Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nhân Giáng Sinh, Giáo hoàng lên án các vụ bạo hành trẻ em

Đức Giáo hoàng Phanxicô đọc thông điệp truyền thống “urbi et orbi” nhân lễ Giáng Sinh - REUTERS /Alessandro Bianchi

Trong thông điệp truyền thống “urbi et orbi” ( cho dân thành La Mã và cho thế giới ) hôm nay, 25/12/2014, nhân ngày lễ Giáng Sinh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mạnh mẽ lên án những hành vi buôn bán lạm dụng, bóc lột và bạo động đối với trẻ em.

Trong thông điệp này, Ngài đặc biệt nhắc đến vụ sát hại 149 người, trong đó có 133 em học sinh ở Peshawar, Pakistan vào tuần trước. Giáo hoàng cũng lên án những truy bức tàn bạo đối với các thiểu số sắc tộc và tôn giáo, nhất là những hành vi bạo động của các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria và Irak.

Ngoài ra, Đức Giáo hoàng Phanxicô đề cập đến nhiều người đang tản cư, tỵ nạn không chỉ ở vùng này, mà còn trên toàn thế giới, kêu gọi quốc tế gia tăng cứu trợ nhân đạo để họ có thể sống qua mùa Đông khắc nghiệt và sau này có thể trở về nước.

Ngài còn kêu gọi hoà bình cho toàn vùng Trung Đông, ủng hộ cho những người đang nỗ lực vận động cho đối thoại giữa Palestine và Israel. Ngài cũng kêu gọi người dân Ukraina « vượt qua những căng thẳng, hận thù để đi theo con đường của hòa giải, của tình huynh đệ. »

Trong thông điệp « urbi et orbi », Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng bày tỏ tình liên đới với những nạn nhân của dịch bệnh Ebola tại châu Phi và một lần nữa kêu gọi quốc tế trợ giúp và chữa trị các bệnh nhân của dịch bệnh này.

Hồng Kông câu lưu 12 nhà dân chủ
media
Lần đầu tiên kể từ khi cảnh sát Hồng Kông dỡ bỏ lều trại của người biểu tình, lại xẩy ra đụng độ với cảnh sát - Reuters

Không có Giáng sinh an lành cho các nhà dân chủ Hồng Kông. Trong đêm 24/12/2014, đụng độ lại diễn với cảnh sát. Cả chục nhà hoạt động dân chủ bị câu lưu. Cảnh sát xịt hơi cay và dùng dùi cui để giải tán người biểu tình đòi bầu cử tự do.

Đây là sự cố đầu tiên kể từ khi cảnh sát Hồng Kông đã dỡ bỏ rào cản, lều trại của người biểu tình do phong trào Occupy Central tại Hồng Kông do học sinh, sinh viên khởi xướng. Trong thông cáo hôm nay, 25/12/2014, cảnh sát Hồng Kông tố cáo người biểu tình « gây xáo trộn trật tự, chiếm đóng các trục lộ » tại khu thương mại Mongkok.

Mười người đàn ông và hai phụ nữ, trong độ tuổi từ 13 đến 43 đã bị bắt giữ với lý do « bạo hành trên nhân viên gìn giữ trật tự và an ninh, phá rối trật tự công cộng ». Cảnh sát cho hay hai nhân viên an ninh của đặc khu hành chính này bị thương.

Đài truyền hình Hồng Kông cho thấy hình ảnh một người biểu tình bị thương ở đầu đang bị hai cảnh sát dí xuống mặt đường. Xung đột đã kéo dài cho tới rạng sáng hôm nay 25/12/2014.

Bản tin của AFP nhắc lại phong trào chiếm đóng đường phố Hồng Kông đã kép dài trong nhiều tuần lễ, từ tháng 9 vừa qua và đã bị giải tán vào cuối tháng 11/2014.

Vào lễ Giáng sinh các dân chủ Hồng Kông tập hợp trở lại ở Mongkok và khu Causeway Bay. Tại đây có nhiều biểu ngữ đòi quyền được bầu cử tự do theo thể thức phổ thông đầu phiếu.

Còn tại khu có nhiều trụ sở và cơ quan của chính quyền, cũng đã có khoảng 100 người tập hợp vào hôm qua. Họ hô to những khẩu hiệu như là « nhân dân là niềm hy vọng », « Đảng Cộng sản Trung Quốc không đại diện cho dân Hồng Kông ».

Tấn công tin học vào Bắc Triều Tiên ít có hiệu quả
media
Trong cuộc sống hàng ngày, dân Bắc Triều Tiên không phụ thuộc vào máy tính, việc cắt internet do vậy ít có tác động - REUTERS /P. Kopczynski
Trong các ngày 22/12 và 24/12, các cuộc tấn công tin học chưa rõ nguồn gốc đã làm cho hệ thống internet của Bắc Triều Tiên bị gián đoạn hai lần. Thế nhưng, đại đa số người dân Bắc Triều Tiên hầu như không cảm nhận thấy gì vì từ nhiều thập niên qua, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn khép kín đất nước, tránh mọi ảnh hưởng từ bên ngoài vào và không phát triển hệ thống internet.

Một số người nghĩ rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau vụ trả đũa tin học này sau khi Sony Pictures bị tin tặc tấn công và đã buộc hãng làm phim phải hủy bỏ kế hoạch phân phối bộ phim « The Interview - Cuộc phỏng vấn chết người », cho tất cả các rạp tại Mỹ. Hôm thứ Ba, 23/12, Sony đã thay đổi ý kiến : Từ hôm qua, 24/12, bộ phim xuất hiện trên internet và từ hôm nay, 25/12 được trình chiếu ở hơn 200 rạp độc lập.

Các vụ tấn công tin học vào Bắc Triều Tiên, mà Hoa Kỳ từ chối khẳng định là có dính líu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, nhưng hầu như người dân Bắc Triều Tiên lại không biết đến, bởi vì ở đất nước của Kim Jong Un, chỉ có một số ít người được phép truy cập internet, tham khảo các website.

AFP cho biết, hiện nay, Bắc Triều Tiên chỉ có 4 mạng internet, trong khi ở Mỹ là 150 000 mạng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc China Unicom khai thác các mạng internet ở Bắc Triều Tiên và dường như chỉ nhận diện được khoảng 1000 địa chỉ IP. Còn Hàn Quốc thì có tới 112 triệu địa chỉ IP.

Theo giáo sư Kim Seung Joo, đại học Korea, « đa số người dân bình thường ở Bắc Triều Tiên không tiếp cận với internet. Chỉ có một vài thành phần thuộc giới tinh tú là có internet, nhưng việc sử dụng bị nhiều hạn chế », « do Bắc Triều Tiên ít phụ thuộc vào internet, tác động tiềm tàng của việc cắt internet cũng có giới hạn ».

Bắc Triều Tiên có 25 triệu dân và tất cả phương tiện truyền thông đều do chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Giới chuyên gia thẩm định, tại Bắc Triều Tiên, chỉ có khoảng 2 triệu người dùng điện thoại di động, nhưng không thể truy cập internet và gọi điện ra nước ngoài. Bên cạnh đó, nước này có khoảng 1 triệu máy tính, chủ yếu trong các trường học và công sở, nhưng rất ít khi kết nối với internet.

Bắc Triều Tiên cũng có một mạng nội bộ « Kuwangmyong – Quang Minh », hoạt động từ năm 2000, với các dịch vụ thư điện tử, nhóm thảo luận, tìm kiếm, trò chơi điện tử, truy cập vào các website chính thức, nhưng Quang Minh không đấu nối với internet toàn cầu. Các thành phố lớn của Bắc Triều Tiên, các quận, huyện, các truờng đại học, tổ chức công nghiệp, thương mại, hành chính, có thể truy cập vào mạng Quang Minh.

Đương nhiên, thư điện tử trên Quang Minh bị kiểm duyệt kỹ càng. Ông Park Kun Ha, Tổng thư ký tổ chức « Đoàn kết Trí thức Bắc Triều Tiên », một hiệp hội của những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, trụ sở ở Seoul, ước tính, chỉ có khoảng vài chục ngàn người dùng mạng nội bộ Quang Minh và ông nhấn mạnh, « cuộc sống hàng ngày của người dân Bắc Triều Tiên không phụ thuộc vào máy tính, vào internet, như ở các nước khác trên thế giới ».

Chuyên gia tin học Hàn Quốc Lim Jong In có cùng nhận định về hậu quả của việc tấn công tin học nhắm Bắc Triều Tiên, một đất nước « không có gì quan trọng để tấn công cả ».

Ngược lại, một số chuyên gia tin học cho rằng Bắc Triều Tiên là một trong năm nước có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh tin học, với một đội ngũ 6000 tin tặc – hacker, sẵn sàng tấn công vào các kẻ thù của chế độ Bình Nhưỡng. Nhiều hacker hoạt động tại các thành phố Trung Quốc, sát biên giới chung với Bắc Triều Tiên, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn do Bình Nhưỡng trực tiếp tuyển dụng.

Ông Lim cho rằng nếu « muốn tấn công Bắc Triều Tiên, thì tốt hơn hết là Hoa Kỳ nên vô hiệu hóa các chuyên gia tư vấn này, thay vì làm tê liệt mạng internet không đáng kể của Bắc Triều Tiên ».