Cô gái Trung Quốc gặp lại cha mẹ ruột sau hơn 20 năm bị bỏ rơi
Kati cùng cha mẹ ruột trong giây phút trùng phùng sau hơn 20 năm |
HÀNG CHÂU, Trung Quốc (SCMP) – Sau hơn 20 năm bị bỏ rơi, Kati Pohler, cô gái Trung Quốc được một gia đình Mỹ ở Michigan nhận làm con nuôi, vừa có cuộc đoàn tụ kỳ diệu với cha mẹ ruột trên cây Cầu Gãy (Broken Bridge) tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang.
Câu chuyện được đăng trên báo South China Morning Post (SCMP) xuất bản ở Hongkong và dưới đây là phần tóm lược.
* Buộc phải bỏ con
Câu chuyện xảy ra cách đây 20 năm, khi Fenixiang Qian, mẹ Kati, mang thai cô và lén lút chờ ngày sanh nở, sống cùng chồng và đứa con gái ba tuổi ở ngôi nhà bên con kênh hẻo lánh ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô.
Sáu tuần sau đó, bà Qian sinh cô con gái thứ hai, mà theo 'chính sách một con' nghiêm ngặt của Trung Quốc (ra đời năm 1979 để giảm đói) là bắt buộc phải phá bỏ.
Bức thư của cha mẹ ruột Kati để lại khi quyết định bỏ con |
Năm ngày sau, ông Xu Linda, khi đó 24 tuổi, mang đứa con 5 ngày tuổi của mình bỏ ở một chợ rau Tô Châu, kèm theo lá thư: “Con gái chúng tôi, Jingzhi, sinh vào lúc 10 giờ sáng vào ngày mồng 8 tháng 7 âm lịch năm 1995. Chúng tôi buộc phải bỏ cháu ở đây vì nghèo khổ và luật lệ bắt buộc. Cầu xin lòng trắc ẩn của những người cha, người mẹ xa gần. Cảm ơn bạn đã cứu và chăm sóc con gái nhỏ của tôi. Nếu trời nhủ lòng thương, chúng ta sẽ đoàn tụ với nhau trong buổi sáng của lễ hội Qixi tại Cầu Gãy ở Hàng Châu trong 10 hoặc 20 năm nữa”.
Lễ hội Qixi rơi vào ngày Thứ Bảy của Tháng Bảy âm lịch, được xem là ngày Valentine của Trung Quốc. Cầu Broken Bridge thực sự không hề bị gãy, chỉ là một cái tên liên quan tới truyền thuyết của người Trung Hoa.
* Được làm con nuôi
Bé Jingzhi và mảnh giấy đi kèm được chuyển tới bệnh viện trẻ em công cộng ở thành phố Tô Châu. Sau đó được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng người Mỹ tên Ken và Ruth Pohler ở Hudsonville, tiểu bang Michigan, thông qua Bethany Christian Services, một trong những cơ quan nhận con nuôi quốc tế lớn nhất cho người Mỹ.
Mùa Hè năm 1996, Ken và Ruth Pohler cùng 9 cặp vợ chồng người Mỹ khác được tổ chức Bethany Christian Services đưa đến viện mồ côi ở Tô Châu, nơi tất cả đều nhận nuôi các bé gái. Phải là con gái, vì người Trung Quốc yêu thích con trai. Khi mang Jingzhi lên xe buýt, hai ông bà Pohlers thấy lá thư tay của cha mẹ Jingzhi và nhờ một người thông dịch.
“Cô ấy (người thông dịch) rất xúc động, vừa khóc nức nở vừa đọc bức thư ấy cho chúng tôi nghe bằng tiếng Anh. Đó là những tiếng nói chân thành từ tim,” Ken nói.
Thị trấn Hudsonville, nơi Kati cùng gia đình cha mẹ nuôi người Mỹ sống có khoảng 7,000 người, chủ yếu là người Mỹ da trắng. Kati hiện đang học ở trường Calvin College, trường đại học nghệ thuật tự do liên kết với Nhà thờ Cải cách Cơ đốc, nơi Ken – cha nuôi của cô – là giám sát an toàn trường.
Kati cho biết cô có một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc trong một gia đình theo mô tả của cô “rất tôn giáo” và gần gũi. Các album của gia đình cho thấy Kati tham gia nhiều môn thể thao khi cô còn nhỏ, cô còn chơi đàn violin và piano.
Cô cũng đi du lịch khắp nước Mỹ cùng với gia đình. Ken cho biết “Có những lần đi du lịch theo tour, khi nghe hướng dẫn viên đề cập đến những vấn đề như những đứa trẻ bị bỏ rơi, không tìm được cha mẹ ruột, Kati rất xúc động và khóc.'
Nhưng cặp vợ chồng này không có ý định nói gì với Kati, con gái nuôi của họ về điều này cho đến khi con ít nhất 18 tuổi, và trong trường hợp nó có hứng thú tìm hiểu về quá khứ của mình.
* Lần thứ nhất bất thành
Qian và Xu (cha mẹ ruột của Kati, tức Jingzhi) lớn lên ở quận Baoying, gần Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Cũng như bao thanh niên khác ở quê hương thời đó, họ chuyển đến sống ở những thành phố phát triển nhanh của Trung Quốc. Xu chọn Hàng Châu và nơi đây ông gặp Qian. Sau khi kết hôn, họ thuê một căn nhà nhỏ tồi tàn ở ngoại ô Hàng Châu. Rồi họ sinh cô con gái đầu lòng Xiaochen.
Mặc dù hiểu về chính sách một con nhưng vì muốn Xiaochen có em nên họ quyết định sinh thêm một đứa nữa vì nghĩ rằng nơi họ sống cách xa nơi làm việc của các cán bộ kế hoạch hóa dân số. Nhưng khi biết không thể nào thoát khỏi được sự tàn nhẫn của chính sách 'một con' và Qian không thể phá thai (vì lúc này thai đã 5, 6 tháng tuổi), đó là lý do bé Jingzhi chào đời rồi phải bị bỏ rơi.
Qian và Xu giờ đây đã là chủ của một tiệm bán đồ cũ và một căn chung cư 2 phòng ngủ tiện nghi. Còn con gái lớn của họ, Xiaochen. là công nhân.
Năm 2005, khi bé Kati tròn 10 tuổi, cũng là lúc hai vợ chồng Qian và Xu đưa nhau đến chiếc Cầu Gãy trong ngày đầu tiên của lễ hội Qixi Festival, theo dự định.
“Chúng tôi đến đó sớm và mang theo một tấm bảng lớn viết tên của con gái, và nội dung tương tự nội dung lá thư chúng tôi đã viết. Chúng tôi phải cố gắng ngăn khao khát muốn chặn từng cô gái trên cầu để hỏi xem có phải là con mình không,” Xu nói.
Nhưng, đã không ai đến gặp họ. Cả hai bỏ cuộc lúc khoảng 4 giờ chiều trong đói, khát, và thất vọng.
Tuy nhiên, trong lúc ông bà Qian và Xu đến cây Cầu gãy thì gia đình nhà Pohlers, cha mẹ nuôi của Kati, đã nhờ người bạn của một người bạn tìm đến cây cầu ngày hôm ấy.
“Chúng tôi nhớ lời hứa của năm thứ 10 trong lá thư,” Ken nói. “Chúng tôi cầu nguyện xin ý ơn trên về lá thư này, và nói chuyện với một người bạn thường xuyên đến Trung Quốc để làm ăn. Người bạn nói anh ta có thể nhờ một người bạn tên là Annie Wu thử đi tìm cha mẹ ruột của Kati trên cây cầu.'
Vẫn theo lời Ken, 'Chúng tôi không muốn Kati liên quan đến một sự việc quá mơ hồ như thế này. Nhưng điều quan trọng với chúng tôi là cho cha mẹ ruột của con mình biết con gái của họ đã được nhận nuôi bởi một gia đình rất yêu thương cô ấy.”
Cây Cầu Gãy (Broken Bridge) tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang |
Đây là là cơ hội bằng vàng cho đài truyền hình. Họ lập tức phát sóng câu chuyện của Qian, Xu đi tìm đứa con gái đã bị bỏ rơi. Phim được mạng lưới truyền hình quốc gia Trung Quốc chiếu đi chiếu lại, và báo chí chú ý.
Một người bạn ở Hàng Châu nhìn thấy tin này trên truyền hình và nói với Qian và Xu là đã có tin tức về Jingzhi. Hai vợ chồng Qian và Xu đã hân hoan đi gặp Wu qua đài truyền hình đồng thời nhận được một lá thư ẩn danh từ hai vợ chồng người cha mẹ nuôi, và một số bức ảnh. Họ được hứa là sẽ có thêm tin tức.
Rất không may cho Qian và Xu, họ phải chờ thêm 10 năm nữa mới được gặp người con gái bằng xương bằng thịt. Lý do là sau khi báo tin cho họ, gia đình ông bà Pohlers đã yêu cầu Annie Wu chấm dứt mọi liên lạc với Qian và Xu ngay lập tức.
“Chúng tôi lấy những tin gì chúng tôi cần từ Annie, và thấy không cần tiếp xúc thêm nữa.” Ruth nói.
“Chúng tôi quan niệm rằng nên đợi khi Kati lớn lên và xem ý con có muốn có thêm tin tức hay không. Kati là con gái của chúng tôi. Vâng, Kati có cha mẹ ruột, nhưng mối quan hệ sâu sắc hơn với họ sẽ thực sự làm phức tạp mọi vấn đề.”
Annie Wu thay đổi số điện thoại để đảm bảo cắt đứt mọi liên lạc với Qian, Xu và giới truyền thông.
* Cuộc gặp gỡ trong mơ
Khi nhìn thấy tấm hình của Kati, cả hai ông bà Qian và Xu không nghi ngờ gì Kati chính là Jingzhi của họ. Kati có đôi mắt của mẹ. Và như một nhà thiên văn học mê say quan sát bầu trời không ngừng nghỉ để tìm kiếm tín hiệu đã thu được từ một thiên hà khác, cha mẹ ruột của Kati đã trở lại cây Cầu Gãy hàng năm trong ngày đầu của lễ hội Qixi.
Một ngày, nhà làm phim tài liệu Chang Changfu đã tìm gặp Qian và Xu.
“Tôi từng làm một bộ phim về việc trẻ con Trung Quốc được nhận làm con nuôi khắp thế giới, và được nghe một người bạn nói về đôi vợ chồng đã đi đến cầu gẫy để tìm con gái.” Chang Changfu nói. “Đó là một câu chuyện vô cùng hấp dẫn.”
Chang gặp Qian và Xu sau đó quyết định tìm cách để dò la tung tích cha mẹ nuôi của Kati, bằng cách sử dụng bằng chứng nhỏ bé mà ông có được đó là bức thư nặc danh do vợ chồng Pohlers viết. Bức thư từng nói rằng Kati đã được nhận làm con nuôi ở Tô Châu, rằng Kati bị viêm khớp lúc còn nhỏ, và họ hiện đang sinh sống ở Michigan.
Mạng lưới internet đã 'phù hộ' Chang, vì nhà làm phim tài liệu này tìm được một diễn đàn mà các cha mẹ nuôi người Mỹ từng nhận trẻ em từ trại mồ côi duy nhất của Tô Châu về làm con cùng chia sẻ kinh nghiệm. Chang tìm thấy một thông báo của Ken Pohler, đề cập là con gái mình lúc nhỏ từng bị đau đầu gối. Rồi lục tìm hình trên diễn đàn, ông tìm thấy một bức hình của Pohler trông giống hệt hình người đàn ông trong một trong những tấm hình mà Qian và Xu có.
Phải mất vài năm Chang mới thuyết phục được gia đình nhà Pohlers rằng ông chỉ có duy nhất một mục đích là giúp hai bên liên lạc với nhau. Hai vợ chồng Pohler giải thích cho nhà làm phim biết lý do tại sao trong quá khứ họ đã không liên lạc với cha mẹ đẻ của Kati và chờ cho đến khi Kati tròn 20 tuổi.
Hồi năm ngoái, ở tuổi 21, Kati đang chuẩn bị cho một học kỳ trong chương trình trao đổi sinh viên ở Tây Ban Nha, và chợt nghĩ “mọi người ở đó sẽ hỏi tôi về Trung Quốc và Mỹ. Theo lời Kati, 'khi tôi hỏi mẹ về quá khứ của mình, và khi mẹ nói, 'Cha mẹ cần cho con biết rằng, cha mẹ biết cha mẹ ruột của con ai.' Tôi đã rất sốc.'
Sau đó, Kati liên lạc với đạo diễn Chang và đồng ý trở thành nhân vật chính cho phim tài liệu về việc đi tìm con của cha mẹ ruột.
Và cuối cùng họ đã gặp được nhau trên cây Cầu Gãy.
Trong phút giây gặp gỡ, bà Qian òa khóc nức nở, khóc một cách không kiểm soát được, khóc như chưa bao giờ được khóc, những giọt nước mắt của nhiều năm khát khao thống khổ, và của quyết tâm không bỏ cuộc. Cuối cùng, con gái họ cũng đã về nhà.
Qian và Xu sau đó cho biết rằng họ có một chút thất vọng vì Kati đã không gọi họ bằng cha mẹ mà chỉ gọi tên. Họ cũng không nói chuyện với nhau được nhiều vì họ thì không nói được nhiều tiếng Anh, trong khi Kati không nói được tiếng Quan Thoại. Nhưng họ cảm nhận được rằng Kati là một cô gái thực sự tốt. “Chúng tôi giờ đây phải tự nhủ rằng con gái tôi đã lấy chồng đi xa”.
Kati ở nhà cha mẹ ruột hai ngày và ở chung phòng với người chị gái vốn chỉ biết nói tiếng Anh rất hạn chế.
“Thật là cảm động khi gặp gia đình. Tôi rất ngạc nhiên về cảm xúc vỡ bờ của người mẹ Trung Quốc của mình.” Kati nói.
Kati cũng hơi bị lúng túng bởi sự 'quan tâm đặc biệt' từ cha mẹ ruột. “Điều đầu tiên họ nói là con gầy quá, phải ăn nhiều hơn 'Nếu không chịu ăn, mẹ sẽ ép ăn, họ sẽ nuôi tôi. Tôi đoán họ rất buồn vì đã không có dịp săn sóc tôi trong suốt bao nhiêu năm qua!”
HG-Tr.Linh