Matt Mahan

ads header

Breaking News

Vụ Bạch Hồng Quyền: Âm mưu, hay thật sự truy nã?

Bạch Hồng Quyền (Facebook Martha Linh)
Vụ Bạch Hồng Quyền: Âm mưu, hay thật sự truy nã?
Lê Anh Hùng - VOA - 15/05/2017

Giới đấu tranh trong nước nói riêng và những người quan tâm đến vận mệnh nước nhà nói chung đang xôn xao trước thông tin Công An Hà Tĩnh phát lệnh truy nã nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền vào ngày 12/5, sau khi bị khởi tố với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS.

Khuyến khích đối tượng bỏ trốn?

Liên quan đến những hoạt động của cộng đồng kể từ khi đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung tháng Tư năm ngoái, Bạch Hồng Quyền là một trong những nhân vật tích cực và hiệu quả nhất. Theo báo chí nhà nước, anh bị cáo buộc “chủ mưu, kích động vụ 2.000 người dân mang băng rôn, khẩu hiệu đến UBND huyện Lộc Hà khiếu nại bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trong hôm 3/4/2017”.

Trước đó, ngày 12/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh đã khởi tố cái gọi là “vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà”. Đến ngày 18/4, Công an Hà Tĩnh lại khởi tố bị can và ngày 19/4 thì phát lệnh “bắt bị can để tạm giam” đối với nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền.

Điều đáng nói là lệnh bắt anh Bạch Hồng Quyền lại được “ai đó” xì ra cho công chúng gần như ngay sau đấy, trong thời gian anh vẫn công khai đi lại ở Việt Nam. Biết Công an Hà Tĩnh ra lệnh bắt mình nên anh Quyền đã lui vào hoạt động bí mật.

Kể từ khi Công An Hà Tĩnh ra lệnh bắt anh Bạch Hồng Quyền cho đến khi họ phát lệnh truy nã anh là 23 ngày. Trong thời gian đó, với một lực lượng công an hùng hậu, lại được trang bị đủ mọi phương tiện, thiết bị hiện đại, nhà chức trách hoàn toàn có thể bắt được anh bất cứ lúc nào. Vậy nhưng, dường như họ lại không muốn làm thế, mà cứ cố tình “rung cây dọa khỉ” và tạo điều kiện cho anh trốn đi.

Đâu là lý do?

Mặc dù đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay vụ đại thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là sự kiện nóng bỏng trong dư luận người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh những người bị thiệt hại chưa được đền bù thỏa đáng hoặc thậm chí là chưa được đền bù, còn thủ phạm Formosa Hà Tĩnh thì vừa được nhà chức trách cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và tập đoàn mẹ Formosa thì lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án. Nghĩa là, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là một đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi.

Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt muốn khởi tố anh Bạch Hồng Quyền để hăm dọa dân chúng trong vụ Lộc Hà và ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, mặt khác họ lại sợ phiên tòa xét xử anh Quyền sẽ biến thành “ngày hội non sông”, khích động dân chúng ở Hà Tĩnh và Nghệ An nổi lên.

Theo BBC, trước thông tin anh Quyền bị khởi tố và truy nã, một số người dân tại huyện Lộc Hà tỏ ra bức xúc. Bà Tuyết, chủ cơ sở đông lạnh Anh Tuyết, nói với BBC: "Ở đây giờ không chỉ riêng bản thân tôi mà hàng trăm, hàng nghìn [người] sẽ xuống đường đồng hành cũng anh Quyền."

Anh Bạch Hồng Quyền là một người Công Giáo, một tôn giáo với số lượng tín đồ khoảng 7 triệu người, chỉ đứng sau Phật Giáo, và đặc biệt là rất đoàn kết. Những năm gần đây, Công Giáo không chỉ dám đương đầu, mà còn trở thành lực lượng đối đầu mạnh mẽ và kiên quyết nhất trước nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Việc một người Công Giáo bị kết án vì một việc làm công chính phục vụ lợi ích của cộng đồng và xã hội sẽ càng khiến họ đoàn kết hơn, và không loại trừ khả năng sẽ tạo ra một làn sóng hiệp thông ủng hộ anh trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, vụ xét xử chắc chắn sẽ vấp phải sự lên án mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế.

Những gì nêu trên giải thích cho lý do tại sao nhà cầm quyền Hà Tĩnh lại cứ dền dứ, như thể tạo điều kiện để nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền nếu muốn thì cứ việc bỏ trốn. Khi đó, phong trào đấu tranh dân chủ Việt Nam mất đi một biểu tượng mà lẽ ra sức lan tỏa sẽ được nâng lên với bản án một vài năm tù, còn nỗi sợ hãi và tinh thần rã đám thì như nọc độc lây lan khắp cộng đồng.