Giao Chỉ San Jose: Tháng ba, suôi Nam.
Phái đoàn báo cáo tổng kết công tác. |
Tháng ba, suôi Nam.
Bút ký Giao Chỉ San Jose.
Báo cáo công tác đi vận động cho phim chiến tranh VN phối hợp với VietVet, Yểm trợ US Navy xây tượng đài trên đảo Guam vân vân..
Lại suôi Nam...
Cuối tuần qua chúng tôi có dịp đi xuống miền Nam. Mấy năm trước còn tự lái xe ngon lành. Năm nay mắt kém, tai yếu, khả năng linh hoạt thủa xưa không còn nữa, nhưng may có anh chị Phạm Phú Nam cùng đi nên bác cháu bèn làm chuyến "bay" đêm. Khởi hành 6 giờ chiều, đến quận Cam đã quá nửa đêm. Gọi là đi công tác, nhưng còn gặp bằng hữu, tình nghĩa đôi bề xin báo cáo bà con xa gần được rõ. Mọi hoạt động bắt đầu từ sáng ngày thứ sáu 16 tháng 3, 2018. Chương trình cuối tuần của chúng tôi, bác cháu mỗi người lo nhiều dự án nên phải thuê thêm xe tại chỗ. Hãng xe gần hotel dù đặt trước nhưng hết xe nhỏ loại thường nên họ dành cho chúng tôi một chiếc xe thể thao màu vàng rực rỡ 2 cửa. Hai ông bà già ở Việt Nam ngày nay gọi là U 80 phải vất vả mới ngồi vào chiếc xe đua của tuổi 20. Hoàn toàn không thuộc đường, lại phải tùy thuộc vào chiếc telephone thần diệu để đi đến điểm hẹn thứ nhất.
Ông bà già "thế buộc" phải thuê xe thể thao. |
Chúng tôi đi cùng anh Phạm Phú Nam, kỳ này gồm có nhiều mục đích. Thăm viếng và phỏng vấn các thân hữu cao niên về chiến tranh Việt Nam. Số là cơ quan IRCC đang hợp tác với hiệp hội VietVet và đạo diễn Fred Koster để làm phim tài liệu và giáo dục bằng Anh Ngữ phản bác lại bộ phim Vietnam War phát hành cuối năm 2017. Riêng phần cộng đồng Việt Nam, chúng tôi gặp các thân hữu để ghi nhận ý kiến. Phần anh Phạm Phú Nam, giám đốc Dân Sinh Media tại San Jose sẽ lần lượt được 3 chương trình TV miền Nam phỏng vấn về việc yểm trợ cho hải quân Hoa Kỳ dựng bức tượng Người thủy thủ cô đơn tại đảo Guam ngó ra Thái Bình Dương. Ăn sáng xong, bác cháu chia tay, mỗi người một ngả.
Thăm luật sư Lâm lễ Trinh.
Dù lái xe 2 cửa trẻ trung lại không thuộc đường nhưng sau cùng tôi cũng tìm ra tư gia của Lâm tiên sinh. Vài phút sau, theo ước hẹn anh chị Nguyễn Đức Cường đi máy bay từ San Jose sáng nay cũng đến nơi. Gia đình anh chị Cường thời trước khi còn làm tổng trưởng kinh tế cũng là chỗ thân hữu với ông bà bộ trưởng nội vụ Lâm Lễ Trinh. Sau phần xã giao qua đến phần tâm sự gia đình, chúng tôi và anh Cường được bác Trinh trao tặng các di sản văn hóa và lịch sử để đem về San Jose. Tư gia của luật sư Trinh như một viện bảo tàng nhỏ bé đầy vật dụng lưu niệm. Ông đã xếp đặt sẵn các phần di sản dành cho nhiều viện bảo tàng và các hiệp hội từ Âu Châu đến Mỹ Châu. Năm nay cụ ông 94 tuổi và cụ bà cũng gần 90. Sau phần phỏng vấn thu hình, buổi trưa Lâm phu nhân lái xe hướng dẫn chúng tôi xuống phố ăn cơm rồi cùng chia tay. Anh chị Cường còn ở lại đến chiều về San Jose bằng máy bay. Đối với anh chị thật là một chuyến đi hết sức tình nghĩa.
Phỏng vấn tại SBTN
Phỏng vấn tại đài SBTN |
Thăm báo Người Việt
Thăm báo Người Việt |
Họp khóa ban đêm.
Chúng tôi xuống miền Nam luôn luôn nhớ đến anh chị em cùng khóa. Cả một thời xưa nay không còn nữa. Anh em cùng khóa Ngô văn Định, Phạm văn Chung và Trần Quốc Lịch. Ba lữ đoàn trưởng mũ xanh mũ đỏ cùng đánh trận Quảng Trị. Ngô lê Tĩnh kéo quân vào Hạ Lào. Vũ thế Quang gọi khu trục oanh tạc ngay trên hầm phòng tuyến Ban mê Thuột và Nguyễn Hữu Luyện trở thành biệt kích nhẩy Bắc ngay từ thập niên 60. Tôi rất muốn mời anh em họp mặt nhưng lực bất tòng tâm. Anh em xa gần không đi buổi tối mà dù cho ban ngày cũng không thuận tiện. Ôi, những người anh hùng mỏi mệt. Kỳ họp khóa ngậm ngùi 50 năm 2004 hoá ra là lần cuối. Muốn thăm thầy Lập trăm tuổi thì thầy đã di chuyển về miền Đông. Giờ này sống chết cũng không ai hay. Ngay tại miền Nam, chúng tôi cũng không đủ sức đi đón rước từng người. Buổi tối họp khóa sau cùng chỉ còn 2 người con của các anh chị đồng khóa mà song thân đã chết cả rồi. Cháu trai Đoàn thanh Liêm con của anh chị Đoàn Ngọc Khiết hết sức tháo vát và lịch sự. Lại gặp cháu gái Natalie Ngô là con của anh chị Ngô văn Lợi cũng rất hiểu biết và trưởng thành. Nhưng xem ra các cháu cũng đã trên 60 tuổi và cả hai đều đã là ông và bà ngoại. Natalie và Liêm xứng đáng là hậu duệ của khóa Cương Quyết Đà Lạt mang danh hội 110. Về phần phu nhân đại diện cho toàn khóa tại địa phương chỉ có chị Hồng Phượng Lê Xuân Định. Dù chẳng được bao nhiêu nhưng buổi tối họp mặt trong quán cơm Việt Nam đã làm chúng tôi vô cùng xúc động. Natalie có dịp nhắc đến thân phụ, cô nói rằng bố Ngô Văn Lợi là người cha vô cùng toàn hảo. Ông là người cha hơn hết tất cả các người cha. Mọi người đọc được trong lời nói của cháu cả một trời quá khứ. Thủ khoa Ngô Văn Lợi khi làm tỉnh trưởng miền Trung thắng trận Tiên Sa được tổng thống bay ra khen thưởng. Anh Lợi đội mũ sắt trên thân hình cao lớn, uy nghi đi bên cạnh tổng thống và tư lệnh Ngô quang Trưởng. Hình ảnh người cha uy dũng một thời vẫn còn mãi. Mẹ Natalie mất sớm, chỉ còn mãi tình cha con cho đến ngày anh thủ khoa của khóa chúng tôi vào Nursing home và nay tro tàn đã cư ngụ trong chùa.
Họp Khóa lúc bình minh:
Anh em cùng khoá có tên trên bức tường nghĩa trang. |
Hậu duệ Võ Bị lái xe mô-tô hướng dẫn phái đoàn đi viếng nghĩa trang. |
Các bạn cùng khoa Y-tá và Điều dưỡng Quốc gia cũng chẳng còn bao nhiêu! |
Rất cảm ơn Ms Hồng Phượng đã dành tư gia là nơi hội họp thượng đỉnh. Gọi là thượng đỉnh vì chúng tôi bao gồm các thành viên rất cao niên. Ngay cả minh tinh trẻ trung nhất là cô Kiều Chinh cũng đã vừa tám chục. Anh chị Nguyễn Bảo Trị cũng hiện diện với anh Đỗ Tiến Đức. Đức báo cáo mới từ bên kia thế giới trở về sau 4 ngày nằm nhà thương vì trái tim già mỏi mệt. Cũng có mặt với anh em là hai phu nhân độc thân Lê Xuân Định và Nguyễn Kiếm Diệm. Đáng nhẽ còn có anh chị Phạm cao Dương những giờ chót bị đau nên cáo lỗi. Chúng tôi có dịp phỏng vấn thu hình anh Nguyễn Bảo Trị và Đỗ Tiến Đức. Quý vị nghĩ gì về chiến tranh Việt Nam. Nghĩ gì về người Mỹ, về VNCH. Cô Kiều Chinh có phần trả lời xuất sắc nhưng hẹn kỳ sau sẽ thu hình. Trong câu chuyện bên lề tôi có nhắc lại cho trung tướng Nguyễn bảo Trị về kỷ niệm khi ông chủ toạ mãn khóa cuối cùng cho 2 khóa 28 và 29 võ bị tại Long Thành. Tôi có dịp gặp các anh em khóa 28 trên San Jose. Có hình ảnh 4 thiếu úy mới ra trường đã hy sinh trong giờ thứ 25 của cuộc chiến. Có thể còn chết nhiều hơn nhưng chúng ta không biết rõ. Thụ huấn ở Đà Lạt, ra trường ở Long Thành là một thảm kịch. Thiếu úy võ bị huần luyện ba bốn năm. Văn võ toàn tài. Vào trường Tú tài, ra trường cử nhân. Quê nhà từ miền duyên hải đến đất Quảng. Phòng tuyến cuối cùng vừa tan vỡ ở Long Khánh. Biên giới VNCH nằm ở nghĩa trang Biên Hòa lùi dần về cầu xa lộ. Các thiếu úy mới ra trường có 5 ngày cuối cùng để cố thủ Sài Gòn. Việt Museum có danh sách 4 tân sĩ quan hy sinh vào giờ thứ 25. Tất cả đều nằm trong lớp tuổi 20. E rằng chưa có nửa mối tình đầu. Tuổi 20 gấp sách lại đứng nghe, Hồn mới nở giữa tay đời ấm áp...
Thêm một lần nữa ông Nguyễn Bảo Trị 90 tuổi, vị chủ tọa mãn khóa võ bị 43 năm xưa đồng ý rằng tuổi 20 đeo lon thiếu úy mới ra trường khóa 1 Nam Định là vui nhất. Tuổi hoa niên cùng mặc áo chinh y. Lòng mở rộng giữa dòng đời ấm áp. Chín mươi năm, kiếp người như gió thoảng. Chiều cô đơn về chậm hồn cao niên.”
Nhưng bây giờ, nghe chuyện cũ, tuổi 90 của ông tư lệnh ngồi nhỏ lệ cho tuổi 20. Tháng tư 1975 thiếu úy võ bị mới ra trường mà sao không vui.
**********************
Dùng cơm trưa với cụ Lâm Lễ Trinh, Bộ Trưởng Đệ Nhất Cộng Hoà và ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Trưởng Đệ Nhị Cộng Hoà |
Báo cáo hết.