Matt Mahan

ads header

Breaking News

ĐÃ TỪNG CÓ MỘT NƯỚC MỸ TỰ DO NHƯ THẾ!


ĐÃ TỪNG CÓ MỘT NƯỚC MỸ TỰ DO NHƯ THẾ!

Cao thị Tình

Ngày bầu cử đang gần đến, cử tri chúng ta hoa mắt vì nào là quảng cáo tranh cử trên báo, radio, Tivi, trên các phương tiện truyền thông xã hội, nào là tờ rơi gửi đến tận nhà, những cú điện thoại vận động xin phiếu, những cuộc gặp gỡ “tay bắt mặt mừng” như đã quen nhau tự bao giờ. Bâng khuâng cầm lá phiếu trên tay chẳng biết bầu cho ai, thôi thì ai lên cũng vậy, bản thân và gia đình ta chẳng thay đổi gì , thây kệ. Vậy là lá phiếu bị ném vào sọt rác không mảy may thương tiếc.

Cái lá phiếu tự do mà chúng ta quẳng đi đó, cái quyền bầu cử mà chúng ta sau khi thành công dân Mỹ mới có được nhưng lại chẳng thèm thực hiện đó, lại là quyền mà bao nhiêu người dân trên thế giới ước mong có được. Họ là dân của những nước độc tài, cộng sản, quân phiệt, thần quyền. 

Chẳng hạn ở Việt Nam, dân cũng đi bầu đó nhưng không được tự do lựa chọn, không được tự do ứng cử, chỉ là Đảng cử dân phải bầu, mọi sự đã được “cơ cấu theo đúng quy trình” của đảng và nhà nước. Không đi bầu là công an đến tận nhà hỏi thăm sức khỏe ngay và bao nhiêu hệ luỵ kéo theo sau. 

Tại Iran, một quốc gia Trung Đông tuy theo Tổng Thống chế nhưng quyền tối thượng lại do các giáo sĩ Hồi giáo nắm giữ, nhiều năm trước người dân tràn xuống đường biểu tình phản đối cuộc bầu cử họ cho là gian lận vì giáo chủ Ayatollah Khamenei ủng hộ Tổng Thống đương nhiệm Ahmadinejad, cuộc biểu tình với sự tham gia đông đảo của thanh niên sinh viên và phụ nữ đã hô to nhiều khẩu hiệu đòi huỷ bỏ kết quả cuộc bầu cử. Khẩu hiệu phổ thông nhất là “Where is my vote? Lá phiếu của tôi đâu? Cô sinh viên 26 tuổi Neda Agha-Soltan bị cảnh sát bắn chết trên đường phố của thủ đô Tehran đã trở thành biểu tượng của phong trào tranh đấu . Dù cuối cùng thần quyền đã thắng với hàng chục người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm người bị bắt bị tù, nhưng cuộc biểu tình này chứng tỏ người dân Iran đã biết xử dụng lá phiếu của mình, và bày tỏ sự quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử dù bị chính phủ do thần quyền yểm trợ đàn áp. 

Một bài báo đọc đã lâu và không nhớ tên tác giả nhưng khiến tôi nhớ mãi mỗi khi đến mùa bầu cử, xin chia sẻ tóm tắt cùng quý đồng hương như sau: “ Khi truyền thông thế giới đưa tin về cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau cuộc chiến tranh dài tại Cộng hòa Sierra Leone , một tấm hình gây ấn tượng và cảm động nhất là anh nông dân bình thường Ismail Darramy dùng chân phải để kẹp lá phiếu bỏ vào thùng trong buổi sáng đẹp trời ngày 14-2-2002 trên quê hương vừa trải qua cuộc chiến tranh dài là Sierra Leone của anh. Trước đó hẳn không ai biết anh là ai, nhưng nụ cười của Ismail , hai cánh tay cụt của anh, bàn chân kẹp lá phiếu của anh xuất hiện trên mặt báo đã trở thành biểu tượng cho khát vọng tự do dân chủ của những ai đang tranh đấu cho một trong những quyền căn bản của con người là quyền tự do bầu cử. Anh Ismail Darramy đã hy sinh cả hai bàn tay không phải ngoài mặt trận mà trong phòng bỏ phiếu. Trong cuộc bầu cừ cưỡng bách và gian lận lần trước, anh đã nhất định không bỏ phiếu cho quân phiến loạn mệnh danh là Mặt trận đoàn kết Cách mạng Sierra Leone. Chúng đã trả thù bằng cách chặt đứt cả hai bàn tay của anh. Vì không có hai tay, anh đã phải dùng chân để bỏ phiếu" hết trích

Tương tự như vậy, người dân Afghanistan tức A phú Hãn sau khi được Mỹ giải thoát khỏi ách cai trị của Taliban đã phấn khởi tham gia đông đảo các cuộc bầu cử tự do dù phiến quân Taliban làm đủ mọi cách để phá hoại, họ hăm dọa dân chúng sẽ bị chặt tay nếu đi bầu, dọa giết nhân viên phòng phiếu, pháo kích đặt bom địa điểm bầu cử gây máu đổ thịt rơi, thậm chí đã có 11 cụ ông sau khi bầu phiếu với dấu mực in nơi ngón tay đã khiến họ bị bọn khát máu chặt đứt mấy ngón tay. Than ôi! sự tự do mà dân A phú Hãn được hưởng mong manh quá, ngắn ngủi quá!

Điều này đủ chứng minh người dân nước nào cũng ước ao, mong mỏi được tham dự bầu cử tự do, được chính tay bỏ phiếu bầu chọn người xứng đáng đại diện cho mình. Người Việt tỵ nạn cộng sản chúng ta trên đất Hoa Kỳ này nghĩ sao khi tỷ lệ đi bầu của dân Việt rất thấp? Chúng ta còn đòi hỏi điều gì? Chúng ta chờ đợi ai đây? Phải chăng điều gì dễ dàng có được thì chúng ta xem như chuyện thường? Người Mỹ họ gọi là take for granted.

Thí dụ điển hình là tỷ số đi bầu của người Mỹ gốc Việt ở khu 7 thành phố San Jose-nơi có đông người Việt nhất ở trong một thành phố tập trung đông dân Việt nhất ở ngoài Việt Nam- kỳ bầu sơ bộ vừa qua ngày 7 tháng 6 theo chỗ chúng tôi biết thì chỉ có 3,824 trên tổng số ghi danh là 15,582 tức chỉ có 24.5 phần trăm đi bầu. Vậy còn 11,758 người kia ở đâu? Có thể một số nhỏ đã dọn nhà ra khỏi khu 7 hoặc số rất nhỏ có những lý do bất khả kháng khác, nhưng không có lý do nào để cả 11 ngàn người Mỹ gốc Việt không xử dụng cái quyền hiến định rất quý hóa và chính đáng của mình. Nhất là ngày nay tại tiểu bang California chúng ta ai cũng nhận được phiếu bầu bằng thư dù mình không yêu cầu, thực ra có người như chúng tôi thích đi bỏ phiếu trực tiếp, thích cái cảm giác có mặt ở phòng phiếu cùng nhiều người khác. Bầu trực tiếp cũng không nhất thiết phải vào ngày 8 tháng 11 năm nay, sẽ có các địa điểm bỏ phiếu sớm, một tháng hoặc 10 ngày trước ngày tuyển cử. Quý vị có thể tìm thấy trong những tài liệu do Văn phòng Bầu cử gửi về. Tuy nhiên nếu chúng ta bận rộn, không có phương tiện đi ra ngoài, không muốn phải xếp hàng lâu lắc, không muốn bị mất giờ làm việc v..v..Vậy thì chúng ta bầu bằng thư, chỉ mất vài phút là điền phiếu xong rồi ký tên và bỏ trong thùng thư Bưu điện, hoặc ghé các thư viện hay trung tâm cộng đồng nơi có đặt các thùng nhận phiếu. Nếu chưa ghi danh nên không thể bầu bằng thư hay trực tiếp thì vẫn còn có thể đến phòng bỏ phiếu vào ngày 8 tháng 11 để ghi danh và bầu ngay tại chỗ. Dĩ nhiên trong cả ba trường hợp, chúng ta cần tìm hiểu về cá nhân và lập trường cũng như đường hướng phục vụ của ứng cử viên như thế nào trước khi đặt bút “chọn mặt gửi vàng”. Thế là quý đồng hương đã hoàn thành nhiệm vụ công dân của Hoa Kỳ, một quốc gia dân chủ tự do đã mở rộng vòng tay chào đón chúng ta vào vùng đất của cơ hội này. 

Đặc biệt thưa quý cử tri khu vực 7, quý vị đã biết rằng cộng đồng người Việt với hơn 130,000 người nhưng không hề có nghị viên nào đại diện trong Hội Đồng Thành Phố San Jose gồm 10 nghị viên cả. Nguyện vọng hay nhu cầu của chúng ta không hề được ai lên tiếng đòi hỏi hoặc đặt vấn đề, mà ta chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ được chút nào hay chút ấy của những nghị viên khác. Quý vị có bất mãn không? Có bực mình không? Có muốn làm một cái gì để thay đổi không? Hay chỉ thờ ơ mặc kệ để an thân? 

Đã đến lúc phải có thay đổi rồi quý vị ơi. Hãy mau ghi danh. Hãy ra đi bầu. Quyền lợi của ta phải do chính người Việt ta tranh đấu. Lá phiếu của quý cử tri khu 7 sẽ thay đổi được sự thiệt thòi bất công này. Mỗi một lá phiếu của quý vị trong kỳ bầu cử này rất quan trọng, sẽ quyết định sự thành bại của ứng cử viên người Mỹ gốc Việt là Đại úy Cứu hỏa Biên Đoàn, một người có khả năng và đầy tâm huyết với cộng đồng. Chúng tôi đặt hết lòng tin tưởng vào sự hiểu biết của quý cử tri khu 7.

Xin hãy tham gia cuộc bầu cử lịch sử vào ngày 8 tháng 11 này.

Tại sao gọi là lịch sử. Vì chúng ta biết rằng đã có những nỗ lực đưa ra dự luật cho người không có quốc tịch, không có giấy tờ chính thức được tham gia trong các kỳ bầu cử địa phương. Dù dự luật đã bị hoãn lại không thể đưa lên lá phiếu trong tháng 11 này nhưng biết đâu trong một tương lai gần đề nghị này sẽ được đưa ra nữa và sẽ thành công với đa số phiếu trong Hội đồng Thành phố mà họ sẽ có được, lúc đó liệu chúng ta còn hy vọng bầu một người gốc Việt làm nghị viên không hay chỉ là ước mơ xa vời! 

Vậy cử tri khu 7 sẽ làm nên lịch sử, tham gia đông đảo vào cuộc bầu cử tự do để đưa một người Việt vào chức Nghị Viên trước khi quá trễ. Đa tạ quý vị. 

Ngoài ra còn nhiều vấn đề liên quan đến thành phố, quận hạt và cao nhất là ở cấp quốc gia, lá phiếu của người dân có thể định hình cho đường lối mà đất nước Hoa Kỳ này sẽ tiến tới thịnh vượng hay suy trầm. Tất cả đều tuỳ thuộc vào lá phiếu chúng ta. Hãy xử dụng quyền tự do bầu cử của chúng ta một cách cẩn trọng, sáng suốt! Xin được gửi danh ngôn sau đây thay cho lời kết:

The late President Ronald Reagan once said, "Freedom is never more than a generation away from extinction. We didn’t pass it on to our children in the bloodstream. It must be fought for, protected, and handed on for them to do the same, or one day we will spend our sunset years telling our children and our children’s children what it was once like in the United States, where men were free"

Cố Tổng thống Ronald Reagan đã từng nói: "Tự do không bao giờ cách sự tuyệt chủng quá một thế hệ. Chúng ta đã không truyền nó cho con cháu trong dòng máu. Tự do phải được tranh đấu, bảo vệ và truyền lại cho con cái để chúng cũng làm như thế với con cháu chúng. Nếu không sẽ có ngày mà chúng ta phải dùng những năm tháng hoàng hôn của mình để kể cho con cái của mình và những đứa con của chúng rằng đã từng có thời như thế ở Hoa Kỳ, nơi người dân được tự do ".

Cao Thị Tình