỗi buồn bằng phương tiện có sẵn và “mộc mạc” nhất là cơ thể của chính mình. Nhưng cử động của cơ thể chưa đủ để hình thành ý niệm vềkhiêu vũ cho đến khi chúng được sắp xếp theo nhịp điệu nhất định. Khái niệm khiêu vũ có từ đó. Do đó, định nghĩa về “múa” nghĩa là “cử động có nhịp điệu”.

Ân nhạc học (musicology) tìm hiểu và sắp xếp cung bậc cao thấp, nhanh chậm của từng âm thanh. Ngành sản xuất nhạc cụ các loại để tấu âm thanh đúng với đặc trưng của khúc nhạc đã đáp ứng sự phát triển của âm nhạc và đồng thời cũng nâng cấp và làm cho khiêu vũ thêm phong phú và đa dạng.

Ở những thế kỷ đầu hình thành, khiêu vũ và chính bản thân âm nhạc chỉ để phụng sự cho mục đích tôn giáo, tập quán dân tộc và lễ nghi cung đình. Người Hindu thậm chí còn tin tưởng rằng thế giới được gây dựng bởi thần khiêu vũ Shiva. Kinh Thánh Thiên Chúa giáo cũng có đề cập đến khiêu vũ của dân chúng thời Cựu Ước quanh tượng bò vàng. Môi-sen đã tiêu hủy tượng và dạy họ nên khiêu vũ để tôn thờ Thượng Đế thay vì thần bò. Vua David cũng khiêu vũ. Nhà thờ St Mark ở Venice (Ý) có tranh vua Salôme vừa nhận đầu thánh John Baptist bị chém vừa tiếp tục khiêu vũ.

Khiêu vũ ở phương Đông và phương Tây khác biệt nhau. Ở phương Tây, nó phô diễn động tác; là cái đối kháng nội tại trong quan hệ với thế giới bên ngoài. Khiêu vũ chủ yếu phản ảnh cái thực thể của chính vũ công và có tính thuần túy nhân bản trong quan hệnam nữ. Khiêu vũ được tôi luyện, mài gọt bởi các cá nhân và mang dấu ấn cá thể. Khiêu vũ ở phương Đông có tính chất tĩnh. Nó giới hạn các động tác về số lượng và nhịp độ. Nó cũng được sáng tạo bởi cá nhân nhưng không mang dấu ấn cá thể bởi ý niệm tập thể và tôn giáo của chính tác giả đã khép cái cá thể sau cánh cửa nghệ thuật để mở cái sân nghệ thuật rộng lớn hơn mang quán tính dân tộc cho tập thể quần chúng thưởng lãm.

Khi khiêu vũ vượt xa nhu cầu tự phát của vũ công, những người không trực tiếp tham gia cũng cần được thỏa đáng và gián tiếp tưởng thưởng thành quả của nó như một nhu cầu xã hội; tương tự như tham quan đấu bóng rổ hay các bộ môn thể thao khác vậy. Để phục vụ nhu cầu của đa số đó, ngành khiêu vũ sân khấu (danse théâtrale) ra đời. Từ đó ngày càng nhiều khán giả trở thành diễn giả, tức vũ công. Những sân khấu nhỏ hơn gọi là sàn nhảy (la piste – dance floor).

Môn bóng rổ và tennis được xem như vũ điệu. Sân khấu được so sánh như sân bóng rổvà sân golf. Tuy nhiên tính chất của khiêu vũ không giống thể thao mặc dù cả hai đều đòi hỏi nghệ thuật và sự vận dụng cơ bắp theo nhiều cấp độ từ thấp đến cao. Trong thể thao, diễn giả (cầu thủ) đến để tranh giải. Cuộc tranh tài phải có thắng bại. Khán giả đến đểchứng kiến và gían tiếp tham gia (cổ động và áp lực, nâng đỡ và trấn áp). Trong khiêu vũ, diễn giả (vũ công, ngoại trừ các cuộc thi champions) đến để diễn xuất nét nghệ thuật riêng của mình. Không có ai thua cuộc. Chỉ có người thắng cuộc là chính họ tất cả. Khán giả đến để thưởng thức (không có đối thủ và trấn áp) và để tham gia trực tiếp.

Sận khấu và y phục quan trọng không kém âm thanh. Có khi nó can thiệp mãnh liệt vào sự gắn bó giữa khiêu vũ và âm nhạc. Nhiều vũ khúc đã được diễn xuất trong sự yên lặng mà vẫn diễn tả được sự náo động; lột trần được tâm trạng và nội dung của vũ khúc. Do sự quan trọng ngày càng tăng của sân khấu, một ngành gọi là “chorégraphy” ra đời đểsắp xếp và làm hài hòa hình thức, nội dung, âm thanh, ánh sáng, nhịp điệu và cử động của các show trình diễn.

Khiêu vũ tuy đã có từ lâu đời, nhưng nó chỉ được ghi vào sử liệu và lập thành bộ môn nghệ thuật; được mở trường huấn luyện; được lập thành bộ trong nội các triều đình vua chúa và chính phủ mới chỉ mấy thế kỷ sau này với sự xuất hiện của vũ điệu Ballet và các vũ điệu mới khác từ các châu Âu, Phi và Nam Mỹ. Ngoài hằng trăm vũ điệu mang sắc thái địa phương, sắc tộc được lưu hành hạn chế, vũ điệu đầu tiên được ghi vào sử liệu và được truyền bá khắp năm châu mang tên” Ballet”. Từ ngữ “Ballet” nguyên thủy là tiếng Ý “Ballare”, một động từ có nghĩa là “múa” biến thành.

Buổi khiêu vũ đầu tiên trong sử liệu là ngày 24/4/1558 nhân đám cưới của hoàng thái tử Francis, con trai cả của nữ hoàng Cathériene de Médici kết hôn với nữ hoàng Mary xứScottland. Đám cưới được cử hành long trọng theo nghi thức cung đình. Dĩ nhiên có khiêu vũ nhưng không được xác định là Ballet. Mãi đến 1581, một vũ khúc dài năm giờ mang tên “Ballet Comique de la Reine” của Beaujoyeux được xem như là vũ khúc Ballet đầu tiên trình diễn ngày 15/10 nhân dịp Duc de Joyeuse cưới chị của bà nữ hoàng là Margueit.

Năm 1661, vua Louis 14 của Pháp cho thành lập trường dạy vũ điệu này. Năm 1754 lần đầu tiên nhạc Trung Hoa được dùng cho ballet với vũ khúc “Les Fêtes Chinoises” của Noverre. Một người Pháp tên Jean Baptiste Landé mở trường dạy Ballet tại St. Peterbourg (Nga) năm 1738 nhưng mãi đến 1766 mới chính thức hoạt động nhờ nữ hoàng Nga Cathéroine II can thiệp. Hai thế kỷ 17-18 là của Ballet với những vũ khúc bất hủ như“Sleeping Beauty, Nutcracker, Swan Lake , Cinderella ..vv..

Vào thế kỷ 14 có câu chuyện hi hữu về khiêu vũ trong giới thượng lưu đặc quyền: Năm 1393 tại một lâu đài nọ, vua Pháp Charles VI và một số hầu cận được bầu và chỉ định làm vũ công diễn xuất tuồng “Bal des Ardents”. Tất cả được hóa trang làm mọi; ăn mặc quái dịvới vải sồ gai trét hắc-ín và dính với nhau bằng giây xích. Trước khi diễn, công tước xứOrléans tò mò thắp đuốc kề sát mặt các vũ công để xem ai là nhà vua vì hóa trang khiến họ giống nhau. Chất hắc-ín bén lửa gây hỏa hoạn khiến phần lớn vũ công chết cháy. Một vũ công may mắn thoát chết nhờ dìm mình vào bể nước. Riêng vua Pháp vì còn đang bận tiếp quận chúa xứ Berry ; nhờ bà trùm cho bộ đồ cồng kềnh chưa kịp xiềng nên thoát hiểm!

Ballet tiếp tục phát triển ở thế kỷ 19 với các vũ khúc nổi tiếng như “La Sylphide” năm 1832 có nội dung một chuyện tình giữa một thiếu nữ trong mộng đến với một chàng trai trẻScottman ngay trong ngày cưới của anh ta. Trước còn lượng lự, sau anh ta bỏ rơi người vợ định cưới để trốn đi với người tình trong mộng ấy. Một mụ phù thủy đưa cho anh ta chiếc khăn quàng. Vì không biết khăn có bùa ngải, anh ta cột khăn ngang thắt lưng của người tình khiến cánh cô ta rụng mất và cô ta bị chết. Ngoài ra còn có “La Gypsy” 1839, Giselle 1841, Le Papillon ..vv… Ballet phát triển mạnh ở Nga thời kỳ này với vũ khúc “The Daughter of Pharaoh” 1862: Chuyện kể một người Anh và hầu cận tên John Bull bị trục xuất sang châu Phi từ Ai-cập. Khi núp vào một kim tự tháp để tránh một trận bão cát, ông người Anh liền hút một điếu thuốc phiện. Sau vài hơi, ông ta thấy mình bị sống lùi vào quá vãng; trở thành Ta-hor, một trang thanh niên tuấn tú đã cứu Aspicia, con gái vua Ai-cập thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Không thể tránh được, họ yêu nhau ngay. Nhưng công chúa đã hứa hôn với vua Bubian. Ông vua này bèn dùng lưới tình giăng mắc ngang sông Nile để bắt cô. Mắc bẫy, cô bèn nhảy xuống sông để trốn. Dưới đáy sông, Thần Thủy biết là con vua nên đã triệu tập các thần sông toàn thế giới về khiêu vũ cho cô xem. Khi trở vềđất liền, cô bèn mách lại vua cha việc quấy nhiễu của Nubian; được bãi hôn và lấy Ta-hor. Đến đây thuốc phiện đã nhả, ông người Anh chợt tỉnh lại và màn sân khấu từ từ khép đóng.

Sang thế kỷ 20, Ballet không phát triển đơn độc. Nhiều vũ điệu mới ra đời và phát triển nhanh song song do sự phát triển vượt bậc của ngành truyền thông; đặc biệt là truyền hình. Ballet trở thành loại chuyên nghiệp. Nga trở thành Liên-xô lợi dụng Ballet để bành trướng văn hóa và chính trị. Nga đem vũ sư sang Tàu sau cách mạng cộng sản ở xứ này với hai vũ khúc tuyên truyền là “The White Haired Girl” với nội dung một cô gái thoát tay gian ác chủ nhà toan bắt cóc cô; và “Red Detachment of Women” với nội dung người nô lệ trốn theo quân du kích. Ballet dừng lại ở đây do sự rạn nứt chính trị Nga-Trung. Tại Đức và Áo; hai nơi sản sinh nhiều nhà soạn nhạc lừng danh; sau khi Hitler lên cầm quyền, một vũ điệu Ballet ở Đức gọi là “Ausdruckstanz” bị cấm vì cho là đồi trụy.

Trước thế chiến I hồi 1914, điệu Valse (Waltz) rất thịnh hành và hầu như vô địch. Trong các vũ trường ở Anh, cứ 24 tiết mục thì Valse chiếm hết 18. Theo sử liệu, Valse xuất hiện khoảng những năm 1780-1812; nguyên thủy là điệu múa nông dân Áo có tên “Landler”; còn gọi là “Deutsche Tanz” thường có trong nhạc Beethoven. Trong một tài liệu năm 1816, vũ sư Thomas Wilson của triều đình Anh thời đó viết rằng vũ điệu này xuất xứ từmột địa danh tên “ Swabia ”; đã phát triển sang các tỉnh lân cận miền nam nước Đức và toàn cõi châu Âu sau đó. Người Pháp thì cho rằng điệu Valse là biến thể của “Volta” và “Provence” mà văn hào Shakespear đề cập đến; được các nữ hòang Anh và Scottland ưa chuộng. Thể điệu này được các nhà soạn nhạc nổi tiếng viết riêng cho khiêu vũ nhưJoseph Lanner, Johann Strauss và Strauss Jr. ..vv.. và viết cho hòa tấu như Berliez Weber, Chopin, Brahms, Tchaikovsky, R. Strauss, Ravel …

Một biến thể của Valse là Boston ; xuất hiện năm 1902 tại Keen Dancer Society. Khác với Valse, cả ba bước của Boston đều nhau về thời lượng tùy theo loại như Double Boston, Triple Boston, Royal Boston ..vv.. Sau thế chiến I, nó không được thịnh hành lắm. Tại Mỹ, Valse được gọi là “Viennese Waltz”. American Waltz có nhịp phách chậm hơn; còn Valse lente (Slow Waltz) chính là Boston .

Tango du nhập vào Mỹ năm 1910; xuất hiện lần đầu tại một số vũ trường ở New York ngày 1/7 năm đó. Nó xuất xứ từ khu ngoại ô thủ đô Buenos Aires nổi tiếng nhiều tệ đoan xã hội mang tên “Parrio de las Ranas” của Á-căn-đình. Công nhân đã đem Tango đến đây và Uruguay thời kỳ buôn bán nô lệ. Tên nguyên thủy là “Bailé con Corté”; được dân sang giàu đem vào các phòng trà và đặt tên “Tango”. Nó là hợp điệu của Habanera và Milonga. Habanera của Cuba du nhập từ Tây-ban-nha khoảng năm 1850 mà bản “La Paloma” và “El Arreglitto” của Sebastian Yradier (1809-1869) là điển hình. Năm 1900, Tango được giới thiệu ở Paris bởi ông Camille de Rhynal, một nhạc sĩ, vũ công và nhà tổ chức, trình diễn lần đầu tại Impérial Paysage Club ở Nice. Tại Paris, Tango bắt đầu từ “La Féria Café”. Sau đó báo “Excelsier” đã tổ chức thi Tango. Cặp Rhynal và Mado Minty thắng giải. Các vũ khúc tiêu biểu thời đó là “El Paseo, La Rueda, La Marcha …”. Tháng 5/1922 tại London , cuộc thi “Tango Balls” được tổ chức với gần 300 thí sinh từ khắp nơi trong nước. Tháng 10 năm đó, một hội nghị tại đây gồm trên 300 vũ sư bàn bạc về các qui định mẫu mực ấn định cho Tango. Trong thập niên 1990, khiêu vũ được chính thức qui định tên là “Dancesport”; riêng Tango được chia làm ba loại chính: Argentine Tango (nguyên thủy, động tác chủ là chân), International Tango (còn gọi là Tango Anh, động tác chủ là phần trên hông và đầu) và American Tango (nằm trong ballroom dances); chưa kể Tango thịnh hành ở VN do người Pháp nhập cảng từ thời Pháp thuộc; cũng ở trong nhóm “ballroom dances”.

Đầu thế kỷ 20 còn có vũ điệu mới xuất hiện tên “Lindy”, hoặc “Lindy-Hop” nhảy nhanh và quay. Tên này có lẽ do một vũ công thắng giải Marathon năm 1928 tại Savoy tên là George “Shorty” Snowden đặt theo thời điểm năm trước đó có sự kiện phi công Charles Linbergh đã một mình “hop” băng Đại tây dương bằng chiếc máy bay cánh quạt. Khiêu vũ đi xa đến nỗi tại Pháp ngày 26/2/1922 , tờ “La Revue Mondiale” đã đả kích nạn nhảy Jazz và Tango trên khắp nước Pháp; khiến công cuộc tái thiết sau thế chiến I ở Pháp bị đình trệ và Mỹ ngừng viện trợ. Rút kinh nghiệm này, Mỹ đã không “giải phóng” Paris và không chiếm đóng Pháp hồi thế chiến II để đỡ tốn gạo. Tại Mỹ ngày 15/5/1921 , ngành lập Pháp bang New York đã thông qua đạo luật kiểm duyệt khiêu vũ. Một đạo luật khác tạm áp dụng cho phép bỏ tù đàn bà mặc váy cao hơn đầu gối 3 inches ở bang Utah . Theo “Chronicle of 20th Century”, ngày 14/4/1923 tại Houston TX , một cặp tuổi đôi mươi đã phá kỷ lục thếgiới về khiêu vũ liên tục 45 giờ cho đến khi ngất sỉu! Tám cặp khác nhảy Marathon liên tục 53 giờ tại Baltimore cho đến khi bị cảnh sát giải tán. Bốn cặp khác cố phá kỷ lục trên với 52 giờ 11 phút khiêu vũ liên tục ở Cleveland . Cô đào thắng giải bị sưng mắt cá chân sau khi đánh gục năm kép nhảy với cô ta; cân nặng còn có 89 pounds thay vì 113 như trước khi thi. Tòa Thánh Vatican đã cấm Tango vì cho là đồi trụy, khiêu dâm.

Sau đại chiến 2 và nhất là thời kỳ hậu bán thế kỷ 20, nhiều điệu mới xuất hiện và cực thịnh một thời; có điệu còn trở thành phong trào như Twist hồi thập niên 1960. Twist đã bịchính trị hóa bởi chiến tranh lạnh khiến phe Liên-xô nghi ngờ đó chẳng qua là một vũ khí để bành trướng của đế quốc tư bản. Sau chiến tranh Việt Nam , điệu Discothèque gọi tắt là Disco cũng trở thành phong trào quốc tế. Chỉ trong hai năm, số hộp đêm từ 1,500 lên 45,000. Chỉ riêng năm 1977, số mới lập là 30,000. Đây là thống kê ở Mỹ; chưa kể châu Âu và châu Á. Disco đã trở thành một thần dược để thế giới quên đi chiến tranh VN đã đến hồi kết thúc!

Breakdance với nhịp 2/4 và kỹ thuật video với video clips đã tạo nên hiện tượng Michael Jackson hồi thập niên 1980s; đồng thời với điệu “ New Way ” nhịp phách bằng nhau. Trái với Twist, Breakdance không “te” (à la terre) ra phía sau mà te ngược ra phía trước. Vũ công có khi nằm ngang mặt sàn trong tư thế hít đất. Bàn tay và ngón dùng để diễn tảngôn ngữ cần nói. Cảm xúc thường là giận dữ. Thái độ thường là bất mãn. Hành vi thường là bạo động. Breakdance đã nói lên được những gì mà Bebop ở thập niên 1940s thất bại không diễn tả nổi; và “Rap” sau này đã giúp diễn tả cử động của Breakdance bằng lời nói cụ thể. Cũng trong thập niên này, Hip-hop xuất hiện và tồn tại đến nay nhưmột vũ điệu “phi Latin” (misogynistique); không chủ trương dùng “Latin holds” tức múa cặp. Nếu nhạc “Pop” cuồng loạn hồi thập niên 1960 với chiến tranh VN thì “Rap” rung chuyển sự bất mãn hồi thập niên 1980s thành phẫn nộ bởi tuổi trẻ da đen với nạn bạo động do băng đảng trang bị vũ khí từ các ngõ hẻm tối tăm của thị thành.

Vũ Kampuchia có từ hằng ngàn năm lịch sử của dân tộc này. Đế quốc Khmer đã cai trịnhiều lân quốc ở Đông Nam Á từ thế kỷ 9 đến 15 khi thủ đô còn là Angkor. Hàng trăm tác phẩm điêu khắc nổi bằng đá tại các chùa chiền và quanh Angkor miêu tả các vũ công được trang phục công phu với ngân quĩ dồi dào của triều đình để duy trì đội ngũ hàng ngàn vũ công phục vụ trong các lễ hội cung đình. Vua Jayavarman VII đã cầu an cho song thân bằng cách tăng thêm trên 3,000 vũ công nữa cho đội ngũ này. Tài sản và đội ngũ này đã bị quân Siam (Thái) chiếm đoạt khi Angkor bị  tấn công hồi giữa thế kỷ 15. Triều đình sau này đã tái lập để phục vụ tang lễ cho các vua Khmer mãi đến tận thế kỷ 20. Đoàn vũ công được nội trú trong cung điện từ 1970. Ngòai các vũ điệu dân tộc truyền thống, họ còn diễn xuất các bi kịch dựa vào cổ tích và sử tích như thiên anh hùng ca Sanskrit. Ngôi sao khiêu vũ sáng chói lâu năm nhất vẫn là ái nữ của vua Norodom Sihanook. Vũ điệu Khmer có nhịp chậm và tính thôi miên. Quá trình tập luyện công phu không thua Ballet để ngón và bàn tay, bàn chân mềm mại cùng với cánh tay và chân có lúc chịu đựng thật lâu trên một chân với bàn chân trần làm trụ. Sau 1975, chế độ Polpot do Tàu Cộng sai khiến đã nỗ lực tiêu diệt có hệ thống sắc thái văn hóa này của dân tộc Khmer. Phần lớn các vũ công đã bị giết; ngoại trừ 35 người thoát được và định cư tại Mỹ. Sau khi chế độ diệt chủng Polpot bị lật đổ, nhiều đoàn vũ khác đã được tái lập cả trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam , nghệ thuật khiêu vũ có từ thời Hùng Vương lập quốc. Căn cứ vào 51 trống đồng Đông Sơn có từ năm thứ nhất AD; trong 125 hình chạm khắc trên trống, có 93 hìnhảnh khiêu vũ. Âm nhạc chủ yếu dựa vào trống. Người Pháp sang Việt Nam buôn bán và đô hộ đã đem theo chữ viết và văn hóa của họ. Các vũ điệu do họ du nhập được xem chung là vũ điệu Tây phương ; khác với vũ điệu cổ truyền. Trong cộng đồng Việt tỵ nạn cộng sản ở Mỹ, Brian Nguyễn 25 tuổi, người từng đoạt giải vô địch Argentine Tango tại New York tháng 8/2010 và tại San Francisco tháng 4/2011, hạng 18 tại Á-căn-đình năm 2010; đã đại diện cho Hoa Kỳ tranh giải Argentine Tango toàn cầu tại thủ đô Buenos Aires hôm 29/8/2011 và đoạt giải 3 toàn cầu với số điểm 7.99 so với hai giải kia đồng 8.00 điểm!

Khiêu vũ vẫn sống theo dòng thời gian và cảm xúc “hỷ, nộ, ái, ố” của xã hội loài người; theo nhịp điệu của từng thế hệ tre già măng mọc. Khiêu vũ di chuyển từ cung đình đến sân khấu; từ ngoài đường vào vũ trường; từ khu dân đen sang khu quí tộc hoặc ngược lại. Ở châu Âu, tính lãng mạn của khiêu vũ còn được thể hiện tại nơi an nghỉ cuối đời của vũ công. Nói cách khác, tình yêu nghệ thuật không ngừng ở cuối biên giới đời người. Tình yêu ấy không bị ràng buộc bởi cái chết của thân xác. Bức tượng khiêu vũ bằng đá của cặp Lawson trên mộ phần của họ chỉ là dấu ấn của nghề nghiệp hoặc kỷ niệm; nhưng bản thân nghệ thuật; và nhất là lòng ái mộ nghệ thuật- chắc chắn đã là một xúc tác lớn tạo sựgắn bó trăm năm của họ- thì bất tử theo thời gian!

So sánh với thơ và kịch, khiêu vũ là bộ môn nghệ thuật trẻ trung qua sáu thế kỷ phát triển; đặc biệt sung mãn ở thế kỷ 20. Ngoài các chương trình “Dancing with the Stars” do đài ABC thực hiện tại Mỹ và các phong trào “Dancesports” khắp nơi, chưa có gì mới lạ ở đầu thế kỷ 21 này; nhưng các nhà chuyên môn và sử gia lạc quan thì tin rằng khiêu vũ sẽ còn nhiều đổi thay và tiến bộ. Đặc biệt đối với Ballet; thế kỷ này mới chỉ là bắt đầu./

Hà Bắc
(tham khảo tài liệu của Walter Sorell, Gerald Jonas, J. Anderson, V. Silvester, Saul Escalona, Marta Savigliano, Ricardo Garcia Blaya, Sue Steward, Tony Leisner, Jydy P. Wright, Gerald Jonas và nhiều tài liệu khác)