Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nhật Ký Biển Đông: Ô. Trump chọn Hoa Lục hay Đông Nam Á?


Nhật Ký Biển Đông: Ô. Trump Chọn Hoa Lục Hay Đông Nam Á?
Đào Văn Bình

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Năm ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:

-Newsweek ngày 16/5/2017: “Tổng Thống Nga Putin hỗ trợ sáng kiến của Hoa Lục mở Con Đường Tơ Lụa Mới mà Chủ Tịch Tập Cận Bình cam kết đóng góp thêm 124 ngàn tỉ đô-la cho dự án đã được công bố vào năm 2013 với cái tên Vành Đai và Trục Lộ. Nói chuyện tại diễn đàn Bắc Kinh, Ô. Putin nói rằng dự án là một nhu cầu rất cao và bảo đảm với cử tọa là Nga sẽ tham gia vào dự án này. Trong cuộc hội thảo hai ngày, Ô. Tập Cận Bình cố trấn an nghi ngại cho rằng dự án sẽ bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Âu Châu và Á Châu bằng cách nói rằng Trung Quốc sẵn sàng chia xẻ kinh nghiệm phát triển với tất cả các quốc gia. Chúng tôi không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác. Chúng tôi không xuất cảng hệ thống tổ chức xã hội của chúng tôi và mô thức phát triển và thậm chí không áp đặt quan điểm lên những quốc gia khác.”

-CNBC ngày 17/5/2017: “Một viên chức bộ ngoại giao xin được giấu tên cho biết Hoa Kỳ sẽ giảm nhẹ thêm lệnh cấm vận Iran để đổi lấy việc Ba Tư cam kết giới hạn chương trình hạt nhân theo như thỏa hiệp ký kết năm 2015. “

Như vậy Ô. Trump giơ cao đánh khẽ khi phải đối đầu với thực tế là nếu hủy bỏ thỏa hiệp và gia tăng cấm vận Ba Tư như lời hứa lúc tranh cử, thì chiến tranh Mỹ- Ba Tư có nguy cở xảy ra trong lúc Hoa Kỳ đang dính líu vào 5 cuộc chiến ở Trung Đông, chiến tranh lạnh với Nga và căng thẳng với Bắc Hàn trong lúc Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nói rằng một giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ là thảm họa với mức độ không tin nổi và Hoa Thịnh Đốn đang làm việc trên quy mô quốc tế để tìm một giải pháp ngoại giao. Một ông bộ trưởng quốc phòng của một siêu cường mà nói như thế thì sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên không phải “đồ rởm”. Hơn thế nữa Bắc Triều Tiên là vùng trái độn, là vành đai an toàn của Hoa Lục. Hoa Lục sẽ không bao giờ để Hoa Kỳ đánh xập vùng này. Cho nên ngay từ lúc đầu tôi đã nói, dù Ô. Trump tuyên bố rất mạnh, chỉ để hù dọa và một giải pháp ngoại giao cho Bán Đảo Triều Tiên là hợp lý nhất.

-Tổng Hợp ngày 21/5/2017: Trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống, ngày đầu ghé Saudi Arabia ký kết thỏa hiệp bán vũ khí 110 tỉ Mỹ Kim và có thể lên tới 350 tỉ trong vòng 10 năm, ngày hôm sau 21/5/2017 Tổng Thống Donald Trump đọc bài diễn văn trước các lãnh đạo quốc gia Hồi Giáo toàn thế giới tại Thủ Đô Riyadh của Saudi Arabia với những lời lẽ có tính toán hơn là những lời nói cường điệu trong thời gian tranh cử. Ô. Trump nói, “Đây không phải là cuộc chiến do khác biệt tôn giáo, khác biệt giáo phái hay khác biệt về nền văn minh. Đây là cuộc chiến giữa tội ác man rợ muốn tiêu diệt con người và những thành phần khả kính của mọi tôn giáo muốn đứng ra bảo vệ. Đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Nhưng chúng ta chỉ có thể thắng cái ác nếu có sức mạnh tốt và đoàn kết mạnh mẽ- và nếu mọi người trong phòng hội này chia xẻ trách nhiệm một cách công bình và hoàn thành trách nhiệm phần mình. Khủng bố đã lan tràn khắp thế giới. Thế nhưng hòa bình thì khởi đầu từ ngay đây (ngay chốn này) tại vùng đất cổ kính, tại vùng thánh địa.”

Ô. Trump muốn dùng diễn đàn thượng đỉnh Ả Rập để trình bày quan điểm của Hoa Kỳ về cuộc chiến chống khủng bố và kêu gọi các quốc gia Hồi Giáo cùng đứng với Hoa Kỳ trong cuộc chiến này. Theo tôi đây là việc làm cần thiết về mặt chính trị, còn mong chờ sự hợp tác thì thật khó khăn. Hiện nay chỉ có vài quốc gia Âu Châu như Anh, Pháp, Đức đứng chung với Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Iraq, Syria và Lybia nhưng chỉ ở mức độ “góp mặt” cho có lệ. Còn các quốc gia hăng hái tham gia như Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ chưa hẳn với mục đích tiêu diệt khủng bố mà để tiêu diệt phe Hồi Giáo hệ phái Shiite. Còn các quốc gia Hồi Giáo khác thì họ vô cùng thận trọng. Họ lên kế hoạch chống khủng bố ở ngay trên đất nước họ. Còn chuyện tham gia hay ủng hộ Hoa Kỳ hay Tây Phương trong các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Syria, là điều vô cùng tế nhị. Nếu họ lên tiếng ủng hộ hoặc tham gia, họ sẽ gặp ngay sự chống đối của thành phần Hồi Giáo cực đoan trong nước. Lợi chưa thấy, mà hại thì đến liền. Hầu hết các quốc gia Hồi Giáo còn lại đều giữ thái độ im lặng và họ sẽ tiếp tục giữ thái độ đó cho dù Ô. Trump có kêu gọi thế nào đi nữa. Tin tức cập nhật ngày hôm nay cho biết Do Thái lo lắng về thỏa thuận bán vũ khí khổng lồ với Saudi Arabia vì Do Thái lúc nào cũng muốn duy trì địa vị ưu thắng về vũ khí đối với các quốc gia Ả Rập. Thỏa thuận này sẽ làm Do Thái mất đi địa vị “số một”. Chính trị thế giới vô cùng phức tạp. Chơi với phe này thì mất lòng phe kia. Còn Ba Tư thì mỉa mai là Ô. Trump nên nhắc nhở Saudi Arabia đừng có gây nên một 9-11 thứ hai vì chính Saudi Arabia là nước tài trợ cho tổ chức khủng bố đánh vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

-Newsweek ngày 22/5/2017: Trong bài viết nhan đề “Chiến Tranh Lạnh Mới: Có Phải Nga Đang Dòm Ngó Hoa Kỳ Từ Nicaragua?” (New Cold War: Is Russia Spying On The U.S. From A Nicaragua Military Compound?) tác giả nói rằng, “Trong gần hai tháng, các viên chức Nicaragua đã dùng trạm vệ tinh thiết lập trong một doanh trại của Thủ Đô Managua để theo dõi các hành động chuyển vận ma túy, thiên tai và những đe dọa khác. Thế nhưng Hoa Kỳ lại lo ngại rằng Nicaragua muốn dòm ngó tới những chuyện không phải chuyện nội bộ. Nga đã tặng trạm vệ tinh này cho Nicaragua khi hai quốc gia gia tăng mối liên hệ quân sự, kể cả năm ngoái đã tặng 50 xe tăng T-72 hầu gia tăng sức mạnh quân sự của Nicaragua. Những món quà đắt giá của tình bạn quốc tế này đã gia tăng lo ngại là mục đích thật sự của “con mắt nằm ở trên trờ” này là theo dõi các hoạt động của Hoa Kỳ rồi báo cáo lại cho Nga. Theo Roberto Orozco- giám đốc điều hành của Trung Tâm Điều Tra và Phân Tích Chiến Lược- một tổ hợp nghiên cứu ở Managua nói với tờ Washington Post là, “Điều mà Nga muốn là sự hiện diện của hoạt động quân sự tại Nicaragua.”

-Al Jazeera.com ngày 25/5/2017: “Khối NATO đang thảo luận về việc gửi thêm quân tới A Phú Hãn để chống lại các chiến binh Taliban hiện đang chiếm thêm một số khu vực trong những năm gần đây. Tổng Thống Donald Trump đang nghiên cứu việc gửi thêm 3000 quân tới A Phú Hãn dưới ngọn cờ của NATO. Thế nhưng nhiều người ở A Phú Hãn không tin sự gia tăng quân ngoại nhập sẽ đem lại thay đổi đáng kể.”

Có thể để đáp lại dự tính này, ngày 30/5/2017, Taliban đã cho tiến hành một cuộc đánh bom tự sát tại khu vực dành cho các phái đoàn ngoại giao của Thủ Đô Kabul khiến 80 người chết, 360 người bị thương.

-Defence One ngày 28/5/2017: “Một thành viên của quốc hội Nga nói với các viên chức phụ trách an ninh của chính phủ rằng Nga buộc lòng phải xử dụng vũ khí nguyên tử nếu Hoa Kỳ hay NATO tiến vào miền đông Ukraine.”

-International Business Times ngày 29/5/2017: “Hoa Thịnh Đốn gửi thêm HKMH thứ ba cùng nhóm tàu tấn công tới tây Thái Bình Dương, gần vùng biển của Bán Đảo Triều Tiên, một cuộc phô diễn sức mạnh chưa từng có giữa tình hình căng thẳng trong vùng. HKMH Nimitz- một trong những chiến hạm lớn nhất thế giới sẽ cùng hợp nhất với hai HKMH Carl Vinson và Ronald Reagan đã có mặt tại đây.”

Đây là phản ứng để cảnh cáo việc Bắc Triều Tiên liên tục phóng thử các hỏa tiễn trong mấy ngày qua.

-AP ngày 30/5/2017: “Tổng thống Kenya vừa khánh thành dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất kể từ thời kỳ độc lập (1963) đó là hệ thống đường xe lửa do Trung Quốc hỗ trợ trị giá gần 3.3 tỉ đô-la nối liền một phần lớn của Đông Phi tới những hải cảng lớn tại Ấn Độ Dương khi Trung Quốc tìm cách gia tăng thương mại và ảnh hưởng vào Phi Châu.”

Tình hình Syria:

-Military.com ngày 15/5/2017: “Bá Linh chỉ trích quyết định của Ankara từ chối không cho phép các nhà lập pháp Đức viếng thăm một căn cứ của NATO gần biên giới Syria và cảnh báo Đức có thể di chuyển binh sĩ của họ tới một nơi khác. Bộ ngoại giao Đức mô tả đây là hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được khi Thổ cấm không cho phái đoàn viếng thăm căn cứ Incirlik ở nam Thổ mà liên minh quốc tế dùng để tấn công lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Đức có khoảng 250 binh sĩ đóng tại đây, lái máy bay thám thính Tornado trên không phận Syria và tiếp dầu cho lực lượng bạn chống lại các chiến binh Nhà Nước Hồi Giáo.”

Đúng là chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mới dám ngang tàng với các cường quốc Âu Châu, kể cả Nga cũng không dám làm như vậy. Thế nhưng Âu Châu không dám làm gì vì Thổ là quốc gia Hồi Giáo mà lại ở trong NATO. Vào ngày 16/5/2107, Tổng Thống Donald Trump đã tiếp kiến Tổng Thống Erdogan tại Tòa Bạch Ốc. Theo tường thuật của báo chí, mặc dù có sự khác biệt rất lớn về cuộc chiến tại Syria nhưng hai bên hoan nghênh thời kỳ mới của mối quan hệ khác với thời cựu Tổng Thống Obama. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, theo AP, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho Hoa Kỳ biết họ sẽ không tham gia bất cứ kế hoạch hành quân nào tại Syria nếu có sự tham dự của các chiến binh người Kurd và Tổng Thống Erdogan hứa sẽ đánh trả lực lượng người Kurd do Hoa Kỳ hỗ trợ nếu lực lượng này đe dọa an ninh của Thổ. Bộ ngoại giao Thổ cũng yêu cầu thay thế đại sứ Mỹ vì nghi ngờ ông này ủng hộ người Kurd. Thế nhưng bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Đại Sứ McGurk hoàn toàn được bộ tham mưu của Ô. Trump ủng hộ.”

Tất cả những diễn biến vô cùng phức tạp và trớ trêu nói trên cho thấy giải quyết cuộc chiến Syria không phải dễ. Không phải cứ nói là làm được. Hoa Kỳ đứng trước lựa chọn thật khó khăn, hoặc ngưng ủng hộ người Kurd hoặc mất Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình Biển Đông:

-International Business Times ngày 18/5/2017: “Một phụ tá cao cấp cho biết Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã từ chối khoản viện trợ 278 triệu Mỹ Kim từ Liên Hiệp Âu Châu (EU) để chứng tỏ Phi Luật Tân tự chủ về chính sách ngoại giao. Nhà lãnh đạo ăn nói thô tục này đã từ chối, để Liên Hiệp Âu Châu không thể can thiệp vào công việc nội bộ của Phi Luật Tân chẳng hạn như chiến dịch triệt hạ nạn buôn bán xì ke ma túy thật tàn bạo khiến khối Âu Châu chỉ trích và lên án.”

-Reuters ngày 19/5/2017: “Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte hôm nay nói rằng Ô. Tập Cận Bình đã cảnh cáo rằng nếu Phi Luật Tân triển khai phán quyết của Tòa Hague về Đường Lưỡi Bò và cho khai thác dầu khí tại vùng tranh chấp ở Biển Đông thì Hoa Lục sẽ gây chiến.”

Có thể Ô. Duterte chỉ “la Quảng la Tiều” hay đây là chiến thuật lên tiếng cảnh báo trước? Theo tôi nghĩ, nếu Phi Luật Tân tiến hành cho khai thác dầu khí tại Biển Đông thì quá lắm Hoa Lục chỉ phản đối hoặc cho tàu chiến tới đe dọa công ty khai thác chứ không thể “gây chiến”. Khi đó, một lần nữa Phi có thể nhờ Tòa Án Trọng Tài về Luật Biển phân xử và Hoa Lục có thể lại thua to một lần nữa.

Sau phán quyết của Tòa Hague, các nước như Việt Nam và Phi Luật Tân đang nắm chính nghĩa về mặt công pháp quốc tế và Hoa Lục ở vào thế hạ phong hay thế kẹt chứ không phải chơi. Việc Hoa Lục chịu ngồi vào bàn hội nghị để soạn thảo Bộ Quy Tắc Hành Xử tại Biển Đông cho thấy Bắc Kinh không thể hung hăng được nữa. Xin nhớ, tại Biển Đông, ngoài Việt Nam và Phi Luật Tân, còn có Hoa Kỳ, Úc Châu, Nhật Bản, Ấn Độ và có thể cả Âu Châu. Nếu Ô. Duterte khôn khéo về ngoại giao giống như Việt Nam là đừng căng thẳng với Hoa Kỳ thì thế liên minh Việt-Phi “vững như bàn thạch” chứ không phải chuyện đùa. Theo tôi nghĩ, Ô. Duterte nên củng cố liên minh Việt-Phi giống như cựu Tổng Thống Aquino đã làm.

-AFP ngày 19/5/2017: “Hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã nghênh cản một phi cơ Hoa Kỳ tại Biển Đông. Chiếc Constant Phoenix WC-135 có nhiệm vụ lọc không khí để tìm dấu hiệu của hoạt động nguyên tử. Hoa Kỳ đã chuyển đạt sự kiện này tới Trung Quốc theo đúng thủ tục ngoại giao và quân sự vì phi cơ tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế.”

Hiện nay Hoa Lục nằng nặc cho rằng Biển Đông và nhất là một số đảo tân tạo là “lãnh thổ” của họ. Mọi hoạt động trên biển cũng như trên không của bất cứ quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ là vi phạm, cho nên nếu là trên biển thì họ cho tàu chiến đâm húc, trên không thì họ cho phi cơ nghênh cản. Có lẽ Hoa Kỳ chỉ phản đối theo phương thức ngoại giao chiếu lệ chứ không thể làm gì hơn.

-AP ngày 20/5/2017: “Các bộ trưởng thương mại của Vành Đai Thái Bình Dương đã bắt đầu cuộc họp hai ngày tại Hà Nội để tập trung vào lãnh vực tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế toàn vùng giữa những lo sợ chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch gia tăng. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer thực hiện chuyến công du quốc tế, khởi đầu bằng cuộc họp 21 bộ trưởng của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Bên lề diễn đàn, 11 bộ trưởng thương mại có tham gia thỏa hiệp TPP dự trù họp vào ngày hôm sau 21/5/2017 để làm sống lại thỏa hiệp sau khi Hoa Kỳ rút chân ra. Ô. Alan Bollard- giám đốc điều hành của Thư Ký Đoàn APEC nói rằng các bộ trưởng sẽ thay đổi một vài điều khoản để đưa thỏa hiệp trở thành hiệu lực hoặc thảo luận thêm nữa.” Trong lúc đó, 16 bộ trưởng của dự án Hợp Tác Toàn Diện Vùng (Regional Comprehensive Economic Partnership) do Trung Quốc dẫn đầu sẽ có cuộc họp vào ngày 22/5/2017 tại Hà Nội để thảo luận thêm nữa về thỏa hiệp coi như để thay thế cho TTP. Thỏa hiệp dự trù chung kết vào cuối năm nay.

-AFP ngày 22/5/2017: “Vào hôm nay, Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte đã đáp máy bay đi Nga để gặp gỡ người hùng Putin, tìm kiếm vũ khí và lèo lái chính sách ngoại giao lánh xa đồng minh kỳ cựu Hoa Kỳ. Chuyến thăm 5 ngày sẽ củng cố thêm mối bang giao với Nga kể từ khi Ô. Duterte nắm quyền năm ngoái và bắt đầu tháo gỡ liên minh nhiều thập niên với Hoa Kỳ mà ông cho rằng đạo đức giả và bắt nạt Phi Luật Tân. Trước khi lên đường, Ô. Duterte nói với các ký giả, “Nga phải chấm dứt việc đứng bên lề của nền ngoại giao Phi Luật Tân. Việc quá lệ thuộc và đồng minh truyền thống đã giới hạn tính năng động của chúng tôi trong chính trường quốc tế.” Theo Sputnik News, trong buổi gặp gỡ Ô. Putin tai Mạc Tư Khoa, Ô. Duterte nói rằng Phi Luật Tân cần vũ khí của Nga để chống khủng bố và phiến quân Hồi Giáo. Ô. Duterte đã phải rút ngắn chuyến viếng thăm Nga để đối phó với quân khủng bố đã tiến chiếm một số khu vực ở Đảo Mindanao vừa được ban bố tính trạng thiết quân luật.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Phi Luật Tân đã theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương giống như Việt Nam. Nhưng Việt Nam không chỉ trích Hoa Kỳ, còn Ô. Duterte liên tục chỉ trích Hoa Kỳ. Theo tôi nghĩ, chính sách ngoại giao đa phương là khôn ngoan, nhưng vô cùng khó khăn. Muốn thành công thì không nên chỉ trích Hoa Kỳ hay bất cứ ai và theo kế sách “Làm mà không nói” và “Ngậm miệng ăn tiền”.

-VOA News ngày 22/5/2017: “Thủ tướng Việt Nam hy vọng tìm được câu trả lời cho Đông Nam Á về vai trò trong tương lai của Hoa Kỳ trợ giúp các quốc gia trong vùng chống lại sự bành trướng trong vùng biển rộng lớn đang tranh chấp. Tuần tới Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc - nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên viếng thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi Ô. Trump nhậm chức vào Tháng Giêng. Có thể ngoại thương và những tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Người tiền nhiệm Obama khá nôn nóng về chính sách “Xoay Trục” để giúp các quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh. Nhưng còn đường hướng của Ô. Trump đối với Đông Nam Á bây giờ thì chưa rõ.”

Trong buổi nói chuyện tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ngày 30/5/2017, Ô. Phúc cho biết Việt Nam sẽ ký kết những thỏa thuận với Hoa Kỳ nhập cảng thêm khoảng từ 15 tỉ tới 17 tỉ đô-la hàng kỹ thuật cao và dịch vụ. Hành động này có thể nhằm bù đắp lại lo ngại của Ô. Trump cho là Hoa Kỳ đã thiệt thòi khi làm ăn với Việt Nam.

Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam có lo lắng cũng là lẽ tự nhiên. Sau khi nhậm chức, Ô. Trump ký sắc lệnh hủy bỏ việc tham gia thỏa hiệp TPP rồi ân cần tiếp đón Ô. Tập Cận Bình và chủ trương lo cho nước Mỹ trước đã (America First), thiên hạ có ra sao cũng mặc kệ. Thế nhưng có điều trớ trêu là muốn lo cho nước Mỹ thì phải lo từ xa. Nếu các nước Đông Nam Á khuất phục trước sức mạnh của Hoa Lục thì Hoa Kỳ lâm nguy. Cho nên tôi vẫn giữ quan điểm là cuối cùng Ô. Trump cũng phải xét lại, cũng phải “trấn thủ” ở Đông Nam Á nếu không muốn Mỹ bị đẩy ra khỏi Thái Bình Dương. Chính các chiến lược gia Hoa Kỳ nói rằng, “Ai làm chủ Thái Bình Dương, người đó bá chủ thế giới”.

-ABC News ngày 23/5/2017: “Nhà cầm quyền Nam Dương nói rằng một vài tàu đánh cá Việt Nam đã thoát khỏi hải phận của họ sau khi tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp nói rằng vào ngày 23/5/2017 phía Việt Nam đã giữ một viên chức Nam Dương lúc đó leo lên một trong những chiếc tàu của Việt Nam và Nam Dương hiện giữ 11 ngư phủ Việt Nam. Theo Nam Dương, cuộc đụng độ xảy ra ở bắc quần Đảo Natuna nằm trong khu Đặc Quyền Kinh Tế của Nam Dương. Bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp Nam Dương nói rằng năm tàu đánh cá mang cờ Việt Nam đã bị các tàu tuần duyên ngăn chặn và kiểm soát được tình hình cho đến khi một tàu Cảnh Sát Biển của Việt Nam tông vào tàu đánh cá, trên đó có viên chức Nam Dương và làm chìm tàu này, nhưng không có ai bị thương. Sau đó tàu Nam Dương rút lui khi một vài tàu tuần duyên Việt Nam – thấy trên màn ảnh radar dường như đang tiến tới. Cảnh Sát Biển Việt Nam từ chối bình luận về vụ này.” Tin tức mới nhất cho biết hai bên đã đồng ý tiến hành cuộc điều tra để giải quyêt vụ đụng chạm này trong tinh thần hợp tác chiến lươc giữa hai quốc gia.

-Bloomberg News ngày 25/5/2017: Trong bài viết,” Sinh Viên Việt Nam Đổ Xô Du Học Nhật Bản”

(Vietnamese Students Are Pouring Into Japan), tác giả đưa ra nhận định, “Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Hoa Lục để tạo cơ hội và ảnh hưởng tại Đông Nam Á, Nhật Bản đang xâm nhập vào một mặt trận mới, đó là mặt trận văn hóa. Nhật Bản đã mạnh mẽ tuyển sinh viên ở trong khu vực, với hy vọng họ sẽ cải tiến mối liên hệ kinh tế với Nhật trong tương lai. Bởi vì Đông Nam Á là nơi đầu tư mấu chốt của Nhật và là nguồn tài năng quan trọng. Việt Nam đã chụp lấy cơ hội này. Hiện nay số sinh viên Việt Nam du học Nhật Bản kể cả các trường dạy tiếng Nhật đã gia tăng gấp 12 lần trong sáu năm tính tới Tháng Năm 2016, lên tới mức 54,000 sinh viên theo thống kê của Cơ Quan Sinh Viên Vụ.”

Vào đầu Thế Kỷ 20, Phong Trào Đông Du do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Cụ Phan Bội Châu sáng lập để giành lại độc lập từ tay Thực Dân Pháp. Ngày nay phong trào du học Nhật Bản lại là một phương thức nâng cao trình độ tri thức, khoa học, kỹ thuật để chống lại ảnh hưởng từ phương bắc. Một đất nước mà kinh tế không mạnh, trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu, thì không thể đề kháng lại bất cứ ngoại bang nào. Tôi không hề kỳ thị. Chỗ nào tốt thì mình học hỏi. Nhưng trong tình thế hiện tại, du học Nhật Bản vẫn tốt hơn du học Trung Quốc vì người sinh viên, ngoài kiến thức khoa học - kỹ thuật họ còn học được đức tính kỷ luật và tự trọng nơi người Nhật. Còn tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, chúng ta chẳng học được gì cả.

Nhận Định:

Reuters ngày 27/5/2017, trước chuyến công du Hoa Kỳ của Ô. Nguyễn Xuân Phúc, trong bài viết, “Việt Nam ở vào tình thế quyết định khi cân bằng ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Hoa Lục” (Vietnam is in a pivotal position as it balances the US and China) tác giả viết, “Việt Nam trở nên bồn chồn hơn nữa bởi việc Ô. Trump tiếp đón nồng hậu Ô. Tập Cận Bình mới đây để đối phó với chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ô. Carl Thayer - một nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại Học New South Wales, Úc Châu nói rằng việc Hoa Kỳ dồn nỗ lực/gắn chặt vào vấn đề Bắc Triều Tiên khiến Việt Nam lo ngại rằng vấn đề Biển Đông có thể bỏ ngỏ. Tại Hoa Thịnh Đốn, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Katrina Adam nói rằng sự hợp tác Việt-Mỹ là thành tố mấu chốt của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.” (Vietnamese nerves were jangled further by Trump's recent coziness with Chinese President Xi Jinping in trying to tackle North Korea's nuclear program. "The total fixation on North Korea had Vietnam quite worried that the South China Sea would be left wide open," said Carl Thayer, a Vietnam expert at Australia’s University of New South Wales. In Washington, State Department spokeswoman Katrina Adams said "the U.S.-Vietnam partnership is a critical component of U.S. foreign policy in the Asia-Pacific region".)

Rõ ràng như ban ngày ai cũng thấy, cả thế giới đều thấy; và dĩ nhiên các chiến lược gia Hoa Kỳ đã nhìn thấy từ thời Ô. Bill Clinton, Ô. Bush Con tới Ô. Obama, cho nên mới có chuyện bình thường hóa ngoại giao, hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam:

-Một Việt Nam mạnh lên về kinh tế và quân sự là lực cản tự nhiên đối với Hoa Lục.

-Một sự thăng bằng sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông là nhân tố tạo ổn định trong vùng và cũng là vành đai an toàn cuối cùng của Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ từ bỏ hay suy yếu tại vùng này thì an ninh của Hoa Kỳ lâm nguy.

Ô. Trump trong lúc tranh cử phải tấn công đối thủ để kiếm phiếu. Nay đắc cử rồi, trách nhiệm của tổng thống là bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ. Từ bỏ Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông, thì dù Ô. Trump có tăng chi phí quốc phòng lên gấy mấy cũng sẽ là thảm họa. Chúng ta hy vọng bộ tham mưu của Ô. Trump sẽ xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á. Theo Huffington Post ngày 24/5/2017, Hoa Kỳ đã cho tàu chiến đi vào bên trong 12 hải lý của bãi Đá Vành Khăn do Hoa Lục bồi đắp như một thách thức đầu tiên của bộ tham mưu của Ô. Trump. Nếu không làm mạnh hơn ở Biển Đông thì ít ra Ô. Trump cũng phải “Tái Cân Bằng Lực Lượng” (Rebalance Power) giống như thời Ô. Obama.

Phi Luật Tân ngày nay đã theo chính sách ngoại giao đa phương và thế yếu. Thái Lan, Lào, Căm Bốt, Miển Điện đã ngả theo Hoa Lục. Duy nhất chỉ còn Việt Nam là đủ khả năng đối đầu với Hoa Lục ở Đông Nam Á. Hơn thế nữa Việt Nam không bao giờ lên tiếng chỉ trích mà lại “welcome” Hoa Kỳ. Ôm lấy Hoa Lục, bỏ rơi Đông Nam Á thì Hoa Kỳ sẽ mất hết. Có thể ông Đại Sứ Ted Osius là người lo lắng nhất cho chính sách ngoại giao của Mỹ ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Nhưng nói đi thì phải nói lại. Biết đâu Ô. Trump đi nước cờ cao? Giả bộ “vui vẻ” với Ô. Tập Cận Bình nhưng rồi quyền lợi của Mỹ vẫn là tối thượng? Nếu làm chính trị mà “thẳng ruột ngựa” thì nên đi tu hay làm thầy giáo. Chúng ta chờ xem, sau cuộc gặp gỡ với Ô. Nguyễn Xuân Phúc mọi việc diễn biến như thế nào.

Đào Văn Bình
(California ngày 31/5/2017)