Sau Võ Kim Cự sẽ đến ai?
Người dân xuống đường phản đối Formosa ở Nghệ An, 5/3/2017. (Ảnh: Facebook Lê Văn Sơn) |
Sau Võ Kim Cự sẽ đến ai?
Lê Anh Hùng - VOA
Sự kiện ông Võ Kim Cự mới bị “cách” một loạt chức vụ mà ông ta nắm giữ trong thời gian làm lãnh đạo Hà Tĩnh, cụ thể là những vai trò liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, đồng thời đệ đơn xin thôi làm đại biểu Quốc Hội khóa 14 “vì lý do sức khoẻ” đang khiến dư luận bàn tán rôm rả, đặc biệt là trước hình thức kỷ luật kỳ quái dành cho ông ta.
Bỏ qua một bên tính chất khôi hài của việc ông Võ Kim Cự bị “cách” những chức danh thuộc thì quá khứ, động thái này cho thấy là liên quan đến đại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung, bánh xe công lý đã ít nhiều chuyển động, dù là “theo cách của Cộng Sản.”
Dĩ nhiên, dù không nói nhưng ai cũng hiểu rằng, với một đại dự án lên đến hàng chục tỷ USD, với diện tích mặt đất và mặt biển cho thuê rộng bằng 1,2 lần diện tích Macao, lại liên quan đến hàng loạt bộ ngành thì lãnh đạo một tỉnh như Hà Tĩnh không thể nào tự quyết được.
Theo mục (a) khoản (2) Điều 37 “Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư” của Nghị định 108/2006/NĐ-CP (“Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”) do Chính phủ ban hành ngày 22/9/2006, dự án Formosa Hà Tĩnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ Tướng Chính Phủ.
Đó là cơ sở pháp lý để ngày 4/3/2008, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải ký công văn hỏa tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.”
Tiếp theo, ngày 6/6/2008 ông Hoàng Trung Hải lại ký công văn số 869/TTg-QHQT, với nội dung chính là “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.”
Như vậy, quãng thời gian từ khi Formosa được phép lập dự án đầu tư và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến khi dự án và hồ sơ đó được chuẩn thuận chỉ vỏn vẹn 3 tháng 2 ngày.
Theo bài “Hồ sơ Formosa vào Hà Tĩnh được ‘gật’ một cách siêu tốc: Trách nhiệm của ai?” trên báo Lao Động thì ngày 21/5/2008, hồ sơ cấp phép của Formosa Hà Tĩnh đã được hoàn thiện chóng mặt và đặt lên bàn ông Võ Kim Cự.
Vài ngày sau đó, 12 bộ ngành, cơ quan là Bộ Kế Hoạch - Đầu Tư (theo Công văn số 3871/BKH-ĐTNN ngày 29/5/2008), Bộ Công Thương (Công văn số 4203/BCT-CNNg ngày 22/5/2008), Bộ Giao thông - Vận tải (Công văn số 4137/BGTVT-KHĐT ngày 30/5/2008), Bộ Tài nguyên - Môi trường (Công văn số 1932/BTNMT-TĐ ngày 30/5/2008), Bộ Khoa học - Công nghệ (Công văn số 1179/BKHCN-ĐTG ngày 27/5/2008), Bộ Xây dựng (Công văn số 995/BXD-KTQH ngày 28/5/2008), Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch (Công văn số 1995/BVHTTDL-KHTC ngày 29/5/2008), Bộ Tài chính (Công văn số 6127/BTC-TCĐN ngày 27/5/2008), Bộ Công an (Công văn số 1074/BCA-A11 ngày 28/5/2008), Bộ Quốc phòng (Công văn số 2808/BQP-TM ngày 4/6/2008), Cục Hàng hải Việt Nam (Công văn số 900/CHHVN-KHĐT ngày 23/5/2008) và Hội đồng Thẩm tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh (theo Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 29/5/2008) đã đồng ý 100% trước khi PTT Hoàng Trung Hải ký văn bản phê duyệt dự án vào ngày 6/6/2008.
Đúng là một hành trình siêu tốc, như tờ Lao Động đã nhận định. Và có lẽ ngay cả một học sinh phổ thông cũng trả lời được câu hỏi “Trách nhiệm của ai?” mà tờ báo đặt ra.
Với tư cách phó thủ tướng phụ trách kinh tế, dự án Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn nằm trong phạm vi chức trách của ông Hoàng Trung Hải. Không chỉ là người ký hai văn bản quan trọng nhất và mang tính quyết định dẫn đến sự ra đời của dự án, ông ta còn trực tiếp chỉ đạo quá trình thực hiện dự án và dành cho nó hàng loạt ưu đãi kịch trần mà không một dự án FDI nào ở Việt Nam dám mơ tới: miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền; chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cho áp dụng cơ chế đặc thù, linh hoạt để đáp ứng việc đưa lao động nước ngoài vào dự án Formosa; cho phép Formosa hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua, v.v.
Thậm chí, khi Formosa Hà Tĩnh đề xuất thiết lập cái gọi là “đặc khu kinh tế gang thép” vào tháng 6/2014, họ đã gửi thẳng công văn cho ông Hoàng Trung Hải, chứ chẳng buồn phải gửi cho lãnh đạo Hà Tĩnh hay bất cứ bộ ngành nào.
Điều đáng ngạc nhiên là, cho đến lúc này, ngoài ông Võ Kim Cự là cựu lãnh đạo Hà Tĩnh thì mới chỉ có vài quan chức Bộ Tài Nguyên - Môi Trường là bị “cách” những chức danh mà họ đã không còn nắm giữ từ lâu. Ngoài ra, chưa một lãnh đạo chính phủ nào bị báo chí chính thống nhắc đến tên chứ đừng nói là bị kỷ luật.
Trong khi đó, liên quan đến những sai phạm ở Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam giai đoạn 2009-2011, Bí Thư Thành Ủy TP HCM Đinh La Thăng đã bị Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương ĐCSVN đề nghị kỷ luật. Vì thế, câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là: với trách nhiệm trực tiếp và bao trùm trong một đại dự án mờ ám, dẫn đến một thảm hoạ môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, đồng thời tiếp tục là một hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, tại sao Bí thư Thành uỷ Hà Nội vẫn tiếp tục “bình chân như vại”?
Sau khi lập được hàng loạt “chiến tích” như “dâng” nền kinh tế Việt Nam, phần lớn các mỏ khoáng sản cùng 90% các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia (đặc biệt là những dự án nhạy cảm về an ninh quốc phòng) cho Trung Quốc, mở toang cửa ngõ biên giới Việt - Trung, hay băm nát quy hoạch Hà Nội, v.v… ngài cựu Phó Thủ Tướng phụ trách kinh tế đã đường hoàng chiếm lĩnh một chiếc ghế quan trọng trong Bộ Chính Trị.
Lần này, ngài Bí Thư Thành Ủy Hà Nội sẽ bị xử lý hay, theo “thông lệ” của hệ thống chính trị Việt Nam, hoạn lộ của ông ta sẽ còn thênh thang hơn?