Đỗ Thông Minh, Kẻ tìm đường hay người buôn chuyện.
Học giả Đỗ Thông Minh |
Giao Chỉ - San Jose 2017
Chủ nhật vừa qua ông Đỗ Thông Minh là diễn giả tại San Jose qua một đề tài văn hóa về Việt Ngữ được ghi lại theo bản tin sau đây: Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose và Nhóm Thân Hữu Đỗ Thông Minh Tại Bắc Cali tổ chức. Buổi hội thảo chủ đề "Tiếng Việt Mến Yêu" đã diễn ra lúc 9:30 AM Chủ Nhật ngày 02 tháng 7 năm 2017, tại Trung Tâm Cộng Đồng Việt Mỹ số 2072 Lucretia Ave, San Jose với đông đảo quan khách đến tham dự.
ĐỖ THÔNG MINH: Kẻ tìm đường
Đường đời trăm vạn nẻo
Đâu lối về cố hương?
Ông Đỗ Thông Minh 67 tuổi, sinh năm 1950, quê Nam Định, có vợ và 3 con, hiện định cư tại Đông Kinh, Nhật Bản.
Hơn 40 năm trước, các sinh viên Việt Nam còn trẻ du học tại Nhật Bản phần lớn rất tâm huyết trở thành các nỗ lực chính đầu tiên của cao trào hải ngoại chống Cộng. Anh em xứng đáng là hậu duệ của tiền nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ngày xưa. .
Sau 30 tháng 4-1975, sinh viên quốc gia chống Cộng du học trên thế giới đều bị hụt hẫng. Các anh chị em Việt Nam ở Đông Kinh cũng như vậy. Sau khi nỗ lực tìm cách giúp đỡ người tỵ nạn di tản thì nhóm này là những người đầu tiên nghĩ đến đầu cầu Thái Lan khi tìm đường trở về.
Tuy nhiên, tổ chức “Người Việt Tự Do” tại Nhật Bản gồm toàn các thanh niên còn trẻ, dưới 30 tuổi. Lòng hăng hái nhiệt thành sẵn có, nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm, không có phương tiện, chưa tạo được sự tin tưởng và hoàn toàn vô danh đối với cộng đồng tỵ nạn đã bắt đầu hình thành tại Hoa Kỳ. Họ đã từng đi qua Thái Lan, khi thăm dò, gặp sứ quân tướng lãnh Thái Lan, ai cũng bảo rằng, phải đi Mỹ tìm cho được một người đã từng đeo sao trên cổ áo.
Vì vậy, con đường về quê hương của người Việt Tự Do tai đất Phù Tang phải bắt đầu bằng chuyến đi tìm lãnh tụ.
Đỗ Thông Minh, trong những chuyến đi khởi đầu năm 1978, từ Đông Kinh qua Hoa Kỳ đã tiếp xúc với các hội đoàn và các vị tướng lãnh tỵ nạn. Ông muốn đi tìm một tướng công Việt Nam Cộng Hòa thật sự muốn dấn thân trở về.
Ông đã đi gặp nhiều các niên trưởng lãnh đạo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau cùng, ông đã gặp một người thợ sơn bất đắc dĩ ở Virginia đang bồn chồn nóng nảy muốn vất cây cọ để cầm lại cây súng, người đó là Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.
Ngày 15 tháng 6-1981, có ba người đại diện cho ba tổ chức đã ngồi lại để mở đường cho chuyến đi lịch sử. Tướng Hoàng Cơ Minh đại diện Lực Lượng Quân Dân, ông Trần Văn Sơn của tổ chức Phục Hưng Việt Nam và ông Đỗ Thông Minh của tổ chức Người Việt Tự Do. Ông Minh và ông Sơn đều thuộc Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã ngoài 45 tuổi, còn Đỗ Thông Minh mới có 31 tuổi. Ông Huỳnh Lương Thiện là người tiễn đưa tại phi trường. Tấm hình chup ba người không còn lưu lại. Ngày nay hai chiến sĩ hài quân Hoàng Cơ Minh và Trần Văn Sơn không còn nữa. Trải qua những ngày đầu hoạt động trong kháng chiến, sau đó cả Đỗ Thông Minh và Huỳnh Lương Thiện đều chia tay Kháng Chiến để tìm đường đi khác. Các anh chị em du học sinh VNCH tại Nhật Bản vẫn gắn bó và riêng phần ông Đỗ Thông Mình vẫn tiếp tục định cư tại Nhật và trở thành một trong những học giả hết sức nỗ lực trên con đường phục vụ Văn Hoá Việt tại hải ngoại.
Học giả Đỗ Thông Minh |
Ngày xưa, thời rất xa xôi bên Âu Châu có những tay thuyết giảng chống gậy đi từ bộ lạc nầy quá bộ lạc khác, đi từ làng này qua làng khác. Ngồi trên hòn đá cạnh bờ suối kể chuyện cho dân chúng ngồi dưới đất. Những chuyện gì đã xảy ra trong thiên hạ. Những tin tức lượm lặt trên con đường diễn giả đi qua. Những phong tục, những phát mình, những chuyện xấu tốt đã xảy ra và những lời khuyên dậy được ghi lại. Đó là những nhà hiền triết du thuyết hay các học giả truyền bá văn minh. Cũng đơn giản là những người kể truyện rong, các stories teller hay gọi là những người buôn chuyện. Nếu các phu nhận nhàn rỗi tán chuyện thiên hạ gọi là buôn chuyện thì đề tài buôn chuyện ở đây có ý nghĩa cao quý hơn. Nhà buôn không vì lợi nhuận thương mại mà hàng bán ra có giá trị văn hoa hấp dẫn.
Chủ nhật vừa qua ông Đỗ Thông Mình đã đem đến San Jose những câu chuyện vừa hấp dẫn vừa giá trị. Đặc biệt cử tọa lại là những thành phần hết sức lưu tâm đến đề tài của diễn giả với những nghiên cứu nhận xét tinh tế về Tiếng Việt. Hầu hết là các thầy cô tình nguyện dạy Việt Ngữ cho các con em Việt Nam tại địa phương đã có mặt. Riêng trung tâm Văn Lang với con số hơn 1000 học sinh và trên 100 thầy cô giáo đã tồn tại bền bỉ trên 30 năm là một niềm hãnh diện phi thường của cộng đồng Việt tại San Jose. Bài nói chuyện của ông Đỗ Thông Minh với những công trình nghiên cứu sâu rộng và tinh tế đã đem đến niềm tin yêu vào tiền đồ đất nước qua Tiếng Việt mến yêu. Trải qua ngàn năm nô lệ bởi giặc Tầu và trăm năm nô lệ giặc Tây mà Việt tộc vẫn trường tồn phải chăng chính vì Việt Ngữ. Bài Tình Ca bất hủ của Phạm Duy không phải là tình ca đôi lứa mà là tình yêu ngôn ngữ. Câu hát mở đầu: Tôi yêu tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi, thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi. Những tình tự này đưa người du học sinh hậu duệ của Đông Kinh Nghĩa Thục đi tìm đường phục vụ tha nhân qua văn hóa. Ông đã thấy lý tưởng là công việc của người buôn chuyện. Hơn 15 năm qua ông đi từ cộng đồng này qua cộng đồng khác, diễn giảng hơn 160 lần trong hành trình của Tây ba lô. Những câu chuyện văn hóa, ngôn ngữ, chính trị, thời sự đều trở thành các đề tài gần gũi với khán giả. Hậu phương của ông là gia đình tại Tokyo và tiền tuyến là cộng đồng Việt trên năm châu bốn bể. Ông là chiến sĩ cô đơn trên mặt trận văn hóa. Hải ngoại Việt Nam biết bao nhiều người, nhưng đi lang thang mà buôn chuyện, sao chỉ thấy có mình ông.