Bảy ngày làm thay đổi nước Pháp
Người dân Pháp xếp hàng mua số báo mới Charlie Hebdo sau vụ thảm sát để bày tỏ tình liên đới. REUTERS/Stephane Mahe |
Bài báo viết, trong ba ngày đầu tiên, ba tên Hồi giáo cực đoan đã đánh vào tâm lý của người dân Pháp. Chỉ trong ba ngày đó, chúng đã lạnh lùng hạ sát tổng cộng 17 người, thuộc ba thành phần chính : nhà báo, cảnh sát và người Do thái. Những tên sát nhân đó gieo rắc cái chết, nhưng đồng thời cũng muốn áp đặt một kiểu « lô-gic », thế giới tâm linh của chúng.
Quả thật ngay từ ngày đầu tiên, vừa khi vụ thảm sát được loan báo trên các phương tiện truyền thông, người dân Pháp đã bị sốc mạnh và gần như không tin vào thực tại. Để rồi từ cảm giác bàng hoàng đó, họ trở nên phẫn nộ, đến mức một thường dân phải thốt lên « Thế giới này đã trở nên bệnh hoạn đến mức cả sự hóm hỉnh cũng trở thành một nghề nghiệp rủi ro rồi ». Nhiều người còn cho rằng đó là ngày « 11/09 kiểu Pháp, một sự sụp đổ tượng trưng ».
Bởi vì vụ khủng bố đó tấn công vào biểu tượng của nền cộng hòa và nền dân chủ : đó là sự « tự do ». Người Pháp đã có những phản ứng rất là ngẫu hứng. Sự im lặng khó hiểu bất ngờ nhường chỗ cho những tràng pháo tay và những tiếng hô to : « Tự do, tự do ! », « Charlie, Charlie » và « Charlie-tự do ». Dòng chữ « Je suis Charlie » đã lan truyền trên các mạng xã hội với một tốc độ chóng mặt khoảng 6000 tweet/phút. Và chỉ tính trong vòng một tuần, dòng chữ đó đã được tweet lại đến 5 triệu lần. Bởi đó là cả một dòng cảm xúc mạnh, những chất vấn, hy vọng, tức giận và phẫn nộ.
Sự việc cũng cho thấy tinh thần đoàn kết của cả một quốc gia đa văn hóa và dân chủ, bất chấp sự khác biệt về đảng phái chính trị và tôn giáo. Ngay trong đêm đầu tiên, nhiều cuộc tập hợp dân chúng đã diễn ra không chỉ ngay tại Paris mà còn ở nhiều thành phố khác trên cả nước. Bên cạnh đó, vụ thảm sát xảy ra cũng lộ rõ những bất đồng về ý thức hệ. Điều này được minh chứng qua các sự cố xảy ra trong một phút mặc niệm các nạn nhân ngày hôm sau của vụ thảm sát tại nhiều trường học, nhất là các trường ở ngoại ô Paris, nơi có đông cộng đồng Hồi giáo. Nhiều học sinh cho rằng đó là lỗi của tòa soạn, vì « họ đã xúc phạm nhà tiên tri ».
Ngày thứ Sáu đen tối
Nhưng có lẽ để thử thách tinh thần hòa hợp dân tộc đó, những tên khủng bố lại một lần nữa nhấn chìm nước Pháp trong đau thương. Vụ tấn công vào siêu thị người Do thái tại cửa ngỏ Paris đã cướp thêm bốn sinh mạng và làm nhiều người bị thương. Một ngày thứ Sáu đen tối. Tổng thống Pháp, François Hollande, một lần nữa lên tuyến đầu kêu gọi nước Pháp nén đau thương, ngẩng cao đầu, mà vượt qua những áp lực đi lên sự tự do.
Lời kêu gọi đó đã được người dân cả nước hưởng ứng và nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng thế giới. Hơn 3,7 triệu dân xuống đường tuần hành với sự tham gia nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Một cuộc tập hợp đông đảo chưa từng thấy kể từ sau đất nước được giải phóng. « Một giây phút kỳ diệu ». Cả một biển người. Những người tham gia gần như ngây ngất trước hành động biểu lộ đó và cất vang lời quốc ca.
Dù vậy, tinh thần đoàn kết đó cũng không che khuất được những điểm tối tiềm tàng của nền Cộng hòa duy nhất và không thể chia cắt đó. Các vụ tấn công khủng bố đã làm gia tăng hành vi bài người Hồi giáo. Hơn 50 vụ tấn công vào các đền thờ, hành hung hay chửi bới người Hồi giáo đã xảy ra.
Đàng sau sự hòa hợp dân tộc đó, nhiều cuộc tranh luận cũng bắt đầu nổ ra, ban đầu nhẹ nhàng sau đó trở nên dữ dội hơn. Nào là phải tăng cường hơn nữa an ninh quốc gia, vị trí của đạo Hồi trong xã hội Pháp, vai trò của thế tục, giáo dục ý thức hệ…
Cho dù thế nào, thì Charlie Hebdo vẫn sống và tiếp tục sống. Một tuần sau vụ thảm sát, số báo mới vừa phát hành đã bán sạch và phải cho ấn hành thêm. Người dân Pháp đổ xô ra các tiệm báo để mua. Bất chấp các đe dọa, tít lớn trên trang nhất của tuần báo vẫn là hình ảnh nhà tiên tri Mohammed đang khóc và nói rằng « Tất cả đều được tha thứ ».
Trang nhất các báo Pháp
« Hậu Charlie : đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia trong thế mai phục », Libération đưa tít lớn cảnh báo. Bị cô lập từ sau vụ khủng bố, đảng FN muốn tin rằng hòa hợp dân tộc đó sẽ không kéo dài được bao lâu và bài diễn văn chống đạo Hồi có thể sẽ giúp họ gặt hái được nhiều kết quả trong kỳ bầu cử hội đồng tỉnh tháng Ba năm nay.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro cho rằng nên đặt giáo dục ý thức cho giới trẻ Pháp lên làm ưu tiên hàng đầu. « Giáo dục : cánh tả trước thách thức về chuẩn mực » là tít lớn của nhật báo. Hai tuần sau vụ thảm sát, Bộ trưởng Giáo dục sẽ có những thông báo vào thứ Năm tới này xung quanh các « giá trị nền Cộng hòa ». Nhưng tờ báo cũng nhận thấy bà Bộ trưởng có nguy cơ chỉ dừng lại ở những tuyên bố nguyên tắc chính mà thôi.
Vấn đề an ninh cũng là hồ sơ được các nhật báo quan tâm đến. « Khủng bố : Châu Âu họp lại để tăng cường an ninh » và « Vũ khí nào để chống khủng bố » lần lượt là những tít lớn trên nhật báo kinh tế Les Echos và nhật báo công giáo La Croix. Vào lúc mà các chiến dịch truy lùng các mạng lưới thánh chiến đang được tiến hành ở nhiều nước Châu Âu trong những ngày gần đây, các Ngoại trưởng trong khối Liên Hiệp Châu Âu hôm nay sẽ hội họp tại Bruxelles. Các nội dung sau : tăng cường kiểm soát biên giới, thông qua luật đăng ký hành khách hàng không, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo sẽ được bàn luận đến.
Hoa Kỳ- Cuba bình thường hóa quan hệ, Venezuela suy yếu?
Về thời sự quốc tế, liên quan đến việc Hoa Kỳ và Cuba bình thường hóa quan hệ song phương, Le Figaro có bài giải mã đề tựa « Sự xích lại gần giữa Mỹ và Cuba sẽ đi đến đâu ? ».
Về phía Washington, nhật báo cho rằng, Tổng thống Mỹ đã dựa theo cách thức cựu Tổng thống Nixon đã từng làm với Trung Hoa cộng sản trước đây. Nghĩa là với cách nhìn « thực tiễn », ông Obama nhận thấy rằng lệnh cấm vận áp đặt nửa thế kỷ qua đã không làm thay đổi được chế độ độc tài cộng sản Castro. Do đó, thay vì ngồi đợi, Tổng thống Mỹ đã sử dụng quyền hạn của mình để các quan hệ chính thống khai mở từ từ cùng lúc trên các lãnh vực ngoại giao, thương mại và nhân đạo, với hy vọng một ngày nào đó có thể làm thay đổi về mặt chính trị.
Về phía Cuba, bài viết cho rằng, cũng như Hà Nội (1995) và Bắc Kinh (1972) chính quyền Castro, dù rất bận lo cho cho việc chuẩn bị kế thừa một Raoul Castro già nua nhằm đảm bảo sự trường tồn của chế độ, nhưng cũng sẽ thích nghi với sự giải hòa với cựu thù địch. Vì như vậy, Cuba vẫn có thể thu hút đối tác kinh tế, mà vẫn không bị chuyển sang chế độ đa đảng.
Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng con đường bình thường hóa quan hệ đó sẽ còn rất nhiều chông gai. Trước mắt, các nghị sĩ Cộng hòa hiện đang nắm giữ hai viện, phản đối kịch liệt quyết định trên của ông Obama. Nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, trong dài hạn, Quốc hội Mỹ có thể cũng sẽ chẳng làm được gì nhiều và sẽ phải đi theo ông Obama.
Về phía cộng đồng người Cuba tại Mỹ, tờ báo cho rằng tiện nghi vật chất và một khung chính trị mềm dẻo hơn về lâu dài sẽ thuyết phục được họ về nước để đầu tư và cho phép họ được tiếp cận nhiều thị trường béo bở trong nước.
Cuối cùng, bài viết trích nhận định của nhiều chuyên gia tin rằng việc bình thường hóa quan hệ sẽ có một tác động quan trọng lên hình ảnh và phạm vị hoạt động của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Mỹ La-tinh. Từ 40 năm nay, sự đối đầu giữa chàng lùn Cuba với anh khổng lồ Hoa Kỳ đã trở thành một biểu tượng. Hoa Kỳ giờ có thể bảo vệ những lợi ích và các giá trị của mình mà không còn sợ bị chất vấn là tại sao chưa có quan hệ với Cuba, như nhận xét của một chuyên gia.
Ngược lại, bài viết cho rằng sự xích lại gần giữa Washington và La Habana có lẽ sẽ làm suy yếu Venezuela, quốc gia đi đầu chống lại Hoa Kỳ ở « cực Tây », dù đang bị chao đảo bởi khủng hoảng kinh tế nhưng vẫn không ngần ngại đỡ đầu Cuba.
Hội chợ quốc tế đồng hồ thượng hạng mừng 25 tuổi
Hôm nay tại Geneve, Hội chợ quốc tế đồng hồ hạng sang lần thứ 25 chính thức khai mạc. Hội chợ kéo dài đến hết ngày 23/01. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, 16 nhãn hiệu hé lộ các bộ sưu tập mới của mình. Liên quan đến chủ đề này, Le Figaro có bài viết đề tựa « Một phần tư thế kỷ ngành chế tạo đồng hồ ».
Vào năm 1991 tại thành phố Bâle, Thụy Sĩ, cái nôi của ngành sản xuất đồng hồ và đạo Tin lành, Hội chợ quốc tế đầu tiên dưới sự chủ xướng của ông chủ nhân nhãn hiệu Cartier đã gặp thất bại. Dù vậy, điều đó cũng không làm cho ông Alain Dominique Perrin nản lòng, quyết tâm biến ngành chế tạo đồng hồ thành một « ngành công nghiệp thượng hạng » như cách gọi hiện nay.
Có tài và khiếu marketing, Perrin đã cùng với quân sư Franco Cologni hình thành cặp bài trùng, lột xác ngành sản xuất đồng hồ cũ kỹ thành một ngành công nghiệp hấp dẫn đầy vẻ « khêu gợi ». Le Figaro nhắc lại hội chợ đầu tiên diên ra trên diện tích 1000m2 với sự tham gia của năm thương hiệu. Với thời gian, cặp bài trùng đó đã làm tăng dần diện tích hội chợ, tổ chức các buổi triển lãm và dần dần biến chúng thành một « tủ kính quốc tế về ngành đồng hồ cao cấp trên thế giới ».
Lần lượt các thương hiệu lớn góp mặt vào hội chợ. Sau này, ngoài đồng hồ ra còn có cả trang sức thượng hạng do có nhiều tập đoàn lớn mua lại cả xưởng chế tạo đồng hồ lẫn trang sức. Trên phương diện cung, các hãng tham gia triển lãm chú trọng từ cơ học cho đến những chiếc có các chi tiết cầu kỳ phức tạp, phù hợp theo thị hiếu của nhiều giới khách hàng tỷ phú mới đến từ các nước mới trỗi dậy và Châu Á.
Ngoài thương hiệu tiếng tăm, hội chợ những năm gần đây còn dành những không gian đặc biệt « sang trọng » để tôn vinh những tên tuổi mới. Hội chợ quốc tế năm nay thu hút sự tham gia của tổng cộng 16 thương hiệu và hy vọng đón khoảng 14000 lượt khách chuyên nghiệp (các nhà phân phối lẻ và ký giả).
Tuy nhiên, Le Figaro nhận định rằng Hội chợ Quốc tế 2015 dường như đang mở ra trong một bầu không khí không mấy thuận lợi (luật chống tham nhũng tại Trung Quốc, biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, khủng hoảng Ukraina, tấn công khủng bố tại Châu Âu…). Thêm vào đó, thông báo thả nổi đồng franc Thụy Sĩ đã nhấn chìm ngành công nghiệp trong nỗi kinh hoàng. Cổ phiếu của nhiều hãng đồng hồ Thụy Sĩ lớn đã sụt giảm ngay từ sau thông báo của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ.
Minh Anh - RFI