Matt Mahan

ads header

Breaking News

TÌNH CHA NGẬM NGÙI - Ngô Quốc Sĩ


TÌNH CHA NGẬM NGÙI 
Ngô Quốc Sĩ 

Thi ca Việt Nam thường đậm nét tình mẹ. Điều đó dễ hiểu, bởi lẽ, hình ảnh người mẹ luôn luôn gắn bó với con từ lúc mang thai, đến ngày sinh nở bú mớm, và trải dài từ khi con chập chững vào đời, đến ngày khôn lớn và tận cuối đời khi con nhắm mắt. Hẳn nhiên tình cha cũng không kém tha thiết, nhưng có lẽ với tâm lý và hoàn cảnh cũng như trách nhiệm gánh vác cuộc đời, tình cảm của người cha kín đáo hơn, thâm trầm hơn và có khi nghiêm khắc hơn.. Đời thường là thế. Nhưng trường hợp nhà thơ Dzạ Chi có phần khác biệt. Qua bài thơ “Của Hồi Môn Cho Con”, người ta nhìn thấy tình yêu của người cha đối với người con gái trong ngày bước lên xe hoa qủa thật da diết, làm mủi lòng mọi người, không còn lời nào để nói, chỉ còn biết cảm thông ngậm ngùi…

Vào thơ Dzạ Chi đã thổ lộ tâm tình người cha vừa chua xót, vừa bùi ngùi khó tả, với nỗi lòng nửa đầy nửa vơi khi tiễn con về nhà chồng. Vẫn biết rằng, con gái giã từ mẹ cha để theo chồng, không phải là phân ly một đời, mà chỉ là rời tay người thân để xây dựng cuộc đời mới với nhiều mộng ước trong lành. Nhưng với tình yêu chan chứa, Dzạ Chi đã cảm thấy lòng mình chùng xuống, nếu không nói là đứt đoạn khi phải rời tay con yêu:

Đêm nay Ta tiễn con đi
Cũng đâu hẵn đã phân ly một đời
Sao lòng Ta cứ đầy vơi
Hết chua xót phận lại bùi ngùi thương

Thương con, nhớ con rời tay cha mẹ ra đi, như chim non vừa đủ lông cánh rời tổ là chuyện dĩ nhiên. Nhưng trường hợp Dzạ Chi, cũng như toàn thể dân Việt lưu vong, sống tạm dung nơi đất lạ quê người, nỗi mất mát hình như lớn hơn bội phần. Từ ngày bỏ lại sau lưng quê hương yêu dấu, xa ruộng vườn và mộ phần tổ tiên, cảm thức ly tán đã ám ảnh dân Việt, làm cho mỗi người muốn ghì chặt lấy những gì mình có như thể chút gì còn lại trên bàn tay trắng. Đã thế, người Việt lưu vong còn mang tâm cảm “nợ chưa trả, ân chưa đền” như thể chim bằng gãy cánh, cuộc đời còn dang dở.. Nguyễn Công Trứ may mắn trả hết nợ tang bồng nên có thể vỗ tay reo. Còn Dzạ Chi nói riêng, và dân Việt nói chung, vẫn còn nặng nợ đối với quê hương dân tộc, với cuộc đời, với gia đình và ngay cả đối với chính mình, nên lòng còn vướng bận, tâm còn ray rứt, ngay cả khi đời đả xế chiều:

Xứ người nặng nợ lưu vong
Nợ cơm áo gọi, nợ non sông đòi
Phần con lo đã mòn hơi
Thương con Ta phải trần phơi thân già

Bi đát nhất là nhà thơ lưu vong đã cảm thấy mình như kẻ vô gia cư, vô tổ quốc, lê gót chân lạc loài giữa chốn phồn hoa, bước đi như kẻ không hồn, chẳng khác nào một người Chàm suốt đời ôm hận Đồ Bàn:

Nhà hàng cửa chợ Ta qua
Đắng cay cũng lắm xót xa đã tràn
Mím môi nuốt hận Đồ Bàn
Thâu đêm một bóng dân Chàm cưu mang

Làm thân mất nước, với nỗi buồn “quốc phá gia vong” Dzạ Chi đã muốn ghì chặt lấy những gì còn sót lại. Đó là tình gia đình. Nhưng oái oăm thay! Nhà thơ đành bó tay, cúi đầu chấp nhận thêm mất mát khi con gái rời tay thương, xa tổ ấm, qua sông trên chuyến đò ngang, ra đi xây cuộc sống mới trên bến lạ:

Tim Ta máu dẫu tuần hoàn
Giọt đau quốc phá giọt buồn gia vong
Giờ thêm một chuyến đò ngang
Con về bến lạ càng man mác sầu

Xa con yêu, lòng cha cảm thấy bất an, thao thức trong âu lo. Không biết người con vụng dại ngây thơ như con chim nhỏ có vững bước chân giữa cuộc đời dâu bể này không? Xa vòng tay âu yếm của cha mẹ, con yêu sẽ ra sao? Càng nghĩ càng lo, càng chơi vơi trong nỗi buồn da diết, mặc cho đêm vui tân hôn rộn rã tiếng cười…

Trôi đi đâu ?!! Bay về đâu ?!!
Ơi con chim nhỏ giữa dâu bể đời
Đêm vui gió lộng tiếng cười
Riêng mình Ta vẫn buồn chơi vơi buồn

Như một mỉa mai vô cùng bi đát, giữa cảnh pháo đỏ rượu nồng, trang phục lộng lẫy, tiếng nhạc rộn ràng, Dzạ Chi đã âm thầm nhìn vào chính mình, nhìn lên tay mình, tìm chút gia tài còn lại khi tóc đã hoa râm và đời đã xế bóng. Tác giả đã thấy gì? Tất cả chỉ là trống vắng với bàn tay trơn, với lòng trống trải..Tự nhiên, tác giả đã cảm thấy tủi thân. Tủi cho chính mình. Tủi cho dân Việt mất quê hương:

Nhìn quanh.Pháo đỏ.Rượu nồng
Tủi thân ngó xuống đôi bàn tay trơn

Còn gì bi đát hơn? Người ta tiễn con gái về nhà chồng với của hồi môn qúy giá. Nào là gấm vóc lụa là. Nào là kim cương vàng bạc. Còn ta? Của hồi môn cho con gái yêu chỉ là mấy vần thơ suông đơn sơ, nhưng chan chứa cả một trời thương rút ruột trải hồn. Tủi cho ta và cũng tủi cho con. Đó cũng chính là niềm tủi hận của dân tộc trong kiếp sống lưu vong:

Thôi đành rút ruột trải hồn
Nỗi lòng Ta với mấy vần thơ suông
Bài thơ thay của hồi môn
Chào con…bến đục bến trong…xin chào.

Hẳn nhiên là có tủi có hận. Nhưng xét cho cùng, của hồi môn của nhà thơ Dzạ Chi tặng cho con gái lại qúy giá vô ngần. Đó là tình cha tha thiết. Đó là nguồn thương bất tận. Và đó cũng chính là nét đẹp tuyệt với của truyền thống văn hoá Việt Nam.. “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” Nguồn thương còn chảy mãi, chảy mãi không bao giờ ngừng…