Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nghệ thuật đàm phán của Trump khi đối đầu với Bắc Hàn

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm cuốn sách Nghệ thuật đàm phán do ông làm tác giả, xuất bản năm 1987 và đứng trong hàng best-seller trong thời gian đó
Nghệ thuật đàm phán của Trump khi đối đầu với Bắc Hàn

Hôm 25/5, phóng viên Will Ripley của CNN có mặt tại Bình Nhưỡng đã mô tả rằng “có một cơn sốc thực sự” trong các quan chức Bắc Hàn sau khi nghe bức thư hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un của ông Trump. Giới chức Bình Nhưỡng đơn giản là không thể tin được Trump dám quay lưng khỏi cuộc họp. Khi bàng hoàng nhận ra người họ phải đối phó không phải là Obama mà là Trump, Bắc Hàn phải xuống nước “sẵn sàng gặp Trump bất kỳ lúc nào, theo bất kỳ hình thức nào.”

Ngày 24/5, trước sự bàng hoàng của thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Bước đi táo bạo và bất ngờ của ông Trump đã đạt được hiệu quả to lớn trong các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai với Bắc Hàn.

Trump được gì?

Vị thế cao nhất của một người đàm phán là khả năng sẵn sàng quay lưng bỏ đi và thực sự có thể làm được như thế. Trong bất kỳ một cuộc đàm phán nào, bên tỏ ra cần đối phương hơn là bên thua cuộc, thế chủ động luôn nằm trong tay của kẻ lúc nào cũng có thể quay lưng bỏ đi.

Ông Trump đã nhiều lần nhắc nhở Bắc Hàn rằng ông ta không cần thiết phải có cuộc gặp này và người cần cuộc gặp này nhiều hơn Bắc Hàn chứ không phải Mỹ.

“Chúng ta có thể có thể gặp Bắc Hàn, nếu họ thiện chí, nếu không cũng không sao” – đây đã luôn là phong cách đàm phán của ông chủ Nhà Trắng. Bắc Hàn quên mất người ngồi tại Nhà Trắng không còn là Barack Obama nên đã đi sai một nước cờ quan trọng.

Ông Trump cũng luôn nhấn mạnh ông ta còn nhiều giải pháp thay thế, bao gồm “bức tử kinh tế và bao vây quân sự”. Hơn nữa, kho hạt nhân của Mỹ cũng to và hiện đại hơn Bắc Hàn nhiều. Trump luôn luôn thể hiện rằng trong bất kỳ kịch bản nào, Mỹ đều có thể chiến thắng. Ở kịch bản hiện tại, tức là ông Trump rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, ông Trump được rất nhiều thứ mà gần như không mất gì cả:

Giải thoát 3 con tin người Mỹ trong tình trạng khỏe mạnh khỏi tù khổ sai của Bắc Hàn;
Bắc Hàn đóng cửa bãi thử hạt nhân Pungye-ri, cơ sở hạt nhân lớn nhất của nước này;

Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm giữa Nam-Bắc Triều Tiên, một sự kiện mà ai cũng biết là chỉ xảy ra để làm bước đệm cho hội nghị Trump-Kim. Kim Jong Un đã “há miệng mắc quai” khi cam kết chấm dứt chiến tranh và phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Vậy ông Trump mất gì? Một giải thưởng Nobel Hòa Bình hữu danh vô thực? Rõ ràng Bình Nhưỡng đã đánh giá sai Trump khi cho rằng ông là một kẻ háo danh tới mức đó, mặc dù họ cũng có lý do để nghĩ như vậy. Ông Obama, một đối tượng của những chỉ trích thậm tệ nhất của ông Trump, cũng nhận được giải thưởng này sau vài tháng nhậm chức chủ yếu bằng những bài hùng biện về hòa bình tại Trung Đông trong khi chưa làm được gì trong thực tế.

Nhưng ông Trump không phải là một chính trị gia, ông ta là doanh nhân. Khả năng sắc bén của một doanh nhân kỳ cựu là nhìn thấy rõ đâu là lợi ích, đâu là thiệt hại. Mặc dù tuyên bố hủy cuộc gặp, nhưng ông Trump để ngỏ nhiều khả năng và đẩy trách nhiệm cho Kim Jong Un. Ông viết: “nếu ông đổi ý thì đừng chần chừ mà hãy gọi điện hoặc viết thư cho tôi ngay.”

Bằng cách đá quả bóng sang phía Bắc Hàn, ông Trump đã lấy lại thế chủ động và buộc Bắc Hàn phải xuống nước nếu không muốn “mất cả chì lẫn chài” sau khi đã đầu tư quá nhiều trong canh bạc này.

Bối cảnh khi ông Trump hủy gặp Kim

Ngày 8/3/2018, phái đoàn ngoại giao của Hàn Quốc tới Nhà Trắng, đem theo tin tức rằng Kim Jong Un muốn đàm phán trực tiếp với ông Trump. Lúc này, theo cố vấn an ninh Hàn Quốc, Kim Jong Un đã chấp nhận 2 điều kiện: đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và hiểu rằng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn vẫn sẽ tiếp tục. Ông Trump sau đó đã tuyên bố chấp nhận gặp Kim.

Có được cam kết từ Mỹ, Kim Jong Un niềm nở bước sang biên giới Hàn Quốc, thực hiện cuộc gặp lịch sử tại Bàn Môn Điếm với Tổng thống Moon Jae In. Tại đây, Kim-Moon bắt tay nhau, cam kết chấm dứt hoàn toàn chiến tranh và giải giáp vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo. Lý do mà ai cũng biết đằng sau các cam kết này là vì Kim Jong Un kỳ vọng vào cuộc gặp trực tiếp với Donald Trump để có được sự đảm bảo an ninh, gỡ bỏ cấm vận kinh tế đang bóp nghẹt chế độ Bình Nhưỡng và có được nguồn viện trợ kinh tế khổng lồ. Nói cách khác, sẽ không có tuyên bố Bàn Môn Điếm với các mục tiêu đầy tham vọng nếu ông Trump không đồng ý gặp Kim.

Nhưng những ngày gần đây, Bình Nhưỡng đã liên tiếp phạm vào 2 lời hứa: công khai chỉ trích cuộc tập trận thường niên của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời đe dọa sẽ không gặp Trump nếu “Mỹ đơn phương đòi Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân.”

Bình Nhưỡng thay đổi thái độ đột ngột sau khi Kim Jong Un bay tới Đại Liên, Trung Quốc để gặp Tập Cận Bình lần 2. Ông Trump cho rằng có thể Trung Quốc đã “xúi” Kim làm như vậy, hoặc Bình Nhưỡng cố tình làm mình làm mẩy để giành sự chủ động cũng như tăng vị thế trên bàn đàm phán với Mỹ.

Ông Trump một mặt giải quyết các lo ngại của Bắc Hàn, khẳng định Bắc Hàn sẽ không những không phải theo mô hình Libya mà sẽ còn “rất giàu có” nếu đồng ý từ bỏ hạt nhân. Một mặt, ông vẫn nhắc lại đường lối ngoại giao “sẵn sàng quay lưng đi” của mình rằng, nếu họ không thiện chí, chúng ta không đàm phán.

Nhưng Bắc Hàn đã sai lầm vì tiếp tục nắn gân ông Trump. Ngày 23/5, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn đe dọa Mỹ sẽ phải xem lại cách hành xử nếu không muốn lao vào cuộc chiến tranh hạt nhân và giới chức Bắc Hàn cũng tỏ ra bất hợp tác trong công tác hậu cần cho thượng đỉnh Singapore.

Lúc này, nếu lựa chọn “cố đấm ăn xôi” như ông Obama trong thỏa thuận hạt nhân Iran, tuy có thể hy vọng cuộc gặp sẽ diễn ra, Hàn Quốc cũng như thế giới sẽ hài lòng và một giải Nobel hòa bình đem về xếp trên kệ, nước Mỹ sẽ bị mất thế chủ động trên bàn đàm phán tại Singapore. Thậm chí điều kiện tiên quyết là Bắc Hàn từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng không được đảm bảo. Việc chiều lòng Bắc Hàn cũng tạo ra một tiền lệ nguy hiểm vì với lịch sử “lật lọng” trong các cuộc đàm phán hạt nhân trước đó, ai mà biết Bình Nhưỡng còn “được đằng chân lân đằng đầu” tới mức nào?

Năm 2015, một tình huống tương tự cũng xảy ra với Mỹ. Tổng thống Obama vì muốn tổ chức thành công thỏa thuận Iran “lịch sử” của mình, đã phải chiều Iran tới mức soạn ra một thỏa thuận gồm các điều khoản khiến Quốc hội Mỹ chỉ trích thậm tệ và không chịu thông qua. Theo thỏa thuận này, Iran sẽ nhận được khoản tiền trả lại hơn 1 tỷ USD, mặt khác, nếu Iran tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận (một điều khó thực hiện với nhà nước tài trợ khủng bố) thì Tehran cũng có khả năng phát triển tên lửa hạt nhân đầy đủ chỉ sau 10 năm nữa. Ông Trump gọi đây là “nỗi nhục” và là một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thỏa thuận Iran rốt cuộc đã không thể ký thành luật mà Obama buộc phải dùng quyền lực hành pháp của Tổng thống để khiến nó có hiệu lực. Tuy nhiên cũng vì thế, Tổng thống Trump dễ dàng đảo ngược thảo thuận này chỉ với 1 chữ ký.

Bởi vậy trước tình huống với Bắc Hàn, ông Trump đã quyết định “tiên hạ thủ vi cường”. Ông viết thư cho Kim Jong Un, loan báo hủy luôn cuộc gặp ngay sau khi Bình Nhưỡng tổ chức “thành công” lễ dỡ bỏ bãi thử bom hạt nhân Pungye-ri và mời phóng viên quốc tế đến quan sát. Bắc Hàn sau khi đã đầu tư quá nhiều vào trò chơi này, vội vàng xuống nước thông báo “vô cùng lấy làm tiếc”, đồng thời sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Mỹ “vào bất kỳ lúc nào”.

Rốt cuộc, triển vọng thượng đỉnh Singapore hoàn toàn chưa biến mất. Chỉ một ngày sau đó, Nhà Trắng cho hay hai bên lại tiếp tục “nói chuyện với nhau”, và cuộc gặp vẫn có thể diễn ra vào ngày 12/6 hoặc là một ngày khác.

Trọng Đức
https://trithucvn.net/blog/nghe-thuat-dam-phan-cua-trump-khi-doi-dau-voi-bac-han.html